Truyện ngắn

Tuổi hợi

Cập nhật, 17:20, Thứ Bảy, 09/02/2019 (GMT+7)

 

 Minh họa: sambct
Minh họa: sambct

1. Tân còn nhớ lần đầu tiên đặt chân đến miền núi này vào ngày rằm tháng Giêng. Đêm ấy trăng tròn vành vạnh. Anh bước ra khoảnh đất trống rộng thênh thang mà bác Tám Thung cho anh thuê để mở trại nuôi heo thịt. Gió núi lạnh nôn nao, màu trăng sáng rờ rỡ và lạnh lẽo.

Ngọn đèn lụa non tơ cao thẳm trải xuống chất thơ và chất tình khiến anh nhớ Ngọc Lan quay quắt. Cô ấy đã xúi anh về làm nhân viên văn phòng cho Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ở thị xã. Anh không muốn chôn vùi những kiến thức đã có được sau những năm miệt mài học tập ở Trường Đại học Nông lâm. Ngọc Lan giận anh không thức thời.

Chàng kỹ sư trẻ huy động nguồn vốn của anh chị em ruột và vay ở ngân hàng, khăn gói lên vùng cao lập nghiệp. Trước ngày con trai đi xa, mẹ anh an ủi: “Thằng Út sanh nhằm năm Hợi. Con trai mà tuổi Hợi thì không lo chi không có sự nghiệp”. Tân thả lỏng hồi tưởng.

Bác Thung đến một bên, cười khúc khắc: “Cháu nhớ nhà hay nhớ người yêu mà đứng thẫn thờ dưới trăng vậy hả?” Tân thú nhận: “Trăng buồn quá bác!”

Ông lão bật cười khanh khách: “Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ. Cháu đang ở một nơi nhộn nhịp, thoắt cái lên vùng sơn cước buồn như cóc cắn, không tâm trạng mới là chuyện lạ. Nhưng không sao đâu cậu bé. Cháu ở một thời gian sẽ quen thôi. Ngày trước bác đến đây lập nghiệp cũng ở vào lứa tuổi của cháu bây giờ”.

Tân về đến trại gác dưa của bác Tám đã thấy mâm cơm với đĩa thịt gà xào sả ớt thơm nức mũi, tô canh riêu cua màu xanh sẫm pha màu hồng, nhất là rổ rau sống vun chùn trông đã con mắt.

Ngồi một bên mâm cơm là cậu bé có gương mặt sáng như búp sen trắng. Cậu gật đầu chào Tân với nụ cười hiền hậu: “Em chào anh kỹ sư! Mời ba và anh dùng cơm kẻo nguội”.

Khách trút hết nỗi buồn. Không khí gia đình bất chợt hiện đến dịu dàng, ấm áp. Bác Tám nhắc cậu bé lấy chai rượu gạo. Ngoài kia có tiếng ếch nhái đồng vọng.

2. Gần đám dưa của bác Tám Thung, một trang trại heo thịt mọc lên đánh vào sự tò mò của người dân miền núi vốn ăn chắc mặc bền.

Họ kéo nhau đến xem lán trại diện tích gần một ngàn mét vuông, mái ngói, nền xi măng với hàng trăm ô vuông, mỗi ô chứa bốn con heo thịt. Nền lán trại lót một lớp trấu trộn mạt cưa cộng với phân vi sinh làm cho phân heo tự hủy.

Người đứng sát bên trại heo không hề nghe mùi hôi, heo được cho ăn cám hột đựng trong máng nối dài, uống nước từ các núm gắn vào tường, chúng trông hiền lành. Đúng là chuyện lạ ở miền núi. Lứa heo đầu, nhà cung cấp giống tiêu thụ hết đầu ra, tiền lãi đủ để Tân trả hết nợ vay ngân hàng.

Ngọc Lan đến thăm người yêu vào những ngày Tân huy hoàng nhất. Nhưng rồi cô vùng vằng bỏ về thành phố vì lòng ghen tuông vô lối.

Hôm ấy, cô Hoài- con bác Tám Thung- mang cơm trưa cho Tân. Cô bé vì quá ngưỡng mộ Tân mà dành sự ưu ái vô tư: “Anh ơi! Em mua thêm bánh nậm cho anh. Món ăn mà anh thích đó! Anh ăn ngay đi cho nóng!”

Chao ôi! Lời nói ngọt ngào phát ra từ đôi môi mọng đỏ không cần son phấn của một sơn nữ xinh đẹp càng khiến cho Ngọc Lan bầm gan tím ruột.

Thêm một lần nữa Tân thấy Ngọc Lan ích kỷ và nông nổi. Anh cảm thấy tình cảm của anh và Ngọc Lan có dấu hiệu rạn nứt. Hoài không ngờ hành động vô ý của mình gây ra sự hiểu lầm nghiêm trọng như vậy. Nàng luôn miệng xin lỗi Tân với ánh mắt buồn vời vợi.

Mấy ngày sau, rồi mấy ngày sau nữa nàng giao cho cu Tý mang cơm đến cho Tân. Nàng lánh mặt Tân vì mặc cảm lỗi lầm và vì một chút gì đó như đóm lửa nhen lên trong con tim bé nhỏ. Nàng lo sợ một cái gì đó thật mơ hồ.

3. Bây giờ Tân có thể rời trang trại nuôi heo, tha thẩn trong những cánh rừng đại ngàn để thưởng thức gió núi và cố quên đi nỗi buồn dai dẳng với Ngọc Lan.

Nhìn đàn bò dài dằng dặc chấp chới trong sương mờ, các chú mục đồng ngả ngớn trên lưng những con vật thân yêu với cục xôi, chiếc bánh mì quà sáng, ánh nắng xuyên qua kẽ lá, rọi vào mặt người một màu vàng tươi như mật, Tân hồi tưởng lại tuổi thơ nhọc nhằn và đáng yêu của mình, lòng bồi hồi, xao xuyến.

Vợ chồng bác Tám Thung trở thành người làm công cho anh. Hơn tám trăm con heo chỉ cần hai công lao động. Những lúc rảnh rỗi, Tân phụ hai bác tắm heo.

Mỗi ngày ba bận, vợ chồng bác Tám Thung cho cám hột vào các máng và tắm heo một lần là xong. Tân gọi cho Ngọc Lan mấy cuộc điện thoại, cô ấy không bắt máy. Chàng nghe lòng não nuột. Ngay trong lúc buồn bã nhất thì thầy cũ ở Trường Đại học Nông lâm gọi đến.

Nghe Tân cười sang sảng, gương mặt rạng rỡ, ông Thung nhìn vợ lắc đầu. Họ không biết cớ sự làm sao Tân đang buồn rười rượi bỗng dưng vui mừng hớn hở như vậy.

Tân cúp điện thoại, chạy đến ôm ông Tám Thung nâng khỏi mặt đất, cười ngặt nghẽo. Ông Tám quá bất ngờ trước hành động của Tân, liền la oai oái: “Ối trời!!! Coi chừng té! Cái thằng! Thả bác xuống mau!!!”

Tân buông ông Tám ra vẫn còn cười. Anh vuốt lại nếp áo của ông Tám Thung: “Xin lỗi bác! Con vui quá hóa rồ! Bác thông cảm!”

Ông Tám thấy cái kiểu giỡn của Tân rất lạ nên cười gượng: “Có chuyện gì mà thằng Tân vui quá trời vậy bây? Mày làm bác muốn ngộp thở!”

Bác gái đứng ngây người nãy giờ cũng nôn nóng: “Nói đi con! Chuyện chi vậy?” Tân còn giữ nguyên nét mặt hân hoan, cầm lấy đôi tay ông Tám Thung siết chặt: “Chuyện đại sự mà bác cháu mình đang lo ngay ngáy đã được khai thông đắc lợi rồi hai bác ơi! Thầy của con vừa gọi điện thoại cho biết, thầy có người bạn ở tỉnh Đăk Lăk chuyên mua “đệm” lót trại heo làm phân bón cà phê giá cao lắm! Đây là tin vui lớn thứ hai kể từ ngày con lên đây làm ăn. Hai bác có nghĩ như vậy không?”

Hai ông bà không hẹn cùng reo lên” “Tốt quá!” Nỗi lo giải quyết chất thải trấu và mạt cưa lót chuồng đã không còn nữa, Tân thấy lòng thư thái lạ thường. Anh chợt nghĩ, người dưng nước lã như vợ chồng bác

Tám lại biết đồng cảm sẻ chia niềm vui, nỗi buồn với anh; còn Ngọc Lan từng yêu thương, gắn bó thì một giận hai hờn.

4. Lứa heo thứ hai, Tân lại thắng lớn. Lần này anh nuôi một ngàn con heo thịt. Công ty Thái Lan cung cấp con giống, thức ăn và giải quyết đầu ra cho anh đánh giá rất cao về sự tiếp nhận và ứng dụng khoa học, kỹ thuật trong chăn nuôi của Tân. Họ thưởng cho anh một chiếc ti vi 40 inch.

Anh gửi về tặng mẹ. Qua điện thoại, giọng nói của mẹ xúc động muốn khóc. Vậy là anh không phụ lòng tin của mẹ. Mẹ anh đã già, nhưng cách nghĩ rất mới: “Con muốn đi làm việc ở Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo ý của con Lan hay đầu tư chăn nuôi gia súc thì tùy con quyết định”.

Bây giờ Tân trở thành người nổi tiếng trong và ngoài tỉnh. Tháng nào cũng có nhà báo đến xin gặp anh để phỏng vấn, viết bài, quay phim.

Thi thoảng họ gởi tặng anh những tờ báo có bài viết về anh, nào là “Một kỹ sư trẻ biết làm giàu”, “Một tỷ phú trẻ nuôi heo theo công nghệ cao”, nào là “Người lập nghiệp từ hai bàn tay trắng”, “Người biết tự đổi đời”… Các nhà báo càng không tiếc lời ngợi ca về anh thì anh càng lo lắng nhiều hơn.

Chuyện các doanh nhân nhận “Bông hồng vàng”, “Bông sen đỏ”,… về thành tích sản xuất, kinh doanh bữa trước thì bữa sau phá sản không phải là chuyện hiếm của thời nay. Biết đâu những lứa heo sau này bị dịch bệnh trắng tay thì sao?

Cứ để cho các nhà báo tự sướng với trang viết, bay bổng với thước phim, còn mình thì phải luôn biết kiệm lời và tỉnh táo. Tân luôn tâm niệm như vậy.

Có lẽ ông trời thương Tân thì phải. Những lứa heo sau số lượng tăng lên một cách an toàn, lán trại được anh cơi nới thêm. Tân cứ tiến tới với lòng tự tin vững chãi.

Giờ đây Tân đã có số vốn gởi ngân hàng nhiều không tưởng. Tiền nhiều, nhưng Tân vẫn thấy buồn. Cay đắng nhất là ngày Ngọc Lan đi lấy chồng. Cô ấy biết anh thành đạt, anh đi đúng hướng, vậy mà vẫn dứt tình. Càng nghĩ, Tân càng thêm u uất.

5. Sau khi Ngọc Lan đi lấy chồng, ai cũng ngỡ rằng Tân với Hoài sẽ là cặp đôi hoàn hảo. Tân cao ráo, trắng trẻo, gương mặt đẹp như kép hát cải lương.

Còn Hoài thì dáng dấp cân đối, săn chắc, gương mặt còn đẹp quyến rũ hơn Ngọc Lan gấp bội. Về tánh nết của Hoài cũng đủ khiến cho người khác giới thương quên đường về. Ngọc Lan đua đòi, cứng cỏi bao nhiêu thì Hoài nhu mì, thướt tha bấy nhiêu.

Từ ngày Tân đến thuê đất của nhà cô để xây cất lán trại nuôi heo. Đêm đêm về ngủ trong trại gác dưa với ba và em trai cô thấm thoát đã ba năm.

Ba năm ấy, Tân chưa một lần làm phiền lòng ai trong gia đình cô, kể cả người hàng xóm. Mọi người ghi nhận một anh chàng Tân hiền lành, nhiệt tình, tốt bụng, giỏi giang. Thanh niên trong làng xem Tân là thần tượng của họ. Các cô gái dòm ngang, liếc dọc chàng kỹ sư trẻ thành đạt và đẹp trai.

Cô này nghi ngờ cô kia phải lòng chàng nên họ luôn cảnh giác nhau, luôn giữ một khoảng cách nhất định. Người mà các cô gái nghi ngờ nhiều nhất đó là Hoài.

Không biết tự lúc nào Tân như một thành viên của gia đình Hoài. Ba má và em trai cô yêu quý chàng như người ruột thịt. Buồn cười là Hoài đối với Tân không được tự tin, dẫu từ lâu trong lòng đã thầm thương, trộm nhớ. Hoài là người biết tự trọng, một sự tự trọng không cao ngạo, bướng bỉnh như Ngọc Lan.

Mỗi lần Tân và Hoài gần nhau thường đem chuyện học vấn, chuyện đời ra đàm luận như đôi bạn tri kỷ. Sau lần chia tay tức tưởi với Ngọc Lan, trong Tân dường như đã nguội lạnh cảm giác yêu đương. Có lẽ Hoài cũng nhận ra điều đó nên cô đành chôn chặt tình yêu tận đáy lòng.

6. Đêm nay trăng cũng tròn vành vạnh như ngày đầu tiên Tân đến Xuân Sơn để lập nghiệp. Màu trăng dường như nhuộm màu hoa cúc, hoa quỳnh nên sắc vàng trắng nền nã.

Trăng rải ngọc trên những hàng cây ở sườn đồi. Trăng buông tấm lụa tơ tằm óng ả lên vườn chuối gần trại gác dưa của bác Tám Thung. Ngọn gió phóng túng từ phía núi thổi về bỡn cợt, ve vãn và dằn vặt sự cô đơn của một người đêm nay không ngủ.

Mà dường như ba năm nay Tân đều ngủ muộn. Nhất là những đêm trăng đẹp như vầy. Chiều nay trong lúc đổ cám hột cho heo thay mẹ, Hoài nói một câu xa vời: “Nếu có một ngày mình không còn là mình nữa, mình lệ thuộc vào người khác thì mình sẽ có cảm giác ra sao ta?”

Tân linh tính điều gì đó lạ lẫm đang tác động trong Hoài. Từ cái lần Ngọc Lan đến thăm anh, bắt gặp Hoài đang mang cơm trưa cho anh, nói câu ngọt lịm khiến cho Ngọc Lan giận dỗi bỏ đi đến giờ, Hoài luôn giữ ý tứ trong từng lời nói với Tân.

Biết vậy nên anh cũng rào đón từ xa: “Khi mình lệ thuộc vào một ai đó thì phải biết chấp nhận cảm giác của người khác”. 

Đúng như dự đoán của Tân, khi Hoài rời trại heo, bà Tám đến với vẻ mặt buồn hiu: “Tân à! Ngày mai người ta đến dạm ngõ nhà bác. Con gái có thì, con Hoài cũng đã đến lúc phải lấy chồng rồi.

Nói con đừng chê cười bác nghe, đã có lúc bác nghĩ con sẽ làm con rể bác. Bác thấy hai đứa con thật xứng đôi. Nhưng cái duyên, cái số nó không tới”.

Tân bỗng thấy thương bác Tám vô cùng: “Dạ! Bác ơi! Con không hề kén cá chọn canh đâu. Với lại hai bác coi con như người ruột thịt, nếu con và Hoài nên nghĩa vợ chồng thì thuận quá, ai cũng nói vậy. Nhưng tụi con không duyên, không nợ… mong bác đừng buồn!”

Tân đang nhìn trăng và thổn thức. Tân không hề yêu Hoài, vậy mà khi biết tin em đi lấy chồng, anh lại thấy lòng mình vô cùng trống trải. Ngay khi ấy, điện thoại của Tân có tin nhắn.

Anh sững sờ đọc như nuốt lấy từng chữ, từng câu: “Em Ngọc Lan đây! Em biết anh hận em nhiều lắm! Trong tình yêu, đáng nguyền rủa nhất là sự phản bội! Ngày đó em ngang bướng và nông nổi quá nên đã để mất anh!

Em nghe theo lời của chú em bảo bọc tụi mình công tác ở Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để sau này còn thăng quan tiến chức. Em thật vô minh!

Em không tin vào khả năng tự lập của anh… Em cũng biết đến giờ này anh vẫn chưa yêu ai! Sao anh ngốc vậy?... Em đã nộp đơn ly dị chồng từ hôm qua. Tụi em không hợp nhau, nếu cứ tiếp tục níu kéo chỉ thêm đau khổ… Anh lấy vợ đi để hai bác có cháu ẵm bồng… Hãy nghe em!!!...”.

Lại thêm một chuyện buồn đi vào ký ức. Tân nghe lòng xót xa, nhưng rồi anh tự an ủi mình: Trời cho mình cái này ắt sẽ lấy đi cái kia, cái chính là mẹ anh nói rất đúng “Thằng Út sanh nhằm tuổi Hợi lo chi không làm nên sự nghiệp”.

TRẦN QUỐC CƯỠNG