Đọc sách "Mùa hè năm ấy"

"Ai cũng có mùa hè mà sau đó, mình thay đổi"

Cập nhật, 18:18, Thứ Bảy, 03/06/2017 (GMT+7)

Mùa hè gắn với nhiều kỷ niệm đẹp của đời người, nhất là ở lứa tuổi học trò. “Mùa hè năm ấy” của Đặng Huỳnh Mai Anh tìm kiếm sự đồng điệu trong tâm hồn độc giả bởi chuyến trải nghiệm hè với bao bài học dung dị nhưng đắt giá về tình bạn, về gia đình. Gấp quyển sách lại, tôi và nhiều người trẻ tìm thấy mình và… bắt đầu thay đổi.

Ảnh: Internet
Ảnh: Internet

Đặng Huỳnh Mai Anh là gương mặt khá quen thuộc đối với những ai quan tâm đến lĩnh vực môi trường. Cô là đại sứ môi trường toàn cầu năm 2012 và là đại diện của Việt Nam tham gia Hội nghị thượng đỉnh thanh niên thế giới tại Anh.

Có vẻ không liên quan đến việc viết lách và cả lĩnh vực môi trường khi Mai Anh vốn xuất thân là một thạc sĩ kinh tế tại Anh. Hành trình chinh phục tri thức của cô là cả một quá trình dài nỗ lực sau 12 lần xin học bổng thất bại.

Học về những con số, kể chuyện bằng những con chữ và tự vẽ tranh minh họa cho bài viết của mình, Mai Anh khiến độc giả xiêu lòng vì sự thật thà trong cách kể chuyện.

“Mùa hè năm ấy” giống một lời tâm tình nhưng những câu chữ đời thường đứng cạnh nhau lại tạo nên chiều sâu trong suy nghĩ, gửi gắm bao nhiêu bài học sâu sắc.

“Mùa hè năm ấy” kể về hành trình 5 tuần trao đổi văn hóa trên đất Mỹ của Mai Anh- mà mỗi câu chuyện kể đều không giấu sự vụng về, ngớ ngẩn trong chuyến đi sống xa nhà lần đầu.

Thử thách mà cô phải trải qua là sự hòa nhập kép: phải thích nghi với nền văn hóa của một vùng đất xa xôi và sinh hoạt với nhiều bạn bè ở các nước trong khu vực Đông Nam Á.

Bất kỳ đứa trẻ nào cũng sẽ có lúc phải rời xa vòng tay gia đình. “Ngần ngừ” khi bước khỏi “vùng an toàn” là điều không tránh khỏi. Và bài học đầu tiên mà người trẻ nào cũng phải trải qua, đó là bài học thích nghi.

Bị kẹt lại ở sân bay, homestay trong gia đình của người bản xứ, chèo thuyền suýt mất mạng… là những điều “dở khóc dở cười” khiến một người trẻ con như Mai Anh trưởng thành. Nắm lấy tay người khác hay dang tay để người khác nắm lấy là điều cần thiết trong cuộc sống.

Tình bạn là chủ đề xuyên suốt trong câu chuyện. Cô viết “không có cuộc đoàn tụ nào lại không cần sự cố gắng của những cố nhân” khi gặp lại người bạn cũ hơn 8 năm xa cách.

Được trở thành bạn bè đã là một điều kỳ diệu và kỳ diệu hơn nữa là cách bản thân giữ gìn và trân trọng tình bạn mà mình có được.

Núi này cao sẽ có núi khác cao hơn. Mai Anh có chút tủi thân khi thấy mình kém cỏi giữa những người giỏi. Và bài học lớn nhất mà cô nhận ra là mình thật nhỏ bé, có những lúc cần thôi tỏ ra “tôi là người đặc biệt”, chịu lắng nghe và học hỏi nhiều hơn.

“Mùa hè năm ấy” thật khó quên vì Mai Anh được cùng những người bạn mới ngồi trên đỉnh núi ngắm pháo hoa, rong ruổi bằng xe đạp trên con đường thênh thang không một bóng người, tự hỏi đâu là phương hướng. Đó là những mông lung về tương lai mà những người trẻ hay bắt gặp.

Thế giới quá rộng lớn và nhiều ngã rẽ. May mắn thay, chúng ta có những người bạn đồng hành để cùng nhau tìm đường.

Ai trong chúng ta cũng đi qua một thời áo trắng. Đến khi bôn ba giữa cuộc đời mới biết những ngày ấy tươi đẹp vô cùng.

Nhẹ nhàng như dòng nước mát len lỏi vào mỗi ngóc ngách tâm hồn, bản nhạc mùa hè của Mai Anh có những nốt trầm sâu lắng giữa tình bạn, tình cảm gia đình, giữa hội ngộ và chia ly.

Lấp lánh khắp trang sách là tinh thần lạc quan, niềm tin yêu cuộc sống và hoài bão của người trẻ. Sau những va vấp, ta sẽ vỡ lẽ rằng chẳng cần tỏ ra là một người đặc biệt mà chúng ta vẫn có thể thật cuốn hút. Một mùa hè nữa lại sang, hãy lên đường và tìm lối đi riêng cho mình!

PHƯƠNG THÚY