Chuyện làng văn, làng báo

Vân vân... là ba chấm (...)

Cập nhật, 05:09, Thứ Bảy, 07/07/2018 (GMT+7)

Chị Hoàng Tuyên có tới trên 20 năm công tác hành chính trị sự ở Hội Nhà văn Việt Nam, nên chị biết được nhiều chuyện vui của các nhà văn. Với bút danh là Hoàng An, chị đã ghi lại hàng trăm giai thoại làng văn. Sau đây là một trong hàng trăm giai thoại đó: chuyện “Hai chữ Vân vân”.

Cách đây gần chục năm, Hội Nhà văn Việt Nam có tổ chức trại sáng tác ở Nha Trang cho một số nhà văn, nhà thơ là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam.

Trong số đó, có cả các nhà văn đang sống và làm việc tại tỉnh Khánh Hòa các vùng phụ cận. Hôm bế mạc trại, sau 15 ngày chung sống, sáng tác, sinh hoạt, tham quan du lịch, lúc chia tay ai cũng bịn rịn.

Lúc này, chị Hoàng An, tuy là nhân viên hành chính của Hội Nhà văn Việt Nam vào phục vụ, chưa một lần làm thơ, mà cũng ứng khẩu đọc 2 câu:

“Chia tay rồi lại chia chân

Đừng lo những việc “vân vân” sau này”

Ý tác giả vân vân: là chuyện nhớ nhung hoặc trục trặc… trong sinh hoạt, tác phong, cá tính của trại viên. Đọc xong, mọi người vỗ tay rào rào, lại còn ngạc nhiên, tác giả là nhân viên chuyên lo cơm áo, gạo tiền cho nhà văn mà ứng khẩu 2 câu thơ lục bát đúng vần, luật mà còn đúng trúng về nội dung, tâm trạng của các trại viên. Lúc đó, nhà thơ Nguyễn Gia Nùng còn ghé tai Hoàng An nói nhỏ: “Em cho anh xin hai chữ “vân vân” của em nhé!”

Tác giả Hoàng An nhớ lại mấy hôm trước, đi tắm biển vì sóng to, gió lớn nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn không xuống tắm chỉ mon men mép bờ biển đứng ngâm chân, Nguyễn Gia Nùng ứng khẩu 2 câu thơ tặng… nữ sĩ họ Phan:

“Ngày ngày ra biển ngâm chân

Còn ngâm mọi thứ “vân vân” ở nhà”

Nhân được nghe Hoàng An và Nguyễn Gia Nùng đọc mỗi người 2 câu thơ đều có 2 chữ vân vân, nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo sau này nhớ tới một lần sang Trung Quốc, trong buổi giao lưu lại đọc 2 câu thơ của Hoàng An cho các nhà thơ Trung Quốc nghe, ông Phương Kiệt- vị giáo sư Trung Quốc, kiêm nhà thơ- thích quá, bèn dịch luôn.

Các bạn thơ Trung Quốc cười ồ lên. Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo liền hỏi GS. Phương Kiệt: “Ông dịch thế nào mà mọi người cười thế? Nhất là hai chữ vân vân ấy?”

- Câu thơ tài tình lắm.- GS. Phương Kiệt nói- Tôi chỉ có thể dịch 2 chữ vân vân là 3 chấm (…) mà thôi, không thể dịch khác được. Tài tình, thật tài tình!

Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo bắt tay GS. Phương Kiệt với lòng đầy tự hào nói:

- “Giáo sư nên nhớ đấy chỉ là thơ của một nhân viên hành chính ở Hội Nhà văn Việt Nam thôi đấy nhé!”

GS. Phương Kiệt nghe vậy, khuôn mặt rạng rỡ, đầy vẻ thán phục…

LÊ HỒNG BẢO UYÊN (st)