Chuyện kháng chiến

Chờ người ra đi

Cập nhật, 05:52, Thứ Ba, 06/02/2018 (GMT+7)

Hoàng hôn nhạt nắng, từ chiếc máy thu thanh vọng lên bài hát “Lời người ra đi” với giọng ca truyền cảm, sâu lắng của ca sĩ Thu Hiền. Tôi chăm chú lắng nghe và ký ức ập về trong tôi.

Nhà tôi ở vùng địch tạm chiếm. Hơn 60 năm trước, lúc còn nhỏ, tôi thường lân la qua nhà chị Năm ngồi chơi, xem chị may vá. Chị rất thương mến chị em tôi, có quà bánh gì cũng đem cho chúng tôi ăn.

Thỉnh thoảng trong lúc ngồi may, chị khe khẽ hát: “Một chiều anh bước đi, em tiễn đưa ra tận cuối đồi, nghe dặn lời, rằng chiến đấu đừng sờn lòng, rằng sóng gió đừng sờn lòng, đừng nề gian khổ…”.

Một lần, hát đến đoạn: “Ngày nào nghe tiếng chim ca líu lo trên cành hoa đào, em nhủ thầm rằng bóng dáng người tình về, về đến bến đò đầu làng…” thì chị sụt sùi khóc.

Thấy lạ, tôi hỏi vì sao chị khóc? Chị lấy khăn chặm nước mắt, nói:- “Khi nào lớn lên thì em sẽ biết”. Theo thời gian, tôi được biết rõ thêm về chuyện tình của chị:

“Trong những năm cuối của cuộc kháng chiến chống Pháp, bộ đội của Tiểu đoàn 308 nhiều lần về đóng quân ở khu vực nhà chị.

Chị lúc đó là thợ may nên nhận may vá áo quần miễn phí cho bộ đội, với tấm lòng của người em gái hậu phương giúp chiến sĩ ta có tấm áo lành.

Bộ đội đến rồi lại đi, vài tháng sau quay trở lại. Thời gian đó, chị quen với anh bộ đội tên là Đức. Hai người đã có tình cảm với nhau trong thời gian cũng dài.

Năm 1954, trước khi đơn vị tập trung xuống Cà Mau để tập kết ra Bắc, anh xin phép về thăm chị. Trong lần gặp này, họ đã ước hẹn với nhau.

Anh hẹn 2 năm sau sẽ về thành hôn với chị, chị nguyện thề sẽ đợi anh về. Buổi tiễn đưa nhau trong nước mắt, chị đưa anh đến bến đò ngang.

Người chiến sĩ ra đi mặt còn ngoảnh lại, chị đứng nhìn theo cho đến khi không còn thấy bóng dáng anh mà nước mắt lưng tròng!

Thời gian đằng đẵng trôi qua, 2 năm chờ đợi đó là chuỗi ngày dài thương nhớ. Chị chứa chan hy vọng ngày Bắc- Nam thống nhất, anh về vui cùng thửa ruộng mảnh vườn với chị, trong căn nhà nhỏ ngập tiếng cười trẻ thơ. Nhưng…

Đế quốc Mỹ đã giật dây cho chính quyền tay sai Ngô Đình Diệm không thi hành Hiệp định Genève, không chịu hiệp thương tổng tuyển cử để thống nhất Bắc- Nam.

Trái lại, chúng cho tăng cường khủng bố, bắt bớ, chém giết những người theo Việt Minh kháng chiến chống Pháp còn ở lại miền Nam. Những người có quan hệ với Việt Minh trước đây liên tục bị đe dọa, khủng bố.

Từng toán “Công dân vụ”(*) đi đến từng xóm ấp tuyên truyền cho “chính nghĩa quốc gia, bài Cộng sản”, rằng sẽ không có tổng tuyển cử và quân lực Việt Nam Cộng hòa được đồng minh Mỹ hỗ trợ sẽ Bắc tiến, đánh tan quân Bắc Việt để thống nhất đất nước.

Cao điểm là khi Tổng thống Ngô Đình Diệm ban hành luật 10/59, đặt Cộng sản ra khỏi vòng pháp luật, lê máy chém đi khắp nơi để chặt đầu những người cộng sản, không khí chết chóc đau thương bao phủ khắp miền Nam!

Bọn làng lính lân la ve vãn chị. Chúng biết chị có ước hẹn với anh bộ đội Việt Minh, bảo chị đừng đợi chờ cho phí tuổi xuân, hãy ưng chúng thì sẽ được giàu sang.

Chị né tránh bằng cách từ chối rằng chị không muốn lấy chồng vì phải chăm sóc người chú ruột không vợ con đang bị bệnh lao ở chung nhà với chị, và chị cũng nói chị cũng “thường hung hắng ho, không biết có phải bị lây bệnh hay không”!

Bọn làng lính nhìn thấy người chú bệnh lao của chị ốm chỉ còn da bọc xương, sợ lây bệnh nên chúng nó không dám tới ve vãn nữa, chị cũng tạm được yên thân. Cũng có người thân khuyên chị nên lấy chồng và mối mai cho chị, nhưng chị đều từ chối.

Khi phong trào kháng chiến chống Mỹ ở miền Nam nở rộ, nhiều người tập kết ra Bắc hồi kết về chiến đấu ở chiến trường miền Nam thì chị càng hy vọng sẽ được gặp lại anh.

Chị cũng tham gia công tác hợp pháp, làm liên lạc với các cơ sở cách mạng nơi vùng địch tạm chiếm ở quê chị bằng hình thức đi giao nhận quần áo để che mắt địch; nhận tiền bạc của bà con đóng góp cho cách mạng đem giao cho tổ chức…

Chị nhờ các anh, các chú hỏi các cán bộ hồi kết xem có ai gặp anh Đức và ảnh đã về Nam hay chưa. Ngày lại ngày qua vẫn biệt vô âm tín, không biết anh Đức của chị giờ ở phương nào, còn sống hay đã chết!

Chị vẫn lặng lẽ đợi chờ! Thời gian khắc nghiệt đã cướp dần đi tuổi thanh xuân của chị, trên gương mặt chị đã xuất hiện những nếp nhăn!

Sẽ là thiếu sót nếu không nhắc đến người chị thứ hai của chị. Mẹ mất sớm, cha tục huyền về ở với mẹ kế, mấy chị em của chị đùm bọc nuôi nhau.

Nhiều người thương hỏi cưới chị Hai, nhưng chị từ chối, vẫn ở vậy nuôi nấng đàn em. Anh Tư lập gia đình ra ở riêng, chỉ còn 2 chị em hủ hỉ với nhau.

Chị Hai nói khi nào chị Năm có chồng thì chị Hai mới nghĩ đến chuyện lập gia đình, còn để chị Năm sống đơn độc một mình thì chị Hai không đành lòng! Ôi, tấm lòng của chị Hai bao la như người mẹ hiền!

Cuộc chiến ngày càng khốc liệt và ngày chiến thắng đã đến! Ngày 30/4/1975, chính quyền ngụy Sài Gòn đã đầu hàng quân cách mạng.

Cả nước mừng vui reo hò mừng chiến thắng, cờ xanh đỏ sao vàng của Chính phủ Cách mạng lâm thời miền Nam Việt Nam tung bay rợp trời.

Trời xanh hơn, cỏ cây hoa lá cũng đẹp hơn, trên gương mặt mỗi người cũng rạng rỡ hơn. Từ nay, chấm dứt cảnh máu lửa điêu tàn, dân tộc sẽ hòa hợp, hết cảnh chia cắt Bắc- Nam, non sông thống nhất liền một dải, nhà nhà vui sum họp.

Trong niềm vui chung của dân tộc, chị Năm đang nóng lòng chờ tin vui của riêng mình là anh Đức sẽ về với chị. Mỗi ngày đi qua, lòng chị thêm nóng lên như lửa đốt.

Mười ngày, nửa tháng rồi một tháng… anh Đức vẫn chưa về! Chị đang khoắc khoải mong chờ thì anh Hai Thừa là người cùng quê tập kết ra Bắc đến báo tin cho chị: “Anh Đức khi ra miền Bắc được đi học văn hóa, sau đó được học đào tạo sĩ quan, công tác ở một đơn vị quân chủ lực.

Anh ở miền Bắc đến năm 1964 mới cùng đơn vị vào Nam. 10 năm ở miền Bắc, nhiều anh bộ đội tập kết cưới vợ.

Anh Đức là sĩ quan trẻ tuổi, đẹp trai, nhiều cô muốn kết nghĩa vợ chồng với anh, nhưng anh từ chối tất cả, một lòng chung thủy với người thương ở phương Nam.

Khi trở về Nam, đơn vị anh đã đánh nhau với quân Mỹ nhiều lần và năm 1965 anh đã anh dũng hy sinh trong một trận đánh lớn ở miền Đông!”

Đất trời như sụp đổ, chị ngã khụy xuống. Chị khóc đến cạn nước mắt. 21 năm chờ đợi người đi, mỏi mòn thương nhớ, chứa chan hy vọng ngày anh trở về tay trong tay đắp xây hạnh phúc, nay lại nghe tin dữ là anh đã ngã xuống nơi chiến trường xa!

Nhưng sự đợi chờ của chị được đền đáp là anh vẫn một lòng chung thủy với chị, đó là niềm an ủi lớn nhất trong đời chị! Chị xin phép chị Hai lập bàn thờ anh và chị để tang anh. Chị và chị Hai ở vậy cho đến cuối đời!”

Tôi xúc động không cầm được nước mắt khi viết đến đoạn kết chuyện tình của chị. Chỉ một lời ước hẹn, anh chị dù cách xa dịu vợi đã vượt qua tất cả, một lòng đợi chờ nhau. Ôi, tấm lòng chung thủy của anh bộ đội và chị gái ở hậu phương thật cao quý và đẹp biết bao!

TRUNG NGÔN

(*) Đội quân làm công tác tuyên truyền chống Cách mạng thời Tổng thống Ngô Đình Diệm.