Kỷ niệm 50 năm Tổng tiến công Mậu Thân 1968

"Sóng sau", "Sóng trước"!

Cập nhật, 06:35, Thứ Bảy, 03/02/2018 (GMT+7)

Trong các câu chuyện thường ngày, chúng ta thường nghe câu “Sóng sau xô sóng trước”, ngẫm kỹ thì đó là điều tích cực đáng mừng của thịnh khí dân tộc, bởi đó là sự phát triển tự nhiên của lớp lớp “Hậu sinh khả úy” và thể hiện con đường đi tới của dân tộc đã mở ra đúng hướng, hợp với lòng dân!

Kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Mậu Thân 1968, ai cũng nhớ sau các chiến dịch làm nên chiến thắng đó liên tục có những làn sóng người trẻ nô nức đứng vào hàng ngũ của các lực lượng cách mạng.

Sự việc cũng lập lại tương tự như thế sau ngày 30/4/1975, ngày đánh dấu cuộc chiến đấu chống ngoại bang xâm lược của nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đã toàn thắng, kết thúc chiến tranh, mở đầu sự nghiệp thống nhất Tổ quốc.

Trước đó, sau Nam Kỳ khởi nghĩa, dù nhân dân ta bị giặc Pháp đàn áp trong biển máu hay sau Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công, chính quyền độc lập non trẻ của ta vừa ra đời đã gặp ngay khó khăn do thực dân Pháp núp bóng quân Đồng minh tái xâm lược nước ta suốt 9 năm sau đó.

Dù vậy, lực lượng cách mạng luôn được bổ sung lớn mạnh vượt bậc làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ lẫy lừng giải phóng một nửa đất nước và bắt đầu xây dựng các nền móng cho một nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam ngày nay…

Còn những mốc son lịch sử khác nữa tuy chưa được nhắc đến ở đây, nhưng tất cả dù thành công hay còn những mặt tồn tại đều thể hiện là đỉnh cao của các đợt sóng nối tiếp nhau của ý chí “Không gì quý hơn độc lập tự do!” thể hiện khát vọng không ngừng tiến lên của cả dân tộc ta…

Những ngày chiến đấu gian lao của cuộc trường chinh chống ngoại xâm đã qua và đi vào lịch sử, những người đã ngã xuống, những người đã đóng góp một phần thân thể và công sức trong các cuộc chiến đấu đó đã và đang được Tổ quốc ghi công, người người nhớ ơn bằng những việc làm cụ thể.

Không ai quên những điều đó, vì đó là đạo lý ngàn đời của dân tộc và là công bằng xã hội!

Bên cạnh đó, chúng ta lạc quan và tin tưởng về lớp người trẻ kế thừa hiện nay, đó là thế đi lên của cách mạng khi liên tục được bổ sung một lớp người trẻ có nhiệt huyết và trí tuệ- mà không ít người ngày nào mới là “chiến sĩ mùng hai” (sau Mậu Thân 1968) hay “chiến sĩ 30 tháng 4” (sau ngày giải phóng) theo cách gọi đùa của một số người tại thời điểm đó- đã đảm nhận tốt “cuộc chuyển giao thế hệ” kế tục sự nghiệp cách mạng của lớp người đi trước.

Nhiều người trong số đó khiêm tốn học hỏi cộng với tự thân nỗ lực rèn luyện chính trị và chuyên môn đã trở thành các trí thức trẻ tài năng, những cán bộ cốt cán trong các đảng bộ và các cấp chính quyền, các hội, đoàn thể được nhân dân tín nhiệm và kính trọng.

Ở một khía cạnh rất nhỏ, chúng ta hãy thử tiếp cận một vài trăn trở riêng tư của một cá nhân trong những lớp người trẻ sẽ là chủ nhân tương lai của đất nước khi suy nghĩ về một vài hiện tượng của xã hội hiện nay qua đoạn trích từ một bài báo có nhan đề “Bài văn của Anh Khôi” (tác giả Huy Đăng- Tấn Phước) đăng trên báo Tuổi Trẻ ngày 11/11/2017, để hiểu hơn về họ (Anh Khôi- một tài năng chơi cờ vua- mới 15 tuổi đang học lớp 10 của Trường Phổ thông Năng khiếu- ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh): “Theo quan niệm của tôi, đóng góp vào sự phát triển của đất nước không cần phải quá đặc biệt.

Đơn giản chỉ là có nghề nghiệp nuôi sống bản thân, không là gánh nặng cho xã hội, không gây ảnh hưởng xấu đến xã hội. Sự đóng góp nhỏ như thế nhưng rất quan trọng đối với xã hội.

Nếu một xã hội mà không có tai nạn giao thông, không có người thất nghiệp, không có tệ nạn xã hội thì xã hội đó có sức phát triển cực kỳ lớn, bởi lẽ ai cũng lao động và không có sự trở ngại hay gánh nặng nào kiềm hãm sự phát triển đó…

Tôi thực sự ghét những người luôn có tính hướng về nước ngoài, chê bai đất nước mình, nhưng gần như mọi hành động của họ chỉ làm cho đất nước tồi tàn hơn.

Có người đã từng đi các nước tiên tiến khen nước bạn có đường phố sạch sẽ, không kẹt xe, nhưng chính những người đó khi ở trong nước thì xả rác bừa bãi, chen lấn, chiếm đường gây ùn tắc giao thông…

Tôi sẽ không nói xấu đất nước hay khen nước bạn một cách mù quáng, nhưng tôi cũng sẽ không ngần ngại học hỏi những điều hay của họ và thừa nhận những điểm còn dở trong xã hội ta. Có như vậy thì tôi mới có thể đóng góp hết sức mình…”.

Anh Khôi là thiếu niên còn đang trong thời kỳ học tập nên suy nghĩ của em chưa phải là chỉn chu.

“Sóng sau” có những người như em sẽ cùng lớp lớp người trẻ trưởng thành trước em được đào tạo bài bản và có nhiều cơ hội nâng cao kiến thức trong quá trình lao động, nếu luôn rèn luyện nâng cao đạo đức cách mạng, biết gắn kết cá nhân và gia đình riêng của mình với cộng đồng thì nhất định họ sẽ cao hơn “sóng trước” thích ứng với thực tế hội nhập quốc tế ngày nay, xứng đáng kỳ vọng của nhân dân và lớp người đi trước!

HỒNG VÂN