Truyền đời nghề hát bộ

Cập nhật, 05:26, Thứ Năm, 07/02/2019 (GMT+7)

Ghe hát bộ ngày xưa gắn liền với đình làng, họ về neo đậu biểu diễn mỗi dịp lễ kỳ yên, tết nhứt, hội hè. Ở Vĩnh Long còn có một ngôi đình đặc biệt, đó là đình An Thành (xã An Bình- Long Hồ), có thể xem như chiếc nôi của hát bộ Vĩnh Long, bởi lẽ đây còn là nơi nương náu thời chiến tranh của nhiều gia đình hát bộ, những ghe hát neo đậu cho đến… mục ghe rồi bầu đoàn thê tử kéo nhau lên bờ, rồi trở thành quê hương luôn cho đến ngày nay.

Phục dựng lại cảnh người dân đốt đuốc đi xem hát bộ ở đình An Thành.
Phục dựng lại cảnh người dân đốt đuốc đi xem hát bộ ở đình An Thành.

Một thuở hoàng kim

Câu chuyện bắt đầu từ gánh hát bộ của vợ chồng ông bầu Đây. Ông bầu Đây là nhạc công quê gốc Quới An, bà bầu Biếc là đào hát quê ở Tân An Luông.

Vợ chồng có gốc gác Vũng Liêm này thành lập gánh hát Tân Phước Lập từ năm 1945, chuyên đi hát lễ hội đình làng. Đây có thể xem là gánh hát hoành tráng nhất xứ vào thời ấy, được đầu tư lớn về trang phục, cảnh trí, nhân sự,… chiếm lĩnh những suất hát tại các đình thần ở Vĩnh Long lúc bấy giờ.

Trong chuyến lưu diễn về Bình Hòa Phước, gánh hát cặm sào neo ghe đậu bên bến sông cho đến… mục ghe luôn, cả gánh hát kéo nhau lên bờ và được hương chức, chính quyền cấp đất chỗ đình An Thành cho ổn định cuộc sống. Họ được trân trọng, đối xử rất tốt.

Vậy là từ năm 1968, đất An Thành nối tiếp nhau các đời con cháu của bầu Đây quần tụ, mưu sinh và giữ nghề cho đến ngày nay. Con cái bầu Đây cũng theo nghề như: Phạm Văn Mười Một, Phạm Văn Mười Hai, Phạm Thị Thảo, Phạm Văn Đèo.

Gánh hát tập trung nhiều gia đình: chú Hai Lụa, chú Ba Hảo, vợ chồng chú Sáu Thông, chú Ba Quéo,… và nhiều bạn hát khác: Năm Tửu, Ba Gạch… Có lẽ, ở tỉnh Vĩnh Long đây là xóm tập trung nhiều nghệ nhân hát bộ nhất.

Nghệ nhân Ưu tú Vũ Linh Tâm (giữa) tái hiện nghi thức lễ xây chầu, đại bội trong lễ hội đình làng Nam Bộ.
Nghệ nhân Ưu tú Vũ Linh Tâm (giữa) tái hiện nghi thức lễ xây chầu, đại bội trong lễ hội đình làng Nam Bộ.

Sau giải phóng, nhiều gia đình đi về quê nhưng còn lại gia đình bầu Đây và Ba Quéo ở lại, coi đình là ngôi nhà thứ hai.

Những lớp hát bộ kế thừa trưởng thành từ đây, được dạy dỗ, truyền nghề, tập dợt, sinh sống ở đây. Neo đậu bên bến sông, đoàn chờ những suất hát, chờ lễ hội. Người thì buôn bán, người đi đăng kiếm cá, đa phần thì đi bán kẹo kéo mưu sinh.

Hát bộ là nghề “phụ truyền tử kế”, không có một trường lớp nào dạy. Người học hát bộ muốn giỏi thì phải biết bắt chước. Nhìn thấy cô chú đứng trong cánh gà mà nhìn lén.

Vì là môn nghệ thuật vừa khó, vừa hiếm nên có những người giấu nghề, đứa nào có thiên tư, thông minh thì bắt chước được nhiều, được cô chú thương thì dạy riêng.

Ghe hát rày đây mai đó, neo đậu khắp các bến sông quê mà giữa khói lửa chiến tranh thì cố mà chọn được chốn an yên. Tuy nhiên, đó cũng là thời kỳ hoàng kim với những suất hát chật kín khán giả.

Ngày hát 2 suất, đêm hát 1 suất từ 1.000- 2.000 khán giả. Người người đi xem, chen nhau có khi bể rạp, xô đẩy người gác cổng ngất xỉu là chuyện thường.

Mấy cô gái mặc áo sơ mi chen lấn đứt nút, vừa coi hát mà vừa đứng vịn lại áo. Thị trường chợ đen sôi động, gắn liền với đời sống của gánh hát.

Những bà chị, bà mẹ yêu mến kép hát, đào hát đến nỗi tranh nhau giành làm chị nuôi, mẹ nuôi. Có trái xoài, trái ổi cũng để dành hoặc bắt con vịt nấu sẵn, gói ghém để dưới ghe, đoàn hát vừa vãn thì bưng lên cho anh kép, cô đào mà mình yêu quý.

Ghe hát quay đi, mấy mẹ, mấy chị đứng trên bờ khóc như mưa, ngóng theo cho đến khi ghe hát đi mất dạng.

Kiếp nghệ sĩ rày đây mai đó, 4 tháng nắng, 8 tháng mưa; có lúc 1 tháng đến 20 ngày mưa, không diễn được, không có tiền, anh chị bán quán bán chịu cho mà không có ý định đòi lại.

Nói đến nghệ sĩ thì phải nói đến khán giả và nhắc về khán giả thì chẳng khác nào cha mẹ thứ hai, vậy nên trong khi rao bán vé, luôn có câu: “Thưa quý khán giả mộ điệu ân nhân kính mến!”

“Phụ truyền tử kế” giữ nghề hát bộ

Trong cuộc sống hiện đại, khi phương tiện thông tin đại chúng phủ sóng rộng khắp thì nghệ thuật truyền thống dần mai một. Thế nhưng, những người theo đuổi hát bộ vẫn kiên trì bám trụ sân khấu là vì có những gia đình các thế hệ trước sống bằng nghề và con cháu cùng quý nghề từ nhỏ.

Số khác thấy thích thú điểm đặc biệt của bộ môn này và tìm hiểu rồi kiên trì theo đuổi bằng tất cả quyết tâm và đam mê.

Có một nghệ sĩ đã gần nửa thế kỷ theo nghề và giờ đây vẫn tiếp tục “vẽ mặt, sắm tuồng, thượng mã đề thương” vì đam mê và cũng vì để dìu dắt truyền lửa cho các thế hệ sau này. Chúng tôi muốn nhắc đến Nghệ nhân Ưu tú Vũ Linh Tâm.

Nghệ nhân ưu tú Vũ Linh Tâm chuẩn bị phục trang cho cháu nội.
Nghệ nhân ưu tú Vũ Linh Tâm chuẩn bị phục trang cho cháu nội.

Nghệ nhân Vũ Linh Tâm bộc bạch tâm tình: “Gần 50 năm theo nghề hát bộ, tôi luôn tâm niệm cố hết sức mình cống hiến được bao nhiêu hay bấy nhiêu.

Điều quan trọng nữa là ý thức trách nhiệm của mình, cũng là một ước vọng làm sao đào tạo được lực lượng kế thừa. Lớp trẻ của Vĩnh Long hiện tại là thế hệ thứ 6 của nghệ thuật hát bộ.

Điều mừng nhất là vẫn còn người biết được hát như thế nào, động tác vũ đạo, nhịp phách ra sao, tuồng tích khó hay dễ, hay hay dở,…”- ông nói tiếp- “Ươm được hạt mầm, lan tỏa được tình yêu đối với nghệ thuật hát bộ để những người như tôi, thế hệ trước nữa bây giờ đã 70- 80 tuổi dẫu có mất đi thì hát bộ cũng không biến mất.

Nhiều nghệ sĩ luống tuổi vẫn giữ trọn đam mê, vừa phải trang trải cuộc sống bằng nghề buôn bán lặt vặt, bán hàng rong, hát lễ hội, đình làng.

Như kiếp “con tằm ăn lá dâu xanh” chẳng biết trước tương lai, dù khó khăn nhưng vẫn đam mê. Nhiều nghệ sĩ vẫn nói vui “nếu có kiếp sau tui cũng muốn đi hát vầy là đủ”.

Là con trai thứ ba của Nghệ nhân Ưu tú Vũ Linh Tâm, anh Nguyễn Văn Tâm Em (37 tuổi) tham gia hát bộ từ năm 15 tuổi. Hơn 20 năm gắn bó với nghề, anh nói dù khó khăn cỡ nào cũng không bỏ cuộc.

Anh nói: “Người nghệ sĩ đứng trên sân khấu dù diễn một vai nhỏ thôi cũng phải tập luyện hàng tháng trời, mất rất nhiều công sức. Nhưng đứng trên sân khấu thì sống với nhân vật, mình không còn là mình nữa, mệt mỏi, uể oải mấy cũng chẳng màng”.

Đứa con trai và 2 con gái của anh cũng theo nghề truyền thống của gia đình, “không ép nhưng con thích thì cho học thôi, trước hết phải học tốt ở trường cái đã”.

Như vậy, riêng trong gia đình Nghệ nhân Ưu tú Vũ Linh Tâm đã có đến 4 đời gắn với nghề hát bộ.

Chị Nguyễn Thị Cẩm Nhung (xã Tân An Luông- Vũng Liêm) bày tỏ tình cảm với nghề, với người đã dìu dắt mình: Hát bộ có sức hút kỳ lạ. Nó hay vì tập trung tất cả tinh hoa của nghệ thuật sân khấu từ giọng hát, bài hát, nhịp phách, vũ đạo, bộ tay, binh khí, yếu tố hóa trang và phục trang. Ngoài niềm yêu thích, điều khiến tôi muốn gắn bó luôn với hát bộ còn là sự tận tâm của thầy Vũ Linh Tâm. Không những không giấu nghề mà thầy còn cầm tay chỉ việc, máu lửa truyền đạt để làm sao trò giỏi hơn thầy, duy trì bộ môn văn hóa dân gian quý báu của dân tộc.

Bài, ảnh: NGỌC TRẢNG- PHƯƠNG THÚY