Chủ trương bỏ khái niệm "ca khúc trước 1975"

Khi trách nhiệm "chuyển" xuống địa phương

Cập nhật, 06:19, Chủ Nhật, 17/02/2019 (GMT+7)

Trước thông tin Thủ tướng đồng ý chủ trương bỏ cấp phép ca khúc trước 1975, công chúng- đặc biệt là giới ca sĩ, nhạc sĩ, các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật rất quan tâm. 

Bởi vấn đề tiếp theo là cụ thể hóa chủ trương bằng nghị định, sẽ được ban soạn thảo xây dựng theo hướng nào rõ ràng đang có những lúng túng nhất định; trong đó, quan điểm của người đứng đầu Cục Nghệ thuật biểu diễn cho thấy có gì đó chưa ổn lắm, khi mà số phận của các ca khúc bị “đùn đẩy” xuống địa phương.

Một đêm nhạc bolero. Ảnh: P. NAM
Một đêm nhạc bolero. Ảnh: P. NAM

Theo quan điểm của ông Nguyễn Quang Vinh- Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn- thì cả phương án công khai danh sách bài hát được phổ biến hay công khai danh sách những ca khúc bị cấm đều bất tiện, không phù hợp và trên thực tế vẫn không khác gì việc cấp phép ca khúc trước đây theo như Nghị định 79 của Chính phủ.

Do đó, ông nghiêng về phương án: “hướng tới việc xây dựng dự thảo sẽ chỉ ban hành quy định những bài hát có nội dung xuyên tạc lịch sử, bôi nhọ cá nhân hay bôi nhọ tổ chức, đi ngược lại lợi ích quần chúng và không được phép phổ biến rộng rãi dưới mọi hình thức.

Lúc đó quyền kiểm soát sẽ không thuộc Cục Nghệ thuật biểu diễn nữa mà thuộc về chủ các chương trình nghệ thuật và sở văn hóa- thông tin, sở văn hóa, thể thao và du lịch các tỉnh...”

Giải thích về việc, trong trường hợp một ca khúc nhưng nơi “cấm”, nơi “cho”, ông Nguyễn Quang Vinh nêu quan điểm: “Dự thảo cũng tính đến chuyện vênh nhau giữa các quan điểm, địa phương này cho phép, địa phương khác không cho.

Nhưng tôi cho đấy chính là bản sắc, bởi tính chất văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng giữa các tỉnh khác nhau thì họ hoàn toàn có thể có quyết định khác nhau cho cùng một ca khúc. Điều đó là bình thường”.

Thiết nghĩ, quan điểm này là khá cảm tính, thiếu khoa học khó chấp nhận được đối với cơ quan quản lý nhà nước về nghệ thuật. Nếu dựa trên quan điểm này để soạn thảo nghị định, chúng tôi nghĩ rằng sẽ xảy ra một số vấn đề bất cập trong quản lý lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn.

Hẳn chúng ta còn nhớ việc ca khúc “Màu hoa đỏ” đã bị tạm dừng lưu hành ở Tiền Giang, khi Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tiền Giang ra công văn các điểm karaoke phải gỡ bỏ ca khúc này.

Dù đây là một ca khúc cách mạng nổi tiếng nhất của cố Đại tá- nhạc sĩ Thuận Yến, được sáng tác năm 1991, phổ thơ Nguyễn Đức Mậu. 

Năm 1994, “Màu hoa đỏ” từng được trao giải ca khúc xuất sắc nhất của Bộ Quốc phòng. Đối với một ca khúc cách mạng quá hay về ca từ lẫn giai điệu như thế và thường được hát lên trong những dịp tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ mà còn bị “đối xử” như thế; thì có lẽ với những ca khúc trước 1975, sẽ rất dễ dàng bị một số nơi, một số địa phương thậm chí một vài cá nhân nào đó, đưa vào trường hợp “nhạy cảm” để cấm đoán.

Như thế vô tình tạo ra sự thiếu công bằng trong quyền được thụ hưởng nghệ thuật đối với người dân ở từng khu vực, từng địa phương khác nhau.

Một vấn đề lớn hơn, là tình trạng này có thể tạo kẽ hở để một số nơi phá vỡ tính thống nhất của luật định tức là nghị định của Chính phủ.

Mặt khác, đánh giá một tác phẩm nghệ thuật, chúng ta cần có nền tảng lý luận phê bình thống nhất, chúng ta có những hội đồng phê bình, lý luận trung ương có tầm nhìn bao quát, nhất quán.

Do đó, việc đánh giá, quyết định “số phận” một ca khúc giao quyền về địa phương sẽ rất dễ rơi vào cảm tính, thiếu tính khoa học.

NGỌC TRẢNG