Đêm trăng tròn xao xuyến khúc thơ ngâm

Cập nhật, 17:47, Chủ Nhật, 17/02/2019 (GMT+7)

Ngày Thơ Việt Nam được tổ chức vào Tết Nguyên tiêu là “cuộc hẹn đầu năm” đáng mong chờ của các nhà thơ, văn nghệ sĩ trong gần 20 năm qua.

Khởi đầu một năm mới đầy hy vọng, những người yêu thơ hội tụ, cùng hướng tới khám phá vẻ đẹp của thơ ca, âm nhạc, tôn vinh lao động sáng tạo nghệ thuật và bồi đắp tâm hồn, tình cảm trong nhịp sống đổi mới, phát triển của quê hương.

Ngày Thơ Việt Nam tỉnh Vĩnh Long lần thứ 16 được tổ chức tại Trường ĐH Cửu Long tạo điều kiện để giới trẻ tiếp cận thơ ca, khơi dậy đam mê sáng tạo nghệ thuật.
Ngày Thơ Việt Nam tỉnh Vĩnh Long lần thứ 16 được tổ chức tại Trường ĐH Cửu Long tạo điều kiện để giới trẻ tiếp cận thơ ca, khơi dậy đam mê sáng tạo nghệ thuật.

Một ngày riêng để lắng đọng, tôn vinh 

Bắt đầu từ năm 2003, ngày Thơ Việt Nam được tổ chức tại Văn miếu Quốc Tử Giám (Hà Nội). Dưới ánh trăng tròn vằng vặc của ngày rằm tháng Giêng, các văn nghệ sĩ Vĩnh Long cũng hội tụ, thưởng thức các tác phẩm thơ ca do chính các tác giả tỉnh nhà sáng tác và biểu diễn, cùng tôn vinh những giá trị cao đẹp của thơ ca truyền thống và quảng bá những câu thơ ra đời mang hơi thở cuộc sống.

Ông Trần Thanh Sơn (nhà thơ An Phương)- Phó Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Vĩnh Long- đã khái quát tầm quan trọng của thi ca và những đóng góp của nền văn nghệ đối với sự phát triển của tỉnh thời gian qua.

Nghị quyết 23-NQ/TW ngày 16/6/2008 của Bộ Chính trị về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học nghệ thuật trong thời kỳ đổi mới cũng xác định: “Văn học nghệ thuật là lĩnh vực rất quan trọng, đặc biệt tinh tế của văn hóa, là nhu cầu thiết yếu, thể hiện khát vọng chân- thiện- mỹ của con người…”, mà trong đó, loại hình thơ ca là những viên ngọc lấp lánh trong nền văn học nước nhà.

Vĩnh Long tự hào là nơi sinh ra nhiều nhà thơ lớn như: Thượng Tân Thị; Nhiêu Tâm; Phan Văn Trị; nhà báo, nhà văn, soạn giả Trương Duy Toản; nghệ sĩ nhân dân Phan Văn Huệ (Ba Du).

Trong kháng chiến chống Mỹ, Vĩnh Long có các nhà thơ: Kiên Tâm, Sa Giang Tử, Nguyễn Minh Điền,... Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, đội ngũ tác giả thơ Vĩnh Long không ngừng phát triển và trưởng thành với: Song Hảo, Trà Giang, Thái Hồng, Dương Thanh Thanh, Sao Vàng, Thúy Vân,…

Các tác giả đã không ngừng lao động, sáng tác ra những áng thơ hay, làm lay động lòng người, mang thông điệp tích cực về cuộc sống. Nói như nhà thơ Hữu Thỉnh: “Thơ ca cần đem đến sự bình yên cho mỗi con người, thêm một người bình yên trong tâm tưởng, thế giới bớt đi một điều bất hạnh”.

Thơ ca chắt lọc từ tâm hồn của người nghệ sĩ, là những chiêm nghiệm qua bao thời gian, bao thăng trầm của cuộc đời và là kết quả của một quá trình lao động trí tuệ nhọc nhằn.

Chính vì vậy, những bài thơ có giá trị tồn tại lâu dài và hữu ích trên nhiều khía cạnh. Trong công cuộc đổi mới của đất nước, hoạt động văn học nghệ thuật có một vị trí rất quan trọng cả trong việc giữ gìn những bản sắc văn hóa dân tộc, gìn giữ những truyền thống của cha ông cũng như trong việc thúc đẩy tiến trình giao lưu, hòa hợp với những nền văn hóa khác, góp phần làm hoàn thiện đời sống vật chất, tinh thần của con người.

Với ý nghĩa đó, nền thi ca của Vĩnh Long, các nhà thơ và tác phẩm của họ luôn luôn xứng đáng để được tôn vinh và ngưỡng mộ.

Thi ca đến gần hơn với công chúng

Thơ ca có sức sống lâu bền, bồi đắp tâm hồn, và nuôi dưỡng nhân cách con người.
Thơ ca có sức sống lâu bền, bồi đắp tâm hồn, và nuôi dưỡng nhân cách con người.

Qua 16 lần tổ chức, mỗi địa điểm tổ chức ngày Thơ ở Vĩnh Long đều mang ý nghĩa riêng. Khi tổ chức ở Khu lưu niệm cố Chủ tịch HĐBT Phạm Hùng, Khu lưu niệm Giáo sư, Viện sĩ Trần Đại Nghĩa mang đến không khí trang nghiêm, trân trọng những cống hiến của bậc tiền nhân.

Đêm Nguyên tiêu ở Văn Thánh miếu cổ kính lại khiến những hồn thơ bay bổng, dạt dào cảm xúc hơn. Năm 2018 và năm 2019, ngày Thơ được tổ chức ở các trường đại học.

Trong đêm trăng tròn ấm cúng ở không gian học thuật, sinh viên có điều kiện tiếp cận nhiều với thơ ca, từ đó khơi dậy tinh thần đam mê và sáng tạo thơ ca trong giới trẻ nhiều hơn.

Theo cô Phạm Thị Ngọc Huệ- giáo viên Ngữ văn Trường THCS- THPT Phú Quới (Long Hồ), ngày Thơ được tổ chức ở các trường học sẽ mang lại giá trị tinh thần rất lớn: “Trong không gian lắng đọng, các em hiểu hơn về thơ, khơi dậy cảm xúc về thơ và ngẫu hứng sáng tác. Gặp được những người sáng tác kỳ cựu, ngưỡng mộ cả về tài năng lẫn tâm hồn, biết đâu sau đêm thơ sẽ có tác giả trẻ xuất hiện”.

Cô Huệ xúc động: “Qua một năm với nhiều bộn bề, đến đây mỗi người sẽ có cảm nhận riêng nhẹ nhàng hơn, thư thái hơn. Những người có tâm hồn yêu thơ được chia sẻ với nhau. Ngày Thơ nên được duy trì mãi”.

Em Lê Nhật Linh- sinh viên ngành du lịch Trường ĐH Cửu Long- hào hứng với ngày Thơ Việt Nam lần đầu được tổ chức tại trường.

“Thông qua ngày Thơ, em hiểu hơn về ý nghĩa của ngày này, cũng như tầm quan trọng của thơ ca trong kháng chiến, trong cuộc sống hiện đại. Chúng em yêu thơ hơn và có ý thức giữ gìn vốn quý của dân tộc mình”- Nhật Linh chia sẻ.

Phó Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật- Trần Thanh Sơn đã nói: “Thơ đồng hành cùng cuộc sống, góp phần bồi đắp tâm hồn, nhân cách con người. Thơ làm cho con người đẹp hơn trong giới hạn của mình, bao dung hơn và tự tin hơn trên hành trình của cuộc sống làm người”.

Thuở nhỏ đu đưa trên cánh võng thích thú đọc thơ Trần Đăng Khoa, lớn lên biết yêu quê hương qua câu thơ Tế Hanh. Rồi từ khi nào yêu chất giọng tâm tình, lãng mạn của thơ Tố Hữu trong gian lao kháng chiến, lại trăn trở, day dứt về cuộc đời với thơ Nguyễn Trọng Tạo, mỉm cười khi bắt gặp bài thơ tình ngọt ngào của Song Hảo…

Dù ở thời đại nào thì thi ca cũng có sức sống riêng. Trên mảnh đất thi ca của Vĩnh Long đang vươn lên những mầm xanh mạnh mẽ.

Đó thực sự là một kho tàng, một tiềm năng vô giá của người Vĩnh Long. Và đối với việc ươm trồng, chăm sóc những mầm hạt giống trong vườn hoa thi ca, đang rất cần có sự quan tâm và đầu tư đúng lúc.

Bài, ảnh: PHƯƠNG THÚY