Những tầng trầm tích văn hóa ở Vĩnh Long

Kỳ 2: Những vấn đề mới từ lớp trầm tích cổ

Cập nhật, 05:30, Thứ Tư, 30/10/2019 (GMT+7)

Lớp trầm tích văn hóa cổ Óc Eo được phát hiện ở Vũng Liêm mang giá trị đặc biệt quan trọng; đã đem đến hướng nghiên cứu mới cho văn hóa Óc Eo ở ĐBSCL.

Từ đây, đặt ra vấn đề công tác khảo cổ mới và những đề xuất giải pháp bảo tồn, phát huy tối đa giá trị thực tiễn cho cụm di sản, di tích ở vùng “địa linh, nhân kiệt” của Vĩnh Long.

Ông Trương Văn Sáu- nguyên Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Vĩnh Long- cùng đoàn công tác thăm khu mộ thân nhân Thoại Ngọc Hầu ở cù lao Dài (Vũng Liêm).
Ông Trương Văn Sáu- nguyên Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Vĩnh Long- cùng đoàn công tác thăm khu mộ thân nhân Thoại Ngọc Hầu ở cù lao Dài (Vũng Liêm).

Di vật cổ “lên tiếng”

Trong hệ thống chung nghiên cứu về văn hóa Óc Eo, hình như các nhà nghiên cứu chưa đánh giá đúng vai trò đặc biệt của di chỉ Thành Mới ở Vũng Liêm; ngay đối với người dân Vĩnh Long, cũng chưa có sự hiểu biết, quan tâm đặc biệt. Đây là một thực trạng đáng tiếc và đáng buồn.

Di chỉ Thành Mới đã được nhà khảo cổ học người Pháp phát hiện đồng thời với những cuộc khám phá đầu tiên về văn hóa Óc Eo ở núi Ba Thê (huyện Tri Tôn- An Giang).

Năm 1944, ông Louis Malleret- nhà khảo cổ nổi tiếng người Pháp- đã đến nghiên cứu Thành Mới và mang về Sài Gòn nhiều hiện vật quý, trong đó có pho tượng Phật và tượng Vishnu bằng đá.

Nhưng mãi đến thời gian gần đây, người ta mới đặt lại vấn đề về sự xuất hiện đồng thời của 2 pho tượng ở Nam Bộ; như vậy cần xem xét lại có chăng sự ngộ nhận rằng: Hindu giáo, Bàlamôn đã xuất hiện trước Phật giáo trên vùng đất này? Và có sự chuyển dần từ Hindu giáo, Bàlamôn sang Phật giáo?

Chính trên quan điểm này nên bức tượng phát hiện ở Vũng Liêm, hiện đang trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử TP Hồ Chí Minh đã được chú thích như sau:

“Tượng Vishnu biến đổi sang Di Lặc: thế kỷ thứ VII- VIII bằng đá, ký hiệu hiện vật BTLS. 5551: tượng thần Vishnu trong Ấn Độ giáo sau đó có nhiều thay đổi theo thời gian do nhiều ảnh hưởng từ một số hình tượng khác: hình ngọn tháp chạm ở trước mũ, có thể nhận ra những vật quan trọng nhất trong Phật giáo đại thừa Bồ tát Di Lặc”.

Phản bác lại quan điểm này, nhà nghiên cứu lịch sử- văn hóa, TS. Lương Chánh Tòng (Bảo tàng Lịch sử TP Hồ Chí Minh) cho rằng: “2 pho tượng ở Trung Điền (Vũng Liêm) được tìm thấy là tượng Phật và tượng Vishnu bằng đá.

Theo các tài liệu hiện giờ đang khai quật về nền văn hóa Óc Eo và mới hôm 27/10 khai quật ở An Giang thì kiến trúc Phật giáo có rất sớm, cả những tượng Phật ở Ba Thê có từ rất sớm, thậm chí có sớm hơn Hindu giáo nữa.

Nên việc tìm thấy cả tượng Vishnu và tượng Phật cho thấy sự giao thoa, hòa quyện giữa văn hóa của Ấn Độ giáo và Phật giáo, không thể khẳng định cái nào có trước, cái nào có sau, cần phải bàn lại một cách thận trọng, khoa học hơn”.

Rõ ràng những phát hiện ở Thành Mới (Vũng Liêm) là vô cùng quan trọng, cho thấy từ những di chỉ cổ xưa này đã mang lại cách nhìn nhận mới, thận trọng hơn trong công tác nghiên cứu văn hóa, lịch sử ở ĐBSCL giai đoạn buổi đầu bình minh của lịch sử Nam Bộ.

Cần ứng xử đặc biệt với di tích Thành Mới

Tượng Phật được nhà khảo cổ người Pháp- ông Louis Malleret, phát hiện tại Vũng Liêm năm 1944, hiện trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử TP Hồ Chí Minh. Ảnh tư liệu của Bảo tàng Lịch sử TP Hồ Chí Minh
Tượng Phật được nhà khảo cổ người Pháp- ông Louis Malleret, phát hiện tại Vũng Liêm năm 1944, hiện trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử TP Hồ Chí Minh. Ảnh tư liệu của Bảo tàng Lịch sử TP Hồ Chí Minh

Mở rộng ra, từ di tích Thành Mới cần tiếp tục khai thác hướng đi mới cho việc nghiên cứu văn hóa Óc Eo ĐBSCL. Mà theo TS Lương Chánh Tòng:

“Ở Thành Mới, sau sự sụp đổ vương quốc của người Phù Nam, văn hóa Óc Eo vẫn là văn hóa tâm linh nên có sự tiếp nối, chồng lớp, chồng lớp văn hóa của giai đoạn sau trên một nền tín ngưỡng chung. Có thể khẳng định Thành Mới là trung tâm văn hóa Óc Eo điển hình với những dấu tích hiện tồn”.

Trên cơ sở lập luận đó, TS. Lương Chánh Tòng đề nghị, thời gian tới, để hiểu rõ hơn về di tích thì các nhà nghiên cứu nên cần quan tâm phương thức khảo cổ học một cách tổng thể, có hệ thống, đầu tư phát triển di sản trong lòng đất, gắn với công tác bảo tồn và trùng tu, nối kết các điểm di tích xung quanh vùng đất đặc biệt này, để phát huy giá trị di tích; chứ người dân Vĩnh Long có bao nhiêu người biết Thành Mới- đó là một thực tế đáng buồn!

Trải qua khoảng thời gian dài, công tác nghiên cứu khoa học gián đoạn, di chỉ Thành Mới bị đào bới, xáo trộn nghiêm trọng. Đến thập niên 90 của thế kỷ XX, các nhà khoa học trong và ngoài nước mới bắt đầu dành nhiều quan tâm đến Thành Mới.

Chỉ riêng ở Vũng Liêm, thì tỉnh Vĩnh Long đã có thể xây dựng “Cung đường Di sản” từ văn hóa Óc Eo, đến lớp văn hóa chùa chiền Phật giáo Nam tông, rồi thời kỳ mở đất của Triều Nguyễn, đến công cuộc chống Pháp, chống Mỹ trên vùng địa linh này.

Trong 2 năm 1998- 1999, Viện Khảo cổ học Việt Nam phối hợp với Bảo tàng Vĩnh Long tiến hành khai quật di chỉ Thành Mới. Qua 2 đợt khai quật, các nhà khoa học đã làm xuất lộ từ lòng đất hàng ngàn di vật quý bằng các chất liệu: gạch, gốm, đá, gỗ, kim loại… 

Qua giám định bằng phương pháp phóng xạ C14, các hiện vật Thành Mới có niên đại từ thế kỷ I- VI sau Công nguyên. Đặc biệt, đây là lần đầu tiên, các nhà khảo cổ phát hiện một di chỉ còn nguyên vẹn các tầng văn hóa tại di chỉ cư trú kinh Ruột Ngựa (xã Trung Hiệp- Vũng Liêm).

Đối với trách nhiệm của tỉnh Vĩnh Long, cần đặt vấn đề vì sao tập trung trên vùng đất Vũng Liêm xuất hiện các lớp trầm tích văn hóa cổ xưa dày đặc và kéo dài cho đến thời cận đại, hiện đại; sự xuất hiện trên vùng đất này những nhân vật kiệt xuất của đất nước?

Cùng với niềm tự hào, chúng ta cần tập trung đầu tư nghiên cứu xác định trọng điểm như thế nào, xếp hạng, khoanh vùng, gắn kết với các cụm di tích. Ví dụ như gắn với cụm di tích mộ thân nhân Thoại Ngọc Hầu ở cù lao Dài gắn với du lịch sinh thái, nhân văn, gần hơn là di tích đình Bình Phụng trung tâm của Thành Mới, cũng là nơi sinh ra cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt.

Chỉ riêng ở Vũng Liêm, thì tỉnh Vĩnh Long đã có thể xây dựng “Cung đường di sản” từ văn hóa Óc Eo đến lớp văn hóa chùa chiền Phật giáo Nam tông, rồi thời kỳ mở đất của triều Nguyễn, đến công cuộc chống Pháp, chống Mỹ trên vùng địa linh này.

(Còn tiếp)

TS. Lương Chánh Tòng: “Ở Thành Mới, sau sự sụp đổ vương quốc của người Phù Nam, văn hóa Óc Eo vẫn là văn hóa tâm linh nên có sự tiếp nối, chồng lớp, chồng lớp văn hóa của giai đoạn sau trên một nền tín ngưỡng chung. Có thể khẳng định Thành Mới là trung tâm văn hóa Óc Eo điển hình với những dấu tích hiện tồn”.

Bài, ảnh: NGỌC TRẢNG- PHƯƠNG THƯ