Cần tôn vinh, quảng bá đặc biệt Công Thần miếu Vĩnh Long

Cập nhật, 13:43, Thứ Ba, 19/06/2018 (GMT+7)

Đình làng có vị trí đặc biệt trong đời sống tâm linh người dân Nam Bộ và khi ngôi đình có được sắc phong của triều đình, mới thật sự “chính danh” linh hiển trong việc hướng vọng, thờ tự với niềm tin, tín ngưỡng một cách xác tín của cộng đồng.

Do đó, với việc tập trung đến 85 đạo sắc ở một ngôi đình như Công Thần miếu Vĩnh Long thì đây quả là một di sản đặc biệt trong toàn bộ hệ thống đình làng Nam Bộ, nơi tụ khí linh thiêng một cách rất phi thường. Tiếc là, cho đến nay, di sản đặc biệt quý giá này chưa được phát huy giá trị một cách thật tương thích.

Ngoài 85 đạo sắc phong, các đồ tự khí của Công Thần miếu còn được bảo vệ khá đầy đủ.
Ngoài 85 đạo sắc phong, các đồ tự khí của Công Thần miếu còn được bảo vệ khá đầy đủ.

Một lịch sử rất phi thường

Miếu Công Thần tọa lạc tại Phường 5 (TP Vĩnh Long). Thực tế, Công Thần miếu là hậu thân của miếu Hội Đồng.

Theo Đại Nam nhất thống chí, miếu Hội Đồng ở Vĩnh Long được xây dựng vào năm Minh Mạng thứ 17 (1837), tại thôn Thanh Mỹ Đông (huyện Vĩnh Bình). Dân gian thường gọi miếu Hội Đồng là Đình Khao vì các quan ở thành Vĩnh Long thời bấy giờ thường sử dụng nơi đây làm địa điểm mở tiệc khao thưởng quân lính.

Năm 1867, sau khi chiếm được 3 tỉnh miền Tây Nam Kỳ, thực dân Pháp triệt hạ tất cả các thành trì, dinh thự, công trình văn hóa của nhà Nguyễn.

Trong cơn tàn phá đó, thực dân đã dỡ miếu Hội Đồng Vĩnh Long đem về xây cất Tòa Bố. Rất may, 85 đạo sắc và phần lớn đồ tự khí của miếu Hội Đồng được nhân dân bảo vệ, giữ gìn. Nhân dân đã đem 85 đạo sắc về thờ tạm tại đình làng Thiềng Đức.

Đến năm 1915, do ảnh hưởng của phong trào chấn hưng văn hóa, bà Trương Thị Loan (tức bà Phủ Y, con gái ông Bá hộ Trương Ngọc Lang), bà Lê Thị Danh (vợ Đốc Phủ Tươi) cùng thân hào nhân sĩ Vĩnh Long vận động xin tái lập Miếu Hội Đồng.

Ngày 27/4/1918, Thống đốc Nam Kỳ ký quyết định cho phép tái lập miếu Hội Đồng Vĩnh Long. Do đó, vừa qua Vĩnh Long tổ chức lễ kỷ niệm 100 năm tái lập Công Thần miếu là dựa theo ngày nay, còn tiền thân lịch sử ngôi đình phải tính từ năm 1837.

Ngày nay, chúng ta ghi nhận công lao to lớn của giới thân hào nhân sĩ và nhân dân Vĩnh Long đóng góp nhiều công sức, tiền của để dựng lại ngôi miếu. Riêng ông Nguyễn Văn Kỷ hiến một mẫu đất, bà Trương Thị Loan đóng góp 4.000đ Đông Dương (thời giá 0,20 đ/giạ lúa).

Sau khi việc tái thiết miếu hoàn tất, để tránh sự dòm ngó của chính quyền thực dân, nhân dân quyết định đổi tên miếu Hội Đồng thành Công Thần miếu.

Trong bài viết khảo cứu về Công Thần miếu, ông Nguyễn Xuân Hoanh- Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch- có điểm qua một cách khái quát nhưng khá đầy đủ lịch sử ngôi đình này. Tuy nhiên, có một điểm cần đặc biệt lưu ý là cho đến nay, xung quanh di tích này vẫn còn bao phủ một “lớp mù sương huyền ảo”.

Điều này, lớp hậu thế chúng ta có thể tạm chấp nhận với suy luận rằng do những biến cố lịch sử vào những giai đoạn đứng trước sự tàn phá của bom đạn chiến tranh và những ý đồ muốn triệt phá, hủy diệt một nơi tụ khí linh thiêng của sông núi, tinh hoa con người nước Việt, nơi tập hợp lòng dân thì những kẻ xâm lược, cai trị nước ta luôn coi là mối họa tiềm tàng.

Vì lẽ đó, để bảo vệ ngôi đình và những di sản xung quanh thì người dân đã phải dùng nhiều cách để qua mắt chính quyền lúc bấy giờ, mà việc đổi tên từ miếu Hội Đồng thành Công Thần miếu cũng có lý do đó.

Ngay cả những công đức, lịch sử những vị công thần, những đạo sắc phong cũng được nhân dân thôn Thanh Mỹ Đông tìm cách che giấu đi bằng nhiều cách.

Nhờ đó, mà ngày nay chúng ta còn thụ hưởng một di sản gần như trọn vẹn, trong đó quý giá nhất là 85 đạo sắc hoàn toàn không bị thất lạc, hư hỏng. Một công đức quá lớn, cần làm rõ và vinh danh những con người cụ thể và cộng đồng người dân làng nơi đây qua các giai đoạn thăng trầm của đình làng Nam Bộ.

Vấn đề lớn nhất hiện nay là Vĩnh Long chúng ta đang có trong tay một di sản cực kỳ quý hiếm một cách phi thường nhưng vấn đề phát huy, cách khai thác giá trị to lớn di sản này cho đến nay thật sự còn quá khiêm nhường.

Cần ứng xử tương thích

Bản thân tôi, mãi không thể nào quên đã có lần may mắn cách đây hơn 20 năm đã được đến ngôi đình này, khi đó xuống cấp trầm trọng, mái dột ẩm mục, đình chỉ có 1 ông từ lo hương khói thờ cúng, giữ gìn.

Lần đó, phần phước lớn tôi đã được chiêm ngưỡng bái vọng 85 đạo sắc đựng trong một ống đồng một cách nguyên vẹn. Cũng là may mắn vô cùng, nhờ lòng dân, nhờ công đức những người thầm lặng trải qua bao thế hệ mà 85 đạo sắc cùng những đồ tự khí vẫn còn đó vẹn nguyên.

Thiết nghĩ, vẫn còn rất nhiều người dân gần xa chưa được biết nhiều, cũng như hiểu hết giá trị văn hóa to lớn của Công Thần miếu; đó cũng là suy nghĩ của nhiều đại biểu tại cuộc hội thảo vừa qua.

Do đó, chúng ta cần có những phương cách làm thế nào để di tích này trở thành một điểm đến văn hóa tâm linh độc đáo trong hệ thống đình làng Nam Bộ.

Tại cuộc hội thảo vừa qua, nhiều đại biểu cho rằng, cần phải tuyên truyền sâu rộng hơn nữa trong giới trẻ, nhất là ngành giáo dục tăng cường đưa giáo viên và học sinh đến tìm hiểu, quảng bá giá trị lên các trang thông tin hiện đại.

Các nhà nghiên cứu cho rằng đây là địa điểm có giá trị lịch sử rất lớn, “có một không hai” ở ĐBSCL vì có đến 85 sắc phong thần được lưu giữ chỉ ở một nơi.

Theo lãnh đạo ngành du lịch, tỉnh Vĩnh Long đã và đang xây dựng Công Thần miếu thành địa điểm du lịch hấp dẫn du khách trong và ngoài nước bằng các chương trình ấn tượng như các trích đoạn hát bội, ca cổ cải lương,…

Đồng thời có những hình thức tuyên truyền, quảng bá phong phú, sinh động, gây ấn tượng sấu sắc về hình ảnh, về giá trị lịch sử, văn hóa Công Thần miếu cho nhân dân trong, ngoài tỉnh và du khách nước ngoài chiêm ngưỡng.

Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh- Lữ Quang Ngời đánh giá cao những đóng góp thiết thực, quý báu của các nhà nghiên cứu cũng như các cơ quan chức năng về giá trị lịch sử trường tồn của Công Thần miếu.

Ông đề nghị Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Long sớm hoàn thành đề án về nâng cao giá trị các di tích lịch sử văn hóa làm điểm du lịch, nhất là giá trị lịch sử của Công Thần miếu để quảng bá khách du lịch, nâng cao giá trị của các di tích lịch sử trên địa bàn tỉnh, góp phần giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ noi theo

Miếu Công Thần Vĩnh Long thờ hệ thống thần linh gồm 34 vị Nhiên Thần và Nhân Thần. Hệ thống thần linh bao gồm những vị thần do những người đi khai hoang, mở cõi đem từ cố hương miền Bắc, miền Trung và những vị thần xuất hiện từ huyền thoại của người Việt cổ; những vị thần ở duyên hải miền Bắc, miền Trung, có những vị Thần tiếp thu từ văn hóa Champa là những biểu tượng của núi sông, sơn hà xã tắc - gọi chung là Nhiên Thần. Những vị Thần lúc sinh tiền có công khai phá miền Trung, miền Nam hay gắn liền với quá trình chinh phục vùng Long Hồ dinh- gọi chung là Nhân Thần.

 


Bài, ảnh: NGỌC TRẢNG