Truyện ngắn

Nỗi oan Thị Kính

Cập nhật, 11:35, Chủ Nhật, 08/10/2017 (GMT+7)

Theo truyền thống Phật giáo, tháng bảy hàng năm là mùa Vu lan báo hiếu, còn theo tín ngưỡng dân gian thì là tháng cô hồn, xá tội vong nhân.

Vào tháng này, những người theo đạo Phật và thờ cúng ông bà có nhiều hoạt động báo hiếu cha mẹ và xá tội vong nhân.

Trong đó nổi bật nhất là bố thí cho người nghèo, người lang thang cơ nhỡ, bệnh tật neo đơn. Người có điều kiện thì tổ chức tại nhà, người không có điều kiện thì nhờ các tổ chức, hội đoàn xã hội và các chùa Phật, các nơi thờ ông Bổn, Quan Thánh theo tín ngưỡng dân gian làm giúp.

Quà tặng gồm gạo, mì gói, nước tương, đường, sữa hộp, bột ngọt…

Dù ở nông thôn nhưng chùa Phước Điền nổi tiếng về công tác từ thiện xã hội. Thời gian qua, nhà chùa đã cất được vài chục “mái ấm tình thương”, cấp hàng trăm sổ gạo, tổ chức “Hội tương tế” chuyên lo hậu sự cho dân nghèo neo đơn và giúp đỡ hàng ngàn người được mổ mắt đục thủy tinh thể miễn phí.

Sáng ngày mười bốn tháng bảy, thầy Thích Phước Lạc- trụ trì chùa Phước Điền- cùng vài tăng ni và phật tử trong ban tổ chức sắp xếp lại những món quà biếu cho gọn gàng ngăn nắp.

Anh Bảy Hoanh đang xem sổ sách kế toán và danh sách những hộ nghèo mà ban Lao động- Thương binh và Xã hội xã vừa mới gởi đến. Danh sách đợt này có ba mươi bốn người, nhiều hơn danh sách đợt trước sáu người.

Theo kế hoạch thì mỗi hộ nghèo nhận được mười ký gạo, một thùng mì gói, một ký đường, một bịch bột ngọt, một chai nước tương và một hộp sữa.

Lần này lại có thêm năm trăm ngàn tiền mặt. Số tiền đó do vợ chồng ông Tùng gởi tặng.

Ông bà Tùng là người địa phương, đi làm ăn ở thành phố trở thành chủ một doanh nghiệp tư nhân. Năm nào ông bà cũng về quê nhờ chùa Phước Điền làm công tác từ thiện xã hội vào các ngày rằm lớn và Tết Nguyên đán.

Năm nay, ông bà gởi mười lăm triệu đồng với ý nguyện tặng cho ba mươi hộ bằng tiền mặt, mỗi hộ năm trăm ngàn đồng. Nay số hộ nghèo tăng sáu người khiến Bảy Hoanh khó xử.

Bảy Hoanh điểm từng tên, đánh dấu tréo vào tên sáu người mới rồi cầm danh sách đến đưa cho thầy Phước Lạc, nói:

- Thưa thầy! Danh sách mới có ba mươi bốn người, nhiều hơn danh sách cũ sáu người. Những người dư ra tôi đánh dấu chéo.

Thầy Phước Lạc lấy tờ danh sách coi kỹ từ trên xuống rồi đưa lại cho Bảy Hoanh, nói:

- Chắc sáu người này mới được xã công nhận hộ nghèo. Không sao! Anh cứ phát cho họ đầy đủ.

Bảy Hoanh gãi đầu, nói:

- Nhưng mà… Mình chỉ chuẩn bị có hai mươi tám phần quà? Tôi đề nghị mình bớt số tiền của ông bà Tùng lại, thưa thầy?

Thầy Phước Lạc dứt khoát:

- Không được! Đó là tâm nguyện của họ mình phải tôn trọng. Anh cứ xuất quỹ mua thêm!

- Còn số tiền của ông bà Tùng thiếu bốn người thầy tính sao?

Thầy Phước Lạc trả lời Bảy Hoanh không chút do dự:

- Thì vẫn xuất quỹ của chùa chớ tính sao nữa? Giao tiếp không nên cầu lợi cho mình, nếu cầu lợi cho mình thì dễ mất đạo nghĩa.

- Tôi sợ…

Thầy Phước Lạc mỉm cười tự tin:

- Sợ gì? Mình làm ăn đâu ra đó minh bạch rõ ràng mà. Lần nào cũng giải trình trước Ban Trị sự và phật tử chớ có khuất lấp đâu mà sợ? Anh cứ yên tâm làm theo lời thầy, có ai nói gì thầy chịu trách nhiệm hết cho.

Tin tưởng thầy Phước Lạc, Bảy Hoanh trích quỹ của chùa mua thêm quà và hai triệu đồng bỏ vào bốn bao thư cho đủ số ba mươi bốn phần.

Thông thường, những hộ nghèo chỉ lãnh quà từ thiện bằng hiện vật chứ ít khi bằng tiền. Việc chùa Phước Điền phát tiền tới năm trăm ngàn đồng một người là chuyện hiếm nên nó nhanh chóng lan truyền rộng rãi.

Vài người giàu và một số nơi thờ tự tín ngưỡng dân gian lại tự phát phiếu lãnh quà cho người nghèo, không phân biệt nơi cư trú cho nên sáng ngày rằm, có khá nhiều người nghèo ở các vùng lân cận tưởng nhà chùa cũng làm như vậy nên đến chờ đợi lãnh phiếu, lãnh quà.

Tuy nhiên, nhà chùa chỉ phát theo danh sách có sẵn thành ra họ không có phần. Nhìn họ lủi thủi ra về với vẻ thất vọng trên mặt, thầy Phước Lạc bất giác chạnh lòng: “Quà biếu có hạn, số người lại đông, đành chịu vậy chứ biết sao bây giờ? Mong bà con thông cảm”.

Thầy bèn lên máy phóng thanh mời họ ở lại dùng bữa cơm chay và tặng họ ít bánh trái làm quà cho con cháu.

Vài hôm sau, thầy Phước Lạc tổ chức cuộc họp giải trình trước Ban Trị sự và phật tử về việc phát quà vừa qua. Báo cáo mọi mặt công tác và việc thu chi đến từng chi tiết.

Cuộc họp đang tiến hành suôn sẻ thì từ ngoài cổng một người đàn ông đứng tuổi, dáng vẻ nghèo nàn, đi xăm xăm đến đứng trước cửa phòng họp, đưa tay chỉ thầy Phước Lạc và mọi người trong phòng, lớn tiếng lăng mạ:

- Mấy người tu hành ăn chay niệm Phật mà ăn gian làm dối, người nghèo thiệt không phát quà lại phát cho người nghèo giả?

Mọi người trong phòng đều chưng hửng, tự hỏi, nghèo mà có thật giả sao? Thầy Phước Lạc bước đến chắp tay xá người đàn ông, nói nhỏ nhẹ:

- A Di Đà Phật! Chào chú. Nếu chú có điều chi uất ức, thắc mắc hoặc thầy và các đạo hữu ở đây có làm điều gì sai trái, phật lòng chú thì xin chú vào phòng ngồi và nói cho thầy và các đạo hữu biết, khắc phục sửa chữa.

Bảy Hoanh chạy đi lấy ghế. Thầy Phước Lạc đưa người đàn ông đến ngồi vào đó và mở lời hết sức ngọt ngào:

- Hồi nãy thầy nghe chú nói người nghèo thiệt không phát quà mà phát cho người nghèo giả? Làm gì có chuyện đó hả chú?

- Có sao không?- người đàn ông trả lời cộc lốc.

- Chú là hộ nghèo ở địa phương này bị ban tổ chức bỏ sót?

- Không! Tui đến đây không phải xin xỏ quà của mấy người mà đến để đấu tranh cho lẽ phải và vạch trần bộ mặt đạo đức giả của mấy người.

Trước thái độ, lời lẽ ngang tàng, xấc xược và xúc phạm tăng ni, phật tử của nguời đàn ông, nhiều người trong phòng họp nóng mặt, nhao nhao phản đối.

Thầy Phước Lạc đưa tay ra dấu cho họ yên lặng, bình tĩnh và nói với người đàn ông bằng thái độ điềm đạm, ôn tồn:

- Chú không nên nóng nảy. Chuyện đâu còn có đó. Hãy từ từ nói. Trước tiên thầy cho chú biết là nhà chùa chỉ phát quà cho người nghèo địa phương.

Mỗi lần phát đều thông qua chính quyền xã ấp và phát theo danh sách của họ cung cấp chứ không phát theo cảm tình cá nhân của thầy hay của bất cứ ai trong ban tổ chức.

Nếu chú thấy có gì gian dối khuất lấp, thầy kêu anh Bảy Hoanh đưa danh sách cho chú coi.

Bảy Hoanh liền lấy bảng danh sách đưa cho người đàn ông, nói:

- Chú hãy xem cho kỹ và cho chúng tôi biết trong số ba mươi bốn người, ai nghèo thiệt ai nghèo giả?

Người đàn ông cầm bảng danh sách coi kỹ từ trên xuống rồi chỉ tên sáu người có đánh dấu chéo và nói đây là những người giả mạo.

Thầy Phước Lạc đưa mắt nhìn Bảy Hoanh dọ hỏi. Anh ấy há hốc miệng ngơ ngác. Một sự trùng hợp ngẫu nhiên, tình ngay mà lý gian. Bảy Hoanh hỏi người đàn ông:

- Chú căn cứ vào đâu mà bảo sáu người này không phải hộ nghèo?

-Cháu tui làm việc ở xã nói. Tui còn biết họ là ai nữa kia?- người đàn ông khẳng định.

- Họ là ai?- Bảy Hoanh hỏi.

Người đàn ông nói:

- Bốn người phụ nữ là vợ phó bí thư, chủ tịch, phó chủ tịch và cán bộ văn hóa xã; còn tên hai cháu trai không biết con ai. Nhưng bao nhiêu đó cũng đủ tố cáo mấy người vị kỷ vị thân nịnh nọt quan quyền rồi.

Đúng là một phát hiện “động trời”, ai nấy đều muốn nhảy dựng. Bảy Hoanh răn đe người đàn ông:

- Nè! Ăn bậy được chứ nói bậy không được đâu nghe? Chuyện này có liên quan đến danh dự và uy tín của cán bộ đó. Ông hãy liệu hồn?

Người đàn ông đứng phắt dậy, đáp trả:

- Chính mấy người mới hồ đồ ẩu tả coi thường dư luận, làm ăn mà không ngó trước nhìn sau còn ra thể thống gì? Đừng hăm dọa người ta mà hãy chuẩn bị đón lấy búa rìu dư luận đi.

Nói xong, ông ta bỏ ra về một nước. Phòng họp bàn tán xôn xao. Thực hư chưa rõ nhưng khi không bị mắng chửi khơi khơi ai nấy đều nghe ấm ức trong lòng. Ngược lại, thầy Phước Lạc vẫn vui vẻ như cái pháp danh của thầy.

- Thôi! Bỏ qua đi! Thầy khuyên mọi người. Nếu thật sự oan ức cũng không cần biện bạch vì biện bạch thì nhân quả chưa xả. “Thanh giả tự thanh”, mình trong sáng tự nó sẽ trong sáng, cũng như mặt trời không thể bị mây đen che khuất mãi được.

Để tìm ra sự thật, Bảy Hoanh âm thầm đi xác minh. Té ra, ông cán bộ văn hóa xã đã tự ý gài tên sáu người đó vào danh sách có sẵn.

Mục đích của ông ta không phải chỉ để lãnh quà từ thiện mà chủ yếu để hưởng các chế độ ưu đãi của Nhà nước.

Do tin tưởng thuộc cấp, ông chủ tịch không coi lại trước khi ký tên, đóng dấu. Điều đáng khen là sau khi sự việc bị phanh phui, ông chủ tịch không đùn đẩy trách nhiệm cho nhân viên mà tự nhận về mình, chịu kiểm điểm trước tập thể.

Cuộc đời sao lắm người ăn gian làm dối! Những tưởng chỉ có tiền giả, giấy tờ giả, thuốc tây giả, hàng hóa giả, nhà sư giả, ni cô giả… mà nay còn có cả người nghèo giả! Không biết sắp tới cái gì giả xuất hiện nữa đây?- Bảy Hoanh chép miệng tự hỏi.

TRƯƠNG HOÀNG MINH