Truyện ngắn

Đêm chợ xép

Cập nhật, 14:32, Chủ Nhật, 03/06/2018 (GMT+7)

Tạo quay lại. Khi anh phóng xe tới, chuyến phà đã tách bến gần trăm mét, thoáng khuất sau rặng bần âm u, sầm uất. Con sông Rạch Nọc nước lớn dâng đầy. Lục bình dập dềnh trổ hoa tím ngát.

Tranh minh họa: Trần Thắng (TP Vĩnh Long)
Tranh minh họa: Trần Thắng (TP Vĩnh Long)

Chiều như sập nhanh xuống… Đành vậy! Đêm nay phải nằm lại Xã Hời thôi, bởi vì chuyến đò cuối cùng ban nãy đã qua bên kia sông Hậu, 6 giờ sáng mai nó mới trở về. Khúc sông chỗ vàm Rạch Nọc rất rộng và nhiều sóng gió nên không có đò nhỏ chở khách qua sông.

Cái chợ bé xíu này nằm cách khá xa những khu thị tứ khác đến mươi cây số. Tốt nhất là nghỉ đêm lại đây rồi mai lên đường! Hương chắc đang trông chờ mình.

Điện thoại reo. “Anh trễ phà rồi… mai gặp nhé em!”- “Em nhớ anh…”- “Cho anh xin lỗi. Đành chịu thôi! Chúc…ngủ ngon nhé…”- “Hu hu… hôn anh!”

Trễ chuyến phà qua sông không phải chỉ có mình Tạo mà còn có một chị gánh ve chai, lông vịt. Một đôi trai gái quảy ba lô có vẻ như là sinh viên, cùng một thiếu nữ ăn mặc thời trang, tóc nhuộm màu nâu hạt dẻ, khá xinh xắn.

- “Chết rồi… đêm nay ngủ đâu?”- cô bé mắt đen, mặt như búp bê đi chung với cậu con trai thốt lên! Mọi người nghe cô ấy lên tiếng, ai nấy cũng có vẻ nao nao, lo lắng.

- Mấy chú, mấy cô ơi… Phía trên lộ có nhà trọ, bà con mình lên đó nghỉ đêm đi. Phòng cũng tương đối sạch sẽ, giá cả bình dân… Chợ xép* mà! Tôi nhiều lúc trễ phà cũng ngủ lại ở đó- chị gánh ve chai đề nghị.

Mọi người thấy có lý, lục đục đi theo chị. Những người dân ở gần bến phà ái ngại nhìn theo tốp người trễ đò.

Nhà trọ bình dân chỉ có bốn phòng- chủ cho biết- Phòng 1 có 2 vị sư cô đi tụng kinh đám ma ở xóm trên về nghỉ đêm. Phòng 2 có một cặp vợ chồng đi làm bên Cần Thơ mướn tháng rồi! Chỉ còn phòng 3 và phòng 4, nhưng phân chia thế nào đây?

- Tùy quý cô chú sắp xếp nhé, khi nào xong thì cứ dọn vào. Chìa khóa hỏi tôi…

- Ông chủ nhà trọ, tuổi độ 50 ngoài, dáng vẻ vẫn còn ít chút chân quê nói- “Ít khi nhà trọ đầy khách…”

5 người khác giới tính, nhiều hạng tuổi, thành phần bất nhất, hoàn toàn xa lạ ghép ngủ với nhau là một chuyện tế nhị, hơi khó xử. Ban đầu thì tính cho cặp nam nữ sinh viên ngủ chung, chị ve chai với cô gái tóc nâu và Tạo một phòng. Nhưng cô bé sinh viên không chịu, cô ấy nói nhỏ với chị ve chai:

- Con đã có bạn trai rồi, ra trường sẽ cưới nhau. Con chỉ quá giang anh Tuấn- bạn cùng xóm- về trường… ngủ chung giường, chung chiếu thì làm sao được. Lỡ có gì, chắc chết quá!

Chị ve chai tỏ ra thông cảm:

- Thôi. Con ngủ với cô.

Lại có ý kiến xem ra rất vô tư của Tuấn:

- Hay là chú với cô ngủ với nhau. Bọn trẻ tụi con một phòng sẽ thích hợp hơn!

- “Ấy chết. Không được đâu… Thằng chồng nát rượu của tôi nó biết được, nó sẽ đốt nhà!- chị ve chai than thở.

“Tóc nâu” màu hạt dẻ bỗng nói như phán.

- Dễ thôi, như vầy nhé, 3 người nữ ngủ một phòng, 2 nam một phòng.

Mọi người đều khen “tóc nâu” xử lý tình huống khéo, ai nấy lần lượt vào phòng, chuẩn bị tắm rửa, nghỉ ngơi…

Tạo và Tuấn nhanh chóng thích nghi. Giường ngủ, toa-let cũng tạm ổn, không đến nỗi tệ

- Xin lỗi… Chú làm gì ạ?

- À… chú làm thầy giáo- Tạo nói cho qua. Sự thật trước đây, sau khi đi nghĩa vụ quân sự về, anh học sư phạm, và đã từng có thời gian làm thầy giáo. Nhưng bây giờ thì không…

- Tuấn học ở CT? Khoa nào vậy?

- Dạ… Khoa ngữ văn…

- Có biết thầy Vũ không? Thầy Vũ dạy văn hóa phương Đông đó?- Tạo hỏi thăm về một người bạn.

- Dạ. Biết! Thầy ấy vui lắm… biết nhiều trò!

- Thầy Vũ hát bài chòi Phú Yên hay lắm, chơi nhạc cũng khá. Dạy giỏi. Người đẹp trai, tài hoa…Nhưng…

Tạo không nói thêm nữa, bởi chuyện của bạn anh dài lắm, vả lại cũng không cần thiết phải nói với Tuấn- một người bạn qua đường bất đắc dĩ! rằng Vũ bị vợ bỏ”.

Người như anh ấy mà cũng bị vợ bỏ!? Chẳng phải cụ Nguyễn xưa đã từng nói: “Chữ tài liền với chữ tai một vần ư? Sau khi chia tay Vũ được vài tháng, Ngân đã lấy một đồng nghiệp của chồng!

Người ta đồn đoán đó là sự trả thù, trút căm hận của Ngân đối với Vũ, bởi vì Vũ đã có những hành vi coi thường vợ, đùa bỡn, lén lút, bồ bịch với vài cô sinh viên sắp ra trường!

Ngân đã từng bắt gặp tận mặt! Vũ trông vẻ ngoài hiền lành nhưng anh lại rất ma mãnh! Anh chỉ quen với các cô bé sinh viên ngưỡng mộ anh, mê anh, thậm chí đã thầm yêu thầy mà không dám thổ lộ, vào năm cuối.

Vài tháng nữa ra trường. Các cô ấy sẽ về quê hoặc đi làm chỗ khác. Đã trưởng thành rồi, già ra cả! Yêu nhau ngoài phạm vi nhà trường chả có luật nào cấm! Chẳng mang tai tiếng, bị kỷ luật, bởi sau đó người một nơi, kẻ một ngả. Có lẽ vì vậy mà anh đã phải trả giá bằng chính hạnh phúc của mình.

Vũ và Ngân có một đứa con gái xinh đẹp, học giỏi. Sau ly hôn, Vũ nhận nuôi con và Ngân cũng thản nhiên chấp nhận điều này!

Mấy năm về sau, nghe bạn bè kể lại, Ngân sinh ra một đứa con dị tật do di chứng chất độc màu da cam mà chồng sau của cô là người đã từng ở vùng quê bị Mỹ rải dioxin vào những năm 70 của thế kỷ trước.

Sau này họ chia tay. Ngân về quê mình mãi tận miền Trung xa lắc và bặt tin luôn từ ấy! Đứa bé tội nghiệp kia được gởi vào chùa, cha đẻ của nó cũng đi đâu mất biệt!- Một câu chuyện khá buồn mà trong đêm đầu tiên ngủ ở chợ xép Tạo bỗng miên man nhớ lại, lúc trò chuyện với Tuấn.

Tạo và Tuấn tắm rửa xong. Tuấn qua phòng bên rủ Hà- cô sinh viên đi chung- kiếm cơm, phở. Tuấn có rủ Tạo, nhưng Tạo từ chối, ý muốn để cho 2 người ấy tự nhiên.

Lúc ban chiều ở Sa Giang đi, anh đã có ăn một suất cơm bình dân. Lát sau, Tuấn về khen cơm ở đây ngon, chẳng thua gì các chợ lớn, giá lại rẻ, trà đá miễn phí, ăn xong chủ còn đãi cho mỗi người một trái chuối xiêm chín tráng miệng.

Thật tuyệt vời- Tạo khen.

Cả 2 người ngã lưng xem bóng đá trên ti-vi. Một hồi, như thấm mệt bởi đoạn đường dài đã đi qua, họ thiu thiu, chập chờn trong giấc ngủ.

- Đ… má mày! Thằng chó…- một giọng nữ gào, tru tréo, rít to lên ở phòng số 2, đối diện với phòng số 3 của Tạo và Tuấn. Cả 2 người đàn ông giật mình, bật dậy, ngóng ra cửa.

- “Con… đ… Tao giết mày! Mày dám đập chén lên đầu tao hả… mày… con…”- tiếng người đàn ông lắp bắp, giận dữ!

- “Mày làm 2 tháng nay, tiền lương đâu không thấy một cắc? Mày cho mấy con đĩ thúi karaoke bên C.T ăn vọng hết rồi phải không? Tao đóng tiền nhà, tiền cơm, tiền điện muốn chết! Tiền đâu mà gởi về nhà nuôi bà già mày với thằng Ken… hả… hả… đồ đàn ông tồi! Ông trời ơi! Ngó xuống mà coi!... Hu… hu”

- Từ từ nói chuyện với nhau… Cứ chửi nhau dậy động, khách của tôi làm sao ngủ được”- Có tiếng ông chủ nhà trọ can ngăn, hòa giải- Muốn gì thì sáng nói hoặc to nhỏ với nhau. Ở đây là nhà trọ chứ đâu phải nhà của mình, mà muốn la làng hồi nào thì la!

- Dạ… dạ… Cháu biết. Nhưng nó dữ quá, ghen quá! Nói gì nó cũng không tin, nó nghi mình nói dóc! Đã nói là chủ Đài Loan bỏ trốn, quỵt lương công nhân mấy tháng mà nó không nghe, cứ đề quyết mình cho tiền gái… Hỏi có tức không!? Tôi đánh cho nó mập mình chú ạ. Cho nó tỡn, bỏ tật hung dữ… Hừ.

Chú nhà trọ gật gù, nhỏ nhẹ với chị phụ nữ:

- Việc gì cũng tìm hiểu thấu đáo. Không nên kết luận vội mà hư chuyện. Thảo à! Chú cũng nghe có chuyện này đó cháu. Bọn chủ xuất khẩu thủy sản thua lỗ, bỏ trốn về nước…

Chỉ tội cho công nhân mình! Nhưng nghe nói Nhà nước sẽ thanh lý tài sản của chúng, trước tiên sẽ trả đủ lương cho công nhân…

Phòng số 1 đã tạm yên, sau khi nghe lời khuyên và hăm dọa của ông chủ nhà trọ: “Mấy người mà gây lộn, đánh nhau nữa, tôi không vị tình đâu, tôi sẽ điện cho công an họ xuống giải quyết đó nhe!”

Không khí lào xào một chút rồi im ắng trở lại như lúc đầu hôm. Tạo và Tuấn thở khì và lim dim, cố dỗ giấc ngủ trở lại…

Bỗng nhiên có tiếng lũ nhóc nhen, vạc sành, ểnh ương ngoài đám ruộng nước, hòa tấu vang lừng, ồm ả “khúc nhạc đồng quê”, chừng non một phút, rồi tự dưng im bặt, lâu lâu lại rộ lên rất đồng điệu… “Mẹ nó… hết chửi lộn, đánh lộn, rồi tới cóc nhái, ểnh ương kêu điếc lỗ tai… đếch ngủ được”- Tuấn lầm bầm rủa sả. Đêm lại chìm vào cô tịch.

Đến hơn giữa khuya, không gian thật thanh vắng, có thể nghe được cả tiếng hạt sương rơi lộp bộp trên những tàu lá chuối sau hè… Bỗng có tiếng tắc-kè kêu rất to!

Ban đầu, trước khi phát ra tiếng kêu lảnh lót, rõ mồn một, là màn dạo đầu với âm thanh mà ai mới nghe qua cũng phải giật mình: “khéc… khéc… khẹc khẹc… khéc khéc… Tắc kè… tắc kè… tắc kè… liên hồi đúng 7 tiếng thì kết thúc!

Có tiếng chân thình thịch, tiếng mở cửa gấp rút ở phòng số 4. Phòng số 3 của Tạo bị động cửa: “Chú gì đó ơi, Tuấn ơi!…

Qua cứu “tóc nâu” ngay, cô ấy nghe tiếng tắc kè kêu, giật mình, hết hồn, ngất xỉu rồi… Nhanh lên. Nhanh lên!”- Giọng bé Hà hoảng hốt, hụt hửi. Tạo và Tuấn tốc mền dậy, chạy qua…

“Tóc nâu” nằm thiêm thiếp, mặt tái xanh, hơi thở rất nhẹ.

- Cô bé này bị bệnh yếu tim, nghỉ ngơi, xoa bóp, tịnh dưỡng một hồi sẽ hết thôi!- Tạo nói - Anh có một thời làm y tá lúc đi nghĩa vụ.

- Bây giờ… Làm sao hở chú?- Mọi người thay nhau hỏi dồn Tạo. Anh nói chậm rãi như ra lệnh: “Bé Hà kê nhẹ đầu “tóc nâu” lên gối, mở nút áo ngực cô ấy ra, dang thong thả hai tay, gập lên gập xuống…

- Dạ.

- Cậu Tuấn thoa dầu nước xanh (của chị ve chai) vào tay rồi xoa nhẹ vùng ngực trên… trên vú trái của “Tóc nâu”

- “Á!- Tuấn kêu lên như bị ai cắn- Cháu đâu biết làm cái vụ này… hay là chú làm đi. Chú biết vụ này mà!

- Có làm không, hay là để cô ấy chết, mang họa cả đám!”- Tạo quát.

- Dạ… dạ. Để cháu cố làm. Trời ơi sau mà ngặt quá vậy…- Tuấn rên rỉ.

Cuối cùng cậu ta cũng phải xoa tay lên vùng ngực chỗ vị trí trái tim của “Tóc nâu”- ngực “Tóc nâu” trắng mịn như hột gà luộc mới bóc vỏ!

Một vài phút sau, “Tóc nâu” từ từ hé mắt ra, thở nhè nhẹ rồi nhắm mắt lại. Mọi người mừng rỡ. Tình hình diễn biến tốt. Mọi người lại thực hiện những động tác cũ. Bỗng “Tóc nâu” nắm chặt tay Tuấn kéo xuống. Cô nói như người bị mê sảng:

- Anh… anh, sao anh lại nỡ bỏ em đi? Trời ơi em khổ quá! Em nhớ anh quá…

- Tuấn giật mình, định rút tay lên, nhưng Tạo ra hiệu, nói:

- Cứ để “Tóc nâu” bột phát hết đi. Đừng ngăn cản lúc này không hay. Tránh cho cô ấy đừng bị sốc!

Mọi người ai nấy bụm miệng để không phải bật cười bởi tình huống bất ngờ này.

- Anh Tuấn kỳ này “vô xê”* rồi đó. Sướng há! Hi hi…”- Hà cười chúm chím…

Tuấn và Tạo trở về phòng khi tình hình sức khỏe của “Tóc nâu” đã ổn định, cô ấy thở đều, mặt mày hồng hào, môi đỏ hồng, không còn tím tái như lúc mới ngất.

“Tóc nâu” trở mình và thở mạnh như người ngủ say… Chị ve chai thỉnh thoảng đút cho “Tóc nâu” ít muỗng trà đường, cô ấy chem chép miệng ngon lành… Mọi người thở phào nhẹ nhõm. Đêm chợ xép dần trôi về sáng.

… Trời hửng sáng, vài vệt mây tím, hồng vắt ngang chân trời đằng đông, rồi mây dần chuyển nhẹ sang màu da cam nhàn nhạt. Âm thanh của ngày mới ở chợ xép cũng lên khúc dạo đầu.

Có tiếng chân người vội vã gánh hàng ra chợ sớm, tiếng xe máy thỉnh thoảng vút qua, rì rầm, bóp kèn tin- tin ngoài đường cái.

Có cả tiếng ngựa hí vang lẫn với tiếng móng sắt gõ lộc cộc làm vài người giật mình, nhớ đến chiếc xe thổ mộ thồ hàng, tưởng chỉ còn trong trang sách giáo khoa lớp 4 ngày xưa... Những người ở nhà trọ đã thức dậy và sẵn sàng cho chuyến qua sông.

Ông chủ nhà tươi cười chúc đám khách trễ đò tối hôm qua thượng lộ bình an. Lúc trả tiền phòng, Tạo nói:

- Nhà trọ ông có con tắc-kè bông to bằng cườm tay. Sao không bắt nó ngâm rượu uống cho rồi? Nó kêu suốt đêm, không sao ngủ được!

- Tôi cũng định bắt nó, nướng ngâm rượu, nhưng bà xã tôi nói, nhà có tắc- kè kêu sẽ gặp may, tiền vô như nước đó chú!

Lúc đi ngang qua phòng số 1, Tạo, Tuấn, Hà, chị gánh ve chai nghe “Tóc nâu” nói.

- Đêm qua mệt, em ngủ mê quá!

Cả nhóm kéo ra, cùng tâm trạng: chuyện cô hay bị xỉu mỗi khi có âm thanh lớn, lạ, bất ngờ như tiếng sấm sét nổ hay tiếng tắc kè đột ngột kêu đã thành mặc định rồi chăng (!?)

Lót tót, đi sau cùng là cặp vợ chồng công nhân gây gổ, đánh nhau hồi đầu hôm. Cả nhóm gặp 2 vị ni cô mới vừa đi tụng kinh đám ma về, đứng trước cửa. 2 sư gật đầu nhẹ, vái chào:

- Các thí chủ đêm qua ngủ ngon chứ?… A Di Đà Phật… Tạo và nhóm khách trọ cũng chắp tay xá, đáp lại:

- Dạ!… Ngủ ngon. Cám ơn sư cô! A Di Đà Phật!

Chuyến phà sớm thúc còi rời bến. Chợ xép xa dần với những mái nhà lô nhô, lúp xúp sau làn sương mỏng. Ngày mới bình yên, nắng lên với những con tàu ngược xuôi trên dòng trường giang mênh mông, bát ngát…

Chợ xép*: Chợ nhỏ ở nông thôn, miền núi.

Vô xê* (tiếng lóng): Vào mối, trúng mối, dính vào.

ĐẶNG HOÀNG THÁM