"Có gì góp nấy" cho Chiến dịch Mậu Thân 1968

Cập nhật, 05:10, Thứ Bảy, 04/11/2017 (GMT+7)

Huyện Bình Tân ngày nay (trước thuộc huyện Bình Minh) có 11 xã. Đây là địa bàn từng có khu căn cứ cách mạng, vùng giải phóng, vùng ven, vùng kiềm. 

Người dân vốn có truyền thống cách mạng, một lòng theo Đảng nên trong chiến tranh đặc biệt giai đoạn 1967-1968, đã đóng góp to lớn cho Chiến dịch Mậu Thân 1968.

Vùng đất Mỹ Thuận xảy ra vụ thảm sát trước Chiến dịch Mậu Thân, ngày nay là vùng đất phát triển nhiều loại rau màu chuyên canh của huyện.Ảnh: NGỌC TRẢNG
Những ruộng khoai và hoa màu phủ xanh vùng đất từng chịu nhiều đau thương trong chiến tranh. Ảnh: THANH BÌNH

Với tinh thần “có gì góp nấy”, nhân dân Bình Tân đã góp cả sức người, sức của, góp phần trên cả 3 mũi giáp công: chính trị, quân sự và binh vận.

Nổi dậy ở địa bàn Bình Tân

Trong 4 mũi giáp công của huyện Bình Minh, trên địa bàn huyện Bình Tân hiện nay có 2 mũi. Mũi thứ nhất: từ Mỹ Thuận B kéo ra đánh cầu đúc có đồng chí Lới xã đội Mỹ Thuận B cùng du kích xã, ấp; các đồng chí Tư Siêng, Út Vân cùng đoàn biểu tình và các ông Năm Xê, Hai Đen làm binh vận.

Mũi thứ hai: từ Tầm Giuộc ra Rạch Vồn thì quân sự do Bảy Xem xã đội Mỹ Thuận A cùng địa phương quân huyện đảm nhiệm; Chín Chúc, Sáu Đào lo biểu tình; Bảy Hột, Hai Xuân, Bé Sùng làm binh vận.

Bà Lê Hồng Đào, sau 50 năm vẫn còn ám ảnh vụ thảm sát ở Mỹ Thuận ngày xưa.
Bà Lê Hồng Đào, sau 50 năm vẫn còn ám ảnh vụ thảm sát ở Mỹ Thuận ngày xưa.

Trước giờ bước vào chiến dịch đã xảy ra một vụ thảm sát lớn. Theo lời kể của bà Lê Hồng Đào lúc bấy giờ là Hội phó Hội Phụ nữ huyện Bình Minh thì cuộc thảm sát trên sông Mỹ Thuận trước Chiến dịch Mậu Thân 1968 vẫn còn ám ảnh dù gần 50 năm đã trôi qua.

Để tạo điều kiện cho đồng bào vui xuân mới, Mặt trận Giải phóng miền Nam Việt Nam tuyên bố tạm ngừng bắn trong 3 ngày từ 29 tết.

Đồng bào các xã Mỹ Thuận A, Mỹ Thuận B, Hòa Tân trước đây tản cư ra vùng kiềm, giờ ngừng bắn nên lũ lượt kéo về vườn quơ củi, tát mương bắt cá và làm cỏ mồ mả ông bà.

Bất ngờ, khoảng 10 giờ ngày 29 tết, địch dùng 2 chiếc trực thăng vũ trang bắn xối xả vào dân thường, làm nhiều người chết và bị thương.

Bà con vội vã xuống xuồng chèo đi lánh nạn. Không ngờ khoảng 1 giờ sau, chúng quay trở lại bắn dọc dòng sông Mỹ Thuận từ rạch Niền lên sông Chẹt cho đến gần cống Ông Tiếp.

Hơn 60 dân thường của xã Mỹ Thuận A bị địch thảm sát. Xuồng chìm, nón lá trôi lều bều trên sông… Có xuồng chở cả gia đình đều chết sạch.

Tin đồng bào bị thảm sát đến tai các đơn vị chuẩn bị tấn công, đã gây nên sự phẫn uất trong lòng cán bộ, chiến sĩ.

Cùng với các mũi tấn công quân sự, hàng ngàn đồng bào từ khắp mọi nơi rầm rộ giương biểu ngữ biểu tình làm thành khí thế sục sôi toàn dân nổi dậy.

Sáng mùng 1 tết, lực lượng quần chúng từ Mỹ Thuận kéo ra. Khí thế quần chúng rất cao. Băng cờ, khẩu hiệu trống mõ nổi lên.

Nhân dân vừa đi vừa hô khẩu hiệu “Đả đảo đế quốc Mỹ xâm lược”, đòi ngụy quyền phải giao chính quyền cho nhân dân.

Đây thật sự là cuộc nổi dậy cướp chính quyền. Ở các xã Thành Lợi, Tân Quới, Tân Lược, lực lượng quần chúng nhân dân hình thành các đoàn biểu tình đòi địch giao chính quyền, du kích bao đồn kêu gọi địch đầu hàng.

Tuy nhiên, thực lực ta chưa đủ mạnh uy hiếp, nên địch dùng vũ lực giải tán đoàn biểu tình. Hàng trăm người bị bắt, sau đó chúng lọc lại còn bắt giữ khoảng 18 người.

Những đóng góp của nhân dân

Vùng đất Mỹ Thuận xảy ra vụ thảm sát trước Chiến dịch Mậu Thân, ngày nay là vùng đất phát triển nhiều loại rau màu chuyên canh của huyện.Ảnh: NGỌC TRẢNG
Vùng đất Mỹ Thuận xảy ra vụ thảm sát trước Chiến dịch Mậu Thân, ngày nay là vùng đất phát triển nhiều loại rau màu chuyên canh của huyện.Ảnh: NGỌC TRẢNG

Thực hiện chỉ thị của tỉnh phát động mọi tầng lớp nhân dân hưởng ứng đóng góp sức người, sức của cho cách mạng với tinh thần “tất cả để đánh giặc, tất cả để thắng giặc”, phong trào tòng quân ở tỉnh tăng lên gấp đôi ba lần so với trước.

Hàng ngàn người tình nguyện tham gia dân công hỏa tuyến, nuôi chứa cách mạng, tham gia hậu cần và đóng góp vật lực.

Nhân dân sôi nổi hưởng ứng cuộc vận động đóng góp lúa, gạo, trâu, bò, thuốc men, ghe xuồng,... Có người đóng góp bằng cả đôi bông tai đang đeo, có người chia hai, chia ba gia tài của mình để góp vào cuộc vận động.

Đồng bào nô nức, kẻ đội, người gánh, người cộ trâu, cộ bò hay bơi ghe xuồng từ nhiều hướng vận chuyển lương thực, vật dụng cần thiết đến địa điểm tập trung.

Họ đóng góp với tâm trạng hồ hởi, náo nức và một niềm tin mãnh liệt vào cách mạng. Gia đình không có điều kiện thì góp vài ba giạ lúa, người khá thì vài chục giạ, những gia đình giàu có thì hàng trăm giạ lúa.

Như ở xã Tân Quới có bà Trương Thị Thanh Mai đóng góp 750 giạ lúa (trị giá 75 triệu đồng ngày nay); bà Phạm Thị Hoài đóng 600 giạ lúa (trị giá 60 triệu đồng).

Ở xã Thành Lợi có ông Bùi Văn Huyện góp 280 giạ gạo, bà Đồng Thị Kim Hoa góp 100 giạ gạo,... Mọi người đều có lúa gạo để góp.

Ở xã Mỹ Thuận, các đơn vị đóng góp nhiều là ấp Mỹ Tú và ấp Kinh Mới, với các cá nhân tiêu biểu như bà Nguyễn Thị Hương, ông Nguyễn Văn Sò, ông Nguyễn Văn Chói, ông Trần Văn Điền. Xã Nguyễn Văn Thảnh đóng góp nhiều là các ấp Hòa Bình, Hòa Hiệp.

Một số gia đình tiêu biểu đóng góp nhiều như: ông Trần Văn Biết, ông Nguyễn Văn Tân, ông Lê Văn Cu, ông Nguyễn Văn Khiêm, ông Đào Kim Trọng, bà Nguyễn Thị Hai,...

Kinh nghiệm rút ra từ Chiến dịch Mậu Thân 1968, theo ông Lê Minh Đức- Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy Bình Tân- là:

Khi đặt mục tiêu Chiến dịch Mậu Thân, chúng ta đã đặt nhân dân và Tổ quốc lên trên hết, đó là nhằm tiêu diệt và đánh đổ ngụy quân, ngụy quyền phản động tay sai, giải phóng đất đai và con người khỏi áp bức, kìm kẹp, đem lại cuộc sống hòa bình, tự do, dân sinh, dân chủ. Mục tiêu phù hợp với nguyện vọng tha thiết của nhân dân nên được mọi tầng lớp ủng hộ.

Ngoài ra là phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc là vấn đề có ý nghĩa chiến lược quan trọng, tạo nên sức mạnh vô địch trong chiến tranh cũng như trong hòa bình xây dựng và phát triển đất nước.

Với riêng nhân dân Bình Tân, vốn có truyền thống yêu nước và cách mạng. Tuy bị địch kiềm kẹp, khủng bố và lung lạc dài ngày, nhưng các cán bộ và cơ sở Đảng đã kiên trì bám trụ sâu vào lòng dân tuyên truyền, giáo dục lôi kéo đại đa số nhân dân một lòng tin tưởng vào Đảng, hướng về cách mạng chờ cơ hội vùng lên.

Bài học về bám trụ, bắt rễ sâu vào lòng dân của cơ sở Đảng, trực tiếp là của cán bộ chiến sĩ ta, luôn có giá trị cho đến ngày nay.

Trong Chiến dịch Mậu Thân 1968, Bình Tân đã đóng góp sức người với 472 người; trong đó, hậu cần tại chỗ 103 người, dân công hỏa tuyến 56 người và nuôi chứa 134 người. Đóng góp về sức của được tổng số trên 2,6 tỷ đồng; trong đó, 8.199,5 giạ lúa gạo; 31 chỉ vàng; trên 70 triệu đồng tiền mặt; 31 con trâu, bò, heo. Ngoài ra, nhân dân còn đóng góp: xuồng ghe, máy móc, thuốc Penicilin, ván ngựa và các vật dụng khác.

NGỌC TRẢNG

TIN LIÊN QUAN