Sel Dolta- nét đẹp văn hóa của người Khmer

Cập nhật, 07:26, Thứ Tư, 20/09/2017 (GMT+7)

Hàng năm, ngoài Tết Chol Chnam Thmay, Lễ Oóc Om Bok thì độ khoảng cuối tháng 8 âm lịch đồng bào Khmer tổ chức lễ hội Sel Dolta, còn gọi là Tết Sel Dolta, nhằm tưởng nhớ công ơn cha mẹ, họ hàng, cầu phước cho linh hồn những người đã khuất, tri ân tổ tiên mở đất, phù hộ cho xóm làng an vui đã trở thành nét văn hóa đặc trưng của đồng bào Khmer Nam Bộ.

Không tưng bừng, náo nhiệt mà lễ Sel Dolta nhẹ nhàng, ấm cúng mang đậm bản sắc văn hóa, tín ngưỡng đặc trưng của người Khmer.

Đồng bào dân tộc Khmer mang lễ vật đến chùa dâng cúng đức Phật và tổ tiên.
Đồng bào dân tộc Khmer mang lễ vật đến chùa dâng cúng đức Phật và tổ tiên.

Lễ Sel Dolta

Lễ Sel Dolta được diễn ra trong 3 ngày. Nghi lễ được diễn ra tại nhà. Các gia đình dọn dẹp nhà cửa, bàn thờ Phật và quần áo mới để rước ông bà về dự. Một mâm cơm được bày lên, gồm thức ăn với chén đũa, rượu, trà, bánh... để cúng ông bà nơi bàn thờ.

Mỗi gia đình chuẩn bị lễ vật như: cơm trắng, bánh tét, trái cây... mang lên chùa để cúng. Sư cả tụng kinh, cầu siêu cho linh hồn tất cả mọi nhà trong phum sóc. Ngày cuối cùng là dâng cơm chư tăng và cúng cơm ông bà tại nhà.

Lễ Sel Dolta của đồng bào Khmer Nam Bộ năm 2017 diễn ra trong 3 ngày từ ngày 19- 21/9, đây là 1 trong 3 lễ hội truyền thống lớn nhất của đồng bào Khmer.

Ngoài thực hiện các nghi thức của lễ Sel Dolta, khi đến chùa, bà con Khmer còn được xem triển lãm tranh ảnh về dân tộc mình.
Ngoài thực hiện các nghi thức của lễ Sel Dolta, khi đến chùa, bà con Khmer còn được xem triển lãm tranh ảnh về dân tộc mình.

Để tạo điều kiện cho đồng bào dân tộc Khmer trong tỉnh vui lễ Sel Dolta theo tinh thần vui tươi, tăng cường đoàn kết và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Khmer, UBND tỉnh Vĩnh Long đã chỉ đạo các ngành có liên quan, các địa phương tổ chức họp mặt, thăm viếng chùa, sư sãi, các gia đình chính sách, người có uy tín trong đồng bào dân tộc Khmer;

tổ chức các hoạt động vui chơi, giải trí lành mạnh, nhằm gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Khmer và truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc.

Sư cả chùa Kỳ Son Thạch Chanh Nhenh (xã Loan Mỹ- Tam Bình) cho biết: Lễ chính được tổ chức trong ngày 21/9. Phật tử đến chùa để cúng Phật và cầu siêu cho tổ tiên.

Buổi tối, phật tử đến chùa thỉnh chư tăng tụng kinh chúc phúc, cầu an và tập trung nghe thuyết pháp… để hồi hướng phước báu cho những người đã quá cố.

Nhiều phật tử Khmer đều tập trung tại chùa, người bưng mâm cơm, người mang khay bánh kẹo, người đem hoa quả… để dâng chư tăng và cung thỉnh chư tăng tụng kinh hồi hướng.

Thời gian từ mờ sáng đến trước giờ ngọ. Buổi chiều ngày chánh lễ, mọi người thường tập trung về gia đình để cúng ông bà.

Nét đẹp văn hóa Sel Dolta

Như cây có cội, nước có nguồn, đồng bào Khmer xem Sel Dolta là đại lễ giống như lễ Vu lan của người Kinh, dịp để con cháu tỏ lòng thành kính. Đây cũng là dịp để con cháu tụ họp quây quần bên nhau, nhen lên ngọn lửa ấm áp của gia đình.

Các điệu múa truyền thống được trình diễn trong các dịp lễ hội của đồng bào Khmer.
Các điệu múa truyền thống được trình diễn trong các dịp lễ hội của đồng bào Khmer.

Trong lễ Sel Dolta, những món ăn thân thiết, gần gũi với đời thường như trái cây vườn nhà, sản vật chợ quê, nếp thơm dẻo được bàn tay khéo léo của phụ nữ Khmer chế biến thành thức ăn truyền thống như bánh tét, bánh nếp, bánh ít dâng lên bàn thờ cúng tổ tiên.

Con cháu các hộ Khmer còn chuẩn bị các thức ăn, lễ vật có ý nghĩa dâng lên ông bà, cha mẹ còn sống để tỏ lòng hiếu kính.

Chị Thạch Thị Mương (xã Đông Thạnh- TX Bình Minh) cho biết, từ ngày 16- 30/8 âl (năm nay do năm nhuần nên nhằm vào cuối tháng 7 âm lịch- PV), bà con chúng tôi đều tập trung vào chùa để nghe kinh Phật và cúng linh vị tổ tiên đã gửi vào đây.

Trong những ngày này, dù khá giả hay khó khăn cũng đều làm mâm cơm cúng ông bà. Đơn giản thì bánh tét, thịt heo kho rệu.

Nhà nào khá chút thì làm thêm con gà, con vịt và đem đồ ăn đi cúng chùa, đặt bát. Mạnh ai nấy hồi hướng đến người thân quá vãng và cả những người đã mất mà không phải họ hàng để tỏ lòng hiếu kính”.

Với những người lớn tuổi, Sel Dolta càng đầm ấm hơn. Chú Thạch Quơn (ấp Sóc Ruộng, xã Tân Mỹ- Trà Ôn) tâm sự: “Trong ký ức của tôi, những ngày cúng ông bà tổ tiên, có nhiều bánh ngọt, trẻ con được ăn những món ngon. Giờ thì dịp lễ tết để con cháu sum họp gia đình, phum sóc thêm thắt chặt tình yêu thương, đoàn kết và giúp đỡ lẫn nhau”.

Những gia đình nhỏ thường tề tựu về mái nhà chung để cúng ông bà. Anh Thạch Sa Phe (ấp Sóc Rừng, xã Loan Mỹ- Tam Bình) đã chuẩn bị sẵn sàng cho Sel Dolta.

“Dù bận rộn thế nào, chúng tôi cũng tranh thủ sum họp, cùng gia đình. Đây còn là dịp để bà con thắt chặt tình đoàn kết thương yêu giúp đỡ nhau”. Ngày cúng ông bà, vợ chồng anh Sa Phe cùng 2 con nhỏ về nội, về ngoại và không quên gói bánh tét, nấu món bún nước lèo, thịt heo kho rệu.

Sel Dolta là một lễ hội truyền thống của đồng bào Khmer, là dịp họp mặt gia đình, mọi người gặp gỡ, thăm hỏi, bàn bạc, trao đổi chuyện tương lai.

Nhờ đó, tình cảm gia đình đầm ấm, thắt chặt tình đoàn kết trong phum sóc. Đồng thời, nó còn mang một ý nghĩa sâu sắc là sự gắn kết tình làng nghĩa xóm, tinh thần đoàn kết giữa đồng bào Khmer với các dân tộc khác.

 

Trong những ngày diễn ra lễ hội, các chùa Khmer thường tổ chức nhiều chương trình, biểu diễn nghệ thuật đậm đà bản sắc văn hóa Khmer như hòa nhạc ngũ âm, hát dù kê, múa truyền thống lăm vông... cùng với nhiều hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo, phong tục, tập quán đặc sắc của đồng bào Khmer.

 

  • Bài, ảnh: QUYÊN HUYỀN