Vài nét sân khấu kịch nghệ miền Nam trước 1975

Kỳ cuối: ... Đến những kỳ nữ

Cập nhật, 18:09, Thứ Ba, 14/08/2018 (GMT+7)

Những năm đầu thập niên 1960, nền kịch nghệ miền Nam Việt Nam trở nên tương đối vững vàng hơn và đã dần có được một vị trí đáng kể trong lòng khán giả.

Nếu bộ môn cải lương chiếm ưu thế tuyệt đối trong giới khán giả trung niên và giới bình dân lao động thì bộ môn thoại kịch tìm được chỗ đứng tốt trong giới công tư chức, giới trí thức, sinh viên học sinh và thanh niên.

Những nghệ sĩ đàn anh luôn dẫn dắt và làm cái nền cho thế hệ đàn em trẻ tràn đầy sức sống và sức sáng tạo tiến lên. Thuộc về thế hệ này là một rừng hoa hương sắc đầy tài năng, mà có thể kể ra những cái tên như Kim Cương, Thẩm Thúy Hằng, Túy Hồng, Ngọc Phu, La Thoại Tân,...

Kỳ nữ Kim Cương. Ảnh: Internet
Kỳ nữ Kim Cương. Ảnh: Internet

Nền kịch nghệ miền Nam Việt Nam chỉ duy nhất có một người được tôn xưng Kỳ nữ là kịch sĩ Kim Cương.

Gọi “Kỳ nữ” vì chị có nhiều tài năng và có công lớn đưa ngành thoại kịch đến gần với mọi tầng lớp công chúng. Cạnh đó còn một lẽ nữa, là ở độ tuổi khá trẻ mà Kim Cương đã lập được Ban kịch Kim Cương, trình diễn nhiều vở kịch giá trị đề cao luân lý và đạo đức như “Bông hồng cài áo”, “Lá sầu riêng”, cũng như quy tụ được nhiều ngôi sao sáng.

Riêng nghệ sĩ Kim Cương chuyên tham gia đóng những vai mà cuộc đời nhân vật lúc nào cũng gặp toàn những cảnh ngộ thương đau. Dường như chưa bao giờ các soạn giả thử cho Kim Cương được một vai mà kết cục hoàn toàn hạnh phúc, theo kiểu “2 mái nhà tranh 2 quả tim vàng” chung sống cùng nhau đến suốt cuộc đời.

Đặc biệt, một trong những cái “tài lẻ” của Kim Cương mà chỉ có những cô đào cải lương như Phượng Liên hay Lệ Thủy mới có thể đuổi theo kịp, là tài… khóc! Lúc nào chị cũng có thể khóc một cách ngon lành, nước mắt nước mũi rơi rụng như mưa.

Ngoài ra, nếu đã nhắc đến Kim Cương thì có lẽ cũng cần phải nhắc đến bà Bảy Nam, tức thân mẫu của chị. Khán giả vẫn lưu giữ mãi mãi hình ảnh bà mẹ quê nghèo Bảy Nam trong vở “Lá sầu riêng” áo bà ba vá chằng vá đụp xách giỏ mây lên thăm con gái và tặng quà cho cháu ngoại, rồi bị bên sui gia giàu có nhiếc móc đuổi xua, thậm chí còn vu khống cho tội ăn cắp.

Khán giả đã rơi lệ sùi sụt cảm thương cho số phận nhỏ bé bọt bèo của 2 mẹ con cô thôn nữ Diệu. Và một khi đã nói về nghệ sĩ Bảy Nam, thì chúng ta lại nhớ đến một nghệ sĩ nữ cao niên khác rất nổi danh cùng thời là bà Năm Sa Đéc.

Bà Năm Sa Đéc có mái tóc trắng phau rất đẹp lão và một hình dáng tròn trĩnh sang cả, vì vậy bà luôn luôn được giao cho những vai bà Hội, bà Hương, bà Cai tổng, bà Phán... giống như nghệ sĩ Túy Hoa. Bà đóng vai bà mẹ chồng cay nghiệt rất hay, nhưng khi cần, có lúc bà đóng những vai hiền cũng xuất sắc không kém.

Nhưng cái nhân dáng của bà Năm Sa Đéc quá sang, có lẽ vì vậy nên cũng ít khi nào người ta cho bà đóng những vai nghèo nàn!

Cũng là nữ nghệ sĩ nhưng thuộc dạng… giai nhân chính là Thẩm Thúy Hằng. Trước 1975, chị được khán giả miền Nam biết khá nhiều, khi xuất hiện trong bộ phim “Ngưu Lang Chức Nữ” cùng La Thoại Tân.

Thẩm Thúy Hằng còn có biệt danh là Người đẹp Bình Dương, do vai diễn Tam Nương trong bộ phim “Người đẹp Bình Dương” (sản xuất năm 1958, do nghệ sĩ kiêm soạn giả Năm Châu đạo diễn). Vài thông tin cần chú ý, Thẩm Thúy Hằng lần đầu tiên đến với khán giả khi chị chỉ mới 17 tuổi.

Chị có tên thật là Nguyễn Kim Phụng, năm 16 tuổi, cô gái xinh đẹp mỹ miều ấy đã đánh bại chừng 2.000 thí sinh khác để được hãng phim Mỹ Vân tuyển chọn. Kể ra thì ban giám khảo cũng là những người có khiếu thẩm mỹ, vì quả thật Thẩm Thúy Hằng rất xứng đáng với kết quả ấy.

Ông bà chủ hãng phim sau này đã đặt nghệ danh cho Kim Phụng là Thẩm Thúy Hằng. Có một thời gian dài người đời còn lấy sắc đẹp của Thẩm Thúy Hằng như một quy chuẩn dùng so sánh.

Ví dụ nói cô này có cái cằm chẻ xinh xắn như cái cằm của Thẩm Thúy Hằng, hay nàng kia có đôi môi hình trái tim giống như của Thẩm Thúy Hằng v.v…

Nghệ sĩ Thẩm Thúy Hằng.
Nghệ sĩ Thẩm Thúy Hằng.

Sắc đẹp kiều diễm của chị xem ra luôn là đề tài ca ngợi của giới mày râu. Tuy nhiên với khuôn mặt sáng như ánh trăng rằm và nụ cười tươi như hoa nở, nên Thẩm Thúy Hằng cũng khó có thể đóng thành công những vai bi thương, mà chị trở nên nổi tiếng nhờ vào bộ phim “Người đẹp Bình Dương” đóng chung với nam diễn viên Nguyễn Kim Dần, nội dung mô tả về mối tình lãng mạn của nàng con gái tên Tam Nương với chàng hoàng tử hào hoa.

Nhưng gây nhiều ấn tượng nhất phải là cuộc tình đầy nước mắt khi chị đóng chung với La Thoại Tân trong phim “Ngưu Lang Chức Nữ”.

Bộ phim dựa vào một câu chuyện tình trong cổ tích Trung Hoa giữa một nàng tiên trốn thượng giới xuống trần gian kết duyên với một chàng nông dân nghèo, được người đời gọi là Ngưu Lang. Chàng nghèo quá chỉ có mỗi một con trâu làm bạn cùng một mái nhà tranh đơn sơ. Chức Nữ chăm chỉ nuôi tằm dệt lụa giúp chồng. Tuy nghèo nhưng mà đôi vợ chồng trẻ đã cùng nhau hưởng những ngày hạnh phúc nồng nàn…

Tham gia đóng phim được vài năm, đến năm 1969, Thẩm Thúy Hằng quy tụ một số bạn hữu thân thiết như Thanh Tú, Trần Quang, La Thoại Tân, Kim Cương, Kim Cúc, Phùng Há, Năm Châu, Việt Hùng, Ngọc Nuôi, Huy Cường v.v… vào hãng phim của mình với cái tên là Viliflims.

Ở đây, Thẩm Thúy Hằng còn đảm nhận thêm tài tổ chức, viết truyện phim và làm phim, từ từ bước dần lên đến tột đỉnh danh vọng khi cái tên mỹ miều của chị vượt biên giới bay đến những nước Châu Á khác. Những bộ phim Việt Nam có mặt Thẩm Thúy Hằng đã từng được trình chiếu trong các Đại hội Điện ảnh Châu Á.

Hơn thế nữa, Thẩm Thúy Hằng là một trong những giai nhân của nền điện ảnh miền Nam Việt Nam từng sánh vai và kết tình thân với những ngôi sao sáng Hồng Công, Đài Loan như Lý Lệ Hoa, Lý Thanh, Hà Lợi Lợi, Chân Trân, Lâm Thanh Hà, Đặng Quang Vinh và nhiều gương mặt danh giá khác nữa…

Từ những cái tên và cái nền kịch nghệ, những năm cuối thế kỷ XX, đầu thế kỷ XXI, nền kịch nghệ Việt Nam như cơn gió tươi mát giúp vườn hoa văn nghệ tỏa hương.

NGUYỄN SINH