Trinh sát kể chuyện

Chuyện đêm cuối năm

Cập nhật, 10:25, Thứ Tư, 14/02/2018 (GMT+7)

Chiều cuối năm, TP Vĩnh Long lên đèn sớm, sắc phố cũng thay đổi. Những động cơ bắt đầu gào rú và dòng người dần đông hẳn, tấp nập xuôi ngược. Bên đây bờ sông An Bình, Thành vẫn ém mình dưới tàn bông giấy lưa thưa thấp nhỏ.

Tranh minh họa: Trần Thắng
Tranh minh họa: Trần Thắng

Gió từ sông Tiền thổi vào làm những tán lá trên đầu phe phẩy. Nhờ sự đồng hành bởi một màu đen dày đặc của đêm 30 tết nên không để lộ tấm lưng gầy của anh.

Qua kẽ vách, Thành tường tận tất cả bên trong: một cái giường tre nhỏ được ngăn bằng tấm vách mỏng, cách biệt bên ngoài là cái bếp đã nguội lạnh, bên trên vài cái xoong treo hờ hững, phía trước trong góc nhà chông chênh cái bàn xiêu vẹo, mấy cái ghế ngã nghiêng dưới đất.

Cửa không đóng, nhưng hình như không có cửa để đóng thì phải. Vợ Hùng nằm cho con bú, đôi mắt thâm quầng nhìn mông lung vào một khoảng không nào ấy.

Chốc chốc, đứa bé khóc ré lên, có lẽ nó cũng cảm nhận sự thiếu vắng hơi hớm quen thuộc của người cha. Thảo ôm con vào lòng vỗ về trong tiếng nấc: “Nín đi con, cha con bận việc chưa về”.

Hai đêm rồi, Thành đã chứng kiến hình ảnh ấy, nhưng trong anh vẫn còn nguyên vẹn niềm đau xót nao lòng. Tình cảm tự nhiên khi trước mắt là người mẹ ôm con thơ trong hoàn cảnh khó khăn bẩn chật.

Nhất là giữa không khí ấm áp của mùa xuân thì trong căn nhà lọt thỏm nơi bờ sông hoang vắng này lại thiếu đi hình ảnh của người chồng, người cha- một khoảng trống không gì bù đắp được. Cửa không đóng, nhưng mùa xuân chưa chịu len vào ngôi nhà nhỏ này.

Thành đưa mắt nhìn về ánh đèn sáng choang của nhà văn hóa xã, nơi có nhóm tài tử “cây nhà lá vườn” đang hát, diễn kịch để đón chào năm mới.

Thành thở dài day dứt, dòng ký ức trong anh ngày nào như kết thành những thước phim trôi chậm. Thành nhủ thầm.

Quả thật ai đó đã nói đúng “thời gian như bóng câu lướt nhanh qua cửa”. Nhớ tuổi nhỏ ngày hai bận đi học về, Thành quen thuộc từng con đường đất, từng con rạch, cây cầu khỉ của cái xã nghèo này.

Thế mà giờ xa lạ quá, chỉ mấy năm đây thôi, luồng sinh khí đô thị hóa đã thổi vào làm thay đổi diện mạo, cuộc sống nhộn nhịp hẳn lên.

Đường nhựa nối liền các xã, đường đan đi vào tận xóm ấp. Đêm đến, đâu đâu cũng ánh đèn điện tỏa sáng. Nhà chị Tư, anh Sáu đã có karaoke, không còn phải sang phà qua TP Vĩnh Long để luyện bài “Chim sáo ngày xưa” nữa...

Tuy nhiên, như một định luật bất biến của cuộc sống, cùng với những tín hiệu lạc quan của luồng gió mát ấy là biết bao vấn nạn của cuộc sống. Ngày nào người dân chân chất mộc mạc nơi đây còn xa lạ với các từ như “băng ổ nhóm, số đề, xì ke ma túy, mã tấu...” thì nay họ đã dần quen thuộc.

Tụi Hồng Sa, Bảy Lùn ngày nào còng lưng đi cắt lúa mướn, hái nhãn thuê vậy mà phất lên mua xe gắn máy, điện thoại đắt tiền, ăn mặc sang trọng nhờ trót lọt vài lần bán chất ma túy cho các con nghiện.

Nhưng rồi cái vòng lẩn quẩn của mua bán- nghiện ngập cũng khiến chúng trắng tay, chỉ còn lại bên mình một bản án dài dằng dặc.

Ông Tư Ni, Chín Bụng mệnh danh là “triệu phú” của xã nhưng kinh tế gia đình bỗng tuột dốc trông thấy vì không chịu nổi cảnh con mình đau đớn vật vã khi lên cơn nghiện.

Nhà nhà nối liền nhau, đường đi thông thoáng, không còn bơi xuồng qua con rạch hay đi trên cầu khỉ nữa, nhưng tết đến, hầu như mọi người “nhà ai nấy ở”, không còn gần gũi, qua lại đốt nén nhang chúc tết nhau như ngày xưa nữa, bọn trẻ không còn nôn nao chờ đợi được mặc quần áo mới, được ăn bánh, mứt, dưa hấu như thuở nhỏ của Thành và hình như chúng “thờ ơ” ngay cả khi mùa xuân đã về...

Hùng cũng bị cuốn vào vòng xoáy đầy cặn bã đó. Tiền vay được từ diện xóa đói giảm nghèo, Hùng mua xe honda chở khách. Cũng từ đấy, Hùng dần bước chân vào vòng phạm pháp.

Khách đi xe của Hùng phần lớn là các đệ tử của nàng tiên nâu. Lúc đầu, chúng thuê Hùng chở đi mua “hàng” để thỏa mãn cơn nghiện, quen rồi chúng đưa tiền cho Hùng tự mua.

Cũng chính cái “duyên cớ” này mà Hùng phát hiện và chóa mắt trước lợi nhuận của việc mua bán cái chết trắng.

Đêm 28 tết, sau khi một điểm mua bán ma túy bị triệt phá, qua lời khai, chúng đều thừa nhận vừa mua ma túy của Hùng. Quyết tấn công các loại tội phạm, đảm bảo cái tết an toàn cho mọi người, mọi nhà nên lệnh bắt khẩn cấp đối với Hùng được thực hiện.

Các biện pháp nghiệp vụ được triển khai ngay từ khi nhận được tin báo Hùng bỏ trốn, một mặt thông qua các mối quan hệ nhằm tác động Hùng đầu thú.

“Rẹt”, tiếng động làm đứt quãng dòng suy nghĩ miên man trong Thành. Một bóng đen lướt nhanh vào trong, nhẹ nhàng lách mình vào căn buồng.

Thảo thốt lên “anh”, cả hai ôm chầm lấy nhau cùng khóc, khóc nức nở, khóc như chưa bao giờ được khóc. Hùng sà xuống ôm con, ghì chặt vào lòng, vài giọt nước mắt rơi lên tóc nó, cứ như vừa cứu con ra khỏi bàn tay tử thần vậy. Đứa bé khẽ động đậy rồi ngủ ngon lành.

Thảo nói trong sụt sùi nước mắt “Mấy đêm rồi, con nhớ anh, nó không ngủ được”. Ngừng một lúc, Thảo nhìn thẳng vào Hùng “Hôm qua, mấy anh ở Đoàn thanh niên đến thăm có nói với em về chuyện anh phạm pháp và khuyên anh nên đầu thú...

Tại sao anh làm việc rồ dại đó? Anh nuôi mẹ con em bấy lâu nay bằng đồng tiền bẩn thỉu nhục nhã đó sao?”- giọng của Thảo như nghẹn lại.

Qua ánh đèn dầu leo lét, Hùng ngồi gục mặt im lặng. Trong bộ quần áo nhàu nát bám đầy bụi đường, râu tóc Hùng tua tủa, mắt trũng sâu nhưng ánh lên niềm hối lỗi như van lơn sự tha thứ của người vợ.

Giây phút nặng nề trôi qua, Thành cũng lặng người đi vì xúc động. Nhưng trong Thành lại ngổn ngang bao suy nghĩ, toan tính.

Việc bắt Hùng là phải thực hiện rồi, song bắt Hùng vào lúc này có phải là cách đúng nhất không- nhất là người mẹ vừa mới sinh con sẽ phản ứng như thế nào khi mà sự bùi ngùi trong lòng họ chưa dứt? Còn không khéo thì liệu Hùng có dùng đứa bé để đặt ra yêu sách không?

Còn ái ngại thì bấm điện thoại, theo kế hoạch, đồng đội sẽ đến hỗ trợ hoặc thay anh thực hiện. Nhưng sự vây bắt ồn ào như thế có đạt được kết quả như mong muốn?

Và bây giờ hơn lúc nào hết, những lời nói của Thảo như những mũi kim đâm vào lòng Hùng đau nhói, nó có giá trị hơn khi làm thức tỉnh lương tâm quay về nẻo thiện trong Hùng gấp bội lần.

Một ý nghĩ chợt lóe lên, Thành quyết định và quyết định đó như giúp Thành thoát ra khỏi mớ bùng nhùng hỗn độn. Thành đi nhanh ra trung tâm xã, bên kia bờ sông, nơi Quảng trường TP Vĩnh Long, pháo hoa bắt đầu khai diễn sáng loáng cả một vùng trời để đón chào Xuân Mậu Tuất.

***

Nghe tiếng kêu, Thảo từ trong đi ra, gương mặt hốc hác không giấu được vẻ bối rối.

- Chị Tám và anh Thành mới đến à?

- Ừ, chị và chú Thành đi công việc tiện thể ghé thăm gia đình.

Thảo mời khách vào nhà và dựng lại mấy cái ghế. Thành kê lại cái bàn, để gói quà lên.

- Em và cháu vẫn khỏe hả?

- Dạ, mẹ con em vẫn khỏe, cảm ơn chị!

Họ hỏi thăm nhau về gia đình, về cái tết và như bị ức chế, dồn nén trong lòng, Thảo gạt nước mắt.

- Anh chị biết không, tết đến rồi mà gia đình em buồn quá. Chồng em làm như vậy thì vợ chồng em đâu dám ngẩng mặt nhìn bà con làng xóm mình nữa. Hôm qua ảnh về, em giận lắm nhưng vợ chồng bỏ nhau sao được...

- Chị Thảo- Thành nói- tôi và chị Tám rất hiểu hoàn cảnh của anh chị. Nhưng con người khó ai tránh khỏi sai lầm, cái đáng trân trọng là sai phải biết sửa, biết ăn năn, hối cải thì pháp luật sẽ khoan hồng và ngược lại. Riêng tôi, Hùng là bạn thân từ nhỏ. Tôi biết tính Hùng và tin rằng Hùng sớm trở lại người tốt.

Chị Tám tiếp lời:

- Chú Thành nói đúng đó em à! Có ai mà không mắc lỗi lầm nhưng khi mắc phải thì không thể như con dơi, con chuột cứ lẩn trốn trong bóng tối mãi được- vừa nói chị vừa đi đến bên Thảo- Còn đây là một ít tiền gọi là quà tết cho gia đình, chị mong em nhận cho.

Thảo đẩy tay chị Tám:

- Như vậy thì làm phiền chị quá, chị cũng khó khăn kia mà.

- Đúng! Chị em mình ai cũng khó khăn cả nhưng lúc tối lửa tắt đèn thì phải có nhau. Hơn nữa, đây còn là tấm lòng của nhiều chị em xã ta nữa đó...

Hùng ngồi trong buồng nghe rõ mồn một từng câu nói. Nó như một hồi chuông cảnh tỉnh, đánh thức kẻ lầm đường lạc lối quay về với ánh sáng nhân thiện. Hùng nhìn con, thằng bé vẫn ngủ say sưa, nó đâu biết rằng cha nó giờ là một tên trốn tránh pháp luật với lương tâm đang bị giày vò.

Không, nó không có người cha hèn nhát như thế, nó phải có người cha đúng nghĩa, xứng đáng để nó còn hãnh diện như bao đứa trẻ khác. Với ý nghĩ ấy, Hùng cảm thấy nhẹ nhõm như trút bỏ đi gánh nặng đeo bám mấy hôm rồi. Hùng đứng phắt dậy bước ra chào khách...

Một làn gió mát thổi vào căn nhà nhỏ. Ngoài kia, cánh lục bình vẫn trôi nhẹ nhàng theo dòng nước, những tia nắng đan xen nhau rơi trên nền đất, chung quanh vạn vật cùng bừng tươi, muôn hoa đua sắc đón xuân về. 

QUỐC VIỆT