Tháng Bảy tri ân!

Cập nhật, 08:49, Thứ Bảy, 22/07/2017 (GMT+7)

Tháng Bảy về! Kỷ niệm ngày Thương binh- Liệt sĩ, không ai có thể không nhớ đến sự hy sinh to lớn của các anh hùng liệt sĩ, những thương binh đã cống hiến máu xương để giành lấy độc lập, tự do cho Tổ quốc, cho nhân dân ta được sống trong cảnh thanh bình hôm nay.

Ngày 27/7 hàng năm không phải chỉ để kỷ niệm, để nhớ ơn thương binh, liệt sĩ mà còn là ngày nhắc nhở toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, các ngành, các cấp, các đoàn thể phải luôn luôn chăm sóc tốt các gia đình liệt sĩ và thương bệnh binh, thực hiện tốt chính sách của Đảng và Nhà nước đối với những người có công với nước;

những Bà mẹ Việt Nam anh hùng, những thương binh và gia đình liệt sĩ, để xem chúng ta đã làm được gì và những gì cần phải tiếp tục thực hiện trong chính sách đền ơn, đáp nghĩa, toàn xã hội đã làm gì để bù đắp những mất mát lớn lao của thương binh, gia đình liệt sĩ cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, trong đó có việc tìm kiếm, quy tập hài cốt các liệt sĩ nằm rải rác khắp các chiến trường hoặc bị địch vùi lấp ở một nơi nào đó (có những trường hợp hy sinh ta không lấy được xác, địch không đem chôn cất tử tế mà vùi lấp nơi nào đó ta không tìm kiếm được).

Thật là khó khăn, nhưng chúng ta- những người có trách nhiệm thực hiện chính sách không từ bỏ tia hy vọng nào và không bao giờ từ bỏ công việc tìm kiếm hài cốt liệt sĩ mỗi khi còn có những gia đình liệt sĩ chưa tìm được hài cốt người thân của mình.

Hơn 40 năm qua sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, Đảng bộ và chính quyền các cấp luôn quan tâm tổ chức tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ, dành những địa điểm tốt nhất, thuận tiện cho việc đi lại thăm viếng để xây dựng các nghĩa trang liệt sĩ, quy tập hài cốt những anh hùng liệt sĩ về nơi an nghỉ với những ngôi mộ có tên và những ngôi mộ không có tên.

Chiến trường quá ác liệt, kéo dài nhiều năm… nên có nhiều ngôi mộ chôn tạm bị bom đạn cày xới, có những nghĩa trang trong thời chiến bị giặc san bằng trong thời kỳ chúng thực hiện chương trình bình định sau Mậu Thân như Nghĩa trang Rạch Súc, xã Mỹ Thuận (huyện Bình Minh cũ) nay thuộc xã Nguyễn Văn Thảnh (huyện Bình Tân) bị địch dùng xe ủi đất san bằng, hay nghĩa trang ở xã Tân Nhuận Đông, huyện Châu Thành (nay thuộc tỉnh Đồng Tháp) cũng giống như Nghĩa trang Rạch Súc.

Nếu ai có dịp đi qua con đường Nha Mân về xã Hòa Tân, sẽ nhìn thấy nghĩa trang xã Tân Nhuận Đông nằm cặp lộ. Nơi ấy, các hài cốt liệt sĩ chôn cất ở đây bị địch dùng xe ủi đất ủi xuống sông Nha Mân.

Hiện giờ trên nền nghĩa trang ấy chính quyền địa phương dựng lên bia tưởng niệm, tượng đài liệt sĩ, cũng có những ngôi mộ các anh hùng liệt sĩ nhưng không có hài cốt, không có tên của liệt sĩ, để bà con và gia đình các liệt sĩ đến thăm viếng. tưởng niệm vong linh của các anh hùng liệt sĩ…

Thế đấy, trong thực tế, có những ngôi mộ bị san bằng hoặc có những ngôi mộ bị mất tấm bia cắm trước mộ (vì trong hoàn cảnh chiến tranh ác liệt kéo dài, khi chôn cất liệt sĩ, cán bộ địa phương chỉ ghi tạm tấm bia mộ bằng miếng ván, thời gian mưa nắng đã làm bia mục nát).

Mồ mả, tên tuổi các liệt sĩ từ đó bị thất lạc, có những liệt sĩ cho đến bây giờ hơn 40 năm tìm kiếm mà vẫn không tìm thấy được, hoặc khi tìm kiếm được thì cũng không biết được hài cốt đó là của ai, đành phải mắc nợ các anh, các chị về những ngôi mộ không có tên.

Đó là những nỗi đau của những bà mẹ mất con, những người vợ mất chồng, một thực tế đau lòng mà chúng ta không thể làm gì được để an ủi những người thân của những gia đình liệt sĩ cho đến bây giờ vẫn còn không biết con mình, chồng mình nằm ở đâu!

Có khi còn thất lạc chưa tìm kiếm được, nhưng cũng có khi đang nằm trong những hàng ngôi mộ không tên ở các nghĩa trang.

Ôi! Chiến tranh đã để lại biết bao đau thương, mất mát nhưng không có nỗi đau nào bằng khi không tìm được hài cốt người thân! Họ đang nằm ở nơi nào đó trong lòng đất hay bị bom đạn cày xới.

Phong tục người Việt Nam chúng ta: “sống có nhà, chết phải có mồ”. Điều tâm linh đó ai cũng biết, nhưng biết làm sao hơn khi mà mọi cố gắng, mọi nỗ lực đã không đáp lại lời cầu mong, ta đành phải xin lỗi các bà mẹ, các người vợ, các gia đình không tìm thấy được người thân của mình.

Chúng ta chỉ còn biết nói với vong linh những người đã khuất và những gia đình liệt sĩ lời tri ân của toàn xã hội đối với sự hy sinh của các anh hùng liệt sĩ cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, để có được cuộc sống yên bình của chúng ta ngày nay, và cũng xin hứa với họ công cuộc tìm kiếm vẫn được tiếp tục, vì không bao giờ có chuyện: “hài cốt cuối cùng”.

Tháng Bảy lại về! Mọi người sẽ đến các nghĩa trang nơi các anh, các chị an nghỉ để thắp nén hương tưởng niệm, để nhớ ơn và để nguyện với lòng: sống sao cho xứng đáng với sự hy sinh của các anh hùng liệt sĩ.

NGUYỄN THANH