Gia Định Báo- Tờ báo Việt ngữ đầu tiên(*)

Cập nhật, 08:30, Chủ Nhật, 17/06/2018 (GMT+7)

 

Trong lịch sử phát triển vùng đất phương Nam, Gia Định Báo là hiện tượng văn hóa tinh thần độc đáo mang lại nhiều đóng góp và giá trị có tính chất khai mở về báo chí, văn chương, ngôn ngữ bằng chữ quốc ngữ Latin theo hướng hiện đại.

Vì thế, Gia Định Báo sớm trở thành một trong những đối tượng được quan tâm hàng đầu của các thế hệ nhà nghiên cứu Việt Nam thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau.

Gia Định Báo- một hiện tượng văn hóa, văn học và ngôn ngữ bằng chữ Quốc ngữ đầu tiên. Nếu di sản văn hóa vật thể như đường hỏa xa xuyên Việt đến nay còn khả dụng, thì Gia Định Báo- một di sản văn hóa phi vật thể- xuất hiện từ đầu thời Pháp thống trị cũng sẽ giúp ta hiểu được khúc quanh lịch sử của đất nước: từ phong kiến Á Đông chuyển sang chế độ thuộc địa nửa phong kiến, cụ thể là nước ta bị Pháp cai trị và bắt đầu sử dụng Quốc ngữ Latin đồng thời học tập theo khoa học thực nghiệm Tây phương.

Ngày 15/4/1865, Gia Định Báo- tờ báo Việt ngữ đầu tiên, chính thức ra mắt tại Sài Gòn. Khởi thủy là một tờ công báo tiếng Pháp của Soái phủ Nam kỳ (Courrier de Saigon, ấn hành năm 1864) dịch ra chữ Quốc ngữ, những ấn bản Gia Định Báo ban đầu có hình thức đơn giản, chỉ thuần thông tin công vụ, đăng tải công văn, nghị định của chính quyền thuộc địa.

Tuy nhiên, trải qua 44 năm tồn tại (15/4/1865-31/12/1909), tờ công báo in bằng chữ Quốc ngữ này đã có những bước hoàn thiện, cách tân mạnh mẽ để trở thành một tờ báo đại chúng, phục vụ nhu cầu thông tin- giao tiếp, mở mang kiến thức- kỹ năng và thư giãn- giải trí cho người dân, đảm bảo cả hình thức lẫn nội dung thông tin, từ cách tổ chức đến vận hành tòa soạn, xứng đáng trở thành cột mốc đánh dấu sự ra đời của nền báo chí Việt Nam.

Trong hơn 40 năm tồn tại (1865-1909), Gia Định Báo đã có những tác động, ảnh hưởng nhiều mặt đến đời sống xã hội đương thời.

Không những thế, Gia Định Báo còn đặt nền móng cho sự phát triển của chữ Quốc ngữ, báo chí Quốc ngữ, văn xuôi Quốc ngữ sau này, làm tiền đề quan trọng dẫn đến cuộc canh tân toàn diện và sâu sắc nền báo chí và văn học dân tộc diễn ra sôi động trong những năm 1932- 1945.

Có thể nói, cùng với độ lùi thời gian, dấu ấn của Gia Định Báo trong lịch sử càng đậm nét. Vì vậy, tìm hiểu, nghiên cứu về Gia Định Báo và những vấn đề liên quan vừa là nhu cầu vừa là thách thức đối với nhiều người thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau.

Ngoài yếu tố lịch sử, phân tích từng chức năng cụ thể của Gia Định Báo thì những đoạn trích bài viết từng được đăng trên công báo của những nhà báo tiên phong lúc bấy giờ.

Gia Định Báo là tờ báo Quốc ngữ đầu tiên và cũng là tờ báo được định hướng rất rõ ràng trong việc phổ biến chữ Quốc ngữ cho dân chúng.

Bởi vì, Gia Định Báo là tờ báo Quốc ngữ đầu tiên đã mang lại cho nền văn học nước nhà một luồng gió mới làm thay đổi những nề nếp cũ có quá nhiều ảnh hưởng Trung Hoa, cũng như tạo cho người dân Việt Nam một cách sống mới, hiểu biết dần thời cuộc, ý thức tham gia chính sự.

Cuốn “Gia Định Báo- Tờ báo Việt ngữ đầu tiên” là công trình tập thể của các nhà nghiên cứu và cán bộ giảng dạy Khoa Ngữ văn và Báo chí, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn- ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh, được xuất bản lần đầu trong dịp 140 năm ra đời Gia Định Báo (1865- 2005).

Trong lần tái bản năm 2017 này, nhóm biên soạn có chỉnh sửa vài chỗ cần thiết đối với những bài cũ, đồng thời bổ sung những bài mới, cập nhật hơn.

Ở mỗi bài, tác giả đều cố gắng giới thiệu những nghiên cứu, phát hiện riêng của mình nhằm đưa lại cái nhìn đầy đủ và hệ thống về các vấn đề quan yếu xoay quanh Gia Định Báo: quá trình hình thành phát triển; nội dung các trang mục; đặc điểm hình thức, ngôn ngữ, thể loại; và những bài học kinh nghiệm làm báo…

Như nhận xét của nhóm biên soạn: khám phá về Gia Định Báo vẫn là một chân trời rộng mở ở phía trước. Vì thế, cuốn sách sẽ là tài tiệu tham khảo hữu ích cho sinh viên, học viên cao học chuyên ngành báo chí và những bạn đọc quan tâm đến lịch sử báo chí nước nhà.

(*) Gia Định Báo- Tờ báo Việt ngữ đầu tiên, Nhiều tác giả, NXB Văn hóa- Văn nghệ, 2017.

AN HƯƠNG