Tản mạn

Món ăn "tản văn"

Cập nhật, 12:12, Thứ Hai, 08/10/2018 (GMT+7)

 

Đây là những món ăn tinh thần mang “dấu ấn và giọng riêng” của mỗi “đầu bếp”.
Đây là những món ăn tinh thần mang “dấu ấn và giọng riêng” của mỗi “đầu bếp”.

Tối tôi thường hay đem “món ăn nhẹ” ra nhấm nháp, ấy là món tản văn hay tạp văn. Tuy món ăn nhẹ nhàng, dễ nuốt nhưng người “đầu bếp” không nhẹ công chút nào.

Nó đòi hỏi “đầu bếp” phải có kinh nghiệm sống và phải khéo léo trong cách chế biến. “Món ăn” trước hết phải mang hương vị riêng của mình, tức là khi người ăn thưởng thức nó sẽ cảm nhận được vị ngon, hợp khẩu vị và không được lẫn lộn với ai khác.

Tôi thích “món ăn” này vì nó vừa ngọt ngào xen lẫn chút cay đắng, đôi khi có chút gai góc. Và mỗi một “đầu bếp” khi bày món ăn ra đều mang “dấu ấn và giọng riêng” của mình.

Năm hai ngàn lẻ, tôi ăn món ăn tinh thần “Mạc Can tạp bút”, vậy mà cho đến bây giờ tôi vẫn chưa nhận ra hết những mùi vị nằm trong ấy.

Nó rời rạc nằm khắp nơi, nó rối rắm như mớ dây tơ hồng mà thời thơ ấu tôi hay trèo lên cây tìm gỡ xuống chơi trò.

Thật không dễ nhận ra những mùi, những vị trong cùng một lần ăn. Và khi trải qua thời khó, ta đọc lại và thấy cái vị ấy rất gần gũi mà ngày trước ta chưa nhận ra. Phải chịu khó “ăn” hết món “Mạc Can tạp bút” mới cảm nhận được vị ngon. Và khi đó, bỗng thấy đời đáng sống và đáng yêu vô chừng.

Mỗi một người “đầu bếp” cho ra một món mang đậm chất riêng. Chẳng như vào miền Tây mà không ăn món ăn Nam Bộ từ “đầu bếp” Nguyễn Ngọc Tư thì làm sao biết được nó ngon ngọt dân dã đến như thế nào; nó tràn đầy tính nhân văn ra sao và nó lôi cuốn bởi chất phóng khoáng trữ tình Nam Bộ cùng cái duyên dáng tài năng trong văn Nguyễn Ngọc Tư đến độ nào?

“Vị” buồn là đặc điểm của văn chương Nguyễn Ngọc Tư. Với “Đong tấm lòng” thì Nguyễn Ngọc Tư buồn vì “… đo tấm lòng nhau bằng những mệnh giá của tờ giấy lạnh, Chín tránh sao cho khỏi xây xước.

Vài nhà trong xóm còn vay nợ để đi đám được rỡ ràng mày mặt, cũng giống có quãng vay mượn mua dàn karaoke hoành tráng hơn nhà bên. Như có những cơn sóng thực dụng vô hình cứ vỗ mãi vào bờ xóm Chiếc, làm long lở cái gọi là tình nghĩa”.

Đem món “Giang hồ chỉ vừa đủ xài” của Trang Hạ ra nhấm nháp thì thấy một trái tim chứa chan tình và có ánh nhìn lạc quan: “Bạn ơi, trong đời này bạn sẽ gặp rất nhiều người, có thể họ xấu xí và thấp kém. Nhưng hãy tin rằng, bản chất của họ tử tế là chủ yếu, giang hồ chỉ vừa đủ xài!”

Theo Trang Hạ “Suy nghĩ tích cực là một triết lý sống giúp bạn thoát khỏi sự tự tại bất lực của AQ, sự lạc quan toan tính của Tái Ông, sự lạc quan bi ai thụ động và bị dồn đẩy của bà cụ Tứ… Nó giúp bạn không ân hận về quá khứ, không sợ hãi tương lai. Ở đâu ta cũng làm bạn được với bản thân mình. Dù xã hội này gọi tên ta là gì…!”

Thưởng thức món ăn tản văn của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư như đang thưởng thức tô canh chua cá lóc nấu với rau ngò gai vậy. Tôi không ngán chút nào, vì món canh ăn đậm đà và mang hương vị Nam Bộ. Ăn vào có cảm giác chua ngọt đã thèm. Trong đó ta cảm nhận được mùi thơm và tí chút gai góc của cọng ngò gai trong tô canh ấy.

Còn ăn món tản văn của Mạc Can và Trang Hạ như ăn tô phở vậy! Nào là rau thơm, húng quế, giá và ăn kèm với nước chấm tương đen, tương đỏ, ớt xay. Đủ vị của cuộc sống, và mỗi một vị khi ta nếm qua đều thấy có giá trị riêng của vị đó.

Và thường thì người ta có thói quen hay chọn lựa “đầu bếp” theo khẩu vị mình, để khi ăn sẽ thấy ngon và ăn hoài mà vẫn không ngán.

Bài, ảnh: MAI KHA