Ký ức kháng chiến

"Quà ra mắt" chiến trường ven sông Măng Thít của Tiểu đoàn 306

Cập nhật, 05:27, Thứ Ba, 28/08/2018 (GMT+7)

Cuối tháng 9/1966, chính quyền Sài Gòn chia lại địa giới các tỉnh có vùng đất nằm giữa sông Tiền và sông Hậu của ĐBSCL để thành lập thêm tỉnh mới là Sa Đéc và đặt một tiểu khu quân sự ở TX Sa Đéc.

Tiếp theo đó, vào giữa tháng 1/1967, địch sáp nhập 2 huyện Trà Ôn và Vũng Liêm từ tỉnh Trà Vinh vào tỉnh Vĩnh Long và đặt tiểu khu tại TX Vĩnh Long.

Như vậy, đến thời điểm này về mặt quân sự trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long có đến 2 tiểu khu quân sự đặt ở TX Vĩnh Long và TX Sa Đéc.

Để thực hiện kế hoạch 2 gọng kềm là “Tìm diệt” và “Bình định” trên vùng đất này, cuối năm 1967, địch điều hẳn Sư đoàn bộ binh chủ lực số 9 (Sư đoàn 9) gồm 3 trung đoàn mang các phiên hiệu 14, 15, 16 về đứng chân trên chiến trường Vĩnh- Sa- Trà (Vĩnh Long, Sa Đéc, Trà Vinh) để yểm trợ cho các lực lượng quân sự địa phương của chúng.

Trước đó, từ năm 1966 bộ chỉ huy địch ở Vùng 4 chiến thuật đã lên kế hoạch đầy tham vọng ở vùng này là làm chủ tuyến sông Măng Thít- một thủy lộ chiến lược chỉ đứng sau QL4 (QL1 ngày nay- nối miền Tây Nam Bộ với trung tâm chính trị- quân sự đầu não Sài Gòn để dễ dàng tiếp tế lương thực và vũ khí cho nhau vừa có tác dụng chia cắt địa bàn chiến trường Vĩnh Trà (Vĩnh Long- Trà Vinh).

Thực hiện ý đồ này, nhất là khi Sư đoàn 9 về đứng chân trên địa bàn, địch tung một lượng lớn quân chủ lực, bảo an và bình định nông thôn mở nhiều cuộc càn lớn dài ngày để đóng đồn lấn chiếm các xã 2 bên bờ sông Măng Thít thuộc các huyện Cái Nhum, Vũng Liêm, Trà Ôn và Tam Bình (với ta lúc đó 2 huyện Vũng Liêm và Trà Ôn còn thuộc tỉnh Trà Vinh).

Đối phó với các hoạt động bình định lấn chiếm này của địch, các lực lượng vũ trang và nhân dân các huyện nói trên đã liên tục đánh trả.

Chỉ trong 3 tháng từ tháng 4 đến tháng 6/1967, các địa phương trên đã loại khỏi vòng chiến đấu hơn 1.000 tên địch, phá hủy nhiều phương tiện quân sự, san bằng và bứt rút trên một chục đồn và lô cốt,…

Trong đó có một sự kiện khó quên trong lòng người dân tại đây là trong những ngày đầu tiên về đứng chân trên các địa bàn Vĩnh Trà ở bờ nam sông Mang Thít theo sự chỉ đạo của Quân khu 9, Tiểu đoàn 306- một tiểu đoàn thiện chiến của quân khu- đã có món “quà ra mắt” để chào nhân dân địa phương đầy ấn tượng:

Khi tiểu đoàn mới từ huyện Càng Long (Trà Vinh) vừa về đến xã Hòa Bình (Trà Ôn) đã gặp ngay lúc địch đang đưa Tiểu đoàn 2 (thuộc Trung đoàn 16, Sư đoàn 9) và một giang đoàn gồm 10 tàu PCF về đóng chốt ở Mương Khai (xã Xuân Hiệp- Trà Ôn) liền chớp thời cơ bám sát địch và tổ chức đánh tập kích ngay trong đêm 23/4/1967.

Sau 3 giờ nổ súng, Tiểu đoàn 306 gần như xóa sổ tiểu đoàn và giang đoàn này, diệt trên 250 tên, bắn chìm 8 tàu, thu trên 100 súng các loại.

Chưa dừng lại đó, ngày hôm sau tiểu đoàn trụ lại ở xã Hòa Bình kết hợp với địa phương quân và du kích đánh phản càn với một trung đoàn địch có phi cơ và pháo binh yểm trợ vào tiếp ứng cho bọn tàn quân nói trên.

Bộ đội ta và địch quần nhau quyết liệt suốt ngày hôm đó làm trung đoàn này thiệt hại nặng với khoảng trên 600 lính và sĩ quan chết và bị thương, bắn rơi 12 trực thăng, làm nức lòng nhân dân địa phương.

Sau chiến công vang dội này, do địa hình vùng Vĩnh Long mỏng khó khăn cho các hoạt động quân sự của ta nên với chiến thuật phân tán và tập trung linh hoạt, Tiểu đoàn 306 tách các đại đội ra đứng chân trên nhiều địa bàn và chỉ tập trung khi cần thiết có quả đấm mạnh:

Đại đội 58 bung ra hoạt động ở các huyện Bình Minh, Châu Thành và Bắc QL4; Đại đội 59 hoạt động hướng huyện Cái Nhum, Đông TX Vĩnh Long và ven sông Tiền; các bộ phận còn lại cắm ở huyện Tam Bình, sông Măng Thít và Nam QL4.

 

Tiền thân của Tiểu đoàn 306 (D 306) là “Đội bảo vệ hòa bình” được thành lập vào tháng 8/1955 tại Bạc Liêu- Cà Mau theo sự chỉ đạo của Bí thư Trung ương Cục miền Nam Lê Duẩn (hoạt động mang danh nghĩa giáo phái).

Sau đó, đội phát triển thành đơn vị vũ trang cấp tiểu đoàn mang tên Đinh Tiên Hoàng rồi Phú Lợi. Khi các lực lượng vũ trang ở miền Nam thống nhất thành Quân Giải phóng miền Nam, ngày 30/6/1961, Tiểu đoàn Phú Lợi được đổi tên thành Tiểu đoàn 306 hoạt động ở vùng Nam sông Hậu.

Ở chiến trường Vĩnh Trà, trong Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, D 306 đảm nhiệm hướng đánh chủ yếu vào TX Vĩnh Long và cùng các đơn vị bạn làm chủ một phần thị xã 6 ngày đêm.

Khi Trung đoàn 3 của Quân khu 9 được thành lập ngày 20/4/1968, D 306 nằm trong đội hình của trung đoàn này.

Tiểu đoàn đánh chủ công tiêu diệt Chi khu Càng Long (Trà Vinh), 2 lần tiêu diệt và 1 lần bứt rút Yếu khu Thầy Phó (thu 2 pháo 105 ly).

Đêm 30/4/1975, khi tỉnh trưởng Vĩnh Long đầu hàng D 306 vào tiếp quản dinh tỉnh trưởng và các mục tiêu quan trọng ở Phường 1 (TX Vĩnh Long).

Ngày 21/9/1976, Sư đoàn 330 được thành lập, Trung đoàn 3 nằm trong đội hình này thì D 306 được đổi tên là Tiểu đoàn 7 làm nhiệm vụ bảo vệ biên giới Tây Nam và làm nghĩa vụ quốc tế giúp nước bạn Campuchia. D 306 nay đã được trả lại tên cũ.

Trải qua 60 năm (1958- 2018) xây dựng và chiến đấu, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ D 306 đã không tiếc máu xương góp phần xứng đáng vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, làm nghĩa vụ quốc tế giúp nước bạn Campuchia và trong xây dựng bảo vệ Tổ quốc hiện nay.

D 306 từng vang danh với danh hiệu “Trăm trận trăm thắng”, vinh dự được Nhà nước 3 lần tuyên dương Đơn vị Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam, Đại đội 58 và 7 cá nhân trong tiểu đoàn cũng được tặng danh hiệu cao quý này.

HỒNG VÂN (Tư liệu từ nhiều nguồn)