Hồ Thúy An- cây bút trẻ cá tính của văn học Vĩnh Long

Cập nhật, 12:38, Chủ Nhật, 08/10/2017 (GMT+7)

Gặp lại cô Hồ Thúy An sau hơn 10 năm xa cách, cô thật khác trong ký ức của tôi- một học trò lớp 6 về cô giáo dạy văn điềm đạm, giọng nói trầm trầm, nhẹ nhàng mang đến những bài văn học lồng ghép bài học làm người. Cô giáo trẻ giờ đây nổi tiếng qua tính cách hài hước. 

Những chuyến đi của tuổi trẻ trở thành hành trang để cô viết nên những trang văn “đặc sệt” chất Nam Bộ. Trong ảnh: Cô Hồ Thúy An cùng bạn bè đi thực tế các làng nghề ở cù lao An Bình (Long Hồ). Ảnh: Nhân vật cung cấp
Những chuyến đi của tuổi trẻ trở thành hành trang để cô viết nên những trang văn “đặc sệt” chất Nam Bộ. Trong ảnh: Cô Hồ Thúy An cùng bạn bè đi thực tế các làng nghề ở cù lao An Bình (Long Hồ). Ảnh: Nhân vật cung cấp

Cô lại là cây bút gây ấn tượng với góc nhìn dung dị nhưng sâu sắc qua những bài thơ tình hay tiểu thuyết “đặc sệt” chất Nam Bộ về vùng sông nước trĩu nặng phù sa, chuyên chở tâm tư của bao con người chân chất, hiền hòa.

Cô giáo “lớn lên từ kho sách”

Hồ Thúy An (bút danh An Thi) sinh năm 1982. Cô có nhiều kỷ niệm gắn với nơi “chôn nhau cắt rốn”- TX Bình Minh và nơi cô trưởng thành- xã Tân Hòa (TP Vĩnh Long).

Với cha là giáo viên dạy Sử, Địa, còn mẹ dạy Vật lý, cô kể với giọng điệu hài hước: “Cô lớn lên từ một kho sách! Ngày xưa nhà cô cho thuê sách.

Mê đọc từ khi còn chưa biết chữ, cầm ngược sách đọc như một “trí thức”. Có lúc cha đi TP Hồ Chí Minh gom về mấy bao sách, chị em quên ăn quên ngủ chia nhau đọc xem có phù hợp không rồi mới bày lên kệ cho học sinh thuê”.

Vậy rồi tình yêu của cô đối với con chữ được nhen nhóm từ khi nào cô cũng chẳng biết. Ngọn lửa ấy cứ âm ỉ cháy mãi đến tận giờ, trở thành thói quen của cả gia đình.

Cô tự hào: “Thiệt sướng vì mọi người ở nhà có cùng sở thích. Em trai là kỹ sư xây dựng nhưng rất thích viết. Nếu có tứ truyện, hai chị em liền cùng nhau tranh luận. Nếu gặp từ khó sẽ đi cầu cứu “từ điển sống” là cha”.

Con đường đến với nghề của cô khá trắc trở khi 2 lần cô đều không có duyên học Văn tại ĐH Cần Thơ. Nhưng tình yêu đối với văn chương khiến cô từ chối cơ hội vào ngành Sử của trường để về học Văn tại Trường CĐ Sư phạm Vĩnh Long.

Là một cán bộ đoàn xông xáo, cô Hồ Thúy An tham gia mọi hoạt động văn hóa, văn nghệ ở trường. Khóa học của cô đã tổ chức thành công cuộc thi bình thơ và tự in tập thơ “Vầng trăng thương nhớ”, ghi lại kỷ niệm khó quên của tuổi học trò.

Năm 2003, cô là một trong những sinh viên ưu tú được chọn ra Hà Nội dự Đại hội Sinh viên. Trải nghiệm mang đầy hơi thở, nhựa sống của tuổi trẻ, thói quen đọc sách, nghe nhạc, sự nhạy cảm quan sát… trở thành hành trang quý báu tạo nên chất liệu và xúc cảm cho những trang thơ văn của cô.

Cây bút trẻ còn nhiều trăn trở

Cô giáo Hồ Thúy An từng gây tiếng vang khi trở thành quán quân nhận phần thưởng hơn 100 triệu đồng từ chương trình “Thách thức danh hài” trên truyền hình.

Mọi người quen với hình ảnh một cô giáo dạy Văn nghiêm túc ở Trường THCS Lê Quý Đôn (TP Vĩnh Long) hay quen với văn phong chân phương nhưng sâu sắc của cây bút An Thi đều ngỡ rằng có hai con người cùng tồn tại trong cô.

Cô cười sảng khoái, nói: “Nhất định phải có tiếng cười để thêm màu sắc cho cuộc sống. Khi đi thi, cô mong muốn tự khám phá bản thân và truyền lửa cho các em học sinh về bài học “vượt lên chính mình”.

Văn chương của cô cũng là những gì gần gũi nhất trong cuộc sống.

Trưởng thành trên vùng quê nơi con sông Tiền bắt đầu rẽ ra 6 cửa, hình thành các dãy cù lao xanh mướt cây lành trái ngọt, cô quan niệm sáng tác của mình phải được viết nên từ phương ngữ Nam Bộ.

Tài sản quý nhất của những người làm công việc sáng tạo là những “đứa con tinh thần” được đón nhận. Cô Hồ Thúy An có “gia tài” hơn 100 bài thơ, vài chục truyện ngắn và 4 truyện dài.

Cô chia sẻ điều tiếc nuối của mình là công tác trong ngành sư phạm nhưng chưa có sáng tác nào về đề tài này mà đều xoay quanh chủ đề gia đình.

“Đã là cá tính thì không thể thay đổi. Cảm hứng đến một cách tự nhiên thì chỉ có thể đón nhận. Có lúc nửa đêm phải bật dậy viết tháo viết đổ vì sợ cảm xúc vụt đi mất”- cô bộc bạch.

Trong sự chuyển động không ngừng của đời sống văn chương, người cầm bút, nhất là cây bút trẻ như cô cũng “chạy” không ngừng.

Cô nói luôn phải giữ chất riêng của mình nhưng không được cho mình chững lại. Hàng ngày, cô vẫn giữ thói quen quan sát, đọc sách và học hỏi từ bất cứ đâu.

Cô trở thành chủ nhiệm của CLB Sáng tác trẻ của Trường THCS Lê Quý Đôn. Cô cho biết: “Những người trẻ luôn cần được tiếp lửa và truyền cảm hứng, tạo điều kiện để sáng tác.

Bản thân cô được những người đi trước tận tâm giúp đỡ nên cô cũng muốn tiếp bước giúp thế hệ đi sau”. Lực lượng kế thừa của văn học tỉnh nhà chưa mạnh vì các em còn bị chi phối bởi việc học và những sinh hoạt thường nhật khác.

“Cần có những buổi họp mặt, trại sáng tác… để tạo sự giao thoa, gắn kết giữa thế hệ cũ và mới”- cô chia sẻ.

Nói về dự định, cô Hồ Thúy An đang ấp ủ những trang viết về các làng nghề ở quê hương Bình Minh. Đó không chỉ là kỷ niệm in khắc tình cảm đối với một vùng đất mà còn góp phần lưu giữ mãi truyền thống, những giá trị xưa cũ tốt đẹp của quê hương.

Tác phẩm đã in của Hồ Thúy An: Tiểu thuyết “Bến cũ”, truyện ngắn “Đuôi trắng”. Cô đạt giải khuyến khích cuộc thi Tiểu thuyết khu vực ĐBSCL lần I (2010- 2011), giải khuyến khích thơ Haiku (năm 2012), giải ba cuộc thi Tiểu thuyết tỉnh Vĩnh Long (năm 2013)…

PHƯƠNG THÚY