"Nhớ ơn bác Sáu Dân"

Cập nhật, 05:11, Thứ Tư, 22/11/2017 (GMT+7)

Đó là tâm trạng, tình cảm của đông đảo người dân trên cả nước dành cho Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt mỗi khi đến dâng hương, tưởng niệm tại Khu lưu niệm của đồng chí tọa lạc tại thị trấn Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long.

Cả cuộc đời vì nước vì dân

Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt tên thật là Phan Văn Hòa, bí danh là Sáu Dân, sinh ngày 23/11/1922 tại xã Trung Hiệp (Vũng Liêm- Vĩnh Long). Năm 1938, đồng chí Võ Văn Kiệt tham gia hoạt động trong phong trào Thanh niên phản đế.

Đến tháng 11/1939, đồng chí được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương, làm Bí thư chi bộ, Huyện ủy viên và tham gia cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ ở huyện Vũng Liêm.

Sau Khởi nghĩa Nam Kỳ, năm 1945, đồng chí Võ Văn Kiệt hoạt động cách mạng ở Rạch Giá, tham gia Tỉnh ủy lâm thời và tham gia khởi nghĩa cướp chính quyền nơi đây.

Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công, đến khi Pháp tái chiếm Nam Bộ, đồng chí được phân công làm Ủy viên Chính trị Dân quân cách mạng liên tỉnh Tây Nam Bộ. Năm 1950, đồng chí được điều về làm Phó Bí thư rồi Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu.

Trong kháng chiến chống Mỹ, đồng chí Võ Văn Kiệt được phân công đảm nhận nhiều vị trí quan trọng: Ủy viên Xứ ủy Nam Bộ, Phó Bí thư liên tỉnh Hậu Giang; Bí thư Khu ủy T4 (Sài Gòn- Gia Định); Ủy viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng; Ủy viên Trung ương Cục miền Nam; Bí thư Khu ủy Khu 9 (Khu Tây Nam Bộ); Ủy viên chính thức BCH Trung ương Đảng khóa III.

Từ 1973- 1975, đồng chí Võ Văn Kiệt là Ủy viên Thường vụ Trung ương Cục Miền Nam. Sau Chiến dịch Hồ Chí Minh giành thắng lợi, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, đồng chí Võ Văn Kiệt tiếp tục đảm nhận nhiều trọng trách quan trọng.

Tại kỳ họp thứ I Quốc hội khóa IX (1992- 1997), đồng chí Võ Văn Kiệt được bầu làm Thủ tướng Chính phủ, Phó Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng và An ninh.

Từ 12/1997- 4/2001, đồng chí Võ Văn Kiệt được cử làm Cố vấn BCH Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam. Đồng chí Võ Văn Kiệt là đại biểu Quốc hội các khóa: VI, VIII, IX.

Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, đồng chí Võ Văn Kiệt luôn đặt lợi ích quốc gia lên hàng đầu, không tiếc máu xương cùng với đồng chí, đồng đội kháng Pháp, Mỹ quyết giành độc lập tự do cho Tổ quốc.

Sau ngày đất nước toàn thắng, trên nhiều cương vị khác nhau, đặc biệt với vai trò là người đứng đầu Chính phủ, Thủ tướng Võ Văn Kiệt có những quyết sách đúng đắn, sáng tạo mang lại lợi ích cho quốc gia dân tộc, được bạn bè thế giới biết đến.

Trong đó, có thể kể đến những công trình mang đậm “dấu ấn Võ Văn Kiệt” như: Chương trình khai thác Đồng Tháp Mười và tứ giác Long Xuyên, dự án thoát lũ ĐBSCL, kéo đường dây tải điện 500kV Bắc- Nam, xây dựng nhà máy thủy điện Trị An, nhà máy lọc dầu Dung Quất, đường Bắc Thăng Long- Nội Bài, mở rộng cửa ngõ Thủ đô Hà Nội,…

"Nhớ ơn bác Sáu Dân"

Thân thế, cuộc đời và sự nghiệp của Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt (được mọi người gọi với tên thân thương là bác Sáu Dân) là tấm gương sáng ngời cho các thế hệ hôm nay và mai sau- nhất là thế hệ trẻ học tập, noi theo.

Năm 2010, Đảng bộ, chính quyền tỉnh Vĩnh Long đã quyết định xây dựng Khu lưu niệm Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt tại thị trấn Vũng Liêm (huyện Vũng Liêm) nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân đến tưởng niệm và ghi nhớ những công lao to lớn của Thủ tướng Võ Văn Kiệt- người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người chiến sĩ cộng sản kiên trung, người con ưu tú của Việt Nam và quê hương Vĩnh Long.

Khu lưu niệm được thiết kế theo lối kiến trúc thân thiện, rộng mở, hài hòa, nhưng không kém phần trang trọng trong tổng thể không gian văn hóa của huyện Vũng Liêm gồm:

tượng đài Lê Cẩn- Nguyễn Giao, bia Nam Kỳ khởi nghĩa cùng nhiều tư liệu, hiện vật, hình ảnh được trưng bày đã tái hiện một cách sống động quá trình hoạt động cách mạng của Thủ tướng Võ Văn Kiệt qua 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, cũng như trong công cuộc kiến quốc sau chiến tranh.

Khu lưu niệm được khánh thành, đưa vào sử dụng nhân dịp kỷ niệm 90 năm ngày sinh Thủ tướng Võ Văn Kiệt (năm 2012).

Qua 5 năm đi vào hoạt động, đến nay khu lưu niệm đón hàng trăm ngàn lượt du khách trong và ngoài nước đến tham quan, tìm hiểu, và nơi đây hiện đã trở thành “địa chỉ đỏ” để giáo dục truyền thống, lòng yêu nước cho mọi thế hệ người dân Việt Nam.

Nhân dịp về thăm và làm việc tại tỉnh Vĩnh Long vào tháng 4/2016, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh đã đến viếng và thắp hương tại Khu lưu niệm Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Tại đây, Phó Chủ tịch nước đã xúc động bày tỏ:

“Hôm nay con về đây thành kính dâng hương với tấm lòng kính trọng và tiếc thương vô hạn, với những gì chú Sáu- chú Võ Văn Kiệt, người con ưu tú của quê hương Vĩnh Long, người lãnh đạo kiệt xuất của Đảng- Nhà nước đã cống hiến trọn đời mình cho quê hương đất nước, cho Vĩnh Long.

Con nguyện noi gương học tập Bác Hồ và các chú, các anh đi trước sẽ luôn cố gắng, nỗ lực và cống hiến trọn đời cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”.

Thiếu tướng, PGS.TS Nguyễn Văn Hưng- Hiệu trưởng Trường ĐH Trần Đại Nghĩa thuộc Bộ Quốc phòng- rất tự hào khi cùng các cán bộ, giáo viên nhà trường đến dâng hương tại Khu lưu niệm Thủ tướng Võ Văn Kiệt.

Đồng thời, nguyện tiếp tục đi theo con đường mà Đảng, Bác Hồ đã chọn và “quyết tâm thực hiện niềm mong ước của Bác lúc sinh thời là: Nước được độc lập, dân được tự do, có cuộc sống ấm no, hạnh phúc, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh”.

Đối với GS. Sử học Phan Huy Lê, sự ra đi không trở lại của “anh Sáu Dân” (theo cách xưng hô của ông với Thủ tướng Võ Văn Kiệt) đã để lại trong lịch sử và trong lòng dân tộc hình ảnh một người cộng sản kiệt xuất, một nhà lãnh đạo trung kiên suốt đời một lòng vì nước, vì dân, vì công cuộc đổi mới của đất nước, của dân tộc.

Cuộc đời, sự nghiệp hoạt động cách mạng và các công trình mang đậm “dấu ấn Võ Văn Kiệt”, có thể khẳng định đó chính là những “giá trị di sản” quý báu và vô giá mà Thủ tướng Võ Văn Kiệt để lại cho hậu thế.

Chúng ta cần chú trọng, giữ gìn và phát huy tốt những giá trị ấy, để tiếp tục đưa nước nhà ngày càng giàu mạnh.

MINH TRIẾT