Bản Dạ cổ hoài lang- 99 năm ấy, biết bao tình

Cập nhật, 12:50, Chủ Nhật, 14/10/2018 (GMT+7)

Cô giáo tôi là người Hà Nội nhưng đi đâu, cô cũng ngân nga bài hát “tủ”: “Đêm Gành Hào nghe điệu hoài lang”. Cô kể: “Con gái gốc Bắc hát không ngọt như các chị miền Nam đâu, nhưng có một ngày ngồi ở cảng Gành Hào, nhỡ quý điệu hoài lang, nhớ hoài vùng đất, con người phương Nam rồi…”

Những nghệ sĩ trẻ vẫn tiếp tục hành trình gìn giữ di sản văn hóa của dân tộc.
Những nghệ sĩ trẻ vẫn tiếp tục hành trình gìn giữ di sản văn hóa của dân tộc.

Cuối tháng 9 vừa qua, tỉnh Bạc Liêu đã tổ chức lễ kỷ niệm 99 năm ngày ra đời bản “Dạ cổ hoài lang” (1919- 2018) tại Nhà hát Cao Văn Lầu.

Chẳng phải người Bạc Liêu nhưng ông Sáu Lầu gắn bó cuộc đời với vùng đất này, từ câu chuyện buồn vui của phận mình mà viết nên bài hát làm lay động biết bao phận người.

Có người kể lại, năm ông Sáu Lầu 28 tuổi, ông được lệnh mẹ phải thôi vợ vì lý do 3 năm mà không có con- “tam niên vô tự bất thành thê”. Ông Sáu Lầu đau khổ nhưng không dám cãi lời mẹ dạy.

Chiều chiều, ông ôm cây đàn kìm ra sau vườn làm bạn tâm tình rồi viết nên bài hát này. Theo nhà văn Sơn Nam trong “ĐBSCL- Nét sinh hoạt xưa và văn minh miệt vườn” thì Cao Văn Lầu đặt tên bài hát là “Hoài lang”…

Ký giả Mộng Trần Lê Chân Tâm đề nghị sửa lại là “Dạ cổ hoài lang” (nghe tiếng trống canh, nhớ chồng) nhưng giới sân khấu quen gọi là bản “Vọng cổ” trong tuồng hát cải lương.

Bản vọng cổ thêm nhịp, theo phong cách độc đáo của Năm Nghĩa đã chinh phục được những người khó tánh nhất, với lối ca “muồi đổ hột”. (Năm Nghĩa quê ở Bạc Liêu, một thuở gọi phong cách ấy là điệu “Vọng cổ Bạc Liêu”).

Ngay khi ra đời, bản “Dạ cổ hoài lang” đã sớm chinh phục người nghe, đi vào đời sống một cách tự nhiên và có sức cuốn hút mạnh mẽ. Nó gây xúc động bởi được “chắt ra” từ chính cuộc tình duyên éo le với sự cộng hưởng về tri thức cổ nhạc và tâm hồn mẫn cảm của nhạc sĩ tài hoa.

“Dạ cổ hoài lang” ra đời cùng với nhiều bản vọng cổ khác đã nói hộ cho những nỗi niềm tâm sự buồn thương, đắng cay, chuyện đạo nghĩa, lòng nhân...

Một bản vọng cổ được ca lên làm mỗi người nghe tìm thấy một phần số phận mình trong đó, họ cảm thất được gửi gắm tâm sự, được sẻ chia.

Từ bản “Dạ cổ hoài lang” mỗi câu 2 nhịp, các nghệ sĩ sau này chuyển lên 4 nhịp rồi 8 nhịp, mà thành bài vọng cổ đầu tiên. Nhiều soạn giả, nhạc sĩ lấy cảm hứng từ bản nhạc này để sáng tác như: Viễn Châu (tân cổ giao duyên), Vũ Đức Sao Biển (Đêm Gành Hào nghe điệu Hoài Lang)...

Rồi “Dạ cổ hoài lang” một lần nữa gây tiếng vang khi nghệ sĩ Thanh Hoàng dựng tác phẩm này thành kịch tại sân khấu 5B Võ Văn Tần vào năm 1995.

Qua hàng chục năm với hơn 1.000 suất diễn, khán giả vẫn yêu mến tác phẩm này. Cách đây 2 năm, đạo diễn Nguyễn Quang Dũng cũng đã chuyển thể “Dạ cổ hoài lang” thành phim điện ảnh lấy bao nước mắt của khán giả, “thương đứt ruột” cuộc sống nơi đất khách quê người của hai ông già tại nước Mỹ xa xôi.

Bộ phim không chỉ làm rung động những người con xa xứ, mà còn là thông điệp gửi mọi người trân trọng hơn điều gần gũi ngay cạnh mình.

Cổ nhạc miền Nam có rất nhiều bài bản: Xàng Xê, Văn Thiên Tường, Nam Xuân, Nam Ai, Sương Chiều, Tú Anh,… nhưng vọng cổ vẫn có sức hút và vị thế không thể thay đổi. Đến sân khấu, từ cụ bà móm mém cùng đứa cháu nhỏ, từ vị khách nhà giàu ngồi ở hàng ghế đầu, đến người lao động, tất cả đều vỗ tay.

Tất cả đều bình đẳng. Không kẻ lớn người nhỏ, không kẻ giàu người nghèo. Chỉ có người thưởng thức một bài vọng cổ hay. Vọng cổ nói riêng, cải lương, đờn ca tài tử nói chung, trở thành di sản mang tính cộng đồng. 

Vọng cổ trở thành “của cải” riêng của những người con phương Nam. Nó thấm vào tâm hồn mộc mạc, chất phác của người dân vùng đồng bằng, theo họ thuở mới chào đời, đến lúc chập chững bước đi, mãi đến khi trưởng thành, va vào cuộc đời.

Rảo bước về miền Tây, nghe câu vọng cổ của Lệ Thủy, Minh Cảnh, Ngọc Giàu… văng vẳng vọng ra từ một ngôi nhà nào đó. Dù có bao nhiêu điều giải trí mới mẻ thì giai điệu quen ấy vẫn ở một góc riêng trong lòng người dân quê.

Nhìn lại chặng đường 99 năm cũng là dịp để thế hệ trẻ tìm hiểu sâu hơn quá trình bảo tồn, phát triển bản “Dạ cổ hoài lang” và sự hình thành, phát triển nghệ thuật sân khấu cải lương. Đu đưa trên cánh võng sau hè, nhớ nội, thương hoài câu “Dạ cổ hoài lang”:

“Từ là từ phu tướng

Bảo kiếm sắc phán lên đàng

Vào ra luống trông tin nhạn

Năm canh mơ màng”…

Bài, ảnh: PHƯƠNG THÚY