Chuyện quê

Nghề cắm câu

Cập nhật, 13:48, Thứ Ba, 03/12/2019 (GMT+7)

Sau giải phóng khoảng non một thập niên, người làm nghề cắm câu có thể nuôi sống cả gia đình. Nó cũng là “nghề tay trái” của nhiều nông dân sau vụ cấy để có thêm thu nhập...

Hồi ấy, vào mùa cắm câu, nước trên các cánh đồng đã dâng đầy tràn, lúa bắt đầu bén rễ vươn lên xanh mượt. Những tháng tiếp đó phù sa theo con “nước nổi” tràn về khắp các cánh đồng, biết cơ man nào là cá tôm sinh sôi.

Thiên nhiên có vẻ hào phóng ban tặng cho con người ở đồng bằng một nguồn lợi tưởng chừng như vô tận… 

Để khai thác nguồn cá tôm, người đồng bằng có nhiều cách đánh bắt từ đơn giản đến phải dùng công sức của nhiều người, trong đó có một cách bắt cá chỉ cần một người thực hiện trông có vẻ rất tài tử được người địa phương ưa thích là cắm câu.

Nói về sức hấp dẫn của công việc này, hồi ấy trong hàng cán bộ kháng chiến lúc vui vẻ bên bàn rượu nói về bước tiếp theo lúc về vườn thường được họ biểu hiện bằng câu hát nhại theo điệu ca tài tử “Trăng thu dạ khúc” với phần chấm hết là “… anh về quê, anh… cắm câu!”…

Muốn cắm câu, công việc đầu tiên tất nhiên là phải sắm cần câu, không phải một mà rất nhiều cần, tùy theo mục đích. Nếu để cải thiện bữa ăn hàng ngày cho gia đình thì vài chục cần câu, nhưng với một người muốn có tiền nuôi gia đình thì phải từ một trăm cần đổ lên.

Để làm cần câu, phải cố công tìm cho được loại tre gai giao lóng đủ già để có thể sử dụng nhiều năm. Cây tre sau khi hạ xuống được cắt thành từng đoạn dài khoảng 1,2m, đây là độ dài của chiếc cần câu tương lai.

Người khéo tay khi cắt đoạn luôn cố ý làm thế nào để bất cứ đoạn tre nào cũng bắt đầu tại một mắt tre, để khi chúng được chẻ thành những thanh nhỏ làm cần câu thì chút mắt tre ở đầu cần đó sẽ được vót thành một cái mấu chặn tự nhiên rất chắc chắn cho sợi nhợ câu.

Nhưng trong việc vót cần câu cắm, khâu quan trọng nhất vẫn là việc vót phần dưới cái mấu đó được gọi là “lá lúa”.

Đây là đoạn dài khoảng 30cm được vót bỏ phần ruột tre từ từ mỏng dần về phía cái mấu và gần như hầu hết đoạn này chỉ còn lại phần cật tre, lúc đó cả đoạn trở nên rất linh hoạt có thể xoay qua lại cả hai phía với một góc gần 180 độ so với trục cần câu.

Về mặt kỹ thuật, nó góp phần quan trọng trong việc làm con cá bị mắc lưỡi câu khi đớp mồi. Phần còn lại của cần câu được vót tròn như vót đũa và phía cuối của nó được vót nhọn để người sử dụng dễ dàng cắm cần câu vào đất khi đã móc mồi vào lưỡi câu, chính vì vậy nó mới được gọi là cần câu cắm.

Việc cuối cùng là làm một cái móc, nó có thể làm bằng dây kẽm hay nhợ câu buộc vào thân câu ở đoạn hơn nửa dưới cần câu, để khi đoạn gân làm dây câu một đầu đã buộc chặt vào dưới mấu câu thì đầu còn lại có lưỡi câu sẽ móc vào đây khi không sử dụng, tạo cho cần câu có hình dạng như chữ “f” rất đẹp và rất gọn gàng lúc bó chúng thành một bó.

Nói đến nghề cắm câu là nhắc đến những người chuyên đi cắm câu để nuôi sống gia đình theo mùa lúa. Thời ấy, trên các trục giao thông, thỉnh thoảng người ta hay gặp họ đáp xe lam đi những đoạn đường ngắn để hành nghề.

Nơi họ đến là những cánh đồng có nhiều cá tôm quen thuộc. Họ đi một mình, có khi thành nhóm 2- 3 người cho có bầu bạn.

Đồ nghề của họ khá lỉnh kỉnh được sắp xếp rất hợp lý phủ kín cả 2 đầu của chiếc đòn gánh. Đó là các cần câu, gáo đựng mồi câu, một cây đèn rọi sử dụng dầu lửa, một cái vợt lưới nhỏ; cái võng hay nóp để ngủ tạm qua đêm và chống muỗi, vải mủ che mưa, cái hăng gô đựng cơm và 2 cái giỏ đựng cá (một lớn, một nhỏ)…

Dĩ nhiên trong túi họ không thể thiếu một ít tiền lẻ để đi xe, thuốc hút để giết thời gian giữa 2 lần thăm câu còn có tác dụng chống lạnh và đuổi muỗi, đặc biệt là không thể thiếu một vài liều thuốc thông thường và thuốc chống nọc rắn để đề phòng bất trắc. Người viết có làm quen một vài người có tay nghề cắm câu ở huyện Vũng Liêm.

Những lúc vui vẻ, họ tâm sự: Đã là nghề thì có nghiệp- nói theo người nhà Phật- cái nghiệp của họ có từ chuyện mê nghe tiếng cá quẫy trên đồng, mê cái cảm giác tê tái khi nắm chặt được con cá vừa dính câu trên tay… để rồi phải bì bõm trên đồng thâu đêm vì cái nghiệp cắm câu khó bỏ!

Nơi mà nhóm thợ câu này thường đến là các cánh đồng hai bên lộ Hàng Me, các đồng thuộc xã Trung Hiếu, Hiếu Phụng của huyện Vũng Liêm và vùng xung quanh Bưng Sẩm của huyện Trà Ôn…

Ông Mạc Văn Môn ở xã Trung Hiếu, một cán bộ có nhiều năm lăn lộn với nghề cắm câu ở các vùng vừa kể để nuôi sống gia đình vừa làm tấm bình phong để hoạt động cách mạng trong thập niên 1960- cho biết: Nghề nào cũng có bí quyết của nó, bí quyết của nghề cắm câu thì nhiều, nhưng chủ yếu tập trung ở 3 khâu: mồi, cách cắm câu và nơi câu.

Tùy nơi câu mà quyết định, 2 khâu còn lại khó mà nói hết. Với ông, việc cắm câu là quá dễ. Ông hay cười sảng khoái: “Cứ cắm câu thì chắc có cá ăn, cá đói thì phải ăn mồi rồi dính câu, nơi không còn cá thì Thần Câu cũng phải chịu…”.

Ông truyền cho người viết một số mánh nhỏ: lưỡi câu cắm phải luôn bén ngót mới không sẩy cá; đừng lội vô giữa ruộng cắm câu chủ ruộng không thích vì đạp hư lúa, cứ cắm quanh ruộng kết quả cũng vậy; khi cần câu dính cá lớn đừng hấp tấp nếu không có vợt thì… cởi quần làm vợt.

Ông đã từng làm thế trên cách đồng Hiếu Phụng để bắt được cả một cặp cá trê dừa đang dọn ổ, mỗi con nặng cả ký lô. Ông cũng truyền cách bắt các con rắn lớn ăn cá dính câu…

Có nhiều chuyện khá lý thú quanh cái mồi câu, như câu mồi chạy bằng con nhái thì phải là nhái đồng xa để chúng lạ nước luôn nhảy choi choi mới nhạy…

Cũng lắm chuyện về mồi thuốc, có lần người viết hỏi một tay chuyên sát cá trê bằng câu cắm, bạn bè đồn ông ta có bài thuốc gia truyền vò viên với đất sét làm mồi câu là bá cháy!

Còn ông ta cười hề hề vì sự tò mò này: “Có gì đâu, tao quết đất sét với… cứt rồi vò viên lại…” Người viết kể chuyện này với các láng giềng của ông thì họ cười lăn ra…

Theo tập quán của người đồng bằng “chim trời, cá nước”, cá trên mọi cánh đồng là của trời cho, người bắt không cần phải xin ai...

Chạng vạng là thời điểm bắt đầu mẻ câu quan trọng nhất trong ngày, để cắm cả trăm cần câu mà không bị thất lạc mỗi người có cách riêng của mình, thường là khoảng đếm bước chân…

Khi cắm xong hết các cần câu, những lần nhận thấy trúng cá họ trở lại thăm ngay các cần câu vừa cắm. Kết quả của lần thăm câu đầu tiên này thường dự báo chuyến đi có thành công hay không.

Khi thăm câu, người câu bao giờ cũng mang theo một mớ lưỡi câu đã tóm sẵn với đoạn dây gân được tính toán trước để sẵn sàng thay cho cần câu khi gặp trường hợp con cá tham mồi mắc lưỡi câu quá sâu, thay vì cố gỡ thì họ để nguyên lưỡi câu như vậy để tránh con cá bị chết làm giảm giá trị.

Sau mỗi lần thăm câu, cá được cho vào một chiếc giỏ lớn hơn rộng lại để bán cho các bạn hàng ngay vào sáng sớm hôm sau tại các chợ gần đó.

Để có thể rộng đủ các loại cá trong một cái giỏ mà chúng không làm hại nhau được, họ hay chú ý đến các con cá trê- là loại cá hay mút nhớt đồng loại gây chết cá rộng chung và bẻ lật cái mép trên để vô hiệu hóa cái tật này.

Đi cắm câu theo nhóm, khoảng thời gian chờ đợi lần thăm mẻ câu đầu tiên là thời gian khá thú vị. Ngủ thì còn sớm nên họ thường tụ lại trên một nền chòi vịt hay chuồng trâu nào đó nổi lửa lên nấu nước pha trà bằng cái hăng gô đựng cơm, sang hơn một tí là làm một mẻ “cà phê kho”.

Thôi thì đủ chuyện trên đời, từ thả cửa chuyện tiếu lâm thuộc loại “mặn” đến các chuyện vụn vặt đủ loại lúc xa nhà trong những chuyến đi như thế này sau khi đã được “thêm mắm giặm muối” cho đã cái… miệng!

Những chuyến đi cắm câu xa nhà như thế của họ thường kết thúc trong một ngày đêm, nhưng có khi gặp cánh đồng nhiều cá mà xa nhà thì họ “cắm” lại thêm 2- 3 ngày nữa.

Cơm chợ, nước sông nên trong số họ có lắm chuyện vui buồn theo các chuyến đi: Có người đi cắm câu 2- 3 ngày trở về nhà không mang theo con cá nào mà là một mớ tiền cho vợ, cái áo mới cho con, cân thịt heo cho gia đình, nhưng cũng có người bỏ lại phía sau những chuyện tình dai dẳng với người đàn bà nào đó…

Vui nhất có lẽ là mấy anh thanh niên sắp trưởng thành khi anh ta nhẹ nhàng dúi vào tay mẹ mấy đồng tiền bán cá để nhận lại lời mắng yêu của mẹ là sẽ dành riêng tiền này để cưới cho một cô vợ xinh đẹp!

Nên có người đã nhại lại câu ca dao “Con cá làm nên con mắm…” là “Con cá làm nên con… khô- Cưới được em rồi (cũng) cực khổ lắm em ơi!” .

HỒNG VÂN