Tản văn

Mùi của tết quê

Cập nhật, 05:14, Thứ Ba, 08/01/2019 (GMT+7)

Mỗi người trong chúng ta đôi khi không nhớ hết những gì trong ký ức tuổi thơ, nhưng có những hương vị đặc trưng không lẫn vào đâu được. Đó là mùi của tết…

Tôi nhớ những ngày còn đi học, trên đường đạp xe về nhà, cái không khí lành lạnh của những ngày cuối đông, nhìn những tiệm tạp hóa ven đường trưng bày hàng bán tết rộn ràng, chợ quê nhộn nhịp hẳn lên với nhiều hàng hoa trái cây, bánh mứt… những thanh âm và mùi vị đó khiến lòng tôi rạo rực, nôn nao khó tả. Cứ tết đến là bao nhiêu hương vị được bày ra.

Dọc trên đường về nhà, cái mùi nồng của kiệu đang phơi trước sân, kiệu giấm hay kiệu đường đều có chung công thức là đem kiệu ra phơi nắng để làm dịu bớt cái vị nồng của nó. Mùi của chuối ép, bánh tráng được phơi trên những sàng tre, vỉ lá dừa…

Tết, tôi nhớ hình dáng tảo tần của má. Những ngày giáp tết, má con ngồi tính xem nên làm bánh gì, mứt gì và nấu gì để cúng ông bà. Rồi tranh thủ thời gian được nghỉ tết ngày nào là bắt tay vào làm.

Tết hồi đó không nhiều bánh mứt như bây giờ; chủ yếu là sử dụng những cây trái ở quê nhà mà chế biến thành các món mứt bánh…

Chỉ vào dịp đón tết ở quê nhà mới dậy lên mùi mứt. Nhớ nhất là mùi của mứt dừa, mứt gừng, mứt chuối ngào, mứt bí, mứt chùm ruột,… Nếu tết mà bạn không ngửi được mùi của mứt là xem như chưa có tết quê.

Món mứt mà tôi thích nhất là món mứt chùm ruột. Má tôi làm rất khéo, trái mứt chùm ruột đỏ tươi trong vắt thấy cả hột, ăn vào vị chua chua ngọt thanh rất hấp dẫn,…

Màu đỏ và mùi vị của mứt đã quyến rũ bọn trẻ chúng tôi lúc bấy giờ. Tôi và các anh chị hay bu quanh xem má làm mứt.

Công thức làm mứt chùm ruột má học từ ngoại và rồi sau này truyền lại cho tôi, vì thế món mứt này tôi cho là món mứt gia truyền, nó chứa đựng biết bao kỷ niệm, hương vị hạnh phúc của những mùa xuân còn có má bên cạnh.

Tôi nhớ mùi hương nồng ấm của má, một bà mẹ quê chân chất, với cái mùi khói bếp cay cay sống mũi.

Sau khi làm mứt chùm ruột, đến món mứt dừa, tôi còn nhớ khi ấy chị tôi được má hướng dẫn làm. Chảo mứt đầu tiên thì biết rồi, khét, mứt dừa mà khét thì bọn trẻ chúng tôi lại khoái nhất, vì được ăn mà không cần đợi tết.

Mùi vani và mùi dừa được sên mứt thơm, béo ngậy, ăn xong còn không quên liếm đôi bàn tay. Mùi của chuối ngào đường, mùi của gừng non, của mè, của những thứ gia vị chỉ có thơm và ngọt là không thể thiếu cho ngày tết.

Ba mươi tết, má đi chợ sớm, chọn mấy miếng thịt ngon để kho nồi thịt kho tàu và để gói bánh tét nhân đậu.

Cái mùi vị của bánh tét nhân đậu, dù đi đâu, ở đâu, vẫn không quên mùi vị từ món bánh má tôi làm. Đậu sống, nhân thịt mỡ, vừa thơm, ngọt, béo, mùi của nếp hòa quyện với mùi của lá chuối sau nhà. Mùi của than tí tách, mùi của khói bếp cay cay, lá tỏa ra từ nồi bánh mà tôi từng canh lửa…

Từ lâu rồi, tôi đã không còn tìm lại được những hương vị ngày xưa. Giờ muốn ăn món thịt kho tàu do chính má tôi nấu, muốn thưởng thức bánh tét má làm và còn nhiều cái ước muốn đều không bao giờ có được.

Phút giao thừa, mùi của hương trầm dành để đốt chờ thời khắc thiêng liêng. Giao thừa là phút giây mà ai trong chúng ta cũng mang trong mình nhiều nỗi niềm, nhớ về quá khứ, trân trọng hiện tại và hướng về tương lai mong một năm mới may mắn, bình yên.

ĐỖ THẠCH