Nỗ lực phát triển văn hóa đọc

Cập nhật, 05:14, Chủ Nhật, 06/01/2019 (GMT+7)

Bằng tình cảm chân thành và những việc làm thiết thực, những người yêu sách vẫn luôn lặng lẽ từng ngày gieo mầm tình yêu sách, nỗ lực để sách là sợi dây kết nối các thế hệ, để văn hóa đọc là một phần cuộc sống của thế hệ mới… vào một ngày không xa.

Thói quen đọc sách được lan tỏa, góp phần phát triển văn hóa đọc.
Thói quen đọc sách được lan tỏa, góp phần phát triển văn hóa đọc.

Từ lâu, vai trò của sách được nhấn mạnh như cung cấp tri thức, giúp hoàn thiện nhân cách, học các kỹ năng, chuẩn bị hành trang cho tương lai,…

Tuy nhiên, trong thực tế, không có nhiều người “mặn mà” với sách khi có con số thống kê, mỗi năm người Việt Nam đọc chưa đến một cuốn sách.

Cải thiện con số 0,8

Rong ruổi mang sách về nông thôn, mong lan tỏa tình yêu sách cho học sinh Vĩnh Long, bà Khúc Thị Hoa Phượng- Giám đốc Nhà xuất bản Phụ Nữ nói tỷ lệ đọc sách ở Việt Nam rất ít so với các nước trong khu vực như: Thái Lan, Malaysia, Nhật Bản…

Bà cho biết: “Theo thống kê của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, mấy năm gần đây, nếu không kể sách giáo khoa thì người Việt Nam đọc 0,8 cuốn sách/ năm, trong khi các nước phát triển đọc đến 17- 18 cuốn/năm.

Hầu như chúng ta chưa có thói quen đọc sách ở nhà, còn ở trường thì có quá nhiều môn học. Khi ra xã hội làm việc thì quá bận rộn, không còn nhiều thời gian”.

Theo bà Khúc Thị Hoa Phượng, khi đến nhiều tỉnh- thành từ Bắc vào Nam thực hiện chương trình khuyến đọc, bà nhận thấy, các điểm đọc sách thường được đặt trong nhà văn hóa xã, học sinh, người dân lao động ít lui tới.

Còn một số hiệu sách nhân dân, nhà sách hiện đại thì chỉ có ở các thành phố lớn, vùng nông thôn lại càng… hiếm.

“Không được tạo thói quen đọc sách, vậy có bao nhiêu người tìm đến thư viện hay đọc sách ở các gia đình?”- bà Khúc Thị Hoa Phượng trăn trở.

Sự lên ngôi của những thiết bị công nghệ số hiện đại, sức hút của sách, của văn hóa đọc dường như cũng đã phần nào vơi đi theo năm tháng.

Nhưng vẫn luôn có những người dành cả tình yêu cho những trang sách, cho việc tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại từ những cuốn sách bé nhỏ.

Tròn 10 năm, ngôi nhà trên đường Lê Văn Thọ (quận Gò Vấp- TP Hồ Chí Minh) là nơi trẻ em, sinh viên và cả những cụ lớn tuổi lui tới để tìm sách đọc, tham gia các CLB học thuật, viết cảm nhận về sách,…

Là chủ thư viện gia đình lớn nhất Việt Nam với gần 40.000 đầu sách, ông Phạm Thế Cường có ước muốn mãnh liệt là “mang tình yêu sách lan tỏa đến khắp mọi ngóc ngách trên đất nước”.

Chuyến về thăm Vĩnh Long lần này, ông Phạm Thế Cường “bày” cho các học sinh cách duy trì một CLB yêu sách, động viên các em thêm niềm tin với văn hóa đọc hiện nay.

Ông chia sẻ: “Đừng đặt nặng mục đích của việc đọc. Chọn một quyển sách về đề tài yêu thích, đọc để giải trí, dần dà tạo thành thói quen, rồi nâng tầm lên, đọc để tiếp thu điều gì mới và cuối cùng là vận dụng nó vào cuộc sống, điều chỉnh hành vi, tính cách của mình”.

Bạn Nguyễn Anh Huy- Chủ nhiệm CLB Sách và Hành động Mang Thít- nói: “Học trò ở vùng sâu hổng có nhiều điều kiện để đọc sách thì làm sao mà thấy thích đọc”.

“Phải cảm thấy ý nghĩa của đọc sách thì mới yêu thích nó. Chia sẻ sách cho các bạn cùng đọc, kết nối những người yêu sách, gặp gỡ những người viết sách là cách mà tụi em tạo sự tò mò, thích thú, nuôi dưỡng tình yêu sách”- Huy chia sẻ.

Khơi dậy đam mê, tình yêu sách thực sự

Một trong những CLB hoạt động hiệu quả, để hình thành và phát triển văn hóa đọc cho học sinh là CLB Văn học Trường THPT Nguyễn Thông (TP Vĩnh Long).

Không gian đọc sách với phòng tư vấn tâm lý học đường là “ngôi nhà thứ 2” mà các bạn đến để tâm sự những vướng mắc trong học tập và cuộc sống.

Em Biện Thị Hà Mi đã viết cho cô Huỳnh Nhị: “Cô là người bạn lắng nghe con và là người thầy khuyên bảo. Chiêm nghiệm những ngày qua giúp con mạnh mẽ và sống vững vàng trước những thay đổi... Con sẽ biết giá trị của mình thuộc về nơi đâu, con vẫn nhớ ai vun đắp cho mình. Cảm ơn cô- người thầy nâng đỡ từng bước chân con trên đường đời!”

Qua hơn 10 năm dạy học, cô giáo Trần Huỳnh Nhị sáng lập CLB với mong muốn truyền tình yêu sách đến học sinh, để bồi dưỡng tâm hồn, biết yêu thương và sống tử tế hơn.

Từ buổi sinh hoạt đầu tiên “lác đác” vài học sinh, không có nhiều sách, phải xin Ban giám hiệu nhà trường lấy phòng truyền thống để làm không gian đọc.

Bán các sản phẩm thủ công, trồng sen đá bán gây quỹ, thu gom phế liệu,… các thành viên CLB chắt chiu từng chút một để mua sách.

Tấm lòng chân thành của cô và các bạn đã lay động các nhà hảo tâm, được sự hỗ trợ của Thư viện tỉnh, hệ thống CLB Sách và Hành động, các nhà xuất bản.

Qua 2 năm hoạt động, CLB đã có được tủ sách trên 1.500 quyển với nhiều thể loại. Mỗi tuần, có khoảng từ 70- 100 lượt học sinh đến mượn, trả sách.

Theo cô Huỳnh Nhị, từ tình yêu sách, kỹ năng đọc của các em tăng lên rõ rệt. Khi đọc quyển sách nào khó hiểu, các em chủ động tìm gặp để trao đổi.

“Tôi dùng sách để tư vấn tâm lý cho học sinh khó khăn và các em chưa ngoan. Kỷ niệm ngọt ngào mà lần nào cũng khóc là đọc thư do các em viết. Các em nhỏ gắn bó với mình bằng tình yêu đẹp lắm!”- cô Huỳnh Nhị xúc động nói.

Em Triệu Thành Đạt (lớp 12A10- Trường THPT Nguyễn Thông) cho biết, em không bỏ lỡ chương trình ý nghĩa nào của CLB như: Cuộc thi viết về Đội tuyển bóng đá U.23 Việt Nam, cuộc thi viết về quyển sách em yêu, các buổi tọa đàm về nghề nghiệp, du học, tư duy phản biện...

Đạt nói sẽ gắn bó lâu dài với CLB bởi: “Mỗi lần tham gia lại thấy tự tin hơn, những cuốn sách không còn khô khan, nhàm chán mà hấp dẫn dữ lắm khi được chia sẻ, thảo luận, gặp trực tiếp tác giả…”

Có mặt trong buổi sinh hoạt của CLB mới thấy sự kết nối kỳ diệu của sách. Các em học sinh ngồi chật kín cả hội trường, tự tin giới thiệu quyển sách, chăm chú lắng nghe lời chia sẻ của các diễn giả, mạnh dạn thảo luận cùng họ và rút ra những bài học cho riêng mình.

CLB âm thầm từng ngày thắp lên ngọn lửa yêu sách trong lòng các em. Tình yêu sách, sự gắn kết, những trải nghiệm cùng nhau qua những ngày trưởng thành đầy khó khăn, các bạn sẽ chuẩn bị cho mình hành trang thật vững chắc về tri thức, hoàn thiện cảm xúc và nhân cách khi bước vào đời.

Ông Phạm Văn Quân- Phó Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Thông- nhận xét: Đến mỗi buổi sinh hoạt, các em đã tự đọc, nghiền ngẫm, trực tiếp tương tác với các diễn giả giúp các em hiểu sâu sắc hơn. Qua 2 năm phát động, CLB khơi nguồn tìm tòi đọc sách, các em có kênh thông tin để học hỏi kiến thức, học các kỹ năng để phát triển bản thân và dần coi sách vở là bạn mình. Từ việc giao lưu kết nối với các đơn vị, tạo nhiều mối quan hệ bạn bè, các em có điều kiện phát triển tốt sau này.

Bài, ảnh: PHƯƠNG THÚY