Chuyện kháng chiến

Tuổi thơ dữ dội

Cập nhật, 14:36, Thứ Ba, 09/10/2018 (GMT+7)

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta vừa qua, vai trò toàn dân đánh giặc thể hiện rất sinh động trong các tổ chức giao thông công khai của các tỉnh ủy ở miền Tây Nam Bộ.

Đó là các đơn vị độc lập đặc biệt: rất bí mật trong tổ chức nhưng hoạt động công khai trước mắt kẻ thù! Lúc đông nhất chỉ vài chục người, nhưng đóng vai trò rất quan trọng trong giữ vững mạch máu giao thông liên lạc phục vụ chỉ đạo kháng chiến của các cấp ủy Đảng, nhất là những lúc phong trào cách mạng gặp khó khăn nhất.

Gọi là đặc biệt vì lúc đầu giao thông viên chỉ có vài người là vợ cán bộ hoặc người có cảm tình với cách mạng, đến khi phát triển thành một tổ chức chuyên nghiệp cao thì họ là một tập thể gắn kết gồm người Kinh, người Khmer, người Hoa với đủ các giới tính, tôn giáo, có cả những thiếu nhi chưa tròn tuổi đến cụ già trên 70…

Gọi là đặc biệt còn vì các em thiếu nhi, thiếu niên từ chỗ chỉ “làm cảnh”- bố trí theo người lớn như một gia đình để qua mắt địch- nhưng khi được phân công một nhiệm vụ cụ thể đều có thể hoàn thành một cách xuất sắc. Dĩ nhiên trong hoàn cảnh như thế các em đều bị cuốn theo cuộc chiến đấu ác liệt của đơn vị và có một tuổi thơ rất dữ dội, như các trường hợp dưới đây:

Từ tuổi thơ dữ dội…

Năm 1970, Lê Quốc Dũng (12 tuổi) và Lê Quốc Trị (9 tuổi) là 2 chiến sĩ nhỏ của bộ phận giao liên công khai của Tỉnh ủy Vĩnh Long được đơn vị phân công kết hợp với một đồng chí lớn tuổi là Lê Văn Đẩu thành một tổ liên lạc cho Tỉnh ủy với Khu ủy Tây Nam Bộ. Họ vào vai ông và cháu nội rất ăn ý trong việc đi mua bán trái cây trên một chiếc ghe có tải trọng 5 tấn để dễ dàng qua mắt địch.

Trong một chuyến chuyển tài liệu kết hợp đưa một cán bộ về khu dự họp, khi ghe vừa đến khu vực TP Cần Thơ thì bị một tàu cao tốc của địch cặp vào xét hỏi. Giấy tờ đi đường của họ đều hơp lệ, nhưng địch có chút nghi ngờ vì người cán bộ được bố trí đi cùng đang vào vai là người có giang ghe mặc bộ đồ còn quá mới.

Sau khi cật vấn 2 người lớn biết chẳng ăn thua gì, chúng quay sang 2 đứa nhỏ vì tin rằng sự vụng dại của 2 em giúp chúng moi ra sự thật. Đầu tiên, chúng bắt Quốc Dũng sang tàu của chúng để cách ly chỗ dựa là nhóm người lớn.

Sau một lúc hết dụ dỗ đến hăm he, em vẫn một mực giữ y như lời ông nội nói “đó là vị khách quen trong buôn bán có giang ghe”. Không còn đủ kiên nhẫn, thằng chỉ huy tàu nổi quạu lột hết áo quần của Quốc Dũng rồi lấy dao lê ấn vào bụng, hăm mổ bụng em nếu không khai ra người khách ấy là “Việt cộng”.

Dũng giả bộ hoảng sợ nhưng vẫn luôn giữ như lời khai ban đầu. Không thành công với đứa lớn, địch cũng làm y như vậy với đứa nhỏ nhưng cũng chỉ nhận được từ Quốc Trị những lời y hệt như anh nó- do có sự thống nhất như thế của “chỉ huy” ghe là ông Đẩu với 2 em và vị khách để đối phó khi bị địch xét hỏi trước khi ghe khởi hành. Trước sự gan lì của 2 chiến sĩ ở tuổi thiếu niên, địch không còn nghi ngờ gì nữa phải thả cho họ đi (1).

Không may mắn như trường hợp trên, Việt Hùng- chiến sĩ giao liên mới lên 8 tuổi ở bộ phận giao thông công khai của Khu ủy Tây Nam Bộ tiếp cận địch trong tình huống có tên lính ở đồn trên đường từ Cạnh Đền về Vĩnh Thuận (Kiên Giang) nhìn mặt nhận ra người đồng đội lớn tuổi đang cùng với em làm nhiệm vụ trên một chiếc ghe.

Lần đó, Việt Hùng đang vào vai cháu nội của đồng chí Nguyễn Kim Quang (Mười Út). Ông ở huyện Càng Long (Trà Vinh) chuyển vùng công tác về đơn vị giao thông công khai Tây Nam Bộ và đang hoạt động với cái tên giả là Nguyễn Văn Hai ở Rạch Sỏi (Rạch Giá).

Nhà của tên lính chỉ điểm vốn gần nhà người cháu của ông Mười Út, là nơi ông thường lui tới, nên hắn kể vanh vách tông tích của ông rồi khẳng định với tên đồn trưởng rằng ông chính là Nguyễn Kim Quang tự Mười Út, là một “Việt cộng” chính tông!

Bản lĩnh của người lính già giúp ông kịp trấn tĩnh trước bất ngờ này, ông trình đủ loại giấy tờ đi đường hợp lệ cho chúng và làm ra vẽ ngạc nhiên về mấy cái tên mà tên chỉ điểm ghép cho ông: “Tôi không biết Nguyễn Kim Quang hay Mười Út là ai, tôi là Nguyễn Văn Hai nhà ở Rạch Sỏi! ” Thấy có Việt Hùng còn rất nhỏ tuổi ở dưới ghe, tên trưởng đồn nở nụ cười bí hiểm nói với ông:

- Thôi được rồi, bắt thằng nhỏ này lên, một lát ông sẽ biết.

Khi bọn lính đưa Hùng vừa lên tới, tên đồn trưởng làm ra vẻ thân quen dỗ ngọt em một lúc rồi bất ngờ hỏi:

- Ông nội em tên Quang tự Út?

- Không, con biết tên ông nội con là Hai- Việt Hùng rắn rỏi khẳng định.

Thấy khó, tên trưởng đồn bất ngờ lệnh cho bọn lính mổ bụng em nếu không chịu khai. Bọn lính xâu vào vật Việt Hùng xuống đất rồi lột cả áo, một tên đưa con dao lê vào “chớn thủy” em ấn nhẹ cùng lớn tiếng hù dọa. Em khóc ré lên nhưng vẫn không khai gì. Sau khi nheo mắt xin lệnh với tên chỉ huy, tên lính chỉ điểm lúc nảy xông vào hùng hổ rút dao cái rẻng gằn giọng:

- Tao đếm 1, 2, 3 mà không khai, tao rạch bụng mầy- tay cầm dao của hắn giơ cao từ từ hạ xuống bụng Việt Hùng. Mấy tên lính vây quanh cũng hùa theo:

- Lấy gan của nó xào nhậu!

Hùng sợ quá kêu la vùng vẫy và… té đái! Sau mấy lần tên đó ấn mũi dao xuống bụng Hùng đến tóe máu, em chỉ la lớn: “Trời ơi, tôi biết gì mà khai!” Cuối cùng bọn chúng đành thả Hùng ra.

Sau này nhớ lại những giây phút quyết liệt đó, Việt Hùng thiệt thà nói: “Em có khai em cũng chết mà còn bị người ta chê cười!” Riêng ông Mười Út thú nhận khi địch tra khảo Việt Hùng, ông lo cho em nhiều hơn bản thân vì em quá nhỏ. Giả sử em nói chệch đôi chút thì tình hình sẽ rất khác, nhất là dưới ghe đang chở nhiều tài liệu và vũ khí chưa kịp giao(2).

… đến tuổi thơ anh hùng

Trong “mùa hè đỏ lửa” năm 1972, Đoàn Văn Hổ không còn là du kích mật tại ấp nhà mà thoát ly gia đình làm liên lạc viên cho Xã ủy Vĩnh Xuân (Trà Ôn).

Tình hình chung toàn miền Nam đang có nhiều chuyển biến rất thuận lợi cho các lực lượng kháng chiến, nhưng trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long, áp lực của địch còn rất nặng nề, gần như cứ cách cây số là có một đồn giặc.

Giao thông liên lạc của các lực lượng ta vô cùng khó khăn nên đường dây giao thông công khai được sử dụng tối đa. Lúc đó, Xã ủy Vĩnh Xuân bám trụ ở các vùng căn cứ lõm trong xã giữa các đồn giặc và Hổ là một trong các mắt xích tích cực của đường dây liên lạc đó...

Một buổi chiều cuối năm 1974, Đoàn Văn Hổ từ ấp Vĩnh Lợi mang thư khẩn của Huyện ủy Trà Ôn gửi cho Bí thư xã Bùi Văn Dư (Tư Dư) và nhận thư phúc đáp của ông này. Trên đường về, Hổ lọt vào ổ phục kích của bọn lính đồn Nhà Thờ.

Trưởng đồn này là một tên ác ôn từ lâu có ý đồ bắt cho được Tư Dư để lập công với cấp trên, nên khi nhận ra Hổ hắn rất đắc ý lệnh cho thuộc hạ khám xét em thật kỹ và cuối cùng tìm ra bức thư của Tư Dư giấu trong cái roi tre giữ trâu đang làm gậy đi đường mà em không kịp phi tang khi bị bắt.

Không đòn tra tấn nào mà chúng không đem ra áp dụng với Hổ để buộc em khai ra nơi ở của Tư Dư, nhưng tên trưởng đồn không khai thác được gì từ em.

Hắn điên tiết thực hiện một hành động dã man nhất là mổ bụng Hổ để buộc em khai. Sau những vết rạch bằng dao lê ở thành bụng em tóe máu là câu hỏi sắc lẻm “Tư Dư ở đâu?” của hắn, nhưng hắn chỉ nhận được những cái lắc đầu của em.

Cuối cùng, khi bụng của Hổ bị mở ra hắn chộp lấy lá gan của em thì thấy môi em mấp máy. Hắn mừng rỡ tưởng rằng em đã chịu khai nhưng hắn chỉ kịp nghe 2 tiếng xé lòng “Mẹ ơi !”

Đồng lúa mùa Vĩnh Xuân đang trổ như chợt lặng yên đón người con dũng cảm về với lòng đất mẹ khi em vừa mới tròn tuổi 14!

Sau ngày giải phóng, chiến sĩ giao liên Đoàn Văn Hổ đươc Chủ tịch Nước truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam. Em là vị anh hùng nhỏ tuổi nhất được tuyên dương trong 2 cuộc kháng chiến chống xâm lược của nhân dân ta tại tỉnh Vĩnh Long(3).

HỒNG VÂN

(1) Theo lời kể của đồng chí Nguyễn Thị Kim Liên (Năm Nga)- Trưởng Ban Giao thông công khai của Tỉnh ủy Vĩnh Long (giai đoạn 1972- 1975).

(2) Theo quyển “Mạch ngầm” do CLB những người kháng chiến tỉnh Kiên Giang xuất bản năm 1999.

(3) Theo tư liệu của Báo Vĩnh Long