Tâm tình đầu năm về văn nghệ Vĩnh Long

Cập nhật, 05:29, Thứ Ba, 02/01/2018 (GMT+7)

Một số suy nghĩ và nhận định một cách khái lược về tình hình văn nghệ Vĩnh Long, chúng tôi muốn chia sẻ với người đã gắn bó như suốt cuộc đời mình cho nghiệp sáng tác và có nhiều năm làm công tác quản lý văn nghệ đó là họa sĩ Hứa Văn Chiến- Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật (VHNT) tỉnh Vĩnh Long.

Cuộc trò chuyện đầu năm cùng họa sĩ Hứa Văn Chiến, không theo một chủ đề nhất định, mà như một cuộc tâm tình về chuyện đời, chuyện nghề, chuyện riêng chung về đội ngũ sáng tác hiện nay và những trăn trở trong công tác quản lý đối với ngôi nhà chung của hội những năm qua.

Triển lãm tác phẩm của trại sáng tác trên Hòn Đốc, xã Tiên Hải (TX Hà Tiên- Kiên Giang). Ảnh: Hòa Bình (TP Vĩnh Long)
Triển lãm tác phẩm của trại sáng tác trên Hòn Đốc, xã Tiên Hải (TX Hà Tiên- Kiên Giang). Ảnh: Hòa Bình (TP Vĩnh Long)

“Điểm danh” đội ngũ nghệ sĩ

Điểm lại mấy thập kỷ qua về Hội VHNT tỉnh Vĩnh Long, cảm nhận như một biểu đồ hình sin với những bước thăng giáng buồn vui, ứng với từng giai đoạn là sự thăng hoa của những tài năng trên từng lĩnh vực sáng tác từ văn học, hội họa cho đến sân khấu, mỹ thuật rồi nhiếp ảnh…

Nếu như có một thời văn học Vĩnh Long “đình đám” với những tên tuổi đã để lại dấu ấn đậm nét như: nhà thơ Song Hảo, nhà văn Phạm Trung Khâu, nhà văn Hồ Tĩnh Tâm, nhà văn Trúc Phương…, tiếp nối là đội ngũ sáng tác khá sung sức và hùng hậu ở cả thơ và văn như: Trần Thôi, Ngọc Hiệp, An Phương, Thái Hồng, Bằng Lăng…

Giờ đây, nhìn lại không khỏi có chút tiếc nuối khi mấy năm gần đây đã xuất hiện một khoảng trống mênh mông vì sự hụt hẫng một đội ngũ kế thừa khi “tre đã già” mà “măng chưa kịp mọc”.

Tuy có sự xuất hiện khá đông đúc những tên tuổi mới nhưng còn khá nhạt nhòa, chưa đủ lực, đủ tầm để gánh vác nhiệm vụ nặng nề của những chiến sĩ cầm bút, vừa đáp ứng nhu cầu nghệ thuật của công chúng, vừa hoàn thành sứ mệnh mà Đảng và nhân dân giao phó trong công tác tuyên truyền, chính trị.

Bên cạnh đó là sự trầm lắng trong lĩnh vực hội họa dù vẫn còn đó những tên tuổi tài năng nhưng có vẻ như đang có sự chuyển hướng nào đó do sức ép “cơm áo gạo tiền” mà một số họa sĩ đã chuyển hướng sang thị trường, nên đã lâu rồi chúng ta chưa có những tác phẩm đủ sức gây chú ý trong khu vực và cả nước như trước đây.

Ngược lại là sự lớn mạnh đáng mừng của đội ngũ những người cầm máy, đã giúp cho bức tranh văn học nghệ thuật Vĩnh Long được điểm xuyết những gam màu đột phá, bừng sáng với những nghệ sĩ gây được tiếng vang trong nước đã tạo nên sự hưng phấn, kích thích phong trào sáng tác trong lĩnh vực nhiếp ảnh trở nên “vui nhộn” chưa từng thấy.

Tuy nhiên, chúng tôi ngưỡng mộ và đánh giá cao nhất những hạt nhân trong lĩnh vực sân khấu. Nếu nói về khó khăn chung trong lĩnh vực văn học nghệ thuật hiện nay trước xu hướng “số hóa”, “gameshow hóa”, “thị trường hóa”, thì sân khấu chuyên nghiệp cũng phải lao đao nói gì sân khấu tỉnh lẻ khó lòng có đất sống;

nhưng ở Vĩnh Long những nghệ sĩ tâm huyết cũng do từ truyền thống gia đình, vẫn lặng lẽ làm việc, lặng lẽ sáng tác cùng với việc lao tâm khổ tứ để giữ lửa cho sân khấu vừa đào tạo nên những lớp nghệ sĩ trẻ kế thừa. Nói về điều này, chúng ta không thể không nhắc đến nghệ sĩ, nghệ nhân ưu tú Vũ Linh Tâm- một con người đa tài và cũng lắm đa đoan.

Tâm tình đầu năm

Giữ vị trí quản lý, “cầm trịch” cả một liên hiệp các hội văn nghệ, thì xưa nay chưa bào giờ dễ, trong khi đó hiện nay công tác văn nghệ đang rất khó khăn chật vật trăm bề, từ sự lấn áp của xu thế hiện đại, thị trường, toàn cầu hóa.

Khó khăn vì mảnh đất nghệ thuật ngày càng được mở ra mênh mông, xu hướng thẩm âm, thẩm mỹ mới lạ, đa dạng, hiện đại, thì lại càng thu hẹp đối với một số lĩnh vực nghệ thuật truyền thống.

Mang những tâm tư đó, chúng tôi muốn chia sẻ và cũng muốn được lắng nghe những tâm tình của họa sĩ Hứa Văn Chiến, về chuyện đời, chuyện nghề cũng là muốn giới thiệu khái quát chân dung một nghệ sĩ luôn cần mẫn sáng tác trong mấy chục năm nay và cũng là người “đứng mũi chịu sào” của văn nghệ Vĩnh Long.

Hứa Văn Chiến ghi dấu ấn mạnh mẽ trong lòng những người yêu nghệ thuật với nhiều công trình điêu khắc về đề tài lịch sử cách mạng như: tượng đài chiến thắng ở Sân bay Vĩnh Long, tượng đài chiến thắng Quân khu 9, tượng đài Nghĩa trang liệt sĩ huyện Long Hồ, gần đây nhất là tượng đài Bắc Nước Xoáy.

Cảm hứng về chiến tranh một phần do vốn sống những năm sớm tham gia cách mạng từ năm 14 tuổi, còn chọn lĩnh vực tượng đài thì cũng do duyên may, phần suy nghĩ tượng đài chính là nơi mà tác phẩm mình được “sống đời” cùng công chúng, xã hội một cách hiện hữu, thiết thực nhất.

Đến nay, “gia tài” điêu khắc của ông là 7 công trình tượng đài. 30 năm trôi qua, nhưng ông vẫn nhớ như in, vẹn nguyên cảm xúc sáng tác nên tác phẩm đầu tiên là tượng đài chiến thắng ở Sân bay Vĩnh Long.

Đó là tác phẩm tượng đài đầu tiên cũng là khá thành công của họa sĩ Hứa Văn Chiến, những năm gần đây tác phẩm của ông nổi bật mảng ký họa chân dung.

Nhắc về hoạt động hội, ngay tức khắc là lời than thở về khó khăn cực kỳ về kinh phí vốn đã eo hẹp giờ còn bị cắt giảm, coi như mọi xoay trở gì của hội cũng phải cân đo, chắt bóp, điều này làm khó cho hoạt động các trại sáng tác hàng năm, cũng như công tác phát triển hội.

Tượng đài Chiến thắng Mậu Thân của họa sĩ Hứa Văn Chiến tại Sân bay Vĩnh Long (cũ). Ảnh: Trảng- Thúy
Tượng đài Chiến thắng Mậu Thân của họa sĩ Hứa Văn Chiến tại Sân bay Vĩnh Long (cũ). Ảnh: Trảng- Thúy

Tuy nhiên, có thể nói trong điều kiện như vậy mà những hoạt động khá rầm rộ, sôi nổi của hội hàng năm nên được xem là một nỗ lực vượt bậc đáng tuyên dương của đội ngũ sáng tác, đặc biệt ở công tác quản lý hội.

Sau một thời gian nhìn lại, ông Hứa Văn Chiến cho biết Hội VHNT đã đề ra định hướng sáng tác về biển đảo và nông thôn mới như một nhiệm vụ chính trị quan trọng thường xuyên và lâu dài, kết quả đã tạo nên nhiều tác phẩm có chất lượng và được ghi nhận khi đạt nhiều giải thưởng đáng khích lệ.

Những chuyến đi dài ngày của các trại sáng tác hàng năm, hội đã có nhiều sáng kiến làm cho hoạt động sáng tác hiệu quả, cuốn hút hơn.

Như chuyến đi quần đảo Hải Tặc vừa qua đoàn mang theo đến 3 máy in và máy ép, tối vừa hoàn thành tác phẩm thì sáng mang ra trưng bày ngay tại chỗ.

Phần thưởng lớn nhất của người nghệ sĩ là nụ cười và sự hào hứng của chiến sĩ và bà con vốn không có nhiều cơ hội tiếp cận với các loại hình nghệ thuật.

Có chuyện vui, trong cuộc triển lãm này sáng ra chưa kịp mang tặng bà con thì phát hiện phần lớn tác phẩm đã bị… lấy trộm mất rồi. Bị mất trộm mà anh em vui lắm vì tác phẩm của mình được bà con đón nhận, thích thú.

Nếu có một mong ước gì đầu năm, họa sĩ Hứa Văn Chiến bật ngay câu… cửa miệng: “Kinh phí!”. Mong sao có thêm kinh phí tương đối để có thể vực dậy phong trào sáng tác, công tác đào tạo phát triển hội viên trẻ; đặc biệt là những chuyến sáng tác đáp ứng hai nội dung lớn trong năm là tuyên truyền về biển đảo và xây dựng nông thôn mới.

Còn về lâu dài, đó là trăn trở về đội ngũ kế thừa còn khá mỏng ở một số chuyên ngành có thế mạnh truyền thống như văn học, mỹ thuật, sân khấu…

NGỌC TRẢNG- PHƯƠNG THÚY