Tiểu đoàn Cửu Long 1 anh hùng

Cập nhật, 15:49, Chủ Nhật, 19/11/2017 (GMT+7)

 

Đại tá Võ Chí Huyện (thứ 2 từ phải sang)- nguyên chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Tiền phương Cửu Long- cùng đồng đội thăm lại chiến trường xưa ở xã Thường Phước (huyện Hồng Ngự- Đồng Tháp).
Đại tá Võ Chí Huyện (thứ 2 từ phải sang)- nguyên chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Tiền phương Cửu Long- cùng đồng đội thăm lại chiến trường xưa ở xã Thường Phước (huyện Hồng Ngự- Đồng Tháp).

Sau đại thắng mùa Xuân năm 1975, đất nước ta bước sang một kỷ nguyên mới- kỷ nguyên độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc, đi lên chủ nghĩa xã hội.

Giai đoạn này, lực lượng vũ trang cùng với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Cửu Long ra sức khắc phục hậu quả nặng nề do chiến tranh để lại, khẩn trương củng cố, kiện toàn tổ chức biên chế của cả hệ thống chính trị.

Đây cũng là giai đoạn đời sống người dân gặp vô vàn khó khăn, các phần tử ngoan cố, phản động tiếp tục chống phá cách mạng; đặc biệt là bọn phản động Pol Pot xua quân gây hấn toàn tuyến biên giới Tây Nam.

Trước tình hình đó, Bộ Tư lệnh Quân khu 9 chỉ đạo thành lập Bộ Chỉ huy Tiền phương Cửu Long do đồng chí Võ Chí Huyện (Chín Huyện) làm chỉ huy trưởng, đồng thời rút lực lượng địa phương quân, du kích các huyện, khẩn trương thành lập Tiểu đoàn Cửu Long 1 (gọi tắt là Tiểu đoàn 1) vào ngày 23/11/1977 do đồng chí Nguyễn Việt Hùng (Ba Hùng) làm tiểu đoàn trưởng.

Nhiệm vụ của tiểu đoàn là chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam ở khu vực 3 xã Thường Phước, Thường Thới Tiền và Tân Công Chí (huyện Hồng Ngự- Đồng Tháp).

Chiến công đầu tiên ghi dấu tên tuổi của Tiểu đoàn 1 là trận đánh phối hợp cùng các đơn vị bạn đánh chiếm công sự, dập tắt các ổ hỏa lực đề kháng của địch ở ngã ba Năm Hang (huyện Hồng Ngự).

Mặc dù địch phản công quyết liệt nhưng với tinh thần chiến đấu anh dũng, ngoan cường, Đại đội 1 và Đại đội 3 của tiểu đoàn đã thọc sâu, truy kích địch sang bên kia biên giới, không cho địch có cơ hội củng cố lực lượng và nhận chi viện.

Chỉ trong vòng 7 ngày chiến đấu, ta đã tiêu diệt và làm bị thương hơn 50 tên, thu một số quân trang, quân dụng và đưa hơn 300 nhân dân về bám ruộng vườn sản xuất. Kết thúc chiến dịch, tiểu đoàn bàn giao Giồng Bàn Lớn, Giồng Bàn Nhỏ lại cho tiểu đoàn du kích địa phương chốt giữ.

Khoảng nửa tháng sau, vào ngày 9/7/1978, chỉ trong vòng 5 phút chiến đấu, Tiểu đoàn 1 và một đại đội địa phương quân huyện Lấp Vò đã giải phóng chốt Ông Rượu.

Vài ngày sau, địch ngoan cố phản kích, nhưng với tinh thần dũng cảm, đồng chí Nguyễn Quốc Dũng (Bảy Dũng, nguyên Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Vĩnh Long) trèo lên cây vú sữa bắn liên tục 2 quả B41 chỉ hướng cho đơn vị tiến công.

Ta sử dụng M79, pháo 105 ly tiếp tục truy kích địch, loại khỏi vòng chiến đấu 120 tên. Địch củng cố lực lượng thành 5 cụm, đóng quân dài 2km, ta tiếp tục sử dụng 3 đại đội bộ binh, 1 đại đội pháo tập kích vào chốt bắc Cầu Ván, tiêu diệt 1 đại đội và gây thiệt hại nặng 2 đại đội khác.

Như vậy, chỉ trong 3 tháng chiến đấu bảo vệ biên giới, lực lượng vũ trang Cửu Long đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, đánh 47 trận lớn nhỏ, có ngày phải đánh gãy 17 lần phản kích của địch, loại khỏi vòng chiến đấu 200 tên, đưa khoảng 1.000 dân về bám ruộng, vườn sản xuất.

Đầu năm 1979, chiến dịch phản công sang biên giới Campuchia mở màn, bằng sức mạnh hiệp đồng quân binh chủng trên toàn tuyến biên giới, Tiểu đoàn Cửu Long 2 và Tiểu đoàn Cửu Long 3 chịu trách nhiệm hướng thứ yếu, đánh chiếm các chốt địch sát biên giới tạo thuận lợi cho Tiểu đoàn 1.

Trong thời gian đứng chân tại huyện Thpong (Kampong Speu), đơn vị có nhiệm vụ phối hợp với Sư đoàn Bộ binh 7 (Quân đoàn 4) truy quét địch ở Bắc QL4. Đây là địa bàn có nhiều rừng núi hiểm trở, là chỗ dựa của địch cập dãy núi Uran chạy giáp biên giới Thái Lan.

Tiểu đoàn 1 đánh vào núi 601 và 422 tiêu diệt và làm tan rã trên 300 tên địch thuộc quân chủ lực của 2 Sư đoàn 250 và 210 quân diệt chủng Pol Pot, bắt sống tiểu đoàn trưởng và chủ tịch tỉnh, thu kho đạn dự trữ của địch ở xưởng tiện chân núi 602 Thphay.

Sư đoàn 207 của địch bị ta và bạn truy kích, tiêu diệt nên đã suy sụp, buộc phải rời khỏi địa bàn tỉnh Kampong Speu.

Được sự chỉ đạo của Bộ Chỉ huy Tiền phương, ngoài nhiệm vụ truy kích địch, Tiểu đoàn 1 còn giúp bạn xây dựng chính quyền, lực lượng vũ trang, cứu đói, xây nhà, tổ chức sản xuất, vận động quần chúng, tổ chức bầu chính quyền từ ấp đến huyện, kết hợp tăng cường kêu gọi và tuyên truyền chính sách khoan hồng để địch ra hàng.

Theo đồng chí Võ Chí Huyện, 10 năm làm nghĩa vụ quốc tế giúp bạn Campuchia, cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 1 đã nghiêm chỉnh chấp hành “9 điều quy định”, “10 điều kỷ luật”;

chấp nhận muôn vàn khó khăn, gian khổ, thương tật, hy sinh; luôn phát huy truyền thống cách mạng, trau dồi phẩm chất tốt đẹp của Quân đội nhân dân Việt Nam bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc, hoàn thành tốt nhiệm vụ quốc tế cao cả;

xóa bỏ chế độ độc tài tàn ác, giải phóng nhân dân Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng. Thắng lợi đó là một minh chứng cho tình hữu nghị, đoàn kết giữa quân đội 2 nước Việt Nam và Campuchia.

Tiểu đoàn 1 làm lễ ra mắt tại căn cứ Long Khánh (xã Long Toàn, huyện Duyên Hải- Trà Vinh) vào ngày 23/11/1977. Với những thành tích tiêu biểu trong quá trình xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, Tiểu đoàn Cửu Long 1 vinh dự được tuyên dương đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, 75 huân- huy chương chiến công các hạng cho tập thể và cá nhân, cùng nhiều phần thưởng cao quý khác.

Đầu năm 2010, Tiểu đoàn 1 sáp nhập vào đội hình Trung đoàn 890, về đứng chân trên địa bàn xã Tân Thành (Bình Tân). Cán bộ, chiến sĩ tiểu đoàn luôn có lập trường chính trị vững vàng, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, là lực lượng nòng cốt góp phần quan trọng bảo đảm phát triển kinh tế- xã hội, giữ vững an ninh chính trị trật tự an toàn xã hội ở địa phương.

 

 

  • Bài, ảnh: NGUYỄN THỊNH- TRƯỜNG CHINH