Truyện ngắn

Bộ tách trà

Cập nhật, 16:49, Chủ Nhật, 29/12/2019 (GMT+7)

Ông Năm thức thật sớm sắp xếp lại bàn ghế, lau chùi tấm bằng Huân chương Kháng chiến của mình. Rồi ông mở tủ lấy bộ tách trà để giữa bàn. Bộ tách trà này chỉ khi có khách quý hay nhà có ngày giỗ, tết ông mới lấy ra. 

Tranh minh họa: Trần Thắng (TP Vĩnh Long)
Tranh minh họa: Trần Thắng (TP Vĩnh Long)

Mỗi lần nhìn ngắm bộ tách trà làm ông nhớ đến một thời anh em cách mạng sống ở nhà ông. Họ thường quây quần quanh bộ tách trà vừa uống nước, vừa bàn công việc. Những cái tên như thằng Út, anh Bảy, cô Phúc,… bên bộ tách trà, nghe thân tình như anh em trong gia đình.

Tuy đất nước giải phóng đã lâu, những người làm cách mạng ngày xưa, người còn người mất. Nhưng mỗi lần nâng ly trà lên môi, ông lại bồi hồi nhớ lại từng gương mặt, từng cử chỉ, tính nết của mỗi người.

Rồi biết bao nhiêu kỷ niệm về họ chợt hiện về. Chỉ xung quanh bộ tách trà nhưng lại có biết bao nhiêu câu chuyện về họ, trong đó có ông.

Ông còn nhớ như in hôm ấy, tiếng súng từ đồn vẫn vọng lại ngày càng nhiều hơn, ngày càng gần hơn. Ông bà ngồi trong “trảng xê” theo lời dặn của thằng Út, lúc chạng vạng tối “đêm nay ông bà đừng ra khỏi trảng xê, chúng tôi đột kích đồn đó”.

Dù biết trước, nhưng vợ chồng ông cũng vô cùng lo lắng. Không biết có chuyện gì xảy ra đối với họ không? Bởi chỉ một người trong số họ bị bắt hay bị thương thì ông cũng xót xa như chính người thân của mình vậy.

Rồi tiếng súng nổ dữ dội hơn ở phía đồn, khiến ông Năm càng thêm lo lắng. Bỗng có tiếng gọi bên ngoài trảng xê:

- Tui bị thương rồi ông Năm ơi!

Ông Năm chui ra khỏi cửa trảng xê, dưới ánh trăng sáng mờ mờ, ông nhận ra thằng Út nằm trên mặt đất. Ông vừa nâng đầu người ấy vừa hỏi:

- Trời! Mày hả Út?

Rồi ông phát hiện ở phía bụng thằng Út máu ra rất nhiều. Ông chạy vào nhà lấy cái khăn rằn, cột ngang vết thương. Ông nghĩ thằng Út bị thương như thế này nếu đem giấu vào hầm bí mật sẽ chịu không nổi.

Nghĩ vậy nên ông cõng thằng Út xuống chiếc xuồng nhỏ, rồi dắt vào bụi dừa nước ngụy trang cẩn thận. Tuy thằng Út không nói được câu nào với ông, nhưng ông đoán biết được lần chụp đồn này lành ít dữ nhiều đây!

Vì vậy ngồi trong trảng xê nghe tiếng súng ở ngoài đồn diễn ra thành từng đợt ông sốt ruột không yên. Ông lo lắng không biết thắng Út nó có chịu nổi đến khi những người đồng đội khác trở lại hay không! Rồi đâu khoảng một tiếng sau, có người đến hỏi:

- Đồng chí Út có về đây không anh Năm?

Ông Năm lại chui ra trảng xê, thấy anh Bảy- người chỉ huy, ông liền trả lời ngay:

- Tôi đã băng bó và giấu nó trong đám lá bên kia sông.

Nghe nói ba bốn người họ lội xuống mé bãi, định đưa thằng Út về vùng kháng chiến. Nhưng vì vết thương quá nặng, Út đã tắt thở. Đâu khoảng một giờ tối, tiếng súng tạm yên, nhưng tiếng chó trong xóm vẫn sủa không ngớt. Lúc ấy, có người đến gõ cửa. Nghe tiếng “cộc cộc”, bà Năm tay run lên bần bật, bà hỏi:

- Ai vậy?

Có người bảo:

- Tôi là người của tổ chức đây.

Bà Năm với lấy cái đèn dầu định bưng ra ngoài phía cửa. Người ấy nói thì thào:

- Bà đừng bưng đèn, hãy tiến ra ngoài phía vách để nghe thông báo về sự việc liên quan đến gia đình bà.

Bà Năm đặt đèn trở lại bàn, trong bóng tối lờ mờ, bà lần theo bộ bàn tiến ra phía vách, người ấy nói:

- Chúng tôi đột kích đồn bị thất bại. Tổ chức nghi ngờ do tên Đông đã chiêu hồi và tiết lộ tin này. Nếu vậy, ngay bây giờ ông bà phải đi khỏi nơi đây.

Nói rồi người ấy vụt biến mất trong bóng đêm mà không hề có tiếng động gì. Trong không gian yên tĩnh, tiếng chó sủa xa xa vẫn vọng lại. Tâm trạng bà Năm vô cùng lo lắng. Lúc này, ông Năm cũng bước ra, bà hỏi:

- Ông đó à? Tự nãy giờ, tôi lo đến phát sốt lên đây.

Ông Năm hỏi bà:

- Có chuyện gì mà tôi thấy bà lo lắng đến quá vậy?

Bà Năm bảo:

- Mấy ổng bảo có thể tên Đông đã chiêu hồi, chúng ta phải đi khỏi nhanh nơi này tránh khỏi phải bị bắt. Nhanh như cắt, ông Năm ra gốc tre cuối vườn, ra ám hiệu, nắp hầm được mở ra, anh Bảy trèo ra khỏi cửa hầm như một con sóc. Thấy họ, ông Năm thông báo ngay:

- Tổ chức vừa cho người đến thông báo, tên Đông đã chiêu hồi, chúng ta phải thoát khỏi nơi này càng nhanh càng tốt. Nhưng các anh cứ ở lại, chỉ có vợ chồng tôi sẽ ra đi thôi, vì tên Đông chỉ biết tôi nuôi chứa các anh thôi. Hắn không biết trong vườn nhà tôi có hầm bí mật, nên tạm thời các anh vẫn được an toàn.

Nghe nói đến đây, bà Năm nhớ lúc bà đi liên lạc với các tổ chức thuộc các gia đình nuôi chứa trong xóm, bà đã gặp tên Đông này ngồi bên đĩa bắp nấu vẫn còn nóng hôi hổi. Hắn có đưa bà vài trái nên hắn nhất định biết mặt bà mà khai ra thôi.

Vậy nên, bà phải chuẩn bị đồ đạc chất lên xuồng càng nhanh càng tốt. Lúc ông bà vừa chuẩn bị đi, thì anh Bảy gọi lại:

- Khoan đi anh Năm, mấy năm ở nhà anh, chúng tôi được vợ chồng anh nuôi nấng và bảo vệ như anh em ruột trong nhà, nay chúng tôi phải liên lụy đến vợ chồng anh làm anh phải trốn tránh đi nơi khác.

Không có gì làm kỷ niệm trong giờ phút chia tay như thế này. Thôi anh hãy lấy bộ tách trà này làm kỷ niệm về anh em chúng tôi nhé!

Ông Năm bảo:

- Chiến tranh loạn lạc, những chuyện nguy hiểm như thế này xảy ra là bình thường. Sự việc như thế này cũng tại tên Đông phản bội chúng ta, chứ đâu phải tại các anh đâu.

Nói rồi ông Năm đưa tay đón nhận bộ tách trà đưa cho bà Năm chất xuống xuồng, rồi ông ôm lấy cổ anh Bảy, ai nấy đều rưng rưng nước mắt.

Thế rồi, ông bà Năm sống cuộc đời tha hương nơi đất khách. Những người cách mạng ấy cũng mất liên lạc nhau từ đó.

Những năm sống xa quê, ông nhớ da diết cái xóm nhỏ của mình. Nhớ những người lính cách mạng cùng ăn cùng ở trong nhà được ông bảo bọc cẩn thận. Những lúc như vậy ông thường lấy bộ tách trà ra pha bình trà ngon rồi cùng ngồi nhâm nhi cùng những người bạn tản cư.

Bên tách trà ngon, ông kể cho họ nghe nhiều chuyện, nhiều đức tính tốt về họ. Cứ mỗi lần ông kể là những người bạn của ông nghe đến say sưa.

Hôm nay may quá, ông Năm gặp được những người trong xóm cũng tản cư ra, ông hỏi thăm tình hình ở xóm không ngớt. Người ấy kể rất nhiều chuyện không sót chuyện nào:

- Xóm mình bây giờ buồn bã lắm anh Năm ơi! Hôm bữa anh đi rồi, tờ mờ sáng hôm sau lính đồn đã đến bắt hết những cơ sở nuôi chứa cách mạng, chúng tra tấn hết sức dã man buộc họ phải khai ra những người mà họ đã từng nuôi chứa.

Có nhiều người dù bị đòn roi nhưng vẫn cắn răng không nói lời nào, có người chịu không nổi sự đánh đập cũng phải khai ra. Vì vậy có một số đồng chí cũng bị chúng bắt.

Nghe đến đây, mặt ông Năm buồn hẳn đi, rồi ông thở dài hỏi người ấy:

- Rồi anh có nắm được tình hình anh Bảy như thế nào không?

Người đó bảo:

- Cũng bị bắt và hy sinh rồi. Sau khi bao vây hầm, chúng bắn anh tại đầu xóm để thị uy.

Ông Năm lắp bắp:

- Sao? Anh Bảy... anh Bảy... chết rồi sao? Sao bọn chúng biết hầm bí mật mà bao vây?

Người ấy bảo:

- Thì tên Đông dẫn tới không thấy ai trong nhà anh, chúng tức lắm đốt nhà của anh luôn. Vậy mà tên Đông vẫn không chịu bỏ qua. Hắn nói là nhất định sẽ có hầm bí mật trong vườn nhà anh, nên cho quân lùng sục khắp nơi, cuối cùng tìm ra cửa hầm tại bụi tre cuối vườn.

Ông Năm nghe người ấy kể mà miệng há hốc, cổ họng nghẹn ứ lại không nói được lời nào. Rồi ông ngồi thụp xuống trên chiếc sạp xuồng, mặt tái nhợt như người vừa mới bị trúng gió. Hồi lâu, nước mắt ông mới chảy ra được và khóc thành tiếng như một đứa trẻ đòi mẹ mua quà. Thấy vậy người kia an ủi:

- Thôi đừng buồn nữa anh Năm! Chúng ta cũng làm hết sức mình cho mấy ảnh rồi. Qua thế giới bên kia chắc rằng họ cũng vui vẻ với việc làm của mình mà!

Ông Năm trả lời:

-Tôi không ngờ tên Đông lại xảo quyệt đến thế! Biết sớm vậy tôi khuyên các anh ấy đổi địa điểm thì đâu có chuyện gì xảy ra.

Người ấy trả lời:

- Nhưng biết đi đâu bây giờ, vì toàn bộ xóm nhỏ của mình đêm ấy đã bị bao vây hết, biết bao nhiêu nơi nuôi chứa cán bộ bị tên Đông khai ra hết, biết còn thoát đường nào nữa.

Cũng từ cuộc trò chuyện với người cùng xóm tản cư lên hôm ấy, ông Năm không còn dùng bộ tách trà ấy nữa, mà cất chúng rất cẩn thận trong sạp xuồng. Ông bà coi tách trà ấy như một báu vật.

Rồi hòa bình lặp lại, ông Năm trở về quê cũ, tháng ngày vui sống với mảnh vườn, thửa ruộng. Ông đem bộ tách trà ngày xưa chưng một nơi trang trọng trong tủ kính.

Thỉnh thoảng khi đến ngày lễ tết, ông thường lau chùi bộ tách trà, châm bình trà thật ngon, khấn vái những người cách mạng kiên cường năm xưa cùng về vui với ông bên tách trà nóng.

Hay những lúc nào nhớ đến những người kháng chiến, ông đem bộ tách trà ra châm bình trà thật ngon, rồi mời những người bạn già cùng thưởng thức, vừa nghe ông kể về những chuyện năm xưa.

Cứ người này một câu, người kia một câu, nhưng qua những câu chuyện người nào cũng thể hiện một thời mình đã sống tốt với quê hương, với đất nước này, đặc biệt là với cách mạng.

Ngày xưa sống tốt nên bây giờ cũng dạy bảo con cháu của mình sống tốt như vậy, nên qua bộ tách trà ông Năm còn giáo dục con cháu trong gia đình về truyền thống cách mạng ở gia đình, ở địa phương. Hầu như mọi thành viên trong gia đình đều hiểu bộ tách trà đối với ông là một vật quý của gia đình.

Thế nhưng có một lần, trong một buổi mừng thọ cho ông, con cháu tề tựu về đông đủ. Đứa con ông đứa nào cũng có một món quà vừa để tặng mừng thọ cho ông, vừa muốn tạo ra một yếu tố bất ngờ. Thằng con lớn biết ông thích bộ sừng hươu nai đóng vào tường nên lặn lội tìm mua.

Trong bữa tiệc nhận được món quà như vậy ông vui mừng lắm. Còn đứa con dâu của ông cũng muốn lấy điểm trong mắt ông. Nó dẫn ông đến bên tủ kính chỉ cái bình trà mua từ Trung Quốc. Đây là bộ bình đắt tiền mà hoa văn còn rất sắc sảo. Cô ấy bảo với ông:

- Tía xem đây là bộ bình trà con mua tặng tía đây, tía có thích không?

Đang vui vẻ, mặt ông Năm trở nên biến sắc, miệng của ông mấp máy:

- Còn... còn bộ bình kia của tía đâu?

Con dâu của ông không biết chuyện gì nên bảo:

- Con thấy bộ tách trà của tía quá xấu nên mua bộ mới hơn đổi tía, còn bộ cũ con bảo bé Tâm nó quăng ra bụi tre rồi!

Cả nhà ai nấy mặt xám xanh. Ông Năm thất thần ngồi thụp xuống bộ ghế không còn nói được lời nào, giống như ngày xưa ông nghe anh Bảy hy sinh vậy đó. Hồi lâu ông bảo:

- Mau coi nó quăng chỗ nào ra lấy đem vào đây cho tía!

Đứa con dâu thấy tía nói vậy ra lấy đem vào. Cái bình đã vỡ ra làm nhiều mảnh, còn bộ tách, cái thì còn nguyên vẹn, cái trở nên sứt mẻ. Nhìn thấy bộ tách trà như thế ông Năm đã đổ bệnh.

Thằng con trai ông thấy vậy nó đem keo cẩn thận tỉ mỉ hàn từng miếng đã bị sứt mẻ nhưng cũng không làm vui lòng được tía nó. Cũng từ hôm đó, ông Năm lúc nào cũng thức bên bộ tách trà.

Rồi một ngày, khi mọi người thức giấc thì đã thấy ông nằm chết bao giờ bên tách trà. Con dâu của ông vô cùng ân hận vì sự vô tình của mình.

Nhưng cũng nhận được sự thông cảm trong gia đình, bởi hành động của cô cũng muốn tía của cô vui, mà không biết bộ tách trà đã theo ông gần suốt cả cuộc đời. Sau ngày ấy, bộ tách trà tuy không còn được nguyên vẹn nhưng vẫn được giữ gìn nơi cũ, bên tấm bằng Huân chương Kháng chiến của ông Năm.

MINH ĐIỀN