Trò chơi dân gian nuôi lớn tâm hồn

Cập nhật, 17:00, Thứ Ba, 14/08/2018 (GMT+7)

Trong hành trang của nhiều người, trò chơi dân gian là phần ký ức khó phai mờ. Không chỉ đơn thuần là vui chơi giải trí, trò chơi dân gian mang trong lòng những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc.

Những trò chơi dân gian rất cần được gìn giữ để nuôi lớn tâm hồn trẻ nhỏ và để truyền lại những giá trị xưa cũ đang có nguy cơ mai một trong nhịp sống hiện đại.

Một góc sân chơi của trẻ em Ấp 5 (xã Hậu Lộc- Tam Bình).
Một góc sân chơi của trẻ em Ấp 5 (xã Hậu Lộc- Tam Bình).

Ký ức một thời

Chúng tôi đi bộ cùng đoàn công tác của Tỉnh ủy đến thăm gia đình chính sách dịp lễ 27/7 ở Ấp 5 (xã Hậu Lộc- Tam Bình). Tiếng trẻ con cười nói thật hồn nhiên, làm xôn xao trưa hè êm ả của vùng quê. Các em nhỏ đang “oẳn tù tì” để chơi nhảy cò chẹp.

Thấy ống kính của phóng viên, các em cười thật hồn nhiên, mọi người trong đoàn công tác cũng vui lây, thấy một vùng ký ức thân thương của tuổi thơ ùa về, lòng nhẹ tênh.

Em Nguyễn Thị Hồng Thảo (lớp 3- Trường Tiểu học Hậu Lộc) cười toe: “Tụi con là anh chị em trong xóm. Trưa có bữa ngủ bữa không. Tụi con chơi nhảy lò cò, cò chẹp, nhảy dây, cá sấu tùm bi, tạt lon rồi chơi bắn đạn nữa. Con trai con gái chơi chung, vui lắm đó cô!” Đứng kế bên, em Hoàng cười híp mắt: “Chơi năm mười cũng vui nữa. Bữa tụi con trốn mị ngoài vườn, nhỏ Thảo bắt đừ luôn”.

Anh phóng viên Minh Trạng cũng “nhào vô” chụp hình chung với các em, anh cho biết: “Thấy tụi nhỏ chơi đùa hồn nhiên dễ thương quá. Con trai lớn 9 tuổi của anh mỗi lần về quê nội cũng đều theo trẻ con ở quê chơi tạt lon, mùa lúa Đông Xuân thì chơi thả diều, câu cá…

Anh cho con thoải mái chơi, vì ở đô thị trẻ em ít biết các trò chơi dân gian lắm”. Còn chị Mai Anh chia sẻ: “Con gái nhỏ gần 3 tuổi thì xem hoạt hình “Chuyện của Đốm” rất thích chơi năm mười.

Cứ đi học về là rủ mẹ trốn đi, còn bé thì bịt mắt, xoay người vô tường đếm 5, 10, 15,.. rồi chạy đi tìm mẹ, tìm ba, thấy ba mẹ là cười ngặt nghẽo, chứ chưa biết chạy lại tung cột. Vậy mà chơi hoài không chán. Đi nhà trẻ, mấy bạn rủ chơi trò cá sấu lên bờ nữa, khoái lắm!”

Chẳng biết ra đời từ bao giờ nhưng trò chơi dân gian như một nét phản ánh đời sống văn hóa của cộng đồng lưu giữ chúng.

Trẻ em dẫu thế hệ “7x, 8x và 9x” cũng không ai là không biết đến những trò thả diều, banh đũa, nhảy dây, bịt mắt bắt dê,… Tự nhiên như lẽ sống, các em chơi trò chơi dân gian một cách tự nhiên nhưng cũng từng ngày một tích góp kỹ năng sống và hoàn thiện về mặt tâm lý.

Trẻ em thường tụ tập thành từng nhóm, tự tổ chức và có thể chơi ở nhiều địa điểm khác nhau. Tùy thuộc vào cá tính và lứa tuổi các em lựa chọn trò chơi. Trẻ nhỏ thì thích trò tập làm người lớn như xây nhà chòi, nấu cơm, bán hàng... với những đồ chơi là bất cứ thứ gì chúng thấy và gán cho nó một tính năng. T

rẻ lớn hơn thường chơi những trò vận động, khéo léo và kịch tính vì phải phân thắng bại như kéo co, trận giả, trốn tìm,…

Từ những ý tưởng sáng tạo, trò chơi và cách chơi độc đáo lại đến từ điều rất gần gũi trong cuộc sống. Một miếng vải nhỏ đủ để chơi trò bịt mắt bắt dê, nhặt mấy hòn đá là có thể chơi ô ăn quan; tờ giấy, mấy thanh tre với đôi tay khéo léo là có ngay con diều…

Bạn Dương Thị Thu Nguyệt (25 tuổi, thị trấn Vũng Liêm) nhớ lại: “Từ nhỏ tới mấy năm học tiểu học, trưa hè thì toàn trốn ngủ hẹn nhau ra gốc cây đầu xóm chơi.

Ngày nào cũng no nê những trận cười cùng lũ bạn nhảy dây, đá cỏ gà, banh đũa, cất nhà chòi bằng lá chuối, lấy thân lục bình làm bánh mì, dây tơ hồng là hủ tiếu… để bán hàng… Ngày nào cũng vui vẻ”.

Để văn hóa truyền thống “sống” trong thời hiện đại

Theo cô Nguyễn Vương (Phường 8- TP Vĩnh Long), những trò chơi dân gian giản dị và mộc mạc đã nuôi sống tâm hồn cô suốt những năm tháng tuổi thơ. Qua đó, trẻ em được rèn luyện trí nhớ, tư duy, trí tưởng tượng, ngôn ngữ.

Các em sẽ nhanh nhẹn, dẻo dai, khéo léo hơn khi chơi những trò vận động: chạy, nhảy, lăn. Những trò chơi này cũng dạy các em tính tập thể, sự kỷ luật, nhạy bén, tinh thần đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau.

Các bạn nhỏ chơi banh đũa tại Trại hè thiếu nhi 2018 ở Trà Ôn.
Các bạn nhỏ chơi banh đũa tại Trại hè thiếu nhi 2018 ở Trà Ôn.

Vào ngày Quốc tế Thiếu nhi năm nay, các học sinh của huyện Trà Ôn đã có một ngày đáng nhớ khi tham gia trại hè, chơi nhiều trò chơi dân gian.

Em Trịnh Nhật Linh (Trường Tiểu học Phú Thành) “gom hết đá” thắng được trong trò ô ăn quan khoe 2 phiếu đổi quà: “Chơi trò này phải có trí, phải tính toán, ghi nhớ để biết đường đi thảy đá đúng để không cho bạn ăn và mình chẹp mình thắng”.

Còn nhóm bạn của Thạch Thị Sô Phép (Trường Tiểu học Tân Mỹ B) thì hết chơi nhảy dây lại sang chơi banh đũa, đá cầu. Em cười tươi, nói “chơi rất vui”.

Cuộc sống hiện đại, lịch học chính khóa, học thêm của các trẻ dày đặc, khiến nhiều em sống ở đô thị xa lạ với những trò chơi dân gian từng gắn liền với tuổi thơ cha mẹ. Phụ huynh bận rộn với công việc, ít có thời gian hướng dẫn các con làm quen với các trò chơi dân gian.

Bên cạnh đó, quá trình đô thị hóa diễn ra mạnh làm mất đi sân chơi của trò chơi truyền thống. Đa phần các em đến công viên giải trí hay vùi đầu vào những chiếc máy tính, điện thoại kết nối Internet để chơi game, lướt mạng xã hội mà ít vận động và tương tác với nhau.

Trò chơi dân gian vẫn cần có chỗ đứng của nó, cần được bảo tồn và cũng cần được “làm mới” với sự quan tâm của cả gia đình, nhà trường và xã hội, qua đó, góp phần nuôi dưỡng tâm hồn trẻ, giữ gìn văn hóa dân tộc.

Bài, ảnh: QUYÊN THÚY