Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo: Một 'người đa tài' đã ra đi

Cập nhật, 17:41, Thứ Ba, 08/01/2019 (GMT+7)

Mọi người vẫn gọi nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo là “người đa tài”, bởi ông không chỉ là nhà thơ nổi tiếng, mà còn là nhạc sỹ, họa sỹ, nhà báo để lại những dấu ấn sâu đậm trong lòng khán giả.

Nhà thơ, nhạc sỹ Nguyễn Trọng Tạo. Ảnh: Từ FB nhân vật.
Nhà thơ, nhạc sỹ Nguyễn Trọng Tạo. Ảnh: Từ FB nhân vật.

Nguyễn Trọng Tạo sinh năm 1947, quê ở Diễn Châu, Nghệ An. Ông tham gia quân đội năm 1969, học Trường Viết văn Nguyễn Du khóa 1. Ông đã xuất bản hơn 20 đầu sách chung và riêng, gồm tập thơ, trường ca, tập văn xuôi và nhạc.

Nguyễn Trọng Tạo sáng tác bài thơ đầu tiên từ năm 14 tuổi. Ông có rất nhiều bài thơ nổi tiếng, trong đó, có những bài thơ từng gây chấn động văn đàn như: “Đồng dao cho người lớn”, “Tản mạn thời tôi sống”, “Tin thì tin không tin thì thôi”... Các tác phẩm thơ của ông có nhiều bài được dịch sang các tiếng Anh, Pháp, Nga, Tây Ban Nha, Ba Lan. Tác phẩm mới nhất của ông là tập thơ song ngữ (Việt - Anh) “Ký ức mắt đen” và trường ca “Biển mặn”. Đặc biệt, năm 2012, ông đã được trao Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật với tập thơ “Đồng dao cho người lớn” và Trường ca “Con đường của những vì sao” (Trường ca Đồng Lộc).

Một người “bạn thơ” của ông từng nói, thơ Nguyễn Trọng Tạo là những khúc hát ngân lên từ cõi nhớ của một kẻ nhà quê lưu lạc, là những câu thơ đẫm niềm riêng, nhưng cũng là những trải nghiệm khóc cười nhân thế… Còn nhà nghiên cứu, phê bình văn học Nguyễn Đăng Điệp từng nhận định: Nguyễn Trọng Tạo thực sự là người có những đóng góp đáng quý trong quá trình đổi mới thơ ca. Trong những tác phẩm xuất sắc của mình, Nguyễn Trọng Tạo đã ngộ ra được lẽ sống của thơ, là sự đổi mới không ngừng, chính vì thế mà ông trở thành một gương mặt sáng giá trong đội ngũ những nhà thơ mấy thập niên qua…

Nhà thơ, nhạc sỹ Nguyễn Trọng Tạo cùng nhạc sỹ Văn Cao. Ảnh: từ FB nhân vật.
Nhà thơ, nhạc sỹ Nguyễn Trọng Tạo cùng nhạc sỹ Văn Cao. Ảnh: từ FB nhân vật.

Là một nhà thơ nổi tiếng, nhưng Nguyễn Trọng Tạo lại được nhiều người biết đến với vai trò một nhạc sỹ. Ông bắt đầu sáng tác ca khúc từ năm 1970, với kiến thức học được từ những lớp sáng tác âm nhạc ngắn hạn trong quân đội và quá trình tự học. Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, ông có nhiều tác phẩm được biểu diễn, phát sóng trên Đài Tiếng nói Việt Nam như: “Đất nước Bác Hồ và cuộc hành quân không nghỉ” (tổ khúc hợp xướng), “Cái dốc nó cao”...

Sau này, ông sáng tác nhiều và có nhiều ca khúc được công chúng yêu thích, trong đó, ca khúc “Làng Quan họ quê tôi” (lời phỏng thơ Nguyễn Phan Hách) từng được hãng JVC Nhật Bản chọn vào đĩa karaoke 100 bài hát Việt Nam, được Dàn nhạc giao hưởng Leipzig trình tấu trong Tuần Văn hóa Việt Nam tại Đức. Bài "Khúc hát sông quê" của ông cũng được công chúng đặc biệt yêu thích và thuộc nằm lòng.

Bên cạnh những bài nổi tiếng như "Làng quan họ quê tôi", "Khúc hát sông quê", ông còn có nhiều ca khúc được khán giả mến mộ như "Đôi mắt đò ngang", "Tình ca bên một dòng sông", "Non nước Cao Bằng", "Mẹ tôi", "Đồng Lộc thông ru", "Tình ca hạt giống vàng", "Trống hội cổng làng", "Con dế buồn", "Mưa", "Nghe biển ru đêm", "Tình ca hoa cúc biển"…

Nhà thơ, nhạc sỹ Nguyễn Trọng Tạo trong chương trình
Nhà thơ, nhạc sỹ Nguyễn Trọng Tạo trong chương trình "Khúc hát sông quê". Ảnh: FB nhân vật.

Tính đến nay, nhạc sỹ Nguyễn Trọng Tạo đã sáng tác gần 100 ca khúc. Hầu hết, các tác phẩm âm nhạc của ông giàu chất thơ và mang đậm âm hưởng dân ca. Ông cũng có những bài thơ được các nhạc sĩ khác phổ nhạc và cũng rất nổi tiếng. Có thể kể đến các ca khúc "Một dại khờ một tôi" (nhạc sĩ Phú Quang), "Cỏ và mưa" (nhạc sĩ Giáng Son)…

Không chỉ nổi tiếng bởi thơ và nhạc, Nguyễn Trọng Tạo còn được giới văn nghệ Việt Nam biết đến là một họa sỹ, một nhà báo, viết truyện ngắn, vẽ bìa sách… Ông trình bày khoảng 500 bìa sách, và đã từng nhận 2 giải thưởng “Bìa sách đẹp” của Bộ Văn hóa – Thông tin. Bạn bè ông bảo, dù làm gì, ông cũng có một thói quen làm việc chỉn chu, kỹ lưỡng, không đơn giản dễ dãi.

Có không ít người từng đặt câu hỏi, ông “rốt cuộc” là nhà thơ, hay nhạc sỹ, họa sỹ, ông cười và tự nhận: Tôi chỉ thấy mình là “nhà quê" mà thôi, bởi tôi xuất thân từ nghề làm ruộng, rồi chuyển sang làm thợ mộc... Có lẽ bởi chất "nhà quê" trong ông, mà trong thơ và nhạc của Nguyễn Trọng Tạo, đều mang đậm hơi thở của làng quê Việt Nam.

Và, sau một hành trình dài “phiêu dạt” với thi ca, với âm nhạc và hội họa, vào lúc 19 giờ 50 phút ngày 7/1/2019, nhà thơ, nhạc sỹ, họa sỹ Nguyễn Trọng Tạo đã ra đi, đã trở về với “khúc sông quê” của chính mình. 

Theo Phương Phương/Báo Tin tức