Truyện ngắn

Một lời xin lỗi khó nói

Cập nhật, 05:53, Chủ Nhật, 14/04/2019 (GMT+7)

Dưới cái nắng ấm áp vào buổi sáng, sân trường hiện ra thật sạch đẹp, làm lòng tôi thấy thoải mái vô cùng. Những cây bàng, cây phượng vào thời gian này đang chuẩn bị thay lá mới, nên công việc vệ sinh cũng vất vả hơn. Vậy mà, những đứa học trò tôi vẫn quét dọn rất sạch sẽ.

Đã gần đến giờ vào học chính thức, các em vẫn còn lúi húi quét dọn sân trường, tưới nước, chăm sóc bồn hoa... Thấy tôi vào, tất cả đều ngơi tay lễ phép “chào cô”. Tôi nở nụ cười đáp lại lời chào của những đứa học sinh yêu thương và không quên nói lời khen ngợi:

Tranh minh họa: Trần Thắng
Tranh minh họa: Trần Thắng

- Hôm nay, cô khen ngợi tinh thần làm việc của các em. Khi không có cô bên cạnh đôn đốc mà các em làm việc vẫn rất nghiêm túc.

Lúc này ở một góc sân vang lên tiếng vỗ tay của cả lớp đáp lại lời khen tặng của tôi. Thủy- lớp trưởng- nhanh nhảu đáp:

- Hôm rồi trong giờ Công dân, cô đã dạy chúng em phải tích cực tham gia công việc tập thể là văn minh mà!

Câu trả lời của em Thủy làm tôi nhớ đến những tiết dạy môn Giáo dục công dân của mình. Điều làm tôi hài lòng nhất là các em không xem đây là môn học phụ, mà rất chăm chú tiếp thu, cẩn thận ghi chép.

Thái độ của các em khi nghe lời khen của tôi và chất lượng của buổi lao động hôm nay là thành quả của những tiết học như thế!

Tôi mỉm cười đưa mắt quan sát một lần nữa toàn cảnh sân trường và những đứa học trò tôi, rồi yêu cầu các em tập trung lại thành từng tổ để điểm danh và nhận xét về chất lượng của buổi lao động. Lúc này, tôi mới phát hiện ra sự vắng mặt của Hằng- lớp phó học tập. Tôi hỏi lớp trưởng Thủy:

- Em Hằng vắng, có lý do không Thủy?

Thủy đáp:

- Thưa cô không thấy bạn gửi phép ạ!

Mọi hôm, khi Hằng vắng không phép như thế này làm tôi giận lắm. Ngay từ đầu năm, tôi đã bắt em chép đến ba bốn tờ kiểm điểm mà em cứ đi trễ. Lớp chủ nhiệm của tôi cứ bị trừ điểm dài dài. Không ít lần vì không làm chủ được cảm xúc, tôi đã cáu gắt với em.

Có lần tôi đem chuyện của em ra giữa Hội đồng Sư phạm đề nghị đuổi học có thời hạn để cảnh cáo em. Nhưng đến một ngày Hằng viết cho tôi một lá thư là em sẽ nghỉ luôn vì hoàn cảnh gia đình và cũng vì không muốn làm ảnh hưởng lớp để cô buồn cô giận. Trong thư, nhiều lần Hằng nói tiếng xin lỗi tôi.

Tôi quyết định đến nhà Hằng để thực hiện đúng trách nhiệm của một người giáo viên đối với học sinh. Nhà của em nằm sâu trong một con hẻm gần phà Mỹ Thuận cũ.

Từ hôm bến phà thôi hoạt động, khu phố này trở nên vắng vẻ, khác hẳn với cái cảnh nhộn nhịp trước đây. Mỗi người cũng tìm cho mình một việc để mưu sinh. Có người bỏ nơi khác tìm việc kiếm sống. Có người cố ở lại quê này với công việc giản đơn để kiếm kế lo cho hai bữa cơm.

Gia đình Hằng thuộc trong số những người ở lại. Lúc tôi đến nhà, em đang ngồi bên đống ve chai, trong một căn hộ ọp ẹp. Thấy tôi đến, Hằng tỏ ra rất lúng túng. Tôi trấn tĩnh em:

- Hôm nay cô đến thăm nhà, tiện thể hỏi thăm về việc nghỉ học của em. Hãy nói cho cô biết vì sao em lại quyết định nghỉ học như thế?

Thật ra tôi cũng không biết bắt chuyện như thế nào cho phải nên hỏi em câu hỏi mà lòng tôi cảm thấy hơi thừa. Em không trả lời tôi câu nào, nước mắt em cứ lưng tròng. Tôi hỏi em:

- Ba mẹ em có nhà không?

Em trả lời tôi:

- Dạ mẹ em đang ở dưới bếp. Cô ngồi đây đợi để em gọi mẹ em lên.

Đâu khoảng vài phút sau, một phụ nữ mặt mày có vẻ hốc hác, áo quần luộm thuộm bước lên. Người ấy cất tiếng chào tôi rồi ngồi xuống tiếp chuyện. Tôi bảo với chị:

- Em được tin Hằng nghỉ học, nên hôm nay trước là thăm, sau đó em cùng gia đình mình bàn coi có cách nào để em Hằng trở lại lớp học.

Người phụ nữ lúc này cũng đáp lại lời tôi:

- Thú thật với cô, ba Bé Hằng mất đã hai năm rồi, trong một tai nạn giao thông. Tôi làm nghề mua ve chai nuôi hai chị em nó. Lúc trước, ít người đi mua nên cũng đủ kiếm sống và nuôi hai chị em nó ăn học. Lóng rày, nhiều người đi mua quá nên cuộc sống trở nên chật vật. Thấy tôi cực nhọc, Hằng muốn nghỉ học để phụ giúp mẹ, chứ tôi không muốn cho nó nghỉ chút nào.

Nói đến đây, người phụ nữ ấy quay đi, lấy ống tay áo gạt những giọt nước mắt lăn tròn trên má. Câu chuyện của chị làm tôi cũng bồi hồi trong dạ. Lúc này tôi thầm trách với lòng. Lúc trước sao không tìm hiểu kỹ gia cảnh của Hằng để giúp đỡ em, để đối xử với em bằng nguyên tắc, bằng những mớ nội quy như vậy. Nghĩ đến đây, tôi nói với chị:

- Thôi chị cứ cho Hằng đến lớp đi, có khó khăn gì em sẽ vận động mọi người giúp đỡ em.

Tôi lấy từ trong giỏ ra năm trăm ngàn, đưa cho cô ấy và bảo:

- Đây! Chị cầm lấy một ít tiền này mà mua thêm sách vở cho em, để lúc về trường tôi sẽ vận động thêm ở các nhà hảo tâm xem sao!

Người phụ nữ ấy từ chối thẳng thừng, không chịu nhận số tiền tôi vừa đưa. Tôi phải nói mãi cô ấy mới chịu nhận. Tôi chào chị rồi bước ra về lòng nặng trĩu nỗi lo.

Đúng như lời hứa, đầu tuần sau Hằng trở lại lớp học. Sau đó, tôi có vận động rất nhiều người giúp đỡ cho em vật dụng phục vụ học tập để em an tâm học hành.

Còn riêng tôi, lúc nào tôi cũng giúp đỡ em từ những đồng lương ít ỏi của mình. Được sự quan tâm động viên của tôi, em ấy học tập rất tiến bộ.

Lúc nào đồng nghiệp gặp tôi cũng khen rất nhiều về em. Cho đến một ngày, trong giờ kiểm tra môn Giáo dục công dân, ngoài những câu hỏi lý thuyết còn có những tình huống vận dụng đòi hỏi các em phải tư duy nhiều, mới giải quyết được.

Để tránh các em trao đổi, tôi không ngồi mà đi tới đi lui trên lớp và phát hiện ở phía dưới lớp có một học sinh chuyền một mảnh giấy cho Hằng. Hằng nhanh chóng nhận lấy. Tôi đi đến ngay chỗ em đang ngồi làm bài và cho rằng em đã gian lận trong kiểm tra. Hằng không nhận lỗi của mình mà một mực biện minh:

- Thưa cô, bạn Kiệt đưa giấy cho em, nhờ em chuyển tờ giấy ấy cho bạn Thắm ở trên.

Lúc này tôi giận lắm, tôi bảo em “Đưa tờ giấy cho cô xem”, nhưng Thắm đọc xong tờ giấy ấy đã hủy tự lúc nào. Lúc này tôi càng đinh ninh là em đã gian dối copy bài của bạn nhưng không chịu nhận lỗi lầm về mình.

Nhất là ngay tiết kiểm tra môn Giáo dục công dân- một môn xây dựng những chuẩn mực đạo đức để chuẩn bị cho tương lai- thì càng đáng trách, đáng phạt hơn.

Tôi đến đánh dấu vào cả hai tờ giấy kiểm tra. Thông thường khi kiểm tra phân phối chương trình có quy định, bài làm của các em được trả vào một hai tuần sau đó nên giáo viên không cần phải chấm bài vội.

Vậy mà vừa về tới nhà tôi lại lôi ra xấp bài chấm liền không cần phải lo cơm nước gì hết. Điều đó cho thấy tôi đã tức giận học trò mình đến mức độ nào.

Chấm khoảng mười mấy bài mới tới bài của Hằng. Bài của em ấy làm thật hoàn hảo tất cả các khâu, các yêu cầu đều giải quyết rất tốt, nhưng tôi chưa cho điểm vội mà phải đọc thêm bài của Kiệt xem độ giống nhau như thế nào mà căn cứ vào đó để trừ điểm.

Khi giở bài của Kiệt ra thì em ấy chỉ làm được phần lý thuyết đúng có ba điểm. Lúc này tôi mới biết mình đã trách lầm Hằng. Việc làm ấy làm tôi hối hận vô cùng. Càng hối hận tôi càng thấy có lỗi với em. Tôi tự hỏi lòng mình có nên nói lời xin lỗi với em không.

Nhưng lúc đó không hiểu sao một lời xin lỗi lại khó nói đến như vậy. Tôi tự bảo với lòng “Hay là mình gặp riêng để nói nhỏ cùng em ấy thôi! Mà cũng không được, ai đời một cô giáo lại xin lỗi học sinh như thế!

Cứ phớt lờ coi như không có chuyện gì xảy ra, rồi nói chuyện giả lả cùng em, sau ít hôm chuyện sẽ qua mà thôi”. Nghĩ vậy nhưng lúc nào lương tâm cũng thấy dằn vặt. Mình là một giáo viên, lại còn dạy môn Giáo dục công dân nữa, nên phải nghiêm túc thực hiện lời xin lỗi.

Nghĩ thế, khi phát bài kiểm tra cho các em tôi phải đi tới đi lui trên lớp rất nhiều lần mà lời xin lỗi khó lòng thốt ra được. Cuối cùng, tôi đứng trước lớp dũng cảm nói lời xin lỗi với em Hằng:

- Các em ạ, cô đã từng dạy các em làm người phải đối diện với những lỗi lầm mình gây ra, không nên trốn tránh trách nhiệm. Vì vậy vừa rồi, trong tiết kiểm tra môn Giáo dục Công dân, cô đã trách oan em Hằng, nên hôm nay, đứng trước lớp, cô xin nói lời thành thật xin lỗi em.

Khi nghe lời xin lỗi của tôi, cả lớp im phăng phắc. Riêng Hằng giơ tay đứng lên nói:

- Thưa cô trong giờ kiểm tra, em không nghiêm túc làm bài để cho cô buồn. Em mới là người có lỗi, em xin lỗi cô ạ!

Khi nói lời xin lỗi xong, lương tâm tôi cảm thấy thanh thản vô cùng...

Năm ấy, trong buổi họp chi bộ, tôi đã dũng cảm phê bình và nhận lỗi trước những người đồng chí của tôi, xem đây là một lỗi lầm cần được khắc phục trong năm.

Không những vậy, tôi từ chối nhận danh hiệu “Đảng viên hoàn thành xuất sắc làm theo lời Bác”. Nhưng đồng chí bí thư không đồng ý với lý do từ chối của tôi. Cuối cùng, tất cả các đảng viên trong chi bộ đã nhất trí đề cử tôi tham gia báo công dâng Bác và đại diện chi bộ nhận bằng khen đảng viên xuất sắc trong phong trào thực hiện và làm theo tấm gương tư tưởng, đạo đức của Hồ Chí Minh.

Trước khi tan buổi họp, đồng chí bí thư chi bộ có dặn tôi phải có mặt để dự thi và phải lựa chọn câu chuyện có thật của mình trong việc thực hiện để kể lại. Lúc này tôi càng lo lắng thêm. Tôi không biết là phải chọn chuyện gì để kể.

Cuối cùng tôi đã chọn câu chuyện “Một lời xin lỗi khó nói” để kể lại. Không ngờ câu chuyện tôi kể lại đạt giải cao trong hội nghị đầy trang trọng như vậy.

MINH ĐIỀN