"Sánh vai với các cường quốc năm châu"

Cập nhật, 17:59, Chủ Nhật, 09/06/2019 (GMT+7)

Tư tưởng Hồ Chí Minh là một di sản vô giá mà Bác để lại cho Đảng ta, đất nước ta, nhân dân ta, góp phần vào hệ tư tưởng chung của thế giới vì sự tiến bộ của nhân loại. Về mặt học thuật, đó là lĩnh vực nghiên cứu đòi hỏi những phương pháp luận, lý luận sâu rộng, chuyên biệt của khoa học triết học, chính trị học, xã hội học…

Tuy nhiên, ở góc độ một công dân bình thường, mỗi người chúng ta trong đời sống, công việc thường nhật vẫn có thể soi rọi, học Bác từ những câu nói, những lời dặn dò vô cùng giản dị, dễ hiểu.

Một sự diễn đạt dễ hiểu của bậc minh triết, chúng ta nghe rồi hiểu ngay, có thể ứng dụng vào ngay thực tế trước mắt; nhưng rồi đến một thời điểm khác, ứng vào vấn đề mang tầm phổ quát hơn, chúng ta vẫn thấy lời dạy đơn giản đó toát lên giá trị mang tầm vóc to lớn vô cùng. Tôi muốn nhắc lại lời dặn của Bác trong thư gởi học sinh nhân ngày khai trường, Người mong mỏi đất nước “sánh vai với các cường quốc năm châu”.

Ở tuổi học trò, chúng tôi hiểu ngay Bác dặn phải học tập cho tốt để góp phần xây dựng đất nước giàu mạnh. Giờ đây, chúng tôi lại thấm thía lời dạy quý báu đó ở một góc độ khác, mang nội hàm khác.

Nếu như chúng ta thực hiện trọn vẹn được những lời dạy của Bác, đất nước mình trở nên giàu mạnh, “sánh vai cùng các cường quốc năm châu”, thì chắc chắn rằng ông Thủ tướng Singapore có thể sẽ không buông lời khinh suất, bôi xấu nghĩa cử cao đẹp của Đảng ta, nhân dân ta, bộ đội ta đã dũng cảm chìa tay ra và đổ máu xương giúp cho đất nước Campuchia thoát nạn diệt chủng dã man của chế độ Pol Pot, trong khi hầu như cả thế giới quay lưng.

Việt Nam đang lúc vừa nghèo, vừa yếu sau khi vừa mới thống nhất đất nước, đã dám đứng ra giải cứu đất nước, nhân dân Campuchia- người bạn láng giềng, để rồi phải bị “đánh hội đồng” tứ phía. Dân tộc ta vốn vô cùng thấm thía nỗi đau mất nước, luôn bị xâm lược với đủ loại giặc trong lịch sử; hẳn không thể nào đi ngược lại lương tri nhân loại.

Đất nước có truyền thống “Lấy đạo nghĩa thắng hung tàn; lấy chí nhân thay cường bạo”, làm sao có thể nỡ lòng nào mang súng đạn qua đất nước người khác bắn giết dân người ta, cướp đất người ta? Vì chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi, vì lợi ích phe nhóm nên nhiều khi người ta “nói vậy, dù cho trong lòng biết rõ là không phải vậy”- phải chăng đó là trường hợp phát biểu của ông Thủ tướng Singapore.

Còn nói về tội ác của chế độ diệt chủng Khmer Đỏ, thì ngay trên đất nước Việt Nam mình thôi đã không dám nghĩ tới sự man rợ của nó. Nó dường như là tận cùng của sự tàn ác mà loài người có thể nghĩ ra để hủy diệt đồng loại, đồng bào mình.

Chỉ cần đến Ba Chúc (An Giang), tội ác ghi dấu trong một trận thảm sát ngay trong nhà chùa hàng ngàn sinh mạng bị giết bằng đủ cách. Chưa có loại tội ác chiến tranh nào có thể dùng tay xé các em bé ra làm hai; dùng cọc nhọn đâm vào cửa mình các bé gái còn rất nhỏ…

Bộ đội Việt Nam đã tình nguyện thực hiện nhiệm vụ quốc tế cao cả giải phóng nhân dân Campuchia thoát nạn diệt chủng, cũng là để bảo vệ Tổ quốc mình, bảo vệ đồng bào mình ở vùng biên giới Tây Nam. Để rồi sau đó, đất nước mình hứng chịu sự trừng phạt “hội đồng”, người ta bao vây, đánh phá tứ bề đủ trò, đủ kiểu.

Thương bộ đội Việt Nam biết mấy, ngày bộ đội ta rút quân về nước, có biết bao nhiêu đứa sinh viên chúng tôi tràn ra đường Trần Hưng Đạo, Quận 1 (TP Hồ Chí Minh), vẫy tay mừng reo mà nước mắt tuôn trào.

Cả cái chợ Cầu Ông Lãnh bà con nghĩ bán, họ tràn ra đường bưng tất cả rau củ, trái cây, đồ ăn đưa lên xe cho bộ đội; mấy chú chạy xe ba gác chở trái cây cũng dừng lại quăng từng bịch trái cây lên xe. Bộ đội vẫy tay cười rạng rỡ. Quân đội Việt Nam, bộ đội Cụ Hồ đã được rèn luyện, được đào tạo để bảo vệ đất nước, bảo vệ lẽ phải. Xâm lược nước khác là một khái niệm hoàn toàn xa lạ đối với truyền thống, đạo lý dân tộc Việt Nam.

Phải chi nước Việt Nam đã trở thành cường quốc, thì làm gì ông Thủ tướng Singapore có thể buông lời đáng tiếc như vậy!

Thấm thía vô cùng lời Bác dặn

NGỌC TRẢNG