Những câu chuyện gói ghém trong tranh vẽ

Cập nhật, 06:29, Thứ Hai, 06/08/2018 (GMT+7)

Hít hà mùi giấy mới, lần giở từng trang sách có màu sắc bắt mắt, tỉ mẩn đến từng gốc cây, ngọn cỏ, từng biểu cảm khóc cười trên gương mặt đại diện cho những câu chuyện, thật khó mà chần chừ, mà không “ngấu nghiến” quyển sách mới. 

“Lĩnh Nam chích quái” gây ấn tượng bởi những trang vẽ của họa sĩ Tạ Huy Long.
“Lĩnh Nam chích quái” gây ấn tượng bởi những trang vẽ của họa sĩ Tạ Huy Long.

Những năm gần đây, sách làm mới lịch sử bằng tranh minh họa, tiểu thuyết hình ảnh ra đời đã “thổi làn gió mới”, mang đến cái nhìn đa chiều, khiến sách ngày càng hấp dẫn hơn, đến gần độc giả hơn.

“Lĩnh Nam chích quái” là một trong những quyển sách sử ra mắt ấn tượng trong năm 2017. Tác phẩm là bộ sưu tập truyền thuyết, truyện cổ tích của nhiều tác giả được biên soạn vào khoảng cuối đời nhà Trần.

Những câu chuyện được góp nhặt và ghi chép lại đã gửi gắm quan niệm của ông cha về lịch sử dân tộc, về phong tục tập quán, về cách đối nhân xử thế một cách ý nhị, tinh tế.

Nhưng có gì đáng nói khi một quyển sách quen thuộc được tái bản? Những người yêu văn hóa, lịch sử và cả mỹ thuật đón nhận “Lĩnh Nam chích quái” bởi những bức tranh “đẹp- độc- lạ” chiếm phần lớn không gian để minh họa cho phần nội dung của họa sĩ Tạ Huy Long.

Gam màu của đất, màu sắc của kim khí thô sơ với lối vẽ ước lệ đã làm sống động đời sống nhân vật, thôi thúc sự tò mò về một thời đã qua, giải đáp những thắc mắc rằng trong lịch sử, người ta nói với nhau chuyện gì, bằng ngôn ngữ nào và trong khung cảnh ra sao.

Suốt 20 năm gắn bó và dành tình yêu cho đề tài lịch sử, ngôn ngữ hội họa của Tạ Huy Long thổi hồn vào những sự kiện lịch sử. Chúng không còn quá khô khan, gói gọn trong con chữ.

Giới trẻ có thể tiếp cận một cách sống động một tác phẩm dân gian, tìm tòi về lịch sử, văn hóa tín ngưỡng của người Việt.

“Lựa chọn” là một trong số ít graphic novel (tiểu thuyết hình ảnh) được xuất bản ở Việt Nam. Một quyển sách chỉ 24 trang, không một câu chữ, chỉ có nét vẽ mộc, màu chì bàng bạc nhưng không thể nào đọc trong vòng 24 phút. Mỗi khung hình giữ độc giả lại lâu hơn cả một trang sách đầy ắp chữ.

Đề cập đến vấn đề xâm hại tình dục trẻ em, những bức tranh chuyển động tinh tế đến mức bạn sẽ nghĩ mình đang xem một bộ phim quay chậm về số phận của một tâm hồn thơ trẻ.

Dưới hình thức kể chuyện không thoại, nội dung không mờ nhạt mà ngược lại, chân thực đến ám ảnh. Cuộc chiến nội tâm và hiện thực xã hội được tác giả chăm chút cô đọng hết mức có thể.

“Lựa chọn” vừa lạ, vừa khó hiểu nhưng đủ kiên nhẫn để đọc đi đọc lại, đủ cân nhắc và suy ngẫm thì độc giả sẽ thấy nó cuốn hút đủ sức khiến trái tim bạn đập rộn lên, tin tưởng xen lẫn hồ nghi, xót xa nhưng không tuyệt vọng trước một câu chuyện buồn.

Tác giả Hoàng Giang không “nắm tay dắt đi” mà tạo ra một không gian để người đọc phải ngần ngừ, chau mày tự mày mò, tự cảm nhận, hình dung những gì đang diễn ra.

Chính điều đó làm cuốn sách trở nên hấp dẫn lạ lùng. Chính điều đó tạo nên dư vị đậm đặc đọng lại trong người đọc. Gấp những trang tranh lại, mỗi con người đều có những “Lựa chọn” cho riêng mình. Và dù là ai, dù ở đâu thì phải biết bảo vệ bản thân.

Hãy đứng lên khi cần thiết và hãy kêu cứu. Luôn luôn mở rộng tầm nhìn để có thể giúp đỡ mọi người. Cảm nhận một góc khuất của xã hội để cố gắng sống tốt từng ngày, từng ngày một.

Bên cạnh Hoàng Giang thì Nguyễn Thành Vũ với “Hoàng tử bé”, Thái Mỹ Phương với “Chuyện ba quả trứng nhỏ và xứ sở siêu buồn chán” hay Huỳnh Kim Liên cùng artbook “Hành trình đầu tiên”… là những người trẻ mang nét vẽ của mình thổi hồn, tô điểm, mang những câu chuyện thú vị đến với độc giả.

Sự tương tác giữa văn hóa nghe nhìn và văn hóa đọc tạo nên những đổi thay và sự đón nhận cái mới trong cộng đồng sách. Sẵn sàng cho cái mới, người đọc đã sẵn sàng để thật sự đọc, nghiền ngẫm nhiều hơn từ việc kết hợp vừa đọc vừa xem.

Bài, ảnh: PHƯƠNG THÚY

 

Graphic Novel là thể loại tiểu thuyết sử dụng các yếu tố tranh truyện để kể, tuy nhiên nội dung thường gói gọn ở dạng từng tập ngắn thay vì dài kỳ như truyện tranh thông thường.

Artbook (sách nghệ thuật) là cách gọi những cuốn sách tập hợp chủ yếu là tranh ảnh, đồ họa, những bức ảnh chụp từ phim truyền hình hay phim điện ảnh, hay là sưu tập ảnh tác phẩm của một nghệ sĩ nào đó.