Ngày tết và tuổi thơ của tôi

Cập nhật, 06:15, Thứ Hai, 01/01/2018 (GMT+7)

Bây giờ, mỗi khi gió chướng về và nghe thùng thùng tiếng trống múa lân, tôi không sao không nhớ về ngày tết tuổi thơ. 

Với tuổi thơ của tôi, tết là khoảng thời gian chờ đợi và vui vẻ nhất, bởi ngày ấy không chỉ được ăn những món mà ngày thường không thể nào có được như: dưa hấu, bánh phồng, mứt mà nhớ nhất là được mặc quần áo mới, để vui chơi với bạn bè, về thăm ông bà ngoại và được xem ông lân già miệng đầy râu, ông Địa bụng to như cái trống.

Tôi nhớ, nhà tôi anh em đông nên mỗi năm khi tết về, mẹ tôi phải mua vải trước hàng tháng trời để kịp may đủ quần áo mới cho con.

Việc may áo tết cho con, mẹ tôi thường làm vào ban đêm, còn ban ngày dành làm công việc khác của gia đình.

Vì vậy, mỗi tối anh em tôi quây quần bên mẹ để chờ mặc thử những chiếc áo, quần mà mẹ tôi vừa mới may.

Có những hôm mỏi mòn bên mẹ, tôi ngủ thiếp hồi nào không biết, mãi đến khi mẹ tôi gọi dậy đưa tôi vào giường ngủ.

Chuyện thức chờ áo mới là thế. Còn việc quết bánh phồng, nếu đêm nào quết bánh tôi cũng đều thức theo mẹ để chờ được ăn xôi.

Muốn làm bánh phồng thì trước tiên phải xôi nếp chín, sau đó mới cho vào cối, dùng chày quết mạnh lên xôi cho đến khi nhuyễn nhão ra thành bột thì đem ra bắn bột thành những cục nhỏ, rồi mới đem đi cán ra thành bánh.

Vậy là trước khi đưa xôi vào cối để quết, anh em tôi đều được mẹ vít cho mỗi người 1 chén để “trám miệng”. Điều thích nhất ở bánh phồng là sau khi được phơi khô, mẹ tôi dùng lửa rơm nướng bánh để cho anh em tôi mỗi người một cái.

Phần mình, khi nhận được cái bánh, tôi ít khi ăn liền mà cầm chạy sang nhà bên cạnh chia cho bạn cùng ăn và kèm theo cam kết “mai mốt nhà mầy có cũng phải cho tao ăn à”.

Vậy là sau đó lũ trẻ bọn tôi vừa ăn bánh vừa kéo nhau đi chơi từ nhà này sang nhà khác. Nhớ nhất là chiều 30 tết, trước khi được mặc đồ mới, mẹ tôi ra điều kiện phải tắm cho sạch sẽ.

Thế nên anh em tôi kéo nhau nhảy đùng xuống con sông nhỏ trước nhà làm theo lời dặn của mẹ. Nhưng lần tắm sông này, anh em tôi không lặn hụp, đùa giỡn ném bùn vào nhau như trước đó mà giúp nhau kỳ rửa dưới sự “giám sát” của mẹ.

Khi mặc quần áo mới vào thì anh em tôi ai cũng chú ý giữ gìn quần áo sạch sẽ trong ngày tết. Nhưng rồi sự nghiêm túc ấy cũng chẳng lâu khi nghe tiếng trống lân của đám trẻ ở xóm trên. Vậy là anh em tôi cùng với mấy đứa trẻ hàng xóm ùa nhau chạy về hướng tiếng trống.

Lát sau trở về, quần áo đứa nào đứa nấy cũng dính đầy bụi, đất; thậm chí có khi còn bị rách áo, tét quần.

Ngày vui tuổi thơ của tôi vào dịp tết là còn được theo mẹ về thăm ngoại. Ngày xưa, từ nhà tôi sang nhà ngoại không có đường bộ dù chỉ cách nhau chừng 3- 4 cây số thôi, nên phải đi bằng ghe.

Mỗi lần như thế, mẹ tôi vừa chèo ghe vừa luôn miệng nhắc nhở anh em tôi không được đùa giỡn kẻo té xuống sông.

Dù vẫn nghe theo lời mẹ, nhưng thỉnh thoảng tôi xòe bàn tay thọc xuống nước tạo nên những tia nước rẽ ra như sóng trông rất là vui mắt.

Mẹ tôi là con gái út của ngoại và anh em tôi rất được ngoại thương yêu. Mỗi lần anh em tôi về, có món gì ngon, ông bà đều đem hết ra cho anh em tôi ăn, trước khi lì xì quà tết.

Còn anh em tôi thì tranh nhau ôm lấy ông bà ngoại để được nhận những cái hôn âu yếm và được ông bà vuốt nhẹ lên tóc.

 Một nguồn vui nữa của tuổi thơ không thể không nhắc đến là việc đi xem múa lân. Nhà tôi nằm giáp ranh 2 ấp nên tết nào cũng có 2 đội lân đến viếng nhà. Hồi ấy, nghe tiếng trống lân thì lũ trẻ như tôi không sao ngồi nhà được.

Khi xem múa lân, tôi thích nhất là ông Địa với cái bụng to, tay cầm quạt nhảy qua nhảy lại, chạy xuống, chạy lên quanh đầu lân thấy rất là “oai”. Nên, mỗi lần bọn trẻ xóm tôi tổ chức múa lân thì tôi luôn giành được làm ông địa.

Còn nhát nhất là tốp con gái, thích xem múa lân nhưng khi lân há miệng đưa về hướng mấy tụi nó táp đi, táp lại thì cả bọn chạy túa ra, có đứa còn khóc nữa. Bọn con trai khoái chí cười hả hê.

Giờ đây nhớ về tuổi thơ, tôi như người trẻ lại bởi nó rất hồn nhiên và rất nhiều kỷ niệm. Thế mà cách đây mấy hôm, cháu nội tôi từ thành phố gọi điện về cho hay không biết có về sớm vào dịp tết thăm ông bà nội hay không, vì còn mấy buổi học thêm.

Nghe cháu nói thế và nhớ lại tuổi thơ hồn nhiên của mình, tôi thấy thương cháu làm sao. Bởi ngày nay trước áp lực công việc và sự tiến thân mà không ít bậc mẹ cha vô tình “cướp” đi thời gian hết sức quý báu cái tuổi thơ của con em mình.

TRỌNG DÂN