Truyện ngắn

Mùa bông bưởi

Cập nhật, 06:17, Thứ Bảy, 02/11/2019 (GMT+7)

Thật là cắc cớ khi mới đó mà Tịnh đã từ TP Hồ Chí Minh rộng lớn, ồn ào xe cộ lại lọt đến một nơi bốn bề sông nước này với những cây cầu bắc ngang dọc và những con đường rất ít bóng xe. Với Tịnh thì Vĩnh Long quả thật là xa lạ, bởi đây là lần đầu anh đặt chân đến. 

Thành phố nhỏ giống như một con phố ở Cali, nhưng có quá nhiều điều để nói, nó đã để lại trong anh chuyện bất ngờ. Sự so sánh của anh thật là khập khễnh, nhưng anh lại thích so sánh như thế.

Tranh minh họa: Trần Thắng (TP Vĩnh Long)
Tranh minh họa: Trần Thắng (TP Vĩnh Long)

Chuyến đi chẳng qua là thỏa chí tò mò, bởi ở mãi trong TP Hồ Chí Minh với những dòng xe chen nhau chạy liên tục trên những con đường, Tịnh muốn có một chút gì đó riêng tư trước khi quyết định nhận lời làm việc tại đây.

Trên 30 tuổi, mang cái mác Việt kiều, lại đã lấy xong tấm bằng thạc sĩ, tướng người dễ nhìn nếu không nói là trẻ hơn tuổi thật, Tịnh thuộc mẫu người được các cô gái ngắm nghé dành phần nâng khăn sửa túi.

Chuyến về nước lần này ngoài việc Tịnh muốn đem những điều học được ở xứ người phục vụ cho đất nước, còn là chuyện riêng tư, cụ thể hơn là gặp người con gái mẹ anh đã quyết định chọn làm vợ cho anh.

Không biết mẹ gặp Nguyệt là con gái của bác Hoàng- bạn học ngày xưa của ba- khi nào trong chuyến về nước đợt trước của mẹ, mà mẹ đã mang về cho Tịnh xem nguyên một cuốn album chụp Nguyệt trong đủ kiểu đứng ngồi, đủ kiểu quần áo và đủ mọi khung cảnh khác nhau. Quả thật Nguyệt rất đẹp, lại biết chưng diện.

Mẹ nói: “Hôm nào về nước, con với nó tự tìm hiểu với nhau đi. Mẹ chấm con nhỏ làm con dâu rồi đó. Người gì đâu vừa đẹp người, đẹp nết lại học hành đàng hoàng. Không như những đứa con gái khác chỉ giỏi chưng diện bề ngoài, còn đầu óc thì rỗng tuếch.”

Tịnh phì cười với ý nghĩ tự chọn vợ cho con trai mình của mẹ, bởi chuyện “cha mẹ đặt đâu con ngồi đó” là chuyện đã thuộc về cổ tích.

Nhưng không thể phủ nhận là chỉ nhìn Nguyệt qua những tấm ảnh cùng nghe những lời mẹ kể thì không có điều gì chê được Nguyệt. Chính điều đó cũng làm cho Tịnh nôn nóng trong chuyến về cùng mẹ.

Gặp ở ngoài đời, Nguyệt còn đẹp hơn trong ảnh và ăn nói rất dịu dàng. Nguyệt cũng chẳng phải là đứa con gái mê lấy chồng Việt kiều hay ham giàu có. Họ hẹn nhau đi uống nước. Nguyệt giới thiệu một quán trà vừa mới mở trong thành phố. Không gian của quán rất lạ, khách phải ngồi trên một tấm nệm lót trong căn phòng gắn máy lạnh. Nguyệt nói:

- Hai đứa đều lớn cả rồi. Đi uống nước làm quen cho vui thôi. Chứ nghĩ đến chuyện anh và em coi mắt nhau em thấy buồn cười quá.

Tịnh cũng bật cười:

- Ờ há, mẹ anh giục anh về nước kiếm vợ. Bà muốn có cháu bồng lắm rồi.

Nguyệt nheo mắt nhìn Tịnh:

- Em không tin là anh chưa từng có người yêu. Còn em thì cũng đã từng yêu rồi, nhưng người yêu của em đã đi lấy vợ vì anh chàng nói em là đứa con gái lì lợm nhất thế gian này.

Họ chẳng nảy sinh tình cảm với nhau trong không gian quán trà. Dù Nguyệt đã giới thiệu cho Tịnh một loại trà rất lạ, nghe nói đây là loại trà đặc biệt ngày xưa chỉ có vua chúa mới được uống. Cách uống trà mất thì giờ và cầu kỳ quá, nhưng Tịnh cũng kiên nhẫn ngồi với Nguyệt. Sau đó họ đưa nhau dạo một vòng phố, vượt qua nhiều ngã tư đường có đèn xanh đèn đỏ, rồi chia tay mà chẳng ngỏ lời hẹn gặp lại. Khi về nhà thì mẹ hỏi Tịnh:

- Hai đứa có vui không? Con thấy con nhỏ dễ thương không?

Tịnh trả lời bình thản:

- Nguyệt rất đẹp mẹ ạ.

Rồi Tịnh vào phòng , mở tivi xem như để khỏi trả lời tiếp những câu hỏi của người lớn.

Rồi trời khéo sắp đặt để Tịnh gặp Tú An.

Tú An chẳng phải là một cô gái xinh đẹp. Tú An cũng chẳng quan tâm đến Tịnh là ai? Tú An thật hồn nhiên chèo đò đưa Tịnh qua sông:

- Anh giữ chặt be xuồng đó, không khéo thì anh rớt tòm xuống nước. Lúc đó em chẳng biết anh hay là giề lục bình để vớt. Chẳng may anh trôi ra biển có người khóc cho mà biết.

Lạ lùng cho Tịnh chưa? Chuyến đi Vĩnh Long chỉ là sự tình cờ như thỏa trí tò mò của anh về một vùng sông nước. Nhưng Tú An lại chẳng phải là tình cờ. Chiếc áo bà ba màu vàng nhạt để lộ mảng da trắng tí xíu bên hông là cảm giác rất lạ, tiếng cười của Tú An cũng rất lạ. Cũng thật ngạc nhiên khi Tú An trả lại tiền cho anh:

- Anh đừng có xài sang. Em chở anh đi trên ghe suốt ngày chỉ lấy của anh mười ký gạo thôi. Chẳng qua là để cho ba em ổng khỏi rầy em ăn chơi không. Chớ chở một anh chàng đẹp trai như anh thì ai nào nỡ lấy tiền làm gì?

Chẳng có một lời tỏ tình giữa sông nước mênh mông. Cũng chẳng có cuộc hẹn hò nào giữa những đám lục bình nở hoa tím biếc cứ trôi theo dòng nước sông trôi cuộn. Khởi đầu là rong chơi. Nhưng trong trái tim của Tịnh đã bật lên một nốt nhạc dịu dàng mà anh không thể nào giải thích được.

Tú An đưa anh tới nhà cô chơi. Căn nhà nằm sát bên bờ sông, có chiếc cầu gỗ nối với bến sông và cũng là nơi để neo thuyền. Vườn nhà Tú An có rất nhiều cây ăn trái. Tú An cười giòn: “Con trai thành phố chẳng biết trồng cây đâu. Trồng cây rồi nhìn nó lớn lên, ra trái thì lòng mình vui lắm. Tất cả cây trong vườn này phần lớn là do em trồng đó.” Chưa hết, Tịnh khá bất ngờ khi nhìn Tú An vá khéo léo chiếc áo bị rách của cô. Dường như con gái thành phố đã mất đi thói quen kim chỉ, bởi cuộc sống đã làm thay đổi đi cách sống của mỗi người. Rồi Tịnh tò mò:

- Bàn trang điểm của em đâu?

Tú An lại cười giòn:

- Anh có gội đầu bằng nước bông bưởi nấu với bồ kết bao giờ không? Em gội đầu bằng thứ đó từ nhỏ đến giờ nên quen rồi. Gội đầu bằng cây cỏ thôi, còn son phấn làm gì?

Cũng lần đầu tiên Tịnh ăn một bữa cơm mà món cá kèo kho tiêu ngon đến mức độ anh không thể nào bỏ đũa. Lạ kỳ cho Tịnh chưa? Anh đã ăn biết bao nhiêu thứ ngon mà chưa bao giờ anh cảm thấy ngon như thế. Cho đến khi Tú An vỗ tay hoan hô:

- Dân miền Nam của tụi em nhìn thấy khách ăn hết nồi cơm là mừng đến ứa nước mắt.

Chuyến đi Vĩnh Long rồi cũng kết thúc. Trở về thành phố, Tịnh bỗng nhớ đến mùi bông bưởi một cách lạ lùng. Anh nói với mẹ:

- Con đã chọn được vợ rồi. Tú An đó.

Mẹ anh ngạc nhiên:

- Tú An nào? Còn con Nguyệt thì sao?

Anh nói:

- Mẹ đi Vĩnh Long gặp Tú An dùm con. Nhớ gởi dùm con bức thư này.

Lần đầu tiên anh viết thư cho một người con gái. Lá thư của anh là một lời hẹn trở về. Anh hình dung ra mái tóc của Tú An bung trong gió sông lồng lộng ngát thơm mùi hoa bưởi. Tú An đọc thư anh rồi chắc sẽ cười:

- Người miền Nam tụi em khi yêu thì nói yêu, không có vòng vo tam quốc. Em cũng vậy, yêu ai em cũng sẽ nói yêu. Nhưng anh ta phải biết nấu nước bông bưởi cùng bồ kết gội đầu cho em.

Trong thư Tịnh viết: “Anh không phải là người miền Nam. Nhưng anh nói theo kiểu miền Nam đây: “Anh muốn nấu nước bông bưởi bồ kết gội đầu cho em được không?”

Lời tỏ tình đó quả thật đã phải vượt qua cả nghìn trùng. Nhưng không biết Tú An có nghe được nó không? Dường như mùa này bông bưởi cũng đang bắt đầu nở bung từng cánh.

KHUÊ VIỆT TRƯỜNG