Truyện ngắn

Má tôi

Cập nhật, 06:06, Chủ Nhật, 12/05/2019 (GMT+7)

Từ ngày về hưu, tôi nhận nhiệm vụ “gác cổng”. Chồng đi làm xa, cơ quan cách nhà khoảng ba mươi cây số. Chồng đi làm rồi nghỉ trưa tại đó, chiều mới về nhà. Sáng chờ chồng đi là kéo rào, khóa cổng; chiều chồng về là mở cổng, kéo rào. 

Thật ra công việc này là do tôi tự nguyện, vì đỡ mất công chồng phải xuống xe, mở cốp lấy chìa khóa, mở khóa cổng, đẩy cửa, chạy xe vô nhà, cất xe, trở ra đóng cổng,… bao nhiêu là công đoạn.

Tranh minh họa: Trần Thắng (TP Vĩnh Long)
Tranh minh họa: Trần Thắng (TP Vĩnh Long)

Công việc thường xuyên của tôi là vậy, nhưng đôi khi cũng đột xuất, đó là lúc “hờn anh, giận em” thì chồng tự xử. Bởi vậy, với chồng tôi, cái cổng rào như là công cụ “dự báo thời tiết”.

Hôm nào về tới nhà mà thấy tôi ra mở cổng là thời tiết bình thường, còn hôm nào tôi không mở cổng thì ổng “dự báo” là có bão nhưng không biết mức độ cấp mấy…

Nghe tiếng xe dừng trước cửa nhà, biết chồng đi làm về nhưng tôi không ra mở cổng. Ông chồng không hiểu chuyện gì, vì sáng này vợ chồng đi bộ thể dục nói chuyện vui vẻ lắm mà.

Chồng dắt xe vào nhà, chân đá chống dựng xe mà con mắt liếc xem thái độ của tôi. Nhìn thấy đôi mắt tôi đỏ hoe (sau khi đã lau vội những giọt nước mắt), vẻ mặt chồng căng thẳng.

Nhìn vào chiếc tivi đang phát chương trình “Như chưa hề có cuộc chia ly”, cơ mặt chồng tôi giãn ra vì biết được nguyên nhân “không phải tại anh” mà tại cái tivi. Chồng tôi nói đùa:

- Cái gien của má mạnh quá!

Vợ chồng tôi đến với nhau qua mai mối của ông chú tôi. Vì được người lớn “bật đèn xanh” nên hai chúng tôi được quyền tìm hiểu mà không có ai cấm đoán. Thời đó chưa có gì giải trí ngoài việc rủ đi xem phim. Nhưng tôi cũng chỉ xem được hai lần là chồng tôi không dẫn đi nữa.

Cái lý do chính là vì tôi quá nhạy cảm. Lần đầu xem phim tình cảm, lâu quá không nhớ tựa phim nhưng cốt chuyện thì tương tự như Lương Sơn Bá- Chúc Anh Đài vậy.

Vượt qua bao nhiêu rào cản để yêu nhau, cuối cùng thì âm dương cách trở. Tôi nhập tâm thế nào mà khóc miết cho đến khi tới nhà, không nói chuyện, nói vãn câu nào với người yêu. Khoảng một tháng sau, chồng dẫn đi lần nữa, cũng lặp lại y như cũ, đi chơi chẳng có gì vui. Chồng tôi thấy không ổn, ảnh lên tiếng:

- Em đa sầu, đa cảm quá! Trong phim thôi mà đã vậy, mai mốt về có chuyện gì khóc hoài ai chịu nổi, đàn ông sợ nước mắt lắm.

Khi cưới nhau về chung một nhà, chồng tôi mới biết tôi không phải thuộc dạng “mè nheo”. Tôi chỉ dễ xúc động khi gặp những mảnh đời bất hạnh, tỷ như một em học sinh cấp hai, nhà nghèo khó, tranh thủ nghỉ hè đi làm thêm để lấy tiền mua chiếc xe đạp năm sau đi học, không may bị tai nạn lao động cối ép gạch cắt đứt đôi tay- khóc.

Một bà mẹ đã hơn tám mươi tuổi, đôi mắt đã mờ, đôi chân đã yếu nhưng không ai chăm sóc, ngược lại bà phải cơm nước, giặt giũ nuôi mấy người con bị tâm thần- khóc.

Một đứa trẻ bị bại não, đầu, cổ, tay, chân cong vẹo nhưng vẫn phải ngồi xe lăn theo mẹ bán vé số giữa cái nắng oi bức mùa hè- khóc. Sự trùng phùng của những người thân đã thất lạc nhau trong chiến tranh, mấy mươi năm không nguôi nhớ, khắc khoải tìm kiếm nhau để rồi khi gặp lại nhau người còn, người mất- khóc… Hoàn cảnh nào cũng chạm đến trái tim “dễ vỡ” của tôi.

Nhiều khi chồng tôi thắc mắc: “Nhà em rất đông anh em, nhưng không ai có tính “mau nước mắt” như em. Sao có mình em đặc biệt vậy?” Nhưng chẳng đặc biệt đâu vì không bao lâu chồng tôi cũng phát hiện được người thứ hai: má tôi.

Má tôi được mọi người nhận xét là người tử tế, hiền lành. Hàng xóm có việc gì cần lên tiếng là má tôi sẵn sàng vui vẻ nhận lời, không ngại công. Nhà tôi ở cù lao, phương tiện giao thông chủ yếu là xuồng.

Muốn qua chợ thì phải chèo xuồng qua con sông lớn (thường gọi là sông Cái), gặp lúc nước ngược cũng mất cả giờ đồng hồ.

Thế mà nhà bác trong xóm có con dâu chuyển dạ, bác cũng nhờ má tôi chèo qua chợ giúp; hay đứa cháu hàng xóm nửa đêm con bị sốt nhưng không có chồng ở nhà cũng nhờ bác Tám (má tôi) chèo qua chợ gặp thầy thuốc. Ai nhờ giúp má tôi cũng nhiệt tình.

Má tôi chèo giỏi lắm vì quen tay chèo cho ba tôi chài, lưới. Bởi vậy gặp những trường hợp khẩn cấp, hàng xóm đều nhờ má tôi. Có lần thấy đứa nhỏ ngỗ nghịch nhất xóm bị mẹ nó rượt đánh.

Nó nhảy ùm xuống sông. Nó biết bơi, nhưng mẹ nó cứ đứng trên bờ cầm cây roi nên nó chẳng dám bơi vào bờ. Má tôi chèo tốc hành ra vớt thì cũng đúng lúc nó đuối sức nên chìm. Má chụp được cái tay nó kéo lên xuồng. Má tôi vừa rầy mẹ nó vừa khóc:

- Một chút xíu nữa là bây ân hận suốt đời rồi!

Sau mỗi vụ việc, họ gặp má tôi để:

- Nhớ ơn thím Tám quá trời, bữa đó gặp tui chèo chắc con nhỏ đẻ rớt dưới xuồng rồi!

- Cám ơn bác Tám nhiều lắm, bác sĩ nói đêm đó đem qua không kịp không biết con của con giờ ra sao!

- Cám ơn bà Tám, con giận quá mất khôn, không có bà chắc con của con thành “chòng chỏng” rồi!

Nhiều nhiều lắm…, nhưng má tôi chỉ đáp lại bằng nụ cười hiền.

Má tôi là người dễ xúc động. Hồi tôi còn bé, khi thấy má tôi khóc thì tôi khóc theo. Không biết chuyện gì, nhưng tôi cảm nhận những giọt nước mắt là sự đau khổ. Như vậy má đang khóc là má đang đau khổ. Tội nghiệp má quá! Thế là tôi cũng khóc theo như là một hành động chia bớt sự đau khổ của má.

Lớn lên chút xíu, biết xem cải lương thì hai má con thi nhau khóc, nhất là những tuồng như: Phạm Công- Cúc Hoa; Lá sầu riêng; Lan và Điệp,… 

Hầu như tuồng cải lương nào cũng lấy nước mắt của má con tôi, không nhiều thì ít. Đó là trong tuồng, trong tích, còn ở ngoài đời gặp người thật, hoàn cảnh thật má lại còn dễ xúc động hơn.

Từ ngày chồng cưới tôi đến khi má tôi mất đúng hai mươi năm. Hai mươi năm chồng tôi đúc kết được một câu: “Má là một người phụ nữ tuyệt vời!”

Chồng tôi yêu thương má tôi hết mực, đến nỗi những ngày cuối đời má tôi nằm viện, chồng tôi chăm sóc chu đáo còn hơn các anh trai tôi, những thân nhân người bệnh cùng phòng bất ngờ thốt lên khi biết chồng tôi là con rể:

- Bà cụ có phước quá trời!

Không phải tự dưng mà má “có phước”. Ông, bà ta nói: “Gieo gì gặt nấy”. Má tôi đối xử với mọi người bằng tình thương thì má nhận được tình thương của mọi người là điều dễ hiểu.

Tôi chỉ sống chung với ba má đến năm mười bốn tuổi rồi đi học xa nhà vì quê tôi không có lớp để học tiếp. Khoảng thời gian ngắn nhưng rất quan trọng vì đó là thời gian con cái “bắt chước” ba má để hình thành nhân cách con người.

Cũng trong khoảng thời gian này, tôi chứng kiến nhiều việc làm của má và đó cũng là những bài học đầu đời của tôi.

THANH HUYỀN