Chuyện về một điệu lý

Cập nhật, 10:25, Thứ Hai, 12/03/2018 (GMT+7)

Thời gian gần đây, ca khúc “Trách ai vô tình” nổi lên như một “hiện tượng” trong làng nhạc Việt. Ít ai biết rằng, ca khúc được viết theo thể điệu của một điệu lý. Bất ngờ hơn, điệu lý ấy có “khai sinh” hẳn hoi.

Báo Cần Thơ gần đây có bài viết “Người “ru lại câu hò” Đồng Tháp”, viết về nhạc sĩ Cao Văn Lý - người có công sưu tầm và quảng bá điệu hò Đồng Tháp suốt nhiều năm qua. Trong cuộc “trà dư tửu hậu”, càng bất ngờ hơn khi biết, ông chính là tác giả của nhiều nhiều điệu lý Nam bộ nổi danh.

Nổi bật phải kể đến ca khúc “Trách ai vô tình” được cố nhạc sĩ Nhật Ngân viết lời mới với những câu như “Bạn tình ơi, dẫu gì cũng xa nhau rồi”…

Ca khúc viết theo điệu “Lý Mỹ Hưng” do chính nhạc sĩ Cao Văn Lý sáng tác. Từ “Trách ai vô tình”, hàng loạt ca khúc lời mới viết trên nền nhạc “Lý Mỹ Hưng” như “Nỗi lòng của con”, “Phận làm dâu”… cũng được nhiều người yêu thích.

Trong một buổi nói chuyện chuyên đề về dân ca Nam bộ, nhiều người đã rất ngạc nhiên khi Thạc sĩ - Nghệ sĩ Ưu tú Huỳnh Khải (Nhạc Viện TP Hồ Chí Minh) giới thiệu nhạc sĩ Cao Văn Lý chính là “cha đẻ”, đã “khai sinh” ra hơn 20 điệu lý trứ danh như “Lý Qua Cầu”, “Lý Mỹ Hưng”, “Lý Tư Phùng”, “Lý Bông Trang”, “Lý Chim Xanh”…

Trong đó, “Lý Qua Cầu” là điệu lý đầu tiên mà ông sáng tác. Đó là nỗi lòng của ông khi nhớ về thuở trai trẻ tập kết ra Bắc được một cô gái chăm sóc tận tình nhưng nay đã bặt tin.

Ông viết: “Dòng kinh in bóng em qua cầu. Dịu dàng trong dáng ai ngày xưa ấy nay về đâu. Dẫu rằng cây da năm xưa trốc gốc trôi rồi...”.

Ông đặt tựa là “Khi bóng em qua cầu” nhưng khi bài hát được lan tỏa, mọi người quen gọi là “Lý Qua Cầu”. Nhạc sĩ Cao Văn Lý kể, ông không có ý định viết lý, nhưng những ca khúc ngắn do ông viết dễ nghe, dễ hát cứ được mọi người chuyền tai nhau và họ gọi là lý.

Ví như “Chung một vầng trăng” - “Lý Trăng Soi”, “Đẹp sao khi mắt em cười” - “Lý Đêm Trăng”, “Em vẫn cùng anh” - “Lý Chim Xanh”…

Khác với những điệu lý dân gian, những điệu lý do nhạc sĩ Cao Văn Lý sáng tác có thang âm rõ ràng, khúc chiết, có tính cấu trúc và học thuật rõ nét.

Tuy vậy, lời ca lại mộc mạc, dân dã, như trút lòng tâm sự của người dân Nam bộ. Chính yếu tố này đã làm nên sức sống của những điệu lý.

Nói về chuyện bản quyền, ông xuề xòa rằng chẳng để tâm, cái mà ông được trả công bội hậu chính là đã cống hiến cho dân ca nước nhà những giai điệu đẹp.

Theo Cần Thơ Online