Bâng khuâng chiều ba mươi

Cập nhật, 13:39, Thứ Tư, 22/01/2020 (GMT+7)

Vẫn là buổi chiều nhưng sao chiều ba mươi có gì khác lạ. Có phải trước giây phút chuyển giao giữa năm cũ và năm mới thì buổi chiều ba mươi tết làm cho người ta có chút gì bâng khuâng, chút gì tiếc nuối. Ngày cuối năm là dịp để mọi người nhìn lại 365 ngày đi qua trong cuộc đời với những buồn vui, được mất. 

Thuyền chất hết buồn vui năm trước/Đậu bến ba mươi mạn trĩu đầy (“Bậc mới thềm xuân”- thơ Đoàn Thịnh). Cuối năm rồi vồi vội những bán mua/Phố cũng chật những tính toan được mất/Cũ chưa qua và mới còn chưa thật/Bóng ai gầy gánh nặng những mưu sinh (“Ngày cuối năm”- thơ Nguyễn Lan Hương).

Theo phong tục người Việt Nam, ngày ba mươi tết trong nhà có nấu mâm cơm cúng lên bàn thờ gọi là rước ông bà, tổ tiên về ăn tết, mâm cơm cúng rước ông bà đã trở thành phong tục thể hiện lòng biết ơn, hiếu kính với ông bà, tổ tiên và những người đã khuất.

Trong thời khắc này, những thành viên trong gia đình dù bận trăm công ngàn việc, xa xứ làm ăn đều tranh thủ quay về. Người từ xa lắc về thăm viếng/Xuân sắc quê hương đẹp quá chừng (“Xuân”- thơ Bùi Giáng).

Tuy nhiên không phải nhà nào cũng được như vậy, bởi có những phận đời vì hoàn cảnh và nhiều lý do khác đã không kịp có mặt với gia đình trong buổi chiều ba mươi tết.

Chiều ba mươi hết năm rồi/ Nhà tôi riêng một mình tôi vắng nhà/ Tôi còn lận đận phương xa/ Để ăn cái tết thật là vô duyên (“Xuân về nhớ cố hương”- thơ Nguyễn Bính).

Và còn nỗi niềm nào hơn, trong khi ngoài kia xuân đang về rộn rã thì bên mình thiếu vắng hình bóng người thương. Em ở nơi nào, có còn mùa xuân không em?/Rừng ngàn lá gió, từng đêm nhắc nhở, thì thầm/Mai lỡ không về, chắc anh buồn biết mấy/Dáng nhỏ xuân xưa cũng nhớ đêm ngày (“Nhớ nhau hoài”- thơ Thiên Hà, nhạc Anh Việt Thu).

Chiều nay, một buổi chiều ngày ba mươi tết, có một chút nắng rắc vàng trên những nụ mai vừa chớm nở, gió chướng tràn về làm lao xao cây lá một góc vườn.

Chợt nghe cất lên một điệu valse nhẹ nhàng, kể về một tình yêu đẹp. Họ tạm xa nhau để lên đường làm nhiệm vụ xây dựng quê hương đất nước sau ngày giải phóng, càng làm nhân đôi nỗi niềm bâng khuâng, trống vắng trong tôi.

Đi qua vùng cỏ non ngỡ mùa xuân đang đến/Bâng khuâng chiều ba mươi tóc em xanh màu trời…(“Đi qua vùng cỏ non”- nhạc Trần Long Ẩn).

Chiều ba mươi. Hoàng hôn ơi, xin đừng buông vội, để kịp gửi chút bâng khuâng về phía xa vời, để ta ngóng ra đường chờ bóng dáng một người thương!

TRẦN THẮNG