5.000 người múa xòe Thái, xác nhận kỷ lục Guiness thế giới

Cập nhật, 21:47, Thứ Ba, 10/09/2019 (GMT+7)

Trong khuôn khổ Lễ hội Văn hóa, Du lịch Mường Lò (Yên Bái) 2019, 5.000 nghệ nhân dân gian và diễn viên quần chúng sẽ thực hiện màn Đại xòe Việt Nam.

Màn xòe Thái tại Lễ hội Văn hóa, Du lịch Mường Lò 2018.
Màn xòe Thái tại Lễ hội Văn hóa, Du lịch Mường Lò 2018.

Xòe Thái ở Mường Lò, Yên Bái đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia từ năm 2015 và đang trong giai đoạn hoàn thiện Hồ sơ đệ trình UNESCO để ghi danh vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.

Nhằm bảo tồn và tôn vinh những giá trị truyền thống, tinh thần và khí phách dân tộc, quảng bá cho du khách quốc tế, chương trình “Lễ hội Văn hóa, Du lịch Mường Lò, khám phá Danh thắng Quốc gia Ruộng bậc thang Mù Cang Chải và màn Đại xòe Việt Nam lớn nhất Thế giới” sẽ được diễn ra tại Mường Lò - vùng đất tổ của người Thái đen trong truyền thuyết - với chủ đề: “Tinh hoa từ huyền thoại”.

Điểm nhấn trong chương trình là màn Đại xòe Việt Nam được dàn dựng công phu với sự tham gia của 5.000 nghệ nhân dân gian và diễn viên quần chúng để đăng ký xác lập kỷ lục Guiness Thế giới.

Bà Lê Hải Yến, tác giả kịch bản và cũng là Đạo diễn của chương trình chia sẻ: “Khi mới bắt tay vào thực hiện chương trình, chúng tôi chỉ dự tính hơn 2.000 người tham gia. Nhưng được bà con hưởng ứng tham gia tích cực, nên số người tăng lên đến 5.000 người. Trước giờ, chưa từng có màn múa tập thể nào của Việt Nam được xác lập kỷ lục trong Guiness thế giới. Sự kiện tới là một niềm tự hào và hãnh diện không chỉ cho Yên Bái, cho vùng Tây Bắc mà còn cả của Việt Nam”.

Theo đó, 5.000 nghệ nhân dân gian và bà con dân tộc sẽ thực hiện 5 điệu xòe cổ là “Khắm khen” (Nâng khăn đón bạn), “Khắm khăn mời lẩu” (Nâng khăn mời rượu), “Phá xí” (bổ 4), “Đổn hôn” (Tiến lùi), “Nhôm khăn” (Tung khăn), “Ỏm lọn tốp mư” (Vòng tròn vỗ tay).

Các nghệ sĩ sẽ di chuyển, tạo thành 5 đội hình thể hiện 5 sắc thái ý nghĩa và các trường đoạn khác nhau nói về sự hình thành và phát triển của nghệ thuật Xòe cùng đời sống văn hóa tinh thần của đồng bào dân tộc như: Đội hình Vòng tròn Hội tụ, đội hình Vòng xoáy thời gian, Đội hình hoa văn Tây Bắc, Đội hình Hoa Ban và cuối cùng là đội hình Đại đoàn kết dân tộc.

Theo BTC, để đăng ký xác nhận kỷ lục thế giới Guiness không khó nhưng để đáp ứng được các tiêu chí thì vô cùng khắt khe. Với màn Đại xòe này, 5.000 người phải thực hiện cùng động tác, cùng thời điểm, địa điểm và trang phục. Đây là thách thức không nhỏ cho BTC và ekip thực hiện chương trình. Trong khoảng thời gian qua, ekip cùng bà con người dân tộc đã tích cực luyện tập với sự hào hứng, nhiệt tình.

Ông Dương Văn Tiến, Phó chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái cũng cho biết, về phía tỉnh cũng đã tính toán và chuẩn bị các phương án để màn xác nhận kỷ lục được diễn ra thuận lợi, an toàn,  từ an ninh, y tế, hậu cần...

Cùng với màn đại xòe Việt Nam, lễ khai mạc còn được thực hiện như một chương trình nghệ thuật đặc sắc, kết hợp giữa các yếu tố truyền thống và hiện đại, giữa yếu tố văn hóa của các dân tộc nơi vùng cao Tây Bắc.

Phần âm nhạc được các nhạc sĩ Mạnh Tiến dày công tìm hiểu, nghiên cứu. Trong nhiều tháng qua, ekip cùng nhạc sĩ đến từng bản làng thu lại những câu nói bằng tiếng Thái cổ, những nhạc cụ dân gian và âm thanh từ cuộc sống để đưa vào trong tác phẩm. Ekip cũng đã cất công mời nghệ nhân dân gian ưu tú Lò Văn Biến - “pho sử sống” của đồng bào người Thái. Ông đã viết lời bài hát và phổ nhạc để đưa một bài hát tiếng Thái cổ vào phần âm nhạc Xòe trong chương trình.

Xuyên suốt nội dung chương trình, các yếu tố dân gian và bản địa sẽ được tái hiện mới lạ, công phu và ứng dụng nhiều công nghệ trình diễn hiện đại lần đầu áp dụng trên sân khấu lễ hội. Những vật thể quen thuộc như quả bầu, chiếc khèn, chiếc nón đều trở thành những tác phẩm nghệ thuật huyền ảo. Những phong tục truyền thống như Tằng cẩu, tắm suối, đám cưới, đám rước lễ… đều được cách điệu hóa, sân khấu hóa để trở nên thơ mộng, thi vị và đẹp hơn bao giở hết.

Chương trình có sự tham gia của các ca sĩ Tùng Dương, Sao Mai Sèn Hoàng Mỹ Lam, Sao Mai Thu Hằng, nhóm Olus, nhóm PB Nation, Nhà hát Ca Múa Nhạc Việt Nam, các đoàn nghệ thuật trong nước. Ngoài ra, còn có sự tham gia biểu diễn giao lưu của Đoàn nghệ thuật Châu Hồng Hà đến từ Vân Nam (Trung Quốc).

Chương trình sẽ diễn ra vào 20h ngày 20/9 tại sân vận động thị xã Nghĩa Lộ - Yên Bái và được truyền hình trực tiếp trên sóng VTV1, VTV5 (Đài THVN)./.

Theo Thanh Thanh/VOV