Đề nghị UNESCO tôn vinh 'vạn thế sư biểu' Chu Văn An

Cập nhật, 16:09, Thứ Tư, 11/04/2018 (GMT+7)

Việt Nam đang xây dựng hồ sơ khoa học vận động UNESCO cùng tổ chức kỷ niệm 650 năm mất của danh nhân văn hoá Chu Văn An vào năm 2020.

Tượng thờ Tư nghiệp Quốc tử Giám Chu Văn An tại nhà Thái Học - Ảnh: Văn Miếu – Quốc Tử Giám
Tượng thờ Tư nghiệp Quốc tử Giám Chu Văn An tại nhà Thái Học - Ảnh: Văn Miếu – Quốc Tử Giám

Ông Lê Xuân Kiêu, giám đốc Trung tâm Hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám cho biết, đơn vị này đang tiến hành xây dựng hồ sơ khoa học danh nhân Chu Văn An.

Theo kinh nghiệm của việc trình hồ sơ khoa học Nguyễn Du thì quy trình hồ sơ khoa học Chu Văn An phải qua nhiều bước.

Bước đầu tiên là lấy ý kiến tham khảo và ủng hộ hồ sơ của các Bộ liên quan. Với hồ sơ danh nhân Chu Văn An cần lấy ý kiến của Bộ Văn hoá, thể thao và du lịch và Bộ Giáo dục - Đào tạo.

Tháng 9-2018, cơ quan nhà nước chủ trì lập hồ sơ sẽ nộp cho Uỷ ban quốc gia UNESCO Việt Nam hồ sơ khoa học của Chu Văn An và văn bản đề xuất việc UNESCO tham gia kỷ niệm ngày mất Chu Văn An.

Sau khi nhận được hồ sơ, Uỷ ban quốc gia UNESCO Việt Nam phối hợp với Phái đoàn thường trực của Việt Nam bên cạnh UNESCO vận động ít nhất 2 nước ủng hộ hồ sơ của Việt Nam.

Trước 15-1-2019, Ủy ban Quốc gia UNESCO làm Công hàm gửi UNESCO kèm hồ sơ khoa học Chu Văn An và đề xuất về việc kỷ niệm.

Sau đó hội đồng chấp hành UNESCO sẽ xem xét hồ sơ, trình Đại hội đồng UNESCO xem xét vào cuối năm 2019.

Nếu hồ sơ được Đại hội đồng UNESCO thông qua, UNESCO sẽ cùng Việt Nam sẽ tiến hành các hoạt động kỷ niệm 650 năm ngày mất của danh nhân Chu Văn An vào năm 2020.

Theo thông tin từ Trung tâm Hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Chu Văn An (1292-1370), tự Linh Triệt, hiệu Tiều Ẩn, tước Văn Trinh công, thụy Khang Tiết. Ông là người làng Quang Liệt, huyện Thanh Đàm, nay thuộc huyện Thanh Trì, Hà Nội.

Tương truyền, từ nhỏ Chu Văn An đã nổi tiếng là người học giỏi, ham đọc sách, tính tình cương trực, luôn sửa mình giữ tiết tháo, không cầu danh lợi.

Mặc dù học vấn tinh thông nhưng ông không ra làm quan, mà mở trường Huỳnh Cung ở quê nhà để dạy học.

Học trò theo học rất đông, có nhiều người sau đỗ đạt làm quan lớn trong triều như Phạm Sư Mạnh, Lê Quát... Học trò của ông đều luôn kính trọng ông, bởi ông là người thanh liêm cương trực, đạo cao đức trọng.

Dưới thời Trần Minh Tông (1314 - 1329), Chu Văn An được mời ra kinh đô Thăng Long giữ chức Tư nghiệp Quốc Tử Giám, trông nom việc rèn tập sĩ tử tại Quốc Tử Giám và tế lễ tại Văn Miếu, đồng thời dạy Hoàng Thái tử Trần Vượng (sau trở thành vua Trần Hiến Tông).

Thời Trần Dụ Tông (1341 - 1369), tình hình chính trị rối ren, quyền thần lộng hành, Chu Văn An đã dâng Thất trảm sớ xin chém bảy tên gian thần. Rất tiếc, vua không nghe theo, ông treo mũ từ quan về ở ẩn ở núi Phượng Hoàng, xã Kiệt Đặc, huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương.

Năm 1370, Chu Văn An qua đời, thọ 79 tuổi. Vua Trần Nghệ Tông vô cùng thương tiếc, ban tên thụy Khang Tiết và cho phối thờ ở Văn Miếu.

Đối với người Việt, danh nhân Chu Văn An được coi là Vạn thế sư biểu (người thầy của muôn đời). 

Theo TTO