Kể chuyện xuân mậu thân 1968

Cảm mến một tấm lòng

Cập nhật, 18:04, Thứ Bảy, 03/02/2018 (GMT+7)

Được BCĐ tổng kết cuộc tấn công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 của Phường 1 (TP Vĩnh Long) phân công, tổ công tác chúng tôi lên kế hoạch hòa nhập vào dân để tìm tòi “địa chỉ đỏ” lấy tư liệu.

Thời điểm ấy, trong tổ chúng tôi có người hãy còn rất nhỏ chưa hiểu hết về cuộc tổng tấn công này nên sẵn dịp tìm hiểu luôn.

Đã 50 năm trôi qua, mỗi khi nhắc lại Tết Mậu Thân, những ai còn sống tại nội ô đến nay đều nhớ như in sự kiện lịch sử trọng đại giữa một bên là “cách mạng” và một bên là “quốc gia”.

Người kể ở góc độ này, người kể khu vực kia, người kể đường phố khác.v...v... Nói chung, nhiều người thắc mắc hỏi nhau: “Không biết mấy “ổng” vào nhà cao tầng bằng cách nào và rút đi êm cũng không ai biết, hay thiệt?” “nghe nói còn 4 ông bộ đội không rút kịp, chết trên tầng thượng đó”, “Nhà ai vậy?”

Vâng, đúng giờ “G” mùng 1 Tết năm 1968, chiến sự đã bùng nổ trong thành phố. Tiếng súng nổ giòn ran, các anh bộ đội đã có mặt ở các nhà cao tầng, trọng điểm là khu vực chợ.

2 chiến xa chạy vòng trên đường phố không tiếp cận được mục tiêu vì dân tản cư tỵ nạn dựng lều, trại tràn lan trên đường phố (sau đó 2 chiếc này bị cách mạng tiêu diệt tại chỗ).

Từ Cầu Tàu, Giang đoàn 23 bắn pháo vào xối xả. Trên cao, mấy chiếc trực thăng từ Cần Thơ tăng viện bắn rốc két liên tục vào các điểm cao làm cháy nhiều nhà dân.

Lần theo thông tin vừa nắm bắt, tổ công tác chúng tôi tìm được địa chỉ và tiếp cận lấy thông tin. Ấy là một hiệu buôn tạp hóa tên Thiên Hưng có địa chỉ số 50 đường 1 Tháng 5, căn hộ cao tầng nằm ngay khu trọng điểm chiến sự khi xưa, trong khu vực chợ Vĩnh Long.

Ông bà Huỳnh Tài (chủ hộ) do tuổi cao đã từ trần, chúng tôi mai mắn gặp được con gái của ông, là cô Huỳnh Tố Ngọc (sinh năm 1960).

Sau vài tiếng đồng hồ trò chuyện, cô Ngọc cho biết thời điểm ấy cô hãy còn nhỏ, được cha mẹ đưa về quê trước tết: ...

“Đến mùng 6 tết, gia đình chúng tôi trở về thì trong nhà còn thi hài 4 chiến sĩ. Gia đình đưa các thi hài về đất Thánh Tây chôn cất và lập bàn thờ cho đến nay”.

Ngoài ra, cô còn cho biết đã nhiều lần gia đình đóng góp tiền bạc, thuốc chữa bệnh cho các ông Mười Quẹo, Lê Minh, Út Bình và gia đình đã từ chối việc trả công bởi chỉ đơn thuần là nghĩa vụ của lương tâm.

Một gia đình lo miệt mài kinh doanh, chưa hiểu hết cách mạng là gì nhưng thấy các anh bộ đội không hại họ, đồ đạc trong nhà không bị xới tung khi các anh trú đóng nhiều ngày.

Khi phát hiện trong nhà còn 4 thi hài chiến sĩ, nếu họ báo với nhà chức trách thì chưa chắc các anh được yên mồ, đặng mả, hương hồn được ấm cúng mà có thể là ở nhà xác lạnh lẽo hoặc ở một hố chôn tập thể nào đó.

Cảm khái thay tấm lòng của một hộ dân bình thường, thắm đượm nghĩa tình, biết phân biệt rõ cái thiện- cái ác. Một cách hành xử đủ thể hiện một tấm lòng cao cả, một nghĩa cử tượng trưng cho tinh thần người Việt Nam xưa- nay, đáng để cho thế hệ trẻ ta sau này học tập.

“...Sống trên đời này, ai cũng cần có một tấm lòng. Để làm gì?... Để gió cuốn đi...” và lan tỏa.

Hải Bùi Văn