Hào khí dân tộc mùa thu Nam Bộ kháng chiến

Cập nhật, 18:37, Chủ Nhật, 22/09/2019 (GMT+7)

Đêm 23/9/1945, một bản tin khẩn cấp được truyền đi cả nước: thực dân Pháp nổ súng gây hấn ở Sài Gòn, mở đầu cuộc chiến tranh xâm lược Nam Bộ.

Đến giữa tháng 10/1945, chiến tranh lan rộng khắp vùng đồng bằng Nam bộ: Biên Hòa, Thủ Dầu Một, Mỹ Tho, Vĩnh Long, Cần Thơ, Sa Đéc, Long Xuyên, Châu Đốc, Hà Tiên, Rạch Giá và mở ra đến các tỉnh miền Nam Trung Bộ. Đâu đâu, giặc Pháp cũng vấp phải sức kháng cự quyết liệt của quân dân ta. Mùa thu lịch sử kháng chiến của nhân dân Nam Bộ đã bắt đầu như thế đó.

Mùa thu kháng chiến

Thật ra, ngay từ chiều 2/9/1945, Pháp đã có thái độ khiêu khích gây hấn ở Sài Gòn, chúng bắn vào đoàn người đang dự mít tinh mừng đón bản Tuyên ngôn Độc lập. Thực dân Pháp không chịu từ từ bỏ âm mưu trở lại nô dịch nước ta, chúng núp sau lưng quân Anh là lực lượng đồng minh vào giải giáp quân Nhật ở phía Nam vĩ tuyến 16.

Thực dân Anh cũng có mưu đồ thiết lập chế độ cai trị tại các thuộc địa cũ của chúng ở Đông Nam Á liền tiếp tay cho thực dân Pháp hòng dập tắt ngọn lửa cách mạng ở Đông Dương.

Đây cũng là thời khắc lịch sử tiếp tục thử thách chính quyền non trẻ, thử thách sự lãnh đạo sáng suốt tài tình, khéo léo của Chủ tịch Hồ Chí Minh- “Người chèo lái vĩ đại” đưa con thuyền cách mạng Việt Nam vượt qua thác ghềnh trong thế “ngàn cân treo sợi tóc”.

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa- nhà nước công nông đầu tiên ở khu vực Đông Nam Á ra đời, đánh dấu bước ngoặt vĩ đại trong lịch sử dân tộc Việt Nam. Từ đây, chính quyền cách mạng về tay nhân dân; nhân dân lao động đã trở thành người làm chủ vận mệnh dân tộc mình.

Nhưng chính quyền cách mạng non trẻ đang đứng trước muôn vàn khó khăn thử thách, tình thế cách mạng lúc này thật mong manh phải đối mặt với nhiều kẻ thù cùng lúc: giặc đói, giặc dốt và đặc biệt là giặc ngoại xâm. Đây cũng là lúc giặc Pháp thừa cơ hội thực hiện mưu đồ tái chiếm đất nước ta lần nữa.

Sáng 23/9/1945, có 2 sư đoàn thiết giáp của Anh cùng với quân Nhật chừng 2 vạn tên đã che chở cho 6.000 lính Pháp đánh chiếm Sài Gòn.

Nền Cộng hòa Dân chủ mới thành lập chưa đầy một tháng của ta đã phải đương đầu với “nhiều sắc quân xâm lược”: Anh, Pháp và tàn quân Nhật ở phía Nam; 18 vạn quân Tưởng ở phía Bắc. Trước nguy cơ xâm lăng, nhân dân Việt Nam trả lời bằng một thái độ dứt khoát là tiến hành kháng chiến cứu nước. Hồ Chủ tịch kêu gọi: “Thà chết tự do còn hơn sống nô lệ”. Lời dạy của Người là ý chí của toàn dân, là hịch truyền của đất nước.

Ngày 25/10, hội nghị toàn xứ của Đảng bộ Nam Kỳ đã quyết định nhiều vấn đề quan trọng đẩy mạnh cuộc kháng chiến ở Nam Bộ và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong chiến tranh.

Một tháng sau, Trung ương Đảng ra chỉ thị “Kháng chiến kiến quốc” đã vạch rõ đường lối và nhiệm vụ cơ bản của toàn dân là “củng cố chính quyền nhân dân chống thực dân Pháp xâm lược, bài trừ nội phản, cải thiện đời sống nhân dân”, tập trung cuộc đấu tranh vào “kẻ thù chính của nhân dân Đông Dương lúc này là thực dân Pháp xâm lược”.

Từ gậy tầm vông, từ dao mã tấu, nhân dân miền Nam đã đứng dậy kháng chiến chống Pháp, bảo vệ non sông yêu dấu.

Vĩnh Long đứng lên cùng cả nước

Ngày 29/10/1945, giặc Pháp ồ ạt tái chiếm Vĩnh Long, cùng với cả Nam Bộ, nhân dân và các lực lượng vũ trang đã nhất tề đứng lên đánh giặc bằng nhiều hình thức, tạo nên sức kháng cự mạnh mẽ ở khắp nơi. Các địa phương Châu Thành, Cầu Kè… mỗi xã đều có tổ chức du kích; đặc biệt, ở 2 quận mạnh là Tam Bình và Vũng Liêm có tổ chức lực lượng vũ trang chặn đánh địch, gây nhiều tổn thất lớn.

Trong điều kiện vũ khí thô sơ, lực lượng mỏng nhưng ở Vĩnh Long, giặc Pháp đã vấp phải sức kháng cự mạnh mẽ, nguyên do có sự lãnh đạo của tổ chức Đảng đã có những bước chuẩn bị tốt về mọi mặt. Trước đó, ngày 25/10/1945, tại Ngã Tư Long Hồ (quận Châu Thành), BCH Đảng bộ Vĩnh Long đã có cuộc họp quan trọng, do đồng chí Phạm Hùng- Bí thư Xứ ủy lâm thời- chủ trì, đã quyết định bổ sung 2 đồng chí Phan Văn Đáng và Nguyễn Văn Cung vào BCH Đảng bộ tỉnh Vĩnh Long; đồng thời, phân công đồng chí Phan Văn Đáng chỉ đạo quận Tam Bình và đồng chí Nguyễn Văn Cung chỉ đạo quận Vũng Liêm.

Thực hiện chủ trương của toàn Đảng là quyết tâm bảo vệ đến cùng thành quả cách mạng, cùng với Nam Bộ, cùng cả nước chống thực dân Pháp, Vĩnh Long triển khai tuyên truyền giáo dục lòng tự hào dân tộc, truyền thống yêu nước nồng nàn của dân ta, cả nước đoàn kết đứng lên chống giặc ngoại xâm.

Đồng thời, gấp rút chuẩn bị xây dựng lực lượng kháng chiến, xây dựng lực lượng du kích, tổ chức các đoàn thể. Vận động binh sĩ lấy súng địch đánh địch. Tổ chức móc nối cơ sở đảng bị đánh dạt, phân tán nhiều nơi trở về hoạt động; củng cố xây dựng tổ chức đảng vững mạnh.

Từ tầm vông vạt nhọn, đến nóp với giáo trên vai Nam Bộ bắt đầu mùa thu kháng chiến lịch sử; cho đến ngày 20/12/1946, cùng cả nước theo “Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến” của Chủ tịch Hồ Chí Minh. “Dù phải gian lao kháng chiến, nhưng với một lòng kiên quyết hy sinh, thắng lợi nhất định về dân tộc ta”.

Đúng như dự báo thiên tài của Chủ tịch Hồ Chí Minh, sau 9 năm trường kỳ kháng chiến, năm 1954- “Chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” đã chứng tỏ sức mạnh của lòng yêu nước phi thường của quân và dân ta, sự lãnh đạo tài tình, sáng suốt của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, cả dân tộc gian khổ chiến đấu và hy sinh giành lại một nửa Việt Nam hòa bình làm tiền đề cho một Việt Nam độc lập và thống nhất.

Tinh thần yêu nước nồng nàn, ý chí đấu tranh bất khuất của quân dân miền Nam thật xứng đáng với danh hiệu cao quý do Hồ Chủ tịch tặng: “Thành đồng Tổ quốc” (tháng 2/1946).

NGỌC TRẢNG (tổng hợp)