Môi trường giải trí Hàn Quốc khắc nghiệt nên khủng hoảng

Cập nhật, 15:04, Thứ Hai, 22/01/2018 (GMT+7)

Nền giải trí xứ sở kim chi đang gặp phải những khủng hoảng nghiêm trọng, xuất phát từ môi trường làm việc khắc nghiệt.

4 sự kiện dưới đây là minh chứng rõ ràng nhất.

1. Nhân viên phim Hoa Du Ký gặp chấn thương tại phim trường

Ngày 26/12/2017, trong khi quay Hoa Du Ký - bộ phim đang nổi đình đám trên kênh tvN, một nhân viên đã bị ngã từ độ cao 3m. 

Người này được cho là gặp tai nạn khi đang treo đèn chùm lên trần nhà theo yêu cầu của một nhà sản xuất trong đoàn phim. 

Gãy cột sống, gãy xương hông, có biểu hiện chứng xuất huyết não là những chấn thương sơ bộ được báo cáo. Sau đó anh may mắn đã tỉnh lại nhưng khả năng sẽ tàn tật suốt đời.

Chuyện nhân viên gặp chấn thương khi làm việc không phải là một câu chuyện mới, đặc biệt đối với những người làm việc trong mảng sản xuất phim truyền hình. Nhưng sau tai nạn này các nhà quản lý và công chúng đã có sự quan tâm đúng mực hơn.

Hiệp hội Truyền thông Quốc gia đã mở một cuộc điều tra và có thông báo: "Lee Chul Ho - người chịu trách nhiệm về bối cảnh trong phim - đã chỉ đạo nhân viên treo dàn đèn lên vào lúc sáng sớm, mặc dù anh này đã xin dời lại hôm sau do sức khỏe không đảm bảo, vì trước đó đã làm việc thâu đêm. 

Ngoài ra, việc lắp đặt đèn không có trong hợp đồng của nạn nhân. Người ra chỉ đạo còn uy hiếp và đe dọa sa thải nhân viên nếu không làm theo yêu cầu".

Đạo diễn Park Hong Kyun cũng bị điều tra về thái độ và cách giải quyết không hợp lý khiến công chúng Hàn Quốc tức giận.

Những bộ phim truyền hình tại Hàn Quốc thường không được sản xuất trước mà quay theo kiểu "cuốn chiếu". Tùy vào độ nổi tiếng mà các biên kịch sẽ thay đổi tình tiết trong phim cho phù hợp với nguyện vọng của khán giả. 

Vì thế các diễn viên cũng gần như không được ngủ trong nhiều ngày liên tục. Nhân viên đoàn phim cũng không phải là ngoại lệ khi họ phải làm việc không được nghỉ ngơi để đáp ứng tiến độ quay phim.

Hiệp hội hy vọng sau cuộc điều tra này có thể trở thành bước đệm để bảo đảm những sự cố như trên sẽ không còn xảy ra.

2. Tai nạn xe hơi chết người của nhóm Ladies’s Code

Ladie’s Code là nhóm nhạc nữ với 5 thành viên được ra mắt năm 2013. Tháng 9-2014, nhóm gặp một tai nạn xe hơi nghiêm trọng khiến 2 thành viên tử vong.

Nguyên nhân của tai nạn được kết luận là do quản lý đã chạy quá tốc độ. Trên đoạn đường cao tốc có quy định tốc độ tối đa là 100km/h, nhưng thời điểm xảy ra tai nạn trời đang mưa, nên tốc độ cho phép phải giảm 20% so với ngày thường. 

Quản lý Park đã vượt quá 55,7km/h, khi đi với tốc độ 135,7km/h.

Tai nạn có thể không may xảy ra, nhưng câu chuyện được người hâm mộ quan tâm hơn cả chính là việc thần tượng của mình làm việc kiệt sức, bị xếp lịch làm việc không có một giây phút nghỉ ngơi. 

Chính vì lịch quay kín mít mà quản lý Park đã liên tục tăng tốc để lịch trình của họ không bị xáo trộn. 

Thảm kịch của nhóm Ladie’s Code là một hồi chuông cảnh tỉnh để các công ty quản lý thay đổi cách chăm sóc nghệ sĩ của mình. 

Mặc dù có thể nhận định rằng, từ thời điểm đó đến nay không có quá nhiều sự thay đổi đáng kể.

3. Cuộc "đào tẩu" của Han Ye Seul khi đang quay "Spy Myung Wol"

Năm 2011, nữ diễn viên Han Ye Seul đã làm làng giải trí của Hàn Quốc kinh ngạc khi biến mất 48 tiếng đồng hồ trong thời gian quay phim Spy Myung Wol.

Bất mãn với lịch trình làm việc, cô bất ngờ thông báo với đạo diễn là sẽ không quay phim nữa, sau đó cô bỏ sang Mỹ với gia đình. 

Những tưởng chỉ là giây phút "đỏng đảnh" của nữ diễn viên chính, cả đoàn làm phim đã ngồi chờ 6 tiếng đồng hồ nhưng cô vẫn không xuất hiện.

3 ngày sau, cô xuất hiện ở sân bay Seoul và xin lỗi công chúng. Cô cũng đã lên tiếng tạ lỗi với các bạn diễn và cả êkip làm phim.

Han Ye Seul đã không chịu được áp lực công việc, khiến cô kiệt quệ cả thể chất lẫn tinh thần. Stylish của nữ diễn viên cũng lên tiếng tố KBS bóc lột: "Cô ấy làm việc như nô lệ".

Theo Quy định về luật Lao động tại Hàn Quốc, ngoài 8 tiếng làm việc chính thức, người lao động chỉ được làm thêm 12 tiếng 1 tuần. Đài truyền hình bắt diễn viên phải làm thêm đến 100 tiếng. Điều này được cho là rất vô lý.

Mặc dù bị chỉ trích và tẩy chay rất dữ dội vì đã ích kỷ dừng quay phim, nhưng nhiều đồng nghiệp trong ngành và nhiều tổ chức đã đứng ra bảo vệ Han Ye Seul, kêu gọi thay đổi điều kiện làm việc một cách tử tế.

Những người hoạt động trong ngành truyền thông, giải trí cũng đã bị tác động không ít sau sự kiện này. Nhiều quan chức cấp cao của ngành công nghiệp giải trí xứ kim chi đã lên tiếng bày tỏ sự ủng hộ đối với hành động của Han Ye Seul.

4. Kim Jonghyun (SHINee) tự tử

Một sự kiện gây chấn động vào cuối năm 2017 đó chính là việc nam ca sĩ nhóm nhạc SHINee tự tử bằng khí than trong phòng riêng.

Jonghyun tự tử khi đang trong giai đoạn chuẩn bị cho album solo và trở lại sau một thời gian bắng mặt. Anh vẫn tham gia tích cực vào các chương trình truyền hình, vẫn luôn nhận được sự quan tâm từ các fan của mình, là tâm điểm của nhiều sự ý.

Những lời cuối cùng từ bức di thư, người hâm mộ của Jonghyun đã đau đớn vì biết thần tượng  mắc chứng bệnh trầm cảm trong một thời gian mà không được quan tâm đúng mực. 

Ca sĩ, nhạc sĩ Kim Jonghyun - Ảnh: Allkpop
Ca sĩ, nhạc sĩ Kim Jonghyun - Ảnh: Allkpop

Với sự quá tải trong công việc, những đòi hỏi luôn ngày một tăng để đáp ứng cho thị trường âm nhạc đầy cạnh tranh, nam ca sĩ lại gặp vấn đề cá nhân. Cuối thư, Jonghyun mong muốn được những người yêu quý anh dành lời khen rằng "anh đã làm rất tốt, anh đã rất chăm chỉ rồi".

Câu chuyện của Jonghyun như một tiếng kêu than đau đớn và "sống động" hơn bao giờ hết. 

Trong lịch sử K-pop, nhiều nghệ sĩ đã tự chọn cái chết cho riêng mình, nhưng sự ra đi của Jonghyun một lần nữa nhấn mạnh sự căng thẳng và áp lực của ngành công nghiệp triệu đô này. Đã đến lúc showbiz Hàn cần một sự chuyển mình tích cực.

Theo TTO