TTXVN ra mắt sách '70 năm đền ơn đáp nghĩa (1947-2017)'

Cập nhật, 08:58, Chủ Nhật, 16/07/2017 (GMT+7)

Cuốn sách “70 năm đền ơn đáp nghĩa (1947-2017)” do Thông tấn xã Việt Nam và Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội phối hợp biên soạn phát hành nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh - liệt sĩ 27/7.

Sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo đã trải qua hơn 80 năm. Nhân dân Việt Nam trong hơn 8 thập niên đã chịu đựng muôn vàn hy sinh, gian khó để viết tiếp những trang sử hào hùng của lịch sử dân tộc 4.000 năm. 

Cuốn sách do TTXVN và Bộ Lao động, Thương binh & Xã hội phối hợp thực hiện.
Cuốn sách do TTXVN và Bộ Lao động, Thương binh & Xã hội phối hợp thực hiện.


Ngày nay, Tổ quốc đã độc lập, giang sơn liền một dải, nhân dân đã tự do, được sống trong hòa bình để xây dựng cuộc sống ngày một no ấm, hạnh phúc là nhờ sự hy sinh to lớn của các anh hùng liệt sĩ, của đồng bào, đồng chí trong suốt các cuộc chiến tranh giành độc lập và bảo vệ Tổ quốc. 

 

Những người mẹ mất con, những người vợ mất chồng, những người thanh niên trai tráng đã hiến dâng cuộc sống của mình cho Tổ quốc, cho nhân dân, hàng triệu người khác bị thương tật hoặc phải gánh những di họa của chiến tranh tàn khốc.

 

Để đền đáp công ơn to lớn đó và tri ân các anh hùng liệt sĩ, phát huy truyền thống đạo lý uống nước nhớ nguồn của dân tộc, từ năm 1947 Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề nghị lấy ngày 27/7 hằng năm là "Ngày thương binh toàn quốc", sau đổi thành Ngày Thương binh - liệt sĩ. 

 

Sinh thời Người nói: “Các liệt sĩ đã đem xương máu của mình vun đắp cho cây cách mạng, cho nên cây cách mạng đã khai hoa kết quả tốt đẹp như ngày nay... Công trạng của các liệt sĩ đã ghi sâu vào lòng toàn dân và non sông đất nước. Máu nóng của các liệt sĩ đã nhuộm lá Quốc kỳ vẻ vang càng thêm thắm đỏ. Tiếng thơm của các liệt sĩ sẽ muôn đời lưu truyền với sử xanh”. Dân tộc Việt Nam mãi mãi ghi nhớ câu nói và tư tưởng “hiếu nghĩa bác ái” của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

 

Suốt 70 năm qua, dù trong điều kiện chiến tranh hay hòa bình, đất nước trải qua những thời kỳ khó khăn, thiếu thốn gay gắt, Đảng và Nhà nước vẫn luôn coi trọng việc chăm sóc gia đình thương binh, liệt sĩ, bệnh binh và những người có công với cách mạng. 

 

Hệ thống các chế độ chính sách luôn được bổ sung, sửa đổi nhằm từng bước cải thiện cuộc sống của thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và đời sống chung của nhân dân. 

 

Pháp lệnh ưu đãi Người có công với Cách mạng ban hành năm 2005 và được sửa đổi, bổ sung năm 2012, đã thể hiện lòng biết ơn sâu sắc, sự quan tâm cụ thể, thiết thực của Đảng, Nhà nước dành cho thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ. Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc của Đảng qua các thời kỳ đều khẳng định sự quan tâm chăm lo, đền ơn đáp nghĩa đối với người có công với cách mạng. 

 

Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII tiếp tục ghi nhận: “Thực hiện tốt chính sách chăm sóc người có công trên cơ sở huy động mọi nguồn lực xã hội kết hợp với nguồn lực của Nhà nước, bảo đảm người có công có mức sống từ trung bình trở lên”.

 

Đến nay, hơn 9 triệu người có công đã được hưởng chính sách ưu đãi của Nhà nước. Hầu hết người có công đã có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của cộng đồng dân cư nơi cư trú.

 

Cùng với những chính sách của Đảng và Nhà nước, nhiều phong trào của các địa phương, các tổ chức xã hội và cá nhân đã làm cho công tác thương binh liệt sĩ trở thành công tác thường xuyên của toàn xã hội. Các hoạt động thiết thực được triển khai như xây dựng nhà tình nghĩa, lập quỹ đền ơn đáp nghĩa, tặng sổ tiết kiệm, chăm sóc cha mẹ liệt sĩ già yếu cô đơn và con liệt sĩ mồ côi, ổn định đời sống thương bệnh binh nặng ở gia đình, phụng dưỡng mẹ Việt Nam anh hùng... 

 

Cả nước đã đóng góp xây dựng được hàng vạn căn nhà tình nghĩa tặng các bà mẹ Việt Nam anh hùng, các gia đình liệt sĩ, thương binh và người có công với cách mạng. Hàng ngàn nghĩa trang trên khắp cả nước, trong đó có những nghĩa trang lớn như nghĩa trang Trường Sơn, nghĩa trang Điện Biên Phủ được tôn tạo, tu bổ. Việc tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ được thực hiện với lòng biết ơn sâu sắc, nhằm chia sẻ, làm dịu bớt nỗi đau thân nhân liệt sĩ.

 

Bên cạnh các chính sách, sự chăm lo của Đảng, Nhà nước và nhân dân, cảm thông với những khó khăn chung của đất nước suốt mấy chục năm qua, thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ và người có công với cách mạng đã nỗ lực phấn đấu, vượt lên muôn vàn khó khăn, cần cù lao động để tự chăm lo cuộc sống của mình và góp phần xây dựng đất nước.

 

Nhiều thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ và người có công với cách mạng đã trở thành những tấm gương tiêu biểu “Người công dân kiểu mẫu”, “Gia đình cách mạng gương mẫu”, nhiều người trở thành các nhà khoa học, nhà quản lý giỏi, trở thành doanh nhân làm giàu chân chính cho bản thân và giúp đỡ những người khác. Nhiều người được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang, Anh hùng Lao động, chiến sĩ thi đua... 

 

Và còn rất nhiều những tấm gương thương binh, con liệt sĩ, người có công với cách mạng trên khắp mọi miền đất nước đang ngày đêm hăng say lao động, góp phần xây dựng đất nước trong thời bình.

 

Năm 2017 kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh - liệt sĩ là dịp để toàn Đảng, toàn dân và mỗi chúng ta ôn lại những trang lịch sử hào hùng của dân tộc, để từ đó hiểu hơn ý nghĩa và sự hy sinh vô giá của những người con ưu tú cho độc lập, tự do của Tổ quốc, thấm thía hơn tư tưởng tình cảm “hiếu nghĩa bác ái” mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khởi xướng ngay trong những ngày đầu cách mạng.

 

Cuốn sách “70 năm đền ơn đáp nghĩa (1947-2017)” do Thông tấn xã Việt Nam và Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội phối hợp biên soạn phát hành nhân dịp này, là một nén nhang tưởng nhớ những người anh hùng đã ngã xuống vì độc lập, tự do của Tổ quốc, là một lời biết ơn sâu sắc và chân thành của thế hệ những người Việt Nam hôm nay được sống trong hòa bình gửi tới các thương binh, thân nhân liệt sĩ, gia đình người có công.

 

Theo TTXVN/Tin tức