Kỷ niệm 100 năm ngày sinh họa sĩ Nguyễn Sỹ Ngọc

Cập nhật, 17:18, Thứ Ba, 25/12/2018 (GMT+7)

Họa sĩ Nguyễn Sỹ Ngọc thuộc lớp nghệ sĩ đi đầu của nền Mỹ thuật cách mạng với nhiều đóng góp cho sự phát triển của Nghệ thuật tạo hình Việt Nam.

Lễ kỷ niệm 100 năm ngày sinh Họa sỹ Nguyễn Sỹ Ngọc tổ chức tại Hội Mỹ thuật Việt Nam.
Lễ kỷ niệm 100 năm ngày sinh Họa sỹ Nguyễn Sỹ Ngọc tổ chức tại Hội Mỹ thuật Việt Nam.

Sáng 25/12, Hội Mỹ thuật Việt Nam phối hợp cùng trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam tổ chức Lễ kỷ niệm 100 năm ngày sinh Họa sỹ Nguyễn Sỹ Ngọc để tưởng nhớ và tôn vinh những thành tựu và công lao của ông đối với sự phát triển của Nghệ thuật Tạo hình Việt Nam hiện đại. 

Họa sỹ Nguyễn Sỹ Ngọc sinh ngày 25/12/1918, quê xã Tam Khương, huyện Thanh Trì, TP Hà Nội. Nguyễn Sỹ Ngọc tốt nghiệp Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương khóa XIII (1939 – 1944) cùng khóa với các họa sĩ Huỳnh Văn Thuận, Trần Định Thọ, Phạm Văn Đôn,... Ông tham gia cách mạng ngay sau khi tốt nghiệp và dành toàn bộ cuộc đời để sáng tạo phục vụ cách mạng. Họa sĩ Nguyễn Sỹ Ngọc thuộc lớp nghệ sĩ đi đầu của nền Mỹ thuật cách mạng Việt Nam. 

Ông là người sáng tác sung sức và đã có nhiều tác phẩm tham gia triển lãm ở trong và ngoài nước. Tiêu biểu là những bức tranh về du kích Cảnh Dương và đặc biệt với bức tranh sơn mài "Bát nước" có kích thước 80x58cm (sau này đổi tên là "Tình quân dân"( đã được lựa chọn cùng một số tác phẩm khác của Nguyễn Đỗ Cung, Trần Văn Cẩn,.. đưa đi Triển lãm tại Liên hoan Thanh niên Sinh viên Thế giới ở Berlin, Đức). Bức tranh này là một trong những tác phẩm của ông được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học Nghệ thuật. 

  Họa sĩ Nguyễn Sỹ Ngọc.
Họa sĩ Nguyễn Sỹ Ngọc.

Sau kháng chiến chống Pháp thành công, ông trở thành giảng viên của Trường Cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam. Thời gian công tác giảng dạy tại trường, ông đã đóng góp nhiều công sức cho việc giảng dạy nhiều thế hệ sinh viên những khóa đầu, nhiều người trong số họ đã trở thanh những họa sĩ, giảng viên nổi tiếng, được trao tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật. 

Phát biểu tại lễ kỷ niệm, ông Trần Khánh Chương, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam khẳng định: "Tác phẩm của họa sĩ Nguyễn Sỹ Ngọc trong kháng chiến chống Pháp và thời kỳ sáng tác tại vùng than Quảng Ninh là những tranh sơn mài xuất sắc, biểu đạt được hình tượng anh bộ đội cụ Hồ, tình quân dân, lao động sản xuất của công nhân vùng than. Tranh của Nguyễn Sỹ Ngọc có bút pháp phóng khoáng, sống động và có sức truyền cảm mạnh mẽ, tài hoa trong đường nét và màu sắc."

Từ năm 1965 -1973, ông chuyển công tác về Hội Mỹ thuật Việt Nam trong Tổ sáng tác và nghiên cứu Mỹ thuật. Ngoài công việc sáng tạo, họa sĩ Nguyễn Sỹ Ngọc còn là một cây bút phê bình mỹ thuật có trách nhiệm và là họa sĩ minh họa báo xuất sắc. Từ năm 1973 đến 1978, ông chuyển sang làm việc tại Tuần báo Văn Nghệ (minh họa văn học, viết bình luận mỹ thuật). 

Tác phẩm
Tác phẩm "Tình quân dân" ( Cái bát) (1949).

Họa sĩ Nguyễn Sỹ Ngọc miệt mài công tác, sáng tác, giảng dạy và nghiên cứu Mỹ thuật. Dù gặp những khó khăn, cản trở, ông đều vững tâm vượt qua, đứng vững trên con đường sáng tạo, để lại những tác phẩm hội họa đẹp cho đời.Ông thường xuyên ký họa, ghi chép tích lũy sáng tác và dành nhiều cho sơn mài. Tác phẩm sơn mài của ông phải kể đến các tác phẩm "Xô Viết Nghệ Tĩnh", "Đổi ca","Đèo Nai", "Hợp tác xã Người Dao Đỏ",...

Trong số các tác phẩm sơn mài nổi tiếng thì tác phẩm "Xô Viết Nghệ Tĩnh" -tác phẩm sơn mài mà ông cùng với các họa sĩ Trần Đình Thọ, Phạm Văn Đôn, Nguyễn Văn Tỵ ... thực hiện là tác phẩm sơn mài đầu tiên sáng tác tập thể và có kích thước lớn nhất vào thời kỳ đó.

  Tác phẩm sơn mài
Tác phẩm sơn mài "Xô Viết Nghệ Tĩnh".

Các tác phẩm của ông trưng bày trong nhiều Triển lãm Mỹ thuật Toàn quốc, Triển lãm của Hội Mỹ thuật Việt Nam, nhiều tác phẩm đã được lưu giữ tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, trong các bộ sưu tập ở nước ngoài. 

Trong quá trình công tác, họa sĩ Nguyễn Sỹ Ngọc được Đảng và Nhà nước khen thưởng: Huân chương Độc lập hạng Ba, Huân chương lao động hạng Ba (12/1988), Huy hiệu kháng chiến chống Pháp, Huân chương kháng chiến chống Mỹ hạng nhất, Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp Mỹ thuật Việt Nam, Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam. Năm 2001, ông được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học Nghệ thuật ( đợt 2) cho 4 tác phẩm: "Tình Quân dân (Bát nước)"; "Đổi ca" (1962), "Chiến dịch Điện Biên Phủ" (1980), "Đèo nai" (1965).

Họa sĩ Nguyễn Sỹ Ngọc đã để lại cho đời là các tác phẩm nghệ thuật và các trang viết phê bình già dặn, trí tuệ đã đi vào lịch sử hội họa Việt Nam./.

Theo Hạnh Lê/VOV.VN