Hẻm phố trong nhịp sống đô thị- nét văn hóa cộng đồng

Cập nhật, 12:15, Thứ Hai, 08/10/2018 (GMT+7)

Dù ở giữa lòng những đô thị, không có cây đa, bến nước hay những cánh đồng lộng gió, cò bay thẳng cánh… nhưng hẻm phố đô thị đã từ lâu đi vào lòng người Việt Nam, bởi ở đó văn hóa cộng đồng của người Việt luôn được nâng niu, gìn giữ và phát huy.

Có một không gian gắn kết, gần gũi ở hẻm phố.Ảnh: HÙNG HẬU
Có một không gian gắn kết, gần gũi ở hẻm phố.Ảnh: HÙNG HẬU

Nếu cuộc sống của người dân ở mặt tiền đường lớn của những phố thị đang hối hả theo dòng chảy của nhịp sống đô thị, nên tính cá nhân được đề cao và sống theo kiểu “Đèn nhà ai nấy rạng”, nghĩa phố phường đôi chút bị nhạt nhòa; thì ngược lại ở những hẻm phố, trong cái không gian gần gũi ấy tình làng nghĩa xóm luôn đầy ắp.

Dạo quanh những hẻm phố ở thành phố lớn trên cả nước, điều mà chúng ta dễ dàng nhận thấy là sự đan xen giữa không gian ở, sinh hoạt và làm việc. Hình như không gian giữa chúng không có sự phân biệt rõ ràng.

Chẳng hạn có nhà ai đó trong hẻm có hữu sự, đám tiệc là cả xóm cùng chung lo và khi ấy người ta nhường cả lối đi chung, thậm chí dùng tạm lề hẻm làm nơi sản xuất, mua bán nhỏ trước đó… để dựng rạp. Tất cả vì tình làng nghĩa xóm và bà con chấp nhận với nhau một cách tự nhiên, không phiền hà miễn sao đừng ảnh hưởng đến việc đi lại, sinh hoạt của mọi người.

Tuy không phồn hoa như phố mặt tiền lớn nhưng phải nói rằng những hẻm phố vẫn có nét sinh động riêng và mang đậm nét văn hóa sinh hoạt cộng đồng.

Thật thú vị khi giữa lòng thành phố thời kỳ công nghiệp hóa mà nhiều con hẻm vẫn còn lưu giữ những ngôi đình với những cái sân đình công cộng rộng rãi, những giếng nước cộng đồng…, vốn là nét văn hóa truyền thống của làng quê Việt Nam xưa. Đành rằng hiện nay không còn mấy ai dùng nước giếng chung, nhưng đó là giá trị đời sống văn hóa cộng đồng, nơi gắn kết tình làng, nghĩa xóm...

Ở thành phố các tỉnh lẻ, tuy hẻm không nhiều như ở các đô thị lớn, nhưng cũng không phải ít. Nó xuất hiện từ những phường trung tâm cho đến các phường mới thành lập vùng ven giáp với ngoại thành. Nhiều đến nỗi mà dù là người sống ở thành phố chúng ta cũng không thể biết thành phố mình ở có bao nhiêu con hẻm.

Ở trong con hẻm, lâu ngày rồi tôi cũng thành quen. Nghe tiếng rao hàng của người bán bánh mì, bán kem, bán chè… Rồi hình ảnh các bà nội trợ hối hả, tất bật cho kịp bữa cơm trưa hàng ngày mà bỗng vắng một ngày thì cảm thấy nhớ! Cảm thấy thiếu vắng một cái gì đó rất thi vị, rất đời thường trong cuộc sống…

Và hôm nào cũng vậy, về trên chiếc xe lôi đạp của anh Sáu Ngọc ở Phường 2 (TP Vĩnh Long) khi về ăn cơm trưa cũng có người quá giang, khi thì mấy em nhỏ đi học về, khi thì bà lão cùng xóm… Tình láng giềng là vậy!

Thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, nếp sống văn minh nơi công cộng”, đến nay đã có nhiều khóm đạt văn hóa. Và tất nhiên đối với một khóm văn hóa thì các hẻm trên địa bàn cũng phải là hẻm văn hóa.

Ở đó, dựa trên văn hóa truyền thống và quy phạm pháp luật hiện hành, người ta đã cùng nhau xây dựng thành những quy ước để cùng nhau thực hiện.

Thông thường, mật độ dân số nội thành cao hơn vùng ngoại thành và số cư dân sống trong những con hẻm bao giờ cũng chiếm số đông so với mặt tiền đường phố lớn.

Nói là hẻm nhưng rõ ràng có hẻm cao cấp sang trọng, lại có những hẻm bộn bề chật chội, tùy theo cơ cấu lao động của dân cư. Đối với hẻm có đông nhà khá giả, giàu có hay cán bộ công chức nhà nước thì thường khang trang hơn, nhưng có vẻ yên tỉnh và trầm lặng;

Còn ở những con hẻm tập trung nhiều lao động nghèo, tất bật với việc mưu sinh nên con hẻm trở nên xộc xệch, bề bộn… đôi khi lấn chiếm cả lối đi công cộng để mua bán, nhưng không khí thì lại náo nhiệt, mối quan hệ giữa những cư dân cùng hẻm có vẻ gắn kết nhiều hơn.

Sự đan xen này tạo nên nét đặt trưng của đô thị đang phát triển nhưng nó lại là trở ngại rất lớn cho việc phát triển nâng cao chất lượng cuộc sống cho cư dân hẻm phố mà các thành phố đang mắc phải.

Qua thực tế cho thấy, trong quy hoạch phát triển không gian các con hẻm, nếu được chú ý đến không gian cộng đồng để vừa chỉnh trang đô thị, vừa giữ gìn những giá trị văn hóa truyền thống, hun đúc được tính thân thiện, tính cộng đồng.

Ông Nguyễn Văn Tâm sống ở một con hẻm bên đường Phạm Thái Bường thuộc Phường 4 tâm sự: “Hẻm phố này được xây dựng tốt hơn, có chỗ để mọi người- nhất là các cụ lớn tuổi- gặp nhau thành lập các CLB cờ tướng, cây cảnh rồi có vài cái ghế đá bố trí dọc 2 bên hẻm… như vậy tình làng nghĩa xóm thắt chặt hơn.

Những lúc có xích mích giữa hàng xóm với nhau thì người ta bàn bạc, nói to, nói nhỏ rồi nó cũng qua. Ở hẻm chúng tôi, đã có rất nhiều vụ việc nhờ có các cụ lớn tuổi can thiệp nên đã êm xuôi, tất cả đều vui vẻ trở lại mà khỏi cần đến chính quyền”.

Tựu trung lại phải nói rằng môi trường văn hóa là quan trọng nhất, môi trường văn hóa góp phần hình thành nên tính cách con người, có những việc xã hội không dễ dàng làm được, nhưng môi trường văn hóa có yếu tố quyết định.

Qua bài viết này, chúng ta đã thấy hẻm phố chứa đựng sẵn những giá trị văn hóa là tình yêu thương đùm bọc lẫn nhau những nét văn minh tuân thủ trên tinh thần đoàn kết theo Chỉ thị số 01 của Tỉnh ủy Vĩnh Long về cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” và “nếp sống văn minh nơi công cộng”.

Đó là những giá trị cần được tôn vinh để hẻm phố trở thành những giá trị đặc biệt trong văn hóa đô thị. Bởi, trải qua bao biến động thăng trầm của lịch sử, những con hẻm với những đặc trưng riêng của nó vẫn tồn tại trong cơ thể đô thị ngày nay.

Thành phố trẻ Vĩnh Long hôm nay ngày càng thay da, đổi thịt; đang phấn đấu trở thành thành phố “sáng- xanh- sạch- đẹp” và phấn đấu trở thành thành phố loại II vào năm 2020. Cuộc sống phố thị ngày càng sôi động, càng tất bật làm cho con người càng quý trọng không gian sống ở nơi con hẻm mà mình đã chọn làm nơi nương náu cả đời người. Không gian sống ấy là nơi gắn kết các cá nhân trong gia đình, họ hàng và cả tình làng nghĩa xóm.

NGUYỄN THÀNH NGHIỆP