Truyện ngắn

Dấu chân người lính

Cập nhật, 06:20, Chủ Nhật, 17/02/2019 (GMT+7)

Thế là đã bước sang tháng mười một rồi. Những cơn gió bấc lần lượt kéo về, mang theo cái se lạnh của đất trời. Hàng hoa anh đào dẫn vào trường nở hồng cả lối đi.

Tranh minh họa: Trần Thắng
Tranh minh họa: Trần Thắng

Điều này làm cho Trang nhớ về kỷ niệm đẹp giữa cô và Thanh Hải. Nó lần lượt kéo về cùng với cơn gió bấc mùa đông, nó chấp vá từng mảnh ghép trong đầu cô không theo một trật tự nào hết…

Nhớ khi cô về trường trung học này được một năm, cô được phân công kiêm nhiệm Bí thư Đoàn trường. Cái thời thật sôi nổi, trẻ trung, đáng yêu và đáng nhớ!

Năm đó cũng vào dịp hoa anh đào nở rộ, chi đoàn trường có làm lễ kết nghĩa với đơn vị bộ đội Thông tin đóng quân trên địa bàn xã. Một đêm văn nghệ diễn ra thật hoành tráng. Đêm ấy, Trang biểu diễn bài hát “Nhánh lan rừng”.

Không ngờ tiết mục cô biểu diễn thành công ngoài sức tưởng tượng. Không chỉ ở giọng hát trẻ trung ngọt ngào của cô mà nó hấp dẫn người xem bởi anh bộ đội lên minh họa cho bài hát quá đẹp trai như một diễn viên điện ảnh vậy! “Nhánh lan rừng” anh mang trên ba lô là nhành anh đào thật đẹp.

Anh lấy xuống trao cho cô giáo dạy văn cũng là cô ca sĩ hôm nay. Tiết mục vừa chấm dứt, anh đến bên Trang, bắt tay chúc mừng. Trang ngạc nhiên hỏi anh:

- Ủa, tiết mục này không có dàn dựng trong chương trình mà?

Anh lính trẻ trả lời:

- Thấy cô hát hay quá, anh không kiềm lòng được, nên lên múa minh họa đó chớ! Bộ cô không hài lòng à?

Trang trả lời:

- Đâu có! Em thấy lạ nên ngạc nhiên ấy mà. Ừ, mà anh đừng kêu em là cô giáo nữa nhe! Cứ gọi em là Trang, Thu Trang.

Thanh Hải cười:

- Vậy à? Còn anh tên là Thanh Hải.

Vậy là hai người ngồi bên cánh gà sân khấu, vừa trò chuyện, vừa xem những tiết mục biểu diễn còn lại.

Sáng hôm sau, Trang cùng các đoàn viên khác dẫn các anh bộ đội đi thăm và tặng quà cho gia đình chính sách trong xã.

Đường qua thôn xóm rất gồ ghề, nhiều lúc đoàn phải xuống dắt xe dẫn bộ. Trang bị lật bàn chân bên một cái hố bên đường. Cô ngồi xuống, mặt nhăn lại vì đau đớn. Thấy thế Thanh Hải dừng xe và hỏi:

- Sao thế Trang?

Trang vừa nhăn mặt vừa trả lời:

- Em bị lật chân, đau quá!

Nói xong, cô thử đứng lên, nhắc nhắc vài bước, rồi thốt lên:

- Ồ, may quá! Nếu bị bong gân thì khổ. Nhưng chắc phải đi chân không quá, vì đôi guốc bị đứt quai rồi.

Đang lúng túng, bỗng Thanh Hải đưa đôi dép râu cho cô:

- Trang mang đỡ đôi dép này đi, tuy nó không đẹp nhưng nó cũng đỡ đau chân.

Trang tỏ ra e ngại:

- Nhưng anh đưa cho em rồi anh đi bằng cái gì?

Thanh Hải trả lời:

- Trang cứ mang đi, anh là bộ đội mà! Những lúc hành quân đường dài anh vẫn thường đi chân đất như vậy.

Trang hỏi:

- Nhưng biết bao giờ em mới gặp lại anh để trả lại anh đôi dép?

Thanh Hải cười nói:

- Em cứ giữ làm kỷ niệm đi! Tháng sau, đơn vị anh được điều sang Campuchia làm nhiệm vụ rồi.

Tự hồi nãy đến giờ anh em cũng trò chuyện bình thường thôi, nhưng bây giờ được biết anh được điều sang Campuchia tự nhiên lòng Trang thấy xốn xang khó tả. Trang thấy thương anh, quý anh quá! Trang nhìn xuống bàn chân anh, rồi cô cởi đôi dép mà cô vừa mang trong chân ra. Thanh Hải nhìn Trang hỏi:

- Sao lại không mang mà cởi ra? Hay là em mắc cỡ. Ở đây không ai nhìn thấy đâu mà sợ.

Trang nói:

- Khi nghe anh nói về người lính sao em thấy thương anh quá! Bây giờ em chịu đau một chút để chia sẻ vất vả cùng anh.

Trang nhìn chằm chằm vào bàn chân trần trụi của anh và nghĩ thầm trong lòng “Lúc còn dạy trên lớp mình từng rất thích đọc câu thơ “Lịch sử hôn anh chàng trai chân đất- Sống hiên ngang bất khuất trên đời” của Tố Hữu. Hôm nay Trang lại chứng kiến chàng trai chân đất thực sự, hiển hiện trước mắt cô. Bỗng nhiên Trang hỏi:

- Anh Hải này! Bây giờ trước mắt em anh là chàng trai chân đất, nhưng nhìn bàn chân anh không phải xuất thân từ những người đi chân đất phải không?

Thanh Hải trả lời:

- Ồ! Em hay quá vậy? Trước đây anh là giáo viên dạy nhạc. Theo truyền thống của gia đình, anh đăng ký lên đường để bảo vệ Tổ quốc đó chớ!

Trang nhìn anh cười rồi nói:

- Em hỏi anh câu này, anh phải nói thật nhe! Anh có người yêu chưa?

Thanh Hải trả lời:

- Trước kia lúc còn sinh viên thì có, bây giờ là người tự do rồi. À, mà sao em lại hỏi câu này?

Trang trả lời:

- Vì thấy bộ đội đẹp trai em nghĩ chắc anh hào hoa lắm đây. Em muốn biết bộ đội các anh chung tình đến mức nào!

Cả hai cùng cất tiếng cười giòn tan trên đường, làm bớt đi cái vắng vẻ của làng quê trong buổi trưa nắng ấm.

Thanh Hải nói:

- Bộ đội cũng bình thường như bao người khác. Ai chung tình như thế nào thì bộ đội cũng chung tình như thế đó.

Trang cãi lại:

- Sao em nghe bác Tố Hữu bảo “Rất chân thật chia ba phần tươi đỏ- Anh dành riêng cho Đảng phần nhiều- Phần cho thơ và phần để em yêu”. Vậy té ra bộ đội các anh dành cho em yêu còn một phần tí tẹo của con tim thì làm gì nói đến chữ chung tình nữa.

Thanh Hải cười:

- Em muốn biết bộ đội yêu nhiều hay ít thì tìm thử người yêu là bộ đội đi, rồi lúc đó em sẽ thốt lên “Trời ơi bộ đội sao lại chung tình đáo để”.

Trang bảo:

- Hay anh làm mai mối cho em một anh bộ đội đi, đẹp trai như anh là được rồi.

Thanh Hải nói:

- Không bao giờ có chuyện đó xảy ra.

Trang ngạc nhiên hỏi:

- Ủa bộ anh nhìn em xấu lắm hả?

Thanh Hải nói:

- Tại anh để ý Trang rồi, dại gì giới thiệu em cho người khác.

Trang lại đỏ mặt vì ngượng, không ngờ mình nói chơi, nhưng cuối cùng lại mắc bẫy. Anh bộ đội này đáo để thật.

Sau hôm gặp nhau ấy, Trang và Thanh Hải không còn được gặp nhau nữa, vì kỷ luật trong quân đội rất nghiêm. Tuy đơn vị Thanh Hải đóng cách đơn vị Trang có vài cây số, nhưng hai người chỉ liên hệ nhau bằng thư từ. Và đã lâu lắm rồi, cô không còn nhận của Thanh Hải bức thư nào nữa.

Trang đoán biết là anh ấy đã chuyển đến Campuchia. Thế là đã mấy lần hàng anh đào trước cửa trường Trang rụng lá, rồi ra hoa mà anh vẫn không về. Mỗi lần thấy hoa anh đào thì lòng Trang lại xốn xang khó tả. Có khi cô đứng hàng giờ để ngắm hoa anh đào nở mà nhớ về kỷ niệm ngày xưa.

Ôi, những kỷ niệm ấy sao nó lần lượt kéo về hiển hiện một cách trần trụi trước mắt cô. Mỗi lần hoa anh đào nở là cô đến trường bằng đôi dép râu. Không ai hiểu vì sao lại như vậy. Bọn học sinh thấy vậy tò mò tưởng là mô đen mới.

Chúng tìm những đôi dép râu y như vậy để hưởng ứng mốt của cô giáo chủ nhiệm… Rồi đến một ngày, Thanh Hải lại tìm về gặp Trang. Dưới bóng anh đào nở hồng cả lối đi.

Thanh Hải trong trang phục của quân đội, lưng đeo ba lô. Lúc đó, Trang đang có tiết dạy trên lớp. Một học sinh chạy vào nói với Trang:

- Cô ơi! Có chú bộ đội đẹp trai lắm đang muốn gặp cô. Chú ấy đang đứng trước cổng trường đó cô.

Nghe học trò nói Trang biết ngay là Thanh Hải đã tìm về. Cô tất tả đi ra ngoài phía cổng. Thì trời ơi! Đúng là anh ấy rồi, nhìn anh vẫn đẹp trai phong độ như xưa.

Vẫn nở nụ cười rạng rỡ, ấm áp như ánh nắng buổi sáng mùa đông năm ấy. Nhưng ô lạ chưa! Sao bên tay anh lại có cây gậy bằng kim loại dính bẹp trong cánh tay anh.

Trang nhìn xuống dưới chân anh, đó là cái chân bằng gỗ in hình những dấu tròn chi chít quanh chỗ anh đứng. Thấy Trang nhìn đầy vẻ ngạc nhiên cái chân mình như thế. Thanh Hải nói để Trang khỏi hụt hẫng:

- Anh về thăm lại người bạn thân ngày xưa thôi! Anh không có ý gì khác. Trước khi đến nơi này, anh đã suy nghĩ và đắn đo rất nhiều. Anh tự nói với lòng, mình đã tàn phế như thế này không còn xứng đáng với Trang đâu và anh hiểu điều đó. Vì vậy Trang đừng ngại.

Thanh Hải vừa nói hết câu thì hai hàng nước mắt của Trang tuôn rơi. Sau khi đè nén nỗi xúc động dâng trào trong lòng ngực, cô nói với Thanh Hải:

- Chỉ là về thăm người bạn thân thôi sao? Anh nghĩ tình yêu của em đối với anh chỉ có vậy thôi sao? Anh nhìn đi, lần này nữa là bốn lần hoa anh đào đã nở, thì ngần ấy thời gian em đỏ mắt chờ mong anh trở lại. Anh nói câu ấy nghe có công bằng đối với em không?

Thanh Hải nói:

- Nhưng bây giờ anh bị tàn phế như thế này, anh sợ em không còn chấp nhận anh, nên mới nói ra câu ấy!

Trang vẫn chưa nín khóc:

- Anh trở về đây tìm đến em, là em dư biết trong anh bây giờ vẫn còn em phải không? Còn riêng em thấy anh như thế này, ngoài tình yêu thương, còn có cả lòng biết ơn nữa.

Nói rồi Trang nắm tay dắt anh vào văn phòng giáo viên, giới thiệu với bạn bè bằng một thái độ đầy tự hào. Những đứa học trò của Trang thấy người lạ mặt cứ nhìn mãi, có đứa vừa nhìn vừa cười chúm chím. Một lúc sau, Trang vào lớp mà những đứa học sinh vẫn còn cười. Biết là bọn chúng ghẹo mình, Trang nói:

- Các em biết không, chú bộ đội đứng trước cổng trường ta lúc nãy, chú ấy ngày xưa vẫn như các em, hào hoa, lại có tài nhảy và chơi nhạc rất hay. Đôi chân của chú biểu diễn thoăn thoắt trên sân khấu, không ít lần chú ấy đã mê hoặc lòng người bằng điệu nhảy rất điêu luyện.

Nhưng vì chiến tranh, vì Tổ quốc thân yêu của chúng ta, trong đó có cả sự bình yên để các em đến trường ngày hôm nay nữa, mà chú ấy đã bỏ lại chiến trường bàn chân tài năng ấy.

Thu Trang vừa nói vừa lấy khăn tay lau vội hai hàng nước mắt lăn dài theo má. Cả lớp im phăng phắc chú ý nghe từng lời nói của cô. Và tò mò không biết đó là giọt nước mắt xúc động của cô khi gặp lại người thân yêu hay giọt nước mắt xúc động vì dấu chân tròn của chú bộ đội kia.

Mùa xuân năm ấy, hai người tổ chức một lễ cưới thật trang trọng. Bạn bè đều đến đông đủ để chúc mừng hạnh phúc của Trang và Thanh Hải.

Thanh Hải cũng xin vào trường trung học của vợ làm giáo viên dạy âm nhạc. Bọn học sinh thích thầy lắm! Mỗi buổi, chúng ra tận ngoài cổng để đón thầy. Đi bên cạnh những đứa học trò thân yêu, bàn chân người thầy giáo- người chiến sĩ năm xưa- in tròn trên cả lối đi.

MINH ĐIỀN