3 biểu tượng đặc biệt cao quý nhất của nước Việt Nam

Cập nhật, 11:32, Thứ Bảy, 01/09/2018 (GMT+7)

Trên thế giới có hơn 200 quốc gia, mỗi quốc gia có những biểu tượng đặc biệt để thể hiện bản sắc riêng, mà không thể lẫn giữa quốc gia này với quốc gia khác.

Ngoài bản đồng để khẳng định chủ quyền, mốc giới (kể cả trên không, biển đảo, đường biên) mỗi nước bắt buộc phải có 3 biểu tượng: quốc huy, quốc ca, quốc kỳ.

Quốc kỳ

Ngày 2/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc “Tuyên ngôn độc lập” tại Quảng trường Ba Đình (Hà Nội), cờ đỏ sao vàng phấp phới tung bay, đỏ rực cả quảng trường. Ngày 5/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh ấn định Quốc kỳ Việt Nam là lá cờ đỏ sao vàng.

Tại kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa I (2/3/1946), toàn thể đại biểu Quốc hội đã biểu quyết nhất trí cờ đỏ sao vàng là Quốc kỳ nước ta. Mẫu Quốc kỳ này do nhà hoạt động cách mạng Nguyễn Hữu Tiến (quê Duy Tiên- Hà Nam) sáng tác trước năm 1945.

Quốc ca

Quốc ca là biểu trưng bằng âm thanh của đất nước và dân tộc. Quốc hội khóa I của nước ta đã quyết định lấy bài “Tiến quân ca” do nhạc sĩ Văn Cao sáng tác làm Quốc ca Việt Nam.

Trong bản Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam (1946) tại Điều 3 ghi rõ: “Quốc ca là bài Tiến quân ca”.

Kỳ họp thứ năm Quốc hội khóa I (1955) đã quyết định sửa một số chỗ về lời của bài Quốc ca và tác giả cùng đóng góp việc sửa lời.

Bài “Tiến quân ca” vốn được nhạc sĩ Văn Cao sáng tác vào cuối năm 1944 tại căn gác nhà số 171 phố Mông Grăng (nay là nhà số 45, phố Nguyễn Thượng Hiền- Hà Nội).

Ngay khi mới ra đời, bài hát đã được đội ngũ chiến sĩ cách mạng nồng nhiệt đón nhận, rồi trở thành bài hát chính thức của Mặt trận Việt Minh, góp phần quan trọng cổ vũ nhân dân khởi nghĩa giành chính quyền trong Cách mạng Tháng Tám.

Ngày tuyên bố độc lập 2/9/1945, “Tiến quân ca được cử hành, hàng triệu người hát vang lời ca theo tiếng nhạc của hành khúc hùng tráng đó.

Tác giả Văn Cao (1923- 1995) là một nghệ sĩ đa tài với các tác phẩm nổi tiếng về nhạc, họa, văn, thơ.

Năm 1944, ông bắt đầu tham gia hoạt động cách mạng, rồi trở thành đảng viên cộng sản và là một trong những người sáng lập Hội Văn nghệ Việt Nam.

Ông từng được tặng thưởng nhiều huân- huy chương cao quý và Giải thưởng Hồ Chí Minh.

Quốc huy

Quốc huy biểu tượng cho quốc gia, cho sự độc lập, chủ quyền của đất nước, cho bản sắc của dân tộc. Bởi mang ý nghĩa đặc biệt và thiêng liêng như vậy, nên tại kỳ họp thứ 5 của Quốc hội khóa I (ngày 15- 20/9/1955) sau khi xem xét, cân nhắc rất nhiều mẫu,

Tiểu ban Nghiên cứu về Quốc kỳ, Quốc ca, Quốc huy đã quyết định trình mẫu Quốc huy do Chính phủ đề nghị và đã được đa số đại biểu Quốc hội tán thành.

Mẫu Quốc huy này do các danh họa Bùi Trang Chước và Trần Văn Cẩn đồng sáng tác (họa sĩ Bùi Trang Chước vẽ mẫu Quốc huy để làm cơ sở lựa chọn và họa sĩ Trần Văn Cẩn đã chỉnh sửa hoàn thiện mẫu Quốc huy theo ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo để trình Quốc hội phê duyệt).

Quốc huy Việt Nam hình tròn, nền đỏ tươi, ở giữa có ngôi sao vàng năm cánh tượng trưng cho lịch sử cách mạng, tinh thần đoàn kết cùng tiền đồ rực rỡ của dân tộc ta, đất nước ta; bông hoa lúa vàng bao quanh tượng trưng cho truyền thống nông nghiệp vững chắc; dòng chữ tên nước (Quốc hiệu) phía dưới và bánh xe răng cưa tượng trưng cho nền nông nghiệp cũng như xu hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

LÊ HỒNG THIỆN- st